29.07.2016

THẾ LỰC NGƯỜI TRUNG HOA TRÊN ĐẤT VIỆT NAM - Đào Trinh Nhấ

Cộng đồng sách Omega: Quyển này phát hành năm 1924 đã bị người Tàu tìm mua tất cả đem đi thiêu huỷ, do đó sách không có bao nhiêu ngoài thị trường sách. Vì viết ra quyển này nên tác giả Đào Trinh Nhất bị người Tàu âm mưu hãm hại vu khống ông với các tội danh nhưng nhờ quan toà người Pháp công minh, đồng bào của ông bênh vực nên ông thoát nạn. Đặt vào trường hợp ngày nay khi Việt Nam đang bị bủa vậy trước nhiều thủ đoạn của người Tàu nhưng nếu Việt Nam vẫn còn những người can đảm như tác giả dám vạch trần thủ đoạn của người Tàu với nước ta, vẫn còn những người biết bênh vực đồng bào mình, vẫn còn những vị lãnh đạo công minh thì chừng đó Việt Nam vẫn vững vàng trước sóng gió bão tố từ Trung Hoa.

THẾ LỰC NGƯỜI TRUNG HOA TRÊN ĐẤT VIỆT NAM
Đào Trinh Nhất
                                                 Ảnh: internet


Tao Đàn:  Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ

Bạn có biết đã từng có Làn sóng Tẩy chay hàng Tàu diễn ra vào năm 1919 bắt đầu từ Sài Gòn và lan rộng ra trên cả nước?

Bạn có muốn biết đầu thế kỷ 19 – Đường Catinat, Phố Paris, phố Marin, phố Chợ… ở SG buôn gì, bán gì? Dân Sài Gòn những năm 1920 xài hàng gì, sống như thế nào, chuộng những mặt hàng nào không? Và người Hoa đã thống lãnh phố Catinat như thế nào?

Tại sao lại có chuyện Người Việt làm, còn người Hoa hưởng?

Khi người Hoa sang Việt Nam, họ đã thành lập 05 bang hội như thế nào? Đó là 5 bang hội nào và họ sinh sống bằng những nghề gì?

Những vấn đề có thể giúp bạn lý giải được phần nào phong trào “Bài Hoa” năm 1978.


Phải chăng thời nay mới có các vấn nạn: tiền giả và buôn người? Không, bạn phải đọc để thấy, cách đây cả trăm năm Trung Hoa đã tuồn tiền giả sang Việt Nam như thế nào, và buôn bán lao động, phụ nữ Việt Nam ra sao?

Bạn có muốn biết tính cách nào đã giúp người Hoa bành trướng ra được khắp thế giới?

Như tằm ăn rỗi, người Hoa đã làm gì với nền kinh tế Việt Nam thời đó?

Bạn có muốn biết sự khác biệt trong tính cách người Nam Kỳ và người Bắc Kỳ?

Tại sao cần phải di dân vào Nam kỳ? Tại sao cần phải khai khẩn đất hoang? Tại sao cần phải phát triển nghề canh nông? Tại sao phải phát triển công nghệ?
Những điều được nói đến trong cuốn sách vẫn có giá trị cho đến tận ngày nay.

Và cuối cùng, Sức mạnh nào có thể giúp Nam Kỳ và Bắc Kỳ chung tay chống lại người Hoa?

Mời các bạn đặt bản bìa cứng sách “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” của tác giả Đào Trinh Nhất để biết thêm nhiều nhiều các vấn đề khác.

Link đặt sách ở đây :https://goo.gl/ye1SBi
____

Đào Trinh Nhất

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 1)

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO NAM KỲ là tư liệu  mà tôi có ý thức tìm kiếm từ mấy chục năm trước, và mới đây, thực may mắn, được Đoàn Lê Giang- chủ nhân của kho tư liệu đồ sộ, sẵn sàng cung cấp văn bản khi tôi tỏ ý muốn đưa ra cho công chúng rộng rãi trên  nguyenducmau.blogspot.com và trên vanhoanghean.com.vn – Nhân đây xin cảm ơn Đoàn Lê Giang, người bạn luôn luôn hào phóng và nhiệt tình với những ý tưởng vì cộng đồng.

Nhưng vì lý do thời gian nên bản vi tính này, do một người bạn khác của tôi giúp đỡ, không được hoàn hảo như bản gốc, một vài chỗ vẫn còn lỗi đánh máy, mong muốn có thời giờ sửa chữa trong tương lai.

Tôi cũng đã thử đưa chữ Hán vào văn bản như bản gốc đã có, nhưng nhiều chữ bị thiếu trong Từ điển Việt Hán Nôm 2004, không đáp ứng được đầy đủ các chữ mà văn bản đòi hỏi, và do khả năng kĩ thuật hạn chế, nên tôi đành gác công đoạn này lại, sửa sau, chỉ vì lí do muốn sớm đưa ra cho bạn bè xa gần có tư liệu dùng tạm. Những chữ trong ngoặc ( TH) là chỗ người đánh máy đánh dấu chỗ nguyên gốc là chữ Hán để điền sau.

Mong rằng sẽ có nhiều tư liệu đến được với giới nghiên cứu và những người có nhu cầu tri thức.
Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2011
Nguyễn Đức Mậu
____

Nhà văn Đào Trinh Nhất gửi ông Nguyễn- Đình- Phẩm, chủ nhà Yến-Mỹ, Hà nội

Ông Nguyễn Đình Phẩm.

Chắc ông cũng vui lòng nhận mấy lời trong bức thư này mà tôi để lên trên trang đầu quyển sách của tôi, tức là để cảm ơn ông vậy.

Ông với tôi thuở nhỏ là bạn học một trường, có tình chí thiết, đến sau ra đời, mỗi người đi một ngả; ông thì dọc ngang trên đàn thực – nghiệp, như có ngày nay, tôi thì lênh đênh mãi trên bể văn – chương, chưa biết đâu là bờ bến. Tôi vẫn lấy việc trước – thuật là nghề – nghiệp mà cùng là phận – sự của mình, thường ngỏ ý ấy cùng ông; ông nói rằng: “ Quốc văn trong lúc này đang cần có nhiều tay thợ khéo để xây dựng lên, những trước – thuật gì có bổ ích cho đời hãy nên làm, chớ có xuất bản những sách văn thơ nhảm nhí, tiểu – thuyết dâm bôn, mà rắc độc ra trong xã hội đó!”. Ý tôi vốn nghĩ như thế, lại được ông khuyến- khích thêm, thành ra tôi khái nhiên, không chiều tâm- lí của người đời, cùng là khuynh – hướng của xã- hội, mà mạnh bạo xuẩt bản quyển sách này vậy.

Ông là người có thịnh – danh trong thương – trường, lại cũng có thịnh – danh trong công việc từ thiện công- ích nữa; nhiều người biết ông đã từng mở đường cho trong làng, lấy chỗ đi lại, đã từng đào cừ cho dân trong vùng ông lánh nạn tiêu-khô, lại đã từng lập một trường học, ở trong hàng tổng, cho con em có chỗ học, sự  nghiệp ấy của ông không cần gì tôi phải tán dương mới có người  biết, duy chỉ cảm vì ông là một nhà thực nghiệp, mà nền quốc văn trong buổi bấp bênh này, ông cũng lấy công phu khuyến khích, giúp đỡ vào công việc bồi đắp cho thành, tuy kết quả sau này chưa ai biết đâu, nhưng một chỗ đó, đủ biết ông cũng có tâm địa đáng khen lắm.

Phương chi tôi viết quyển sách này, bàn về một vấn đề kinh tế trong nước ta, thì ông cũng lấy tri thức chuyên trường về thương nghiệp, mà góp nhặt cho tôi được nhiều tài liệu tốt, mách bảo cho tôi nhiều ý kiến hay, mà nên một sự nghiệp nhỏ mọn này, có thể nói là do ở công phu chung của đôi ta mà ra được. Tôi cảm ơn ông trong bức thư này là vì thế.

Quyển sách này ra đời, nếu như có được một vài ý kiến nào khả thủ, có ích cho đồng bào, mà được bạn trí thức trong nước khen, thì tiếng khen ấy tôi với ông cùng hưởng; nếu như là ý kiến chưa nhằm, nghị luận chưa xác, mà phải có người chê, thì tiếng chê ấy, tôi với ông ta cùng chịu. Nhưng thiết nghĩ ở đời, ta làm việc gì cứ mạnh bạo mà làm, miễn là biết đến xã hội và không phụ lương tâm thì thôi, cái tiếng khen chê, chẳng lấy gì làm quan hệ cho ta lắm. Có phải chăng, ông?
Hanoi, ngày 1 Novembre 1924

ĐÀO – TRINH – NHẤT

ĐẠI – Ý QUYỂN SÁCH NÀY

Xứ Nam – kỳ tức là một cuống họng của ta, đối với trong là một kho tàng to, quay ra ngoài là một thị trường lớn, công phu cha ông khai thác mấy trăm năm, mới có ngày nay, để cho con cháu làm của gia tài, đáng lẽ ta không nên dễ cho ai phạm vào quyền lợi ấy của ta mới phải.
Thế mà bị 20 vạn người Tầu là một dân – tộc có tài thực dân kéo nhau sang hạ cái thủ – đoạn kiếp – lược dần dần, bây giờ nghiễm nhiên làm ông chủ – nhân trong trường thương mại công nghệ của ta, thôi thì trên bến dưới thuyền, thượng vàng hạ cám, nhất thiết lợi quyền đều vào tay họ lũng đoạn hết, ta cam tâm để họ đè nén: khó nhọc ta gánh, miếng ngon họ ăn, bao nhiêu lâu nay, ta chịu mãi cái nỗi “cường tân áp chủ” như thế.

Ôi! Vận mạng của ta ở xứ Nam kỳ, tương lai của ta ở xứ Nam kỳ, không có lẽ ta cứ điềm nhiên để họ kiếp lược chiếm ta như vậy mãi được, chắc phải tìm cách nào tước bớt cái thế lực họ đi, và thu lại những mối lợi mà mình có quyền chính đáng được hưởng mới được. Song lẽ, muốn tước bớt cái thế lực họ đi, và thu lại những mối lợi mà mình có quyền chính đáng được mới được, thì phải làm thế nào?

Quyết không phải chỉ cau mày trợn mắt, làm truyện như tẩy chay năm nào, mà thành công được đâu! Vì phải xét họ gây được cái thế lực to lớn vững vàng ở Nam kỳ như ngày nay, nào là di dân, nào là bỏ vốn, nào là tốn sức nhọc lòng, nào là mở mang xếp đặt, công phu tích lũy đã mấy thế kỷ nay rồi, thì tất không phải là thế lực mà đụng chạm vào là làm nghiêng đổ ngay được “a bây giờ” muốn đi đánh lui một toán đại dịch trong thương trường ấy, không nói gì là phải trí lực, phải phí thì giờ, mà trong khí cụ cần dùng thì xứ Nam kỳ ta thiếu hẳn một thứ, là nhân công, tức là một khí cụ cần nhất trong trường kinh tế chiến tranh vậy.

Nam kỳ thiếu nhân công thật, còn non hai triệu mẫu đất hoang bỏ chưa khai khẩn, bao nhiêu nguyên liệu vật sản, bỏ chưa đem dùng, đến ngày tiện nghệ khổ công cũng không có người làm, nhất thiết công nghệ buôn bán gì, đều vào tay Hoa kiều hết, cũng chỉ vì không có người làm. Bởi vậy, bây giờ nói việc mở mang xứ Nam kỳ, tức là cách phá cái thế lực Hoa kiều, mưu cuộc phú cường nay mai, thì nhân công chính là một tài liệu mà xứ Nam kỳ đang phải cần đến lắm.

Nhân công ấy lấy ở đâu ra được? Người Trung Bắc – kỳ cất tiếng lên mà đáp rằng: “Tôi đây”.

Thật ra, cái hiện tính sinh hoạt của dân hai xứ ngoài này đã thấy chen chúc, khổ sở lắm: rừng núi tứ tung, địa thế chật hẹp, dân số ngày một đông thêm, mà mọi nghề nghiệp chưa được rộng rãi, dân không đủ làm, ruộng đất hầu đã vỡ hết, nhưng nghề canh nông thật gian nan, mùa thường bị mất, nói tóm lại mọi công việc làm ăn, tuy đã mở mang ra nhiều nhưng so sánh với số dân, không được tương đương cho nên bọn dân lam lũ khốn cùng, không nghề không nghiệp, hãy còn nhiều lắm. Lại thêm một nỗi, thường bị nhiều cái tai vạ bất kỳ, thí dụ như mưa tràn nước lụt, thì dân tình càng thấy khổ già: ruộng vườn ngập hết, nhà cửa trôi băng, ở không có nơi, ăn không có miếng, bấy giờ cha con vợ chồng giắt díu nhau đi bơ vơ kiếm ăn, trông tình cảnh rất là ái ngại, dù có hưng công dù có phát chẩn đều là cách tạm thời, chẳng có hiệu quả gì chắc chắn cả. Xét lại thì hai xứ này, đường sinh hoạt hẹp mà số sản dục ngày tăng, e rồi có cái vạ nhân mãn, chẳng đáng lo cho cuộc tiến hóa lắm ư? Ta phải bớt đi mới được.

Có người nói sao người Bắc kỳ không lên mạn ngược mà khai hoang, người Trung kỳ không vào miền Mọi mà doanh nghiệp, nhưng không biết đâu sự lý đã dành mà tình thế lại khác, mạn ngược thì khí hậu không lành, nên với việc làm ăn hơi khó, miền Mọi tuy nguồn lợi vốn sẵn, nhưng luật cấm không cho vào; vả chăng hai chỗ ấy cũng chẳng lợi dụng được hết nhân công Trung, Bắc kỳ, như thế bảo lên những chỗ ấy mà thực dân, là một điều chẳng xong rồi, tất phải đi một nơi khác.

Di đi ngoại quốc chăng? Không, trường hành động trong nước ta còn có chỗ rộng thênh thang, cần gì phải đi đâu xa xôi cho cực khổ. Trong khi ngoài Trung, Bắc kỳ đông người, muốn di đi như vậy, thì trong Nam kỳ đang cần nhân công vậy thì đi ngay vào Nam kỳ chẳng cũng phải là một việc hợp thời, một việc nên làm, một việc có lợi hơn hay sao?

Vấn đề di dân vào Nam kỳ bời đó mà xuất hiện ra vậy.

Vấn đề nay xuất hiện đã lâu, không những gì là dư luận của phần đông người, mà lại là một nghi án của chính phủ, thế mà bản thế hệ nọ thảo ra, vẫn xếp só ở ngăn bàn, lời thỉnh cầu kia đệ lên, rồi nằm vò trong sọt giấy, một việc đáng lẽ phải thực hành từ bao giờ, mà đến nay chẳng thấy gì cả; hoặc bảo là chưa tiện đường giao thông, phải chờ bao giờ xong con đường Đông pháp thiết lộ (Le Transindochinois) đã, hoặc bảo lo nắng thì đã có máng nước, giữ lụt thì đã có đê điều, cứ ở nhà mà cày cấy làm ăn, cần gì phải đi đâu vội, thành ra dân còn loanh quanh nấn ná trong khu đất chật hẹp khốn nạn của mình, giơ lưng ra mà đỡ lấy tai vạ lụt lội đói kém hằng năm; cái sức gánh vác lâu nay, nghe chừng đã bị quyện lắm rồi, thế việc di dân chẳng thực hành ngay đi, còn đợi đến bao giờ nữa.

Duy có điều việc di dân chưa đến lúc phải là một vấn đề thuộc quyền chính trị, thì còn có nhiều nỗi khó khăn, ngăn trở sự tiến hành; từ khi ra đi cho đến lúc vào tới nơi, ăn ở thế nào cho hợp vệ sinh, làm việc thế nào cho xứng tài năng, sinh mệnh lấy gì chở che, toàn là những việc khó nói, mà bấy lâu dư luận bàn mãi chưa xong, cho nên ta phải xin chính phủ tán thành mà giúp đỡ cho mới được. Vả chăng, Nam kỳ cũng phải là xứ toàn là đất hoang rừng rậm, phố vắng đường không, mà nay cần đem nhân công Trung, Bắc kỳ chỉ để rẫy cỏ phá rừng, mở xưởng lập tiệm đâu! Cũng có cần thế, nhưng mà Nam kỳ đã có chủ nhân rồi, là Hoa kiều, cho nên nhân công ngoài này có vào, lại cần đem tài năng, đem tính nhẫn nại mạo hiểm là tính cách sẵn có vào giải quyết đấu với Hoa kiều, là những người ta đi đâu cũng gặp họ như gai góc cản đường, những muốn cho mình chìm đắm trong vòng nô lệ mãi mãi, để họ chiếm lấy quyền lợi một mình, ta không được phạm đến.

Bởi vậy, việc di dân vào Nam kỳ, không những là mưu sự hạnh phúc an lạc cho đám nhân công Trung Bắc kỳ, mà lại là một việc phải tranh đấu với Hoa kiều, để đoạt lại cái chủ quyền kinh tế và gây cuộc phú cường sau này, thành thế ra việc ấy, từ vấn đề cá nhân, tiến lên thành vấn đề của xã hội. Vậy, nếu như chẳng có ý nghĩa như thế, thì sang Lào mà làm ăn còn hơn, sang Nouvelle – Caledonic làm culi cũng được, cần gì phải vào Nam kỳ.

Tất cả Đông – Pháp này, có 35 vạn Hoa kiều thì mình xứ Nam kỳ 20 vạn, người đông, của nhiều, công nghệ to, buôn bán lớn nhất thiết đều tụ cả ở đó, thành ra một cái thế lực đồ sộ vững vàng thế thì có muốn cạnh tranh với họ tưởng trước hết, phải biết thế lực của họ ra làm sao mới được. Có biết thế lực của họ, hễ điều hay là theo, điều ác là tránh, nói tóm lại mới biết đường mà đối phó với họ, nếu không thì không khỏi bị họ tìm cách thâm hiểm mà hại mình, xưa nay những việc gì ta làm, hễ có ý cạnh tranh với “các chú” ở trong, thường bị họ dùng độc thủ mà phá hoại mình ngả nghiêng, ấy tức là một chứng cớ vậy.

Di dân được vào Nam kỳ, còn có hai ý nghĩa cao hơn nữa:
Một là tư bản và nhân công hợp với nhau, tư bản và nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường, tất phải tương tư tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay, xướng lên cái chủ nghĩa tư bản, và cái chủ nghĩa lao động, có ý nghĩa phản đối nhau, xong kết quả chỉ thấy là phá hoại, thường khi bọn thợ đình công, mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng, mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chứng cớ rành rành, là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông, mà trong nước tan tành ra đó, chỉ nay mai đất ta thấy nước ấy phải quay về chế độ thường nghĩa là nhân công phải đi đôi với tư bản. Như thế thì đủ hiểu rằng tư bản với nhân công, không thể bỏ nhau mà làm nên việc được. Nước ta, Nam kỳ sẵn của mà làm việc thiếu người, Trung, Bắc kỳ sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc gì to tát cả, vậy nay di dâm vào Nam kỳ, tức là cách kết hợp nhân công và tư bản vậy. Vả chăng ta cũng nên biết rằng: muốn đạt bao nhiêu cái hy vọng lớn lao của ta sau này, thì phải lấy đất Nam kỳ làm trường hành động mới được.

Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là việc cực chẳng đã, vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam, sinh cùng một nòi, nói cùng một tiếng, theo cùng một văn hóa, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch sử, mà mỗi xứ phục theo dưới một chính thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với nhau, không khỏi có chỗ ngăn trở, đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau một lịch sử chung, một nguồn gốc chung tiếc thay sự gặp nhau lại rất hiếm hoi, vì chẳng có dịp thì chẳng thấy đằm thắm gì, như thế còn nói đến sự đồng lao cộng tác với nhau làm sao được. Phận sự làm dân một nước không cho ta ghe lạnh ghen ghét nhau như thế, mà khiến phải thân yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng làm việc với nhau thì mới sách nổi tồn ở đời khó khăn này, vậy một điều cần là làm sao cho người Nam, Bắc được xúc tiếp với nhau luôn, để hiểu tính cách tâm lý của nhau mới được. mà muốn tiếp xúc với nhau luôn, nếu trông ở ngoài Nam ra Bắc thì không ăn thua, vì người nam có ra đây, không phải là ra làm việc công nghệ buôn bán, mà chỉ ra đi học và làm ở các công sở, số người đã ít mà chỉ ở những nơi thành thị, thì sự gặp gỡ truyện trò với nhau, không rộng rãi và thường thường, thì không hiểu nhau được, cho nên phải trông ở người Bắc vào Nam, thì sự liên lạc mới có hiệu quả, vì dân ngoài Bắc vào trong Nam làm ăn, tản tác ra khắp từ kẻ chợ ở nhà quê, đồng bằng mặt nước, gặp gỡ anh em Nam kỳ ta luôn, thật dễ lấy cái tinh chủng tộc, nghĩa quốc dân mà hiểu biết nhau lắm. Bởi thế nói di dân vào Nam kỳ, lại có mục đích liên lạc Bắc nam này.

Bấy nhiêu điều quan niệm, sự trông mong, khiến cho tác giả tuy sức vóc còn non, tầm mắt chưa rộng, mà cũng mạnh bạo sốt sáng bàn về vấn đề này, do ở một phần lịch duyệt, một bầu nhiệt huyết của mình, đem bày tỏ ra để cùng anh em đồng bào bàn bạc, ý kiến hoặc có hẹp hòi, mà sơ tâm thì là trịnh trọng lắm.

Sách chia ra làm hai phần. Một phần đầu thì nghiên cứu cái thế lực của các chú trong Nam kỳ là nơi “đệ nhị quốc gia” của họ, xét từ lai lịch cho đến dân số, tư bản thương mại, công nghệ, học thuật cùng là mọi tính cach hay, thủ đoạn khác của họ vân vân, chưa dám nói là tường tế gì, nhưng cũng đủ những điều ngạch khái, để cho ta biết thực lực của họ, mà mưu cuộc doanh nghiệp cho mình. Phần thứ hai trước chứng tỏ rằng việc di dân vào Nam kỳ là nên, là lợi, sau thì xem xét việc này bấy lâu khó khăn trăn trở gì? Bây giờ phải tìm cách gì giải quyết? cùng là giới thiệu để anh em ta ngoài này biết rằng vào trong ấy sẽ có nhiều nghề nghiệp làm ăn, sẽ được an cư lạc nghiệp, tội gì loanh quanh ở chỗ đất chật hẹp của mình, mà chịu cái vạ đói rét rách rưới cho khổ hàn, phương chi việc di dân đi, lợi cho cá nhân, mà lợi cho cả xã hội, không những tình thế giục đi, mà nghĩa vụ cũng bắt đi nữa.

Hai phần, tuy tựa như phân biệt, nhưng vẫn là hai cái tiếng thật có hộ ứng với nhau, vì tôi tin rằng: việc di dân vào Nam kỳ là việc phải làm đã đành rồi, nhưng có biết cái thực lực của Hoa kiều mà để kháng họ, thì việc di dân ấy mới có lợi ích, cho nên cuốn sách tầm thường này, lấy tên là “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” là thủ nghĩa như vậy.

____
Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 2)

THẾ LỰC CÁC CHÚ TRONG NAM KỲ

Người Tầu sang Nam kỳ từ bao giờ? Quốc triều ta ngày trước chiêu tập dân Tầu và xử trí họ khôn khéo là thế nào? Người Minh hương.

Người Tầu có thế lực to lớn vững bền ở xứ Nam kỳ ta như ngày nay, vốn không phải họ gây dựng trong vòng maáy chục năm nay là được, thực có công phu tích lũy đã hai ba thế kỷ nay rồi.

Nước ta, từ khi có lịch sử là giao thiệp người với người Tầu, vậy sự giao thiệp ấy, từ đời cận cổ giở lên thế nào ta không cần xét đến, vì không quan hệ gì đến đầu bài cuốn sách này cho lắm, ta chỉ nói chắc rằng: người Tầu bắt đầu sang Nam kỳ là vào khoảng thế kỷ thứ 17 mà thôi.

Chắc thế, năm 1680 vào giữa đời vua Huy Tôn nhà Lê, và chúa Hiền nhà Nguyễn, nhà Minh bên Tầu bị Mãn Thanh cướp ngôi, có một bọn quan minh, là bọn Dương Ngạn Địch (Chữ Hán) năm người, không chịu thần phục nhà Thanh, mới đem đồ đảng 7,000 người và 50 chiếc thuyền sang tình nguyện làm dân Annam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp (tức là Nam kỳ ngày nay) bấy giờ còn là Chân Lạp, bên họ cho vào ở đất Đông Phố (tức Gia Định bây giờ). Bọn Dương Ngạn Địch mới chia nhau ra ở tản tác hai tỉnh Biên Hòa và Mỹ Tho, khẩn điền lập ấy, cày cấy làm ăn, ấy người Tầu di cư sang Nam kỳ chuyến ấy là chuyến đầu tiên vậy.

Về sau đến năm 1715 (vào đời vua Dụ Tôn nhà Lê và Chúa Nguyễn Phúc Chu) có một người khách Quảng đông, tên là Mạc Cửu (TH) sang chiếm đất Hà Tiên của nước Cao Miên, rồi chiêu mộ những lưu dân mở mang cày cấy, và đem đất ấy xin thần phục chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng binh.

Số người Tầu sang làm ăn bên nước ta không mấy người đem vợ theo, sang bên này mới lấy vợ Annam là thường, triều đình ta muốn lợi dụng cái tình thế ấy, để cho tăng dân số nước mình lên, bèn định lệ rằng: hễ người nào do bố khách mẹ Annam đẻ ra, thì tức là dân Annam, bắt tụ họp ra làng riêng gọi là “Minh hương”, nghĩa hễ làng của người nhà Minh. Bất cứ dân lai khách ở chỗ nào, cũng có thể lập thành làng Minh hương.

Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) định lệ rằng: người Tầu nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy dân Annam nhưng nếu đem vợ Annam về Tầu thì phải xử tội rất nặng, đem con lai về cũng vậy, mà cạo đầu cho con mà để bím thì cũng phải tội, nghĩa là Triều đình buộc ngặt rằng, người Tầu lấy vợ Annam đẻ con, con ấy tức là dân Annam, để lợi sự đông dân lên cho nước vậy, y phục luật pháp và đóng thuế má, cũng là được thi cử làm quan, y như người Annam cả.

Xét lại, cái chính sách của Triều đình ta ngay xưa đối với dân Hoa kiều như thế, thật là chính sách hay lắm: một là không cho họ theo chế độ nào riêng, thì quyền cai trị hoàn toàn ở mình; hai là đặt ra bang, thì dễ phần kiểm dốc, ba là đặt ra Minh hương thì lợi cho dân số của mình, cái chính sách ấy vì hay như thế, nên người Pháp sang bảo  hộ ta, vẫn noi theo đại cương ấy để đối với Hoa kiều, tuy có thay đổi ít nhiều, là bởi tùy thời bắt buộc, như là đánh thuế đinh người Tầu rõ nặng, và buộc người Tầu đi tỉnh nọ sang tỉnh kia, phải có thông hành hộ chiếu v.v… thì sự ấy cũng thường không cần nói đến, vì cuốn sách này không có ý biên chép những luật lệ của Nhà nước đối với dân Hoa kiều, mà chỉ có ý phô trương cái thế lực Hoa kiều ngày nay ở Nam kỳ to lớn thế nào, là để tìm cách kháng mà thôi.

Đoạn này mà nói đến những thể lệ của Quốc triều ta định ra để cai trị dân Hoa kiều, là cốt chứng tỏ rằng: nước ta ngày trước tuy ngoại giao có kém hèn, nhưng đến phương pháp nội trị thì cũng là khôn khéo và chu đáo lắm vậy.

II
Dân số người tầu trong Nam kỳ, Năm bang Hoa kiều, đại khái cái nghề của mỗi bang, nghia đoàn thể của họ, việc tập lãnh sự, cái vấn đề “lấy khách” ở trong nước ta.

Dân Tầu ở Châu á không khác gì dân Do Thái ở Châu Âu, hễ gầm giời này, chỗ nào có thể kiếm ăn được, là thấy có gót chân họ, một người Hoa kiều ở Nam dương quần đảo nói rằng: “Người đời chỉ nói phàm chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu đến, không chỗ nào không có ngọn cờ nước anh, ta cho rằng phàm chỗ có nước bể chảy đến, không chỗ nào không có người Hoa kiều” (1). Thật ra thì cái gót chân người Tầu, chẳng những thấy những chỗ có nước bể chảy đến mà thôi, tức chí hoang các như Tây Bá Lợi Á, xa sôi như mấy nước Nga, nước Áo ở giữa Châu Âu cũng tìm thấy họ, có người nói: Hoa kiều rải rác ra các địa vực, rộng bằng người Anh, sức giầu có bằng người Do Thái, chịu khó như người Ấn Độ, nhanh nhẹn như người Nhật Bản, đến như cái số kiều dân của họ ở đâu cũng đông, thì không kiều dân nào bì kịp được.

Họ đến một chỗ nào, chẳng phải tranh thành cướp đất gì của người ta, nhưng khiến chỗ ấy cũng bị cái vạ như là tranh thành cướp đất, nghĩa là đến đâu phần nhiều là do nắm được thế lực đồng tiền, chiếm được cái chủ quyền kinh tế của người ta vậy.

Chính nước ta, mà thứ nhất là xứ Nam kỳ, bị phải cái vạ này.
Có vào đến xứ Nam kỳ, mới biết người Tầu ở trong nước mình là đông, mà cơ sở của họ là lớn. Bước lên thành phố Sài Gòn, đi quanh những phố chợ mới, chợ cũ là những phố rộng lớn và rộn rịp bằng mấy hàng Ngang, hàng Buồm ở ngoài mình, đã thấy lúc nhúc những các chú, tính phỏng chừng cũng 3 hay 4 vạn người rồi, tuy vậy cũng còn là ít đi gần 6km nữa vào đến Chợ Lớn (người Tầu gọi là Đê Ngạn) là một thành phố toàn các chú cả, chưa kể đến nội dung ra thế nào, nhưng mới trông bề ngoài đủ khiến cho mình ghê sợ, xa xa đã trông thấy ống khói nhà máy nọ nhà máy kia, tua tủa lên ngang trời như hàng rào, nào tầu, be, nge, nốc, dậu tri trít ở mặt nước như mắc lưới, đã đủ giật mình về cái cảnh tượng ấy rồi, lại vào đến phố, thì phố xá rộng rãi, nhà cửa nguy nga, hết đường nọ đến đường kia, qua phố này sang phố khác, không phố nào không nhà hai ba tầng, không nhà nào không buôn bán lớn, thôi thì hiệu to hiệu lớn các chú, vác gạo kéo xe các chú, chú hãng chủ nhà máy các chú, mà cho đến vót đũa đan rổ gánh nước bán hoa quả cũng các chú, nói tóm lại việc gì làm mà nảy ra to từng hàng vạn, nhỏ đến đồng xu, thì cũng mấy chú mấy thím “thiên triều” làm hết. Thành phố chợ lớn đất rộng hơn một nghìn mẫu, thì các chú ở quá ba phần tư dân số 13 vạn người, thì phần các chú già một nửa (7 vạn người trên bộ và hơn 1 vạn người ở dưới nước) kể cái hình thế thành phố thì không rộng rãi đẹp đẽ như sai gòn, như Hà Nội, như Hải Phòng nhưng kể đến các nơi công nghiệp buôn bán nước ta thì chợ lớn có thể hoạt động vào bậc nhất này.

Còn như số các chú, rải rác ra làm ăn buôn bán ở lục tỉnh cũng đông hết sức, từ chỗ thị thành dưới thuyền trên bến cho đến thôn quê đầu xóm cuối làng, không có chỗ nào là không thấy các chú, hoặc cửa hàng, cửa hiệu, hoặc bán thịt bán rau, hoặc nghề kia nghề nọ, các chú làm không sót một thứ gì cả, các chú ở đông đúc nhất là mấy tỉnh Sóc Trăng, Back Liêu và Cần Thơ và mấy tỉnh trù phú nhất Nam kỳ.

Trong khoảng 12 năm nay, họ sang mới lại cũng nhiều. Cứ kể từ năm 1912 cho đến 1922 trong 11 năm giời, số người Tầu trên 17 tuổi mỗi năm vào Nam kỳ như sau này:

1912……………………………………13.201
1913……………………………………..13.624
1914…………………………………….10.143
1915…………………………………….10.118
1916…………………………………….9.998
1917……………………………………..14.473
1918…………………………………….15.884
1919…………………………………….16.058
1920……………………………………..17.078
1921……………………………………..17.062 
1922………………………………………19.505

Thế thì ra cứ kể trung bình mỗi năm là 14.368 người Tầu sang ta, ấy là chưa nói đến đàn bà con trẻ. Hễ mỗi chuyến tầu ở Hương Cảng và Thượng Hải sang là có đến hàng trăm chú thím vào cửa Sài Gòn, mà tháng nào cũng có vài chục chuyến tầu như thế, Nhà nước phải đặt ở Sài Gòn một sở gọi là sở “Tân đảo” (Service de Hmmigration), chỉ chuyên trông nom về người Hòa kiều mà thôi. Đến như cái tổng số dân Hoa kiều ở Nam kỳ bao nhiêu, thì thấy mỗi chỗ nói một khác, nhưng xem cái tình hình trên kia thì đại ước cũng đến 20 vạn người mới phải.

Trong số 20 vạn đó, thì người Quảng Đông là đông nhất cả, thứ đến người Phúc Kiến, thứ đến người Triều Châu v.v… mà cũng ở dưới cái chế độ “tùy tiếng chia bang, mỗi tỉnh lập bang” là cái chế độ của ta ngày xưa lập ra, và tác giả đã nói ở đoạn trước.

Hoa kiều chia ra làm 5 bang như sau:

1.    Bang Quảng Đông (TH)
2.    Bang Phúc Kiến (TH)
3.    Bang Triều Châu (TH)
4.    Bang Hà Cá (TH)
5.    Bang Hải Nam (TH)
6.     
Bang Quảng Đông là những người Tầu ở Quảng Đông, và người ở phía Bắc phía Tây tỉnh ấy, một mình bang này đã hơn 8 vạn người, chưa kể đến đàn bà và con trẻ.

Người Quảng Đông giỏi buôn bán và công nghệ lắm. Ở Chợ lớn họ có hai máy gạo to. Nội các hiệu to bán tơ lụa, các nhà máy cưa, các xưởng củi, các nhà làm gạch, làm đồ sứ, các lò vôi, các xưởng đóng thuyền trong thành phố này đều là tay người Quảng Đông chiếm độc quyền cả, họ lại có nhiều nhà buôn chuyên nghề đem vật sản trong Nam kỳ như là da, sừng trâu, bong gòn vân vân… xuất cảng ra bán ở ngoại quốc. Họ lại có nhiều xưởng đóng tầu nho nhỏ ở Chợ Lớn nữa, mà phần nhiều những tầu con chạy quanh Cửu Long Giang ở Nam kỳ, là của người Quảng Đông cả. Đến như làm nghề thẩu khoán, bán các đồ gỗ, làm thợ nê, thợ mộc, thợ may, thợ đóng giầy tây, các hàng thịt, các hàng cơm tây, cũng là người Quảng Đông làm hết.

Bang Phúc Kiến là những người Tầu ở phía Tây nam Áo Môn dân số của họ ở Nam kỳ cũng đến 5,6 vạn người. Người bang này cũng giỏi nghề buôn bán lắm, ở hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn họ có rất nhiều hiệu to, và hầu hết các nhà máy gạo ở Chợ Lớn nghề buôn bán gạo trong Nam kỳ là vào tay họ làm cả. Còn thì phần nhiều buôn bán tạp hóa, bán rượu, bán đồ sắt và làm mại biện (compradore) ta vẫn gọi là chu mại bản cho các hiệu buôn tây và các cửa hàng khách, cho nên trong bảng này, ta ít thấy có người đi làm thợ, hay hoặc đi ở, mà có dễ toàn thể là làm nghề buôn bán.

Bang Triều Châu có người cũng đến 5,6 vạn là người Tầu ở gần cửa bể sán đầu (Swatow). Sán đầu cũng thuộc về tỉnh Quảng Đông, nhưng mà người Triều Châu lập thành ra bang riêng, là vì tiếng nói Triều Châu và Quảng Đông khác nhau. Người Triều Châu cũng buôn bán, nhưng so với hai bang trên còn kém xa, mà số đông có ý chịu khó làm những tiện nghệ như là làm bạn thuyền, và làm culi khuôn vác hàng hóa lên tầu ở cửa bể Sài Gòn, cho nên ở Sài Gòn họ đã có hai ba nhà chuiyên bao những hạng culi khuôn vác lúc nào cũng sẵn sang mấy trăm ngươi. Khách Triều Châu nấu nướng đồ ăn rất khéo cho nên cái nghề làm tiệm, cao lẩu của họ cũng phát đạt lắm.

Trong Nam kỳ, người Triều Châu ở các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạch Giá, Bắc Liêu đông, và cũng có cày cấy ít nhiều. Hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá có tới 13.865 người Minh Hương, toàn là con cháu Triều Châu vậy.

Đến bang Hà Cá, thì chỉ có 1 vạn rưỡi hay 2 vạn người là cùng, toàn là dân Tầu phía bắc tỉnh Quảng Đông, họ cũng có nhiều nhà buôn ở Sài Gòn và Chợ Lớn, song cũng tầm thường không đáng kể gì. Trong bang này, ta cũng thấy có một đôi người làm nghề thầu khoán, và có một vài chiếc tầu thủy chạy nữa. Người Hà Cá chuyên làm những nghề thợ rèn, thọe đá, làm máy, đóng giầy khách và làm bánhm những tiệm bán chè tầu, và những hàng bán rau cỏ, thì cũng phần đông là người Hà cá  hết cả.

Sau hết đến bang Hải Nam, là những người Tầu ở cù lao Hải Nam gần vũng bể Bắc kỳ ta. Bang này ít người nhất, chỉ có chừng ngót một vạn người, mà buôn bán ở Sài Gòn và Chợ Lớn rất ít, phần đông họ làm nghề đánh cá, và làm thuê cho những trại trồng hồ, tiêu ở mạn Hà tiên và Phú Quốc cả, còn những người ở châu thành Sài Gòn và Chợ Lớn thì thường làm bồi cho các nhà tây, hay nấu bếp cho các nhà hàng cơm để kiếm ăn soàng soàng mà thôi.

Đại khái nghề nghiệp của 5 bang Hoa kiều ở trong Nam kỳ như thế.
Ta vẫn chịu Hoa kiều ăn ở với nhau, rất là thân ái liên lạc, cái nghĩa đoàn thể của họ rõ rệt lắm, sự đó tuy cũng có sẵn bởi tính tự nhiên, và trong chỗ trường hợp có lợi hại quan hệ với nhau, nên không thể không được, nhưng cũng do cái chế độ lập ra bang, khiến cho họ dễ cấu kết với nhau, mà Chính phủ cũng dễ sai khiến vậy.

Bang, vì tổ chức có nhiều cơ quan ở trong, cho nên có lợi cho Hoa kiều được nhiều mặt lắm, vừa là gia đình, vừa là hương tộc, vừa là hội liên hiệp, vừa là thương mại, vừa là tòa án, vừa là ông chủ ngân hàng, vừa là quan lãnh sứ, vừa là hội cứu tế của họ nữa. Danh hiệu tuy có một nhưng thể chất ở trong thì chia ra vô cùng tận. Mỗi ban họp riêng để bàn việc lợi hại của mình mỗi bang có một quỹ riêng có nhiều tiền; mỗi bang có một người lãnh tự, tức là bang trưởng. Những người ra làm bang trưởng bao giờ cũng là người có tuổi, giầu có, và đã từng lịch duyệt lắm. Họ bầu bang trưởng, tuy cũng có bỏ vé, nhưng chẳng qua là chiếu lệ đấy thôi, chớ kỳ thực họ đã cử một người nào ra với Chính phủ, là dùng cách đồng thanh tuyên cử, một điều đó đủ chứng tỏ rằng họ dễ bảo nhau.

Kỷ luật trong bang rất nghiêm, đừng có tội giết người hay là tội gì thì mới phải phiền đến các quan và tòa án can thiệp vào, còn thì họ điều đình hoặc tài phán lấy với nhau cả. Thường khi người trong bang có phạm lỗi gì, thì những người có chức sự họp lại để xử đoán, hoặc tha hoặc phạt, cứ chiếu theo ý kiến của phần đa số mà làm. Họ có đủ cả nhà thương, nhà đẻ, vòi rồng để chữa cháy, đặt tuần để gác đêm, nhất thiết sự gì cần dùng cho họ, thì đều có đủ, như thế chưa chắc không phải do nghĩa đoàn thể mà ra.

Thứ nhất là cái nghĩa tương tư, tương trợ của họ lại càng nặng lắm, cho nên mỗi khi có chú nào ở bên tầu che dù đeo gói mới sang, là nhập ngay vào bang, lấy chỗ làm gia đình, làm hương tộc cho mình, và bang giúp vốn và chỉ đường làm ăn, lại trông nom cho mình trong mọi công việc, nếu ốm thì bang nuôi nấng thuốc thang, muốn về nước mà không tiền thì bang cấp cho, nếu chết mà không có gì, thì bang tống táng cho rồi sau lại đưa hài cốt về Tầu, bang lại giúp đỡ cho nhà cửa, và chu cấp cho con cái đi học nữa.

Vì bang đối với người trong bang chu đáo như thế, cho nên người trong bang đối với người trong bang phải phục lòng lắm. Hễ ai ra ý bướng bỉnh, không theo mệnh lệnh của Bang thì bang có cách đàn áp, hoặc phạt tiền hoặc đuổi ra. Tuy vậy, không mấy khi ta thấy trong bang họ xẩy ra những sự như thế, vì người Tầu đi làm ăn nơi xa, không biết ở một mình, bởi thế, họ lấy bang là cần dùng cho họ, mệnh lệnh gì của bang là phải tuân theo răm rắp. Chỗ này ta thấy nhiều chứng cớ lắm, xa thì như năm 1908, các bang Hoa kiều, thứ nhất là bang Quảng Đông, nhất định để chế hàng Nhật, y như họ để chế dầu hỏa của Hoa kỳ năm 1905, mà yết thị rằng; nếu ai còn mua đồ hàng Nhật nữa, thì phải phạt 50 đồng. Quả một độ không có người tầu nào dùng đồ Nhật. Gần thì cách độ 5, 6 năm có phường xiếc Ý đại lợi (Italic) vào làm ở Sài Gòn, ra Hải Phòng, Hà Nội cũng không có một người Tầu nào xem. Hai việc ấy đủ chứng tỏ cái nghĩa đoàn thể của người Tầu là đầy là nặng lắm, không trách có nhiều người Pháp đã nghĩ mà phải lo rằng, hoặc người Tầu tự họ tham lam, hay bị ai sui khiến mà phản nước Pháp ở đất nước Nam này, thì tính làm sao? Nhưng nghiệm ra cái mục đích của người Tầu sang làm ăn ở đây là chỉ cốt kiếm ăn hay làm giầu chớ không có một điều sa vọng gì khác (cái vấn đề này đoạn cuối sẽ nói kỹ hơn), vả chăng cũng không làm Chính phủ phải lo, nên chính phủ cũng phải chịu rằng: nếu không có cái chế độ lập ra bang, thì sực cai trị người Hoa kiều ở đây cũng là khó khăn lắm.

Người Tầu ngụ ở ta rất nhiều, quyền lợi của họ cũng lớn, mà thường thì gặp sự gì ức uất, không có người bảo hộ cho, nên chí việc lập lãnh sự ở đây cũng là một điều của người Tầu vẫn yêu cầu mãi.

Chính phép chung của vạn quốc, hễ dân một nước đến làm ăn buôn bán ở một nước nào, thì chính phủ phải có đại biểu người chính phủ sang ở nước ấy, để bảo hộ cho dân mình, người ấy tức là lãnh sự. Không thí dụ đâu xa, ta thấy ngay ở trong nước mình, hai hải cảng thành phố Sài Gòn và Hải Phòng có bao năm người Nhật, người Mỹ ở mà cũng có lãnh sự Nhật, lãnh sự Mỹ đến trú v.v… thế mà dân Hoa kỳ ở đây hàng mấy trục vạn người sao không có được một ông lãnh sự! Về việc này, tác giả thường hỏi ý kiến một vài người Hoa kiều thì họ nói rằng: “Chính phủ nước tôi, vẫn nhắc và yêu cầu việc ấy mãi mà người pháp không nghe. Mỗi lần yêu cầu xin đặt lãnh sự, thì các nhà quan Pháp lại đòi mấy nhà phú thương chúng tôi đến mà bảo rằng: “Nếu quả chính phủ Tầu thật muốn phải lãnh sự đến đây, chính phủ pháp chỉ có việc chiếu lệ như những chỗ khác có lãnh sự mà làm, thì người Tầu không được có của bất động sản như là nhà cửa đất cát nữa, nhất thiết những quyền lợi ấy, mà xưa nay người Hoa kiều có, thì bây giờ phải thủ tiêu đi hết.”. Thế là người Pháp cố ý không muốn cho nước chúng toi đặt lãnh sự vậy”.

Quả có đạt lãnh sự, thì Hoa kiều cũng có thiệt thòi về quyền lợi bất động sản và nhiều quyền lợi khác nữa thật, nhưng quỹ của nhà nước cũng rỗng đi mấy chục triệu đồng bạc mỗi năm, thì lại là một sự thiệt thòi hơn nữa. Vả chăng nói cho cùng thì cũng là cái phương diện ngoại giao của người Tầu còn lép vế quá, thò ra giao thiệp ở đâu, là thất bại ở đó, chưa kể đến những việc năm canh tí, việc 21 điều, việc Giao châu, là những việc to, thế nước Tầu yếu thì thất bại đã đành, nhưng ngay đến những việc ngoại giao nho nhỏ, cũng chẳng làm nổi. Ta xem ngay như người Tầu kiều ở bên Xiêm, đông đúc gấp mấy bên ta, phồn thịnh gấp mấy bên ta, mà chính phủ xiêm vẫn bắt buộc người Tầu hễ đã vào nước Xiêm, là phải theo phong tục và luật pháp Xiêm, lấy vợ Xiêm đẻ con thì phải nhập tịch dân Xiêm hết, thuế má thì đánh rõ nặng, người Tầu Kiều cư ở đấy vẫn yêu cầu dặt lãnh sự mãi, mà chính phủ Xiêm nhất định không nghe, mới rồi lại còn đặt lệ mới bắt con cái người Tầu phải học chữ Xiêm nữa, bọn kiều dân đánh giây thép về xin chính phủ Bắc kinh can thiệp, và xin phải lãnh sự sang để bảo hộ cho, nhưng chắc chính phủ Bắc kinh cũng không biết xử trí ra sao, vì cũng vô lực. Không nói chắc ai cũng biết rằng chính phủ Xiêm mà không cho Hoa kiều bên ấy có lãnh sự, nghĩa là để mình được tự do đánh thuế nặng nề, thì sổ chi tiêu nhà nước được rộng, bắt buộc rằng người Tầu lấy vợ Xiêm đẻ con tất phải nhập tịch Xiêm, thì số dân trong nước càng thêm đông, vì cái lợi quyền cho dân nước mình. Nên chính phủ Xiêm từ chối cho đặt lãnh sự  Tầu là thế, đường đường một nước Tầu, yêu cầu nước Xiêm việc ấy còn không đắt, phương chi yêu cầu việc ấy với chính phủ Pháp ở đây mà được hay sao?

Kết thúc đoạn này, ta nên xem xét về cái vấn đề “lấy khách” đôi tí, để cho biết cái chế độ Minh hương ngày nay khác với chế độ Minh hương ngày xưa.

Cái chế độ Minh hương của ta ngày xưa thế nào, mà tác giả đã nói trong đoạn trước thật là một cái chế độ hay; ấy ta cho bao nhiêu người Tầu vào doanh nghiệp trong nước ta, thì chỉ có cái lợi Minh hương là cái lợi cho ta vậy. Ta xem trong Nam kỳ, tỉnh Bắc Liêu và một phần tỉnh Sóc Trăng, người ở đấy nguyên lý giòng dõi người Triều Châu ngày xưa cả. Dân cư ven bờ bể vùng Xiêm la, khoảng giữa tỉnh Rạch Giá, tỉnh Hà Tiên thì cũng là con cháu bọn nông dân Hải Nam ngày trước. Lại những người mình ở mấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên phần nhiều là nhận tổ tích ở những bọn người Tầu theo Mạc Cửu sang ta hồi thế kỷ thứ 18. Xem thế thì phía tây Nam kỳ mà có cái vẻ sinh tụ như bây giờ, chưa chắc phải nhờ cái chế độ Minh hương, nghĩa là bắt con người Tầu, đẻ ra bởi mẹ Annam, thì tất là dân Annam vậy.

Cái chế độ ấy ngày nay, dưới quyền bảo hộ người Pháp, thì không thế nữa. Người Tầu lấy vợ Annam, đẻ con ra thì có quyền tự do muốn cho nó theo quốc tịch mình hay quốc tịch mẹ cũng được, tuy ở sức đóng thuế được đàng nào thì theo đàng ấy, đến như lễ nghĩa y phục thì cũng được tùy ý, không phải bắt buộc gì, bởi thế ta thấy người mình lấy khách, may ai bợ được chú tài hay chủ hiệu giầu có phong lưu, đẻ con “ả beng” ra, thì là “các chú”, sau này lớn, mấy trục bạc các chú cũng nộp thuế cho nó được, lại còn có thể đem về bên Tầu nữa, còn các chú nào lấy phải người nghèo nàn khổ sở, thì con đẻ ra mới chịu vào tịch Minh hương, chịu khó làm “ố nàm” vậy, nhưng được điều phải đóng thuế nhẹ thôi. Xem cái hiện trạng này thì phần như ở trên nhiều, mà phần như ở dưới ít, vì các chú lấy sự cho con vào tịch Minh hương là nhục cho mình, là một sự bất đắc dĩ lắm, thành ra các chú sang bên này, vơ vét tiền của ta chẳng nói làm gì, lại còn lợi dụng đàn bà ta để lấy con, đến khi nặng túi bố giắt con về, để người mẹ bơ vơ ở bên này, đàn bà lấy khách ở nước mình gặp nhiều cảnh đáng thương, ta đã từng thấy lắm, vậy thì không phải các chú khôn mà ta dại, các chú lợi mà ta thiệt lắm ư?

Trong Nam kỳ đông người Tầu thế, trừ ra mấy người giầu có mới đuề huề vợ con từ Tầu sang, còn thì toàn hạng giai trẻ sang làm ăn rồi mới lấy vợ bên này, cho nên chị em trong Nam kỳ ta lấy khách nhiều lắm, thế mà kể đến người Minh hương rất ít, tổng số chỉ có độ 5 vạn người, mà số 5 vạn ấy phần nhiều là cha truyền con nối, là người Minh hương từ những đời nào, chứ không phải mới đây mà được như thế, bây giờ thì ả beng phần rất đông theo quốc tịch của bố cả, trong hơn 20 vạn Hoa kiều, ta nên nhận biết rằng có đến 5,6 vạn ả beng như thế vậy. Nếu 5,6 vạn ấy bắt phải là Annam, thì ấy là cái lợi khách của ta, nhưng 5,6 vạn ấy vẫn là người Tầu hết, ta lấy khách chỉ là “đẻ con thuê” hay sao?

Bởi vậy, có người bàn rằng: “Nhà nước ta lại nên thi hành cái chế độ Minh hương của nước Annam ngày trước, bắt rằng những đứa con đẻ ra do bố khách mẹ Annam, thì không được nhận là quốc tịch mình mà đem về Tầu tất phải nuôi theo lễ nghĩa y phục Annam, phải chân chính là người dân Annam mới được. Làm thế, tuy so với quốc tế công pháp bây giờ có trái, nghĩa là đứa con bao giờ cũng phải theo quốc tịch cha, nhưng giá mà Nhà nước lấy lẽ rằng: Bảo hộ xứ này thì cũng phải giữ lại những chế độ cũ của xứ này ít nhiều thì tưởng không ai cho là không phải, mà người Tầu cũng không nói vào đâu được. Ví bằng bảo thứ nhất mà đã vội biến hóa người Tầu ra Annam ngay là cấp tốc quá, thì đời thứ hai, phải bắt là người Annam cũng được.”

____

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 3)

Đại khái cái tình hình buôn bán. Cái lợi độc quyền. Nghề buôn lúa gạo. Mấy điều dân tham của họ. cuộc buôn bán của Hoa kiều, do một người Pháp bán.

Xứ Nam kỳ ta là một trường hợp rất hay cho cái nghề sở trường của họ, là nghề buôn bán, cho nên ta thấy Hoa kiều trong 90 phần 100 là nghề buôn bán, nội những đồ gì họ bán rất có buôn, mình hay mua tất có bán, nghĩa là họ hiểu sâu đến cái tâm lý cùng sự nhu dụng của mình, và liệu trước được thời cơ về đường tới lui của hàng hoá lắm.

Thành phố Sài Gòn là một thị trường to, trong 4 phần, ta thấy đến 3 phần của Khách trú, san sát ở phố Catinat, đường Charner, chợ Mới, chợ Cũ, từ hàng buôn to, công ty lớn, cho chí cửa hàng cửa hiệu tầm thường, đều treo cờ buôn người Tầu cả, đông đúc rộn rịp đến nỗi rằng: những phố buôn bán to, không có nhà mà thuê dọn hàng được nữa thì ở hai bên hè phố, cứ cách mấy thước họ lại dựng lên một cái quán nhỏ, trông vuông vắn đẹp đẽ lắm, để bán hàng đông đúc rộn rịp đến nỗi thuê một cái cửa hàng, mà họ thường các tiền nhau đến hàng nghìn bạc. Chợ Lớn lại là một thị trường hoàn toàn của Khách trú, chỉ thấy ta chen vào được mấy tiệm thợ may, tiệm bán đồ vàng bạc, và nhà cho thuê ôtô. Tây thì chen được vào một cửa hàng bào chế, mà mấy hàng tạp hoá mà thôi, kể sự buôn bán hoạt động của thành phố này, thì tưởng nước ta không có chỗ nào hơn được nữa, như những phố Paris, phố Marin, phố Chợ thì đồ xộ quá chừng, không lấy gì hình dung ra được, chỉ biết là đi quanh trong đường phố, cứ gặp mười người Tầu, mới gặp ba người mình, như thế thì Chợ Lớn tuy là đất Nam kỳ, mà là Áo Môn Thượng Hải của họ vậy.

Còn như ở Lục tỉnh, thì tỉnh nào Khách trú cũng chiếm già nửa, thứ nhất ở mấy tỉnh Hậu Giang là kho tiền bạc của xứ Nam kỳ thì khách trú lại càng kinh doanh lắm. Hai bên duyên giang biết bao nhiêu là lò gạch, lò gốm, châu vựa lúa, lò nấu đậu phủ ky (phủ trức).v.v…. Trong những chốn nhà quê xa châu thành, một xóm cũng có sáu bảy tiệm các chú buôn bán giá mình có cần be rượu mà uống, hay hoặc cân thịt mà ăn, phần nhiều cũng phải đến quán rượu và hàng thịt các chú cả, mấy tiệm ấy thường trử những vật cần dùng hàng ngày như là dầu hoả, nước mắm, và hương đèn nến, bán chịu cho người mình để lấy lúa, cứ một đồng bạc thì đến mùa giả 3 giạ thúng. Họ lại bán lúa ấy ra cho các nhà máy gạo mỗi giạ từ 1$00 cho tới 1$40, 1$50. Bấy nhiêu cũng đủ biết cuộc buôn bán của họ bao la lắm rồi.

Xem đại khái thì ta cũng đủ biết họ bố trí cuộc buôn bán là lấy Chợ Lớn làm nơi tích trữ, lấy Lục tỉnh làm trường tiêu thụ, hàng buôn to, tiệm buôn nhỏ, làm ỷ gốc cho nhau rất là vững chãi. Đường vận tải giao thông của họ trong Nam kỳ càng tiện lợi lắm, vận tải giao thông nước họ và nước ngoài thì họ đã có hải thuyền bản quốc đi lại luôn luôn ở cửa bể Sài Gòn, hàng hoá trở sang trở về bớt được kinh phí nhiều lắm vận tải giao thông trong xứ, dưới thuỷ thì các tầu thuyền của họ tự biện lấy hết, trên bộ thì xe bò xe ngựa toàn là họ làm chẳng phải nhờ đến ai cả.

Nói tóm lại, không kể những nơi châu thành là những nơi ta xúc tiếp toàn với người Hoa kiều đã đành, đến những nơi thôn quê hẻo lánh, có dễ không khi nào ta đi một giờ đồng hồ, mà không trạm phải một vài tiệm Khách trú bán hàng, để cung cấp mọi sự nhu dụng cho người Nam kỳ, như thế cũng muốn ta để chế họ, thì có phải là dễ làm đâu.

Trong trường buôn bán, hễ kiếm được “độc quyền” nghĩa là thứ hàng gì cũng chỉ có một mình mình được quyền buôn quyền bán, mới thật là một mối lợi to. Độc quyền chỉ lợi cho một người, một hội, hay là một đảng người, mà có hại to khắp cả chỗ hoàn cảnh, vì một thứ hoá sản gì mà đã có độc quyền thì chỉ có tham lợi mà không có cạnh tranh, không cạnh tranh chẳng những không tiến bộ, mà lại có hại, hại cho đường sinh hoạt, đường tiến thủ của rất nhiều người, bởi thế cho nên, không kể là thứ độc quyền gì, càng lối độc quyền như thế nào, đều là đáng ngờ đều là có hại cả.

Hoa kiều buôn bán ở nước ta mà được thịnh vượng như thế kia cũng bởi độc quyền, cái độc quyền của họ không phải chính phủ nào ban cho, cũng chẳng phải dân tộc nào đem cúng, thế mà ai phạm đến độc quyền của họ thì họ phạt cho nặng hơn là luật pháp, nghĩa là họ đã buôn thứ gì, làm nghề gì thì họ chỉ giữ lấy cái quyền cái lợi được buôn thứ ấy, thì họ cũng chẳng có phép nào bảo nghề ấy hàng ấy là nghề lậu, hàng lậu, như là bảo là rượu lậu, thuốc phiện lậu, muối lậu.v.v… nhưng mà họ hạ nhiều độc thủ, làm cho ta phải thất bại ngả nghiêng, khó có cái thế gì mà tranh lại với họ. Ví dụ họ chế thứ gì, mà ta cũng chế thứ ấy, thì lập tức họ hạ ngay giá xuống trong mấy tháng rồi chịu lỗ, là mình đủ chết, một là vì mối hàng, họ quen, hai là tư bản họ sẵn, mà ta thì mối hàng bỡ ngỡ, tư bản ít ỏi, có ai có nghị lực mà đối địch được với họ, cũng là hiếm thấy vậy.

Không những họ bịt đường tiến thủ của ta ở trong nước mà thôi, họ lại bịt đường ta trực tiếp giao thông với ngoại quốc nữa. Ta nên biết rằng, mối hàng vật sản của ta ở ngoài, phần nhiều là mối hàng của khách trú, ta lại nên biết rằng: vật sản ở ngoài tiêu thụ vào ta, thì cũng phần nhiều khách trú là mối hàng của khách trú, thế nghĩa là buôn ra bán vào, độc quyền cũng ở tay họ, không để cho ta biết được rằng thứ này đem ra bán ở đâu, thứ kia đem ra mua từ đâu, hoặc như có tìm cách được trực tiếp giao  thiệp gì chăng nữa, thì dễ có khi mua không có ai bán, khi bán không có ai mua, vì bao nhiêu đường lối ngạch nguồn, đều bị họ rào vấp cả vậy. Trong Nam kỳ dùng hàng tầu nhiều quá, từ già trẻ lớn bé, không có một người nào không có quần áo hàng tầu, chẳng phải đâu thông thường như ngoài ta chỉ quần sổ áo vải, cho nên những hàng tơ lụa của Tầu như cẩm châu, lục soạn, vóc nhiễu.v.v… tiêu thụ ở Nam kỳ nhiều quá, những thứ hàng này sản ở bên Tô Châu, Hàng châu phần nhiều, mà chỗ xuất phát là Thượng Hải. Người mình có người một người buôn bán to ở Sài Gòn, biết thóp cái tổ của nó ở đấy, và món lợi này là món lợi to, bên giao thiệp thẳng với mấy cửa hàng tơ lụa to ở Thượng Hải, thoạt tiên mấy chuyến thì cũng mua bán như thường, giá có rẻ thật, về sau thấy bên ấy bán mỗi ngày một cao, trừ tiền thuế nhập cảng chưa nói, còn so với giá mấy cửa hàng tơ lụa ở của Khách trú bán bên này, thì lại thành ra đắt hơn một tí, sau mới biết té ra bọn kiều thương bên này điều đình với những nhà bên kia đừng bán, vì nếu thế thì hàng của họ bên này phải đình trệ.

Những khách mua hàng xuất cảng của ta, như gạo, ngô, bông gòn, cá mắm v.v… thì phần nhiều là người Tầu hay là người Tầu làm đại lý cho cửa hàng ngoại quốc tại các thương phụ lớn, như Hương Cảng, Thượng Hải, Hoành Tân, Tân gia Ba, cho nên, giá bây giờ mình có đem sản vật của mình xuất cảng ra bán cho những người kia, thì một tiếng của bọn kiều thương trong này, lập tức đồ hàng của mình chẳng có chỗ bán, vì họ bảo nhau đừng mua, như thế thì mình xuất cảng với ai, cho biết cái độc quyền buôn bán ở ta bọn Hoa kiều không cho ta phạm vậy.

Trong sự độc quyền của họ, còn có cái nghĩa đùm bọc lẫn nhau, họ cũng có cạnh tranh với nhau, nhưng cạnh tranh là để khuyến khích nhau, chớ không phải để giết nhau, cho nên ta thường thấy mấy cửa hiệu khách, cùng bán một thứ, ganh đua xô sát nhau trong mấy hôm, rồi lại mở tiệc hoà giải với nhau ngay, không mấy khi hại nhau đến một còn một mất, có chăng chỉ đối với ta mà thôi. Chẳng những không cạnh tranh độc ác với nhau, mà lại khéo nhường nhịn nhau nữa, nghĩa là hiệu to vẫn che chở cho các tiệm nhỏ, thì hiệu to hay dìm hàng ít hôm, cho các hiệu nhỏ bán đi đã; lại khi thấy khi có thứ hàng gì mới đến, thì hiệu to để cho tiệm nhỏ bán trước, rồi tự mình mới bán sau, ví dụ như mỗi năm đến mùa chè mới, thế nào thì thứ chè tạp hiệu có bán trước, chán chè mới đến chè chính hiệu bán sau, vì họ khéo nhường nhịn nhau thành ra trong việc buôn bán, cái tiếng “dọng hàng” hay “ế hàng” ít thấy họ dùng đến lắm. Họ buôn bán lại có hò ứng với nhau làm, thí dụ lúc này trong Nam kỳ hút môn gì, như là sợi, vải, ruợu, thuốc.v.v… mà bọn Hoa thương ngoài Bắc nhiều món đó, thì họ đánh giây thép cho bọn ngoài này, gửi vào mà bán, trái lại, bọn ngoài Bắc có khan thứ hàng nào, mà bọn trong này có thì cũng gửi ra như thế, té ra trong cuộc buôn bán, cái gì lợi là trong tay họ chiếm lấy phần cả.
Cái độc quyền to nhất của bọn Hoa kiều trong Nam kỳ là ở nghề buôn thóc gạo.

Xứ Nam kỳ ta là xứ sản xuất thóc gạo thứ nhì hoàn cầu, sau nước Điến điện, vào khoảng ba bốn năm nay càng được mùa lắm, có người đã tính mỗi người Nam kỳ mỗi năm sản xuất được 555 cân tây (kilogrammes), mà mỗi người ăn mỗi năm chỉ hết 140 cân tây mà thôi, bởi thế mỗi năm xuất cảng non 2triệu tấn, ấy là còn 2triệu mẫu đất bỏ hoang chưa vỡ, không thì còn nhiều thóc gạo nữa. Trong non hai triệu tấn gạo xuất cảng đó, chia làm 100 thành, thì Hoa kiều chiếm đến 60 thành. Ta tuy cũng có ít nhiều nhà máy xay lứa, nhưng cũng chỉ xay bán lại cho Khách trú thôi. Hiện nay, tại Chợ Lớn, có 18 nhà máy gạo cả thảy, trong số đó công ty Rizeres dExtreme Orient có 4 nhà, mỗi ngày xuất phát được cả thảy 2.600 tấn gạo, và một nhà của công ty máy rượu (Societe des Distilleries de Iindochine) mỗi ngày 600 tấn, còn bao nhiêu là của Khách trú hết, họ có 6 nhà máy gạo to, mỗi ngày xay được 100 tạ là ít, trước mặt có bến thuyền của họ vận tải ra bến tầu Sài Gòn, đã có tầu buôn họ ở Hương Cảng, Thượng Hải sang chờ để chở đem ra ngoại quốc.

Trong nghề buôn bán thóc gạo của họ, mặt nào cũng có lợi to cả. Trươc hết là người đi mua lúa về các nhà máy, những người này cũng là các chú, đi tán bố ra khắp các miền nhà quê để mua lúa, bọn này có thể được gọi là con sâu mọt trong lúa gạo Nam kỳ, vì chúng ăn chặn bắt chẹt cũng là lường gạt ta, nhiều điều tệ quá. Cứ đến mùa gặt xong, là đến mùa thuế mà và công nay việc kia, cần phải chi tiêu nhiều, sẵn lúa thì phải bán. Hoa kiều thừa lúc này bắt chẹt ta, giá lúa 130$ một trăm giạ, thì họ chỉ mua 115$ mà thôi. Là thường khi giá lúa cao mà nói hạ, để gạt nông gia mình không được tường thị giá hàng ngày, chỉ bằng ở mồm họ mà định việc buôn bán. Tình tệ còn nhiều không thể nào nói hết được, các nhà nông Nam kỳ phần nhiều cũng biết đấy, nhưng thóc lúa chất đống, chẳng bán cho Khách trú thì bán cho ai?.

Lúa mua các nơi, lại cũng thuyền bè của họ trở về các nhà máy gạo ở Chợ Lớn để xay. Số gạo xuất cảng mỗi năm Khách trú được bao thành, thì đã có định hạn, vì còn phải nhuờng phần cho các nhà máy tây. Bởi thế khi số cua họ đã bán hết rồi, thì họ mua lại của các nhà máy gạo Tây để đem bán ra nữa, thành ra giá gạo ấy phải cao lên một tầng. Kể từ khi còn là hột thóc, mà đến khi thành thân hột gạo đem ra bán ở ngoại quốc được, thì phải trải qua mấy lớp, nào là bòn đi mua lúa, nào là nhà máy gạo, nào là các nhà đại lý của họ ở Tân gia Pha, Hoàng Tân, Hương Cảng.v.v… nhân đó giá gạo dẻ mà thành đắt, ta lợi ít mà họ lợi nhiều, ấy chưa nói đến lòng tham mưu độc của họ, đem pha trộn thứ xấu vào thứ tốt là để gạo ẩm cho nặng cân, làm mất giá trị gạo của mình ở thị trường thế giới nữa.

Các nhà máy gạo của Khách trú, trong các tỉnh cũng rải rác có nhiều, nhưng mà nho nhỏ, chẳng những xay gạo để bán xuất cảng mà thôi đâu, lại còn bán lẻ nữa. Trừ ra mấy chợ thôn quê, xay giã lấy mà ăn, còn các châu thành Sài Gòn, Chợ Lớn cùng các nơi tỉnh lị, ăn gạo lẻ đều phải mua cửa hiệu của Khách trú, cho nên nghề buôn bán thóc gạo trong Nam kỳ đều ở tay họ lũng đoạn hết. Có thể nói được rằng các nhà nông gia ta chỉ cậm cụi cày cấy, đến khi có lúa gạo thành kho đụn, thì ở tay mấy chú Hoa kiều giữ mà phân phát ra, nói tóm lại các chú làm ông chủ nhân và lúa gạo Nam kỳ, mà Chợ Lớn là một kho chứa. Năm có phong trào tẩy chay, khách trú ở các tỉnh đã phải lục tục chạy về Chợ Lớn là kinh đô của họ, mà dám nói rằng, cho người Annam vây bọc Chợ Lớn mấy năm, Khách trú cũng chẳng chết đói, xem thế thì cái nghề buôn bán thóc gạo của họ to tát biết chừng nào.

Vốn buôn thóc gạo của họ to lắm. Nhà máy nào và nhà buôn nào cũng có vốn từ vài ba mươi vạn trở lên cho đến hàng triệu cả. Ngày đầu năm kia (1922) họ có một hiệu Nghĩa xương thành (TH) là nhà buôn gạo to nhất, lỗ vốn mất 10 triệu, xem cái lỗ vốn của họ như thế, thì tức khắc biết trong cái nghề này, ta làm gì mà địch lại được. Nhà máy gạo của ta có ăn thua gì! Hội Nông Nghiệp Tương Tế đã có công hiệu gì không.

Sau cuộc buôn bán thóc gạo, đến cuộc buôn bán tơ lụa, buôn vải sợi, buôn tạp hoá v.v…. nói tóm lại, công cuộc buôn bán của họ cái gì cũng có vẻ thịnh vượng phát đạt hết cả.

Ta nên biết rằng cái nghề buôn bán của người Hoa kiều thật là đủ điều, không những là giỏi giang, khôn ngoan, sành sỏi, riết róng, mà lại có nhiều cách quỷ quái nữa. Họ buôn bán với lòng tin của ta, hễ cái gì mua của các chú mới được của tốt của thật, nhưng cũng bởi thừa cái lòng quá tin của ta, họ mới sinh ra bụng quỷ quái, thóc gạo sợi vải cũng rấp nước đi để cho được nặng cân, vải bán cũng đánh tráo thước ngắn thước dài, đồ tơ lụa cũng lộn xòng đồ tốt đồ xấu, gặp người nhà quê thì tha hồ nói thách, phải kẻ mua hớ thì ra sức đánh lừa, nói tóm lại sự buôn bán dan tham phần nhiều của người Tầu, thì người ngoại quốc đã kêu ca, lựa chi ở đây là xứ, trong việc buôn bán hãy còn dần, họ càng sinh được  cái lòng ấy lắm.

Cách buôn bán quỷ quái của họ, dáng phục nhất là cách buôn bán không xu, thật giản dị và tầm thường, quanh quẩn trong một thành phố đó thôi, được lời lãi nhiều mà phí công phu rất ít. Ví dụ như một chú giỏi về mặt ấy, biết món hàng hoá nào ở hàng này bán sụt giá, thì mua về cất cả, sếp đó chờ lúc nào cao giá mới bán ra, có khi đi dò la, thấy tiệm ở góc này bán món hàng ấy giá bao nhiêu, nghĩ có phần rẻ, chú ta bèn chịu giá mua cất hết, rồi cứ gủi lại đó đã mới chạy đến tiệm khác, hoặc là Annam, hoặc là Chàvà để dạm bán, nếu thấy lời thì chở món hàng chú ta đã mua ở hiệu kia mà đem về, té ra buôn không vốn liếng, bán không cửa hàng, chỉ nhờ về lời nói và công đi, thế mà cũng có lợi to chắc chắn, chẳng quỷ quái mà làm được như thế ư?.

Họ quỷ quái hết sức, nên thường gạt mấy ông chủ điền ở Nam kỳ ta phải lắm miếng cay đắng lắm. Thường thấy mấy chú lập chành ăn lúa gạo tại Lục tỉnh, làm quen đủ mặt các ông chủ điền, chủ điền mà làm quen với Tầu kê (tiếng khách gọi là người làm chủ) thì dễ lắm, chưa đong lúa chớ muốn mượn trước mấy trăm mấy ngàn cũng được, ấy là các chú dùng cách “thả con săn sắt bắt con cá rô” vậy.Vì thế cho nên khi thì chủ điền thiếu bạc tầu kê, khi thì tầu kê thiếu bạc chủ điền, chở lúa rồi mới về chòng bạc là sự thường. Lại thêm văn hoá nói của mấy chú như thế khéo lắm, nghe rất bùi tai, thành ra mấy ông chủ điền ta chẳng nệ gì năm bẩy nghìn một vạn mà cho tầu kê chở lúa. Sự thường một giạ lúa, người ta mua có 1$30, mà tầu kê mua tới 1$35, hám cái 5 xu ấy mới chết ! có khi chở hai ba kỳ lúa mới trả hết tiền một lần, mấy ông chủ điền ta, bị ngu lộng thế mà chẳng hay, lại nói rằng bạc để tủ sắt tàu kê cũng như để tủ sắt mình, mất đi đâu mà phòng sợ.

Tầu kê làm một vài chuyến sòng phẳng, để kết lòng tin như thế đã, rồi mới giở ngón ra, đong chịu của ông chủ điền này một vài ngàn, ông chủ điền kia năm bẩy ngàn, tính đâu chừng được một vài muôn, cũng nói rằng chở lúa lên nhà máy Chợ Lớn, rồi về chồng bạc thế rồi là chim rời cá nước, bằn bặt mất tăm hễ hỏi thì nói tầu kê còn ở Sài Gòn chưa về, hay là còn đi nằm uống thuốc đâu đó, một ngày hai ngày, một tháng hai tháng, thấy nhà cửa còn đó tủ sắt còn kia, thì chẳng nghi ngại gì, chừng nghe rõ bao nhiêu nhà cửa ruộng nương, đất đai, bà con đã sang tên cho Tầu kê rồi, bấy giờ mấy chừng hững, người biết đâu mà tìm, kiện lấy gì mà làm chứng, đành phải nín tiếng thở dài mà thôi. Hoặc có kiện ra được mấy chú cũng chịu ở tù ba năm mà thôi, mà gạt được ba vạn đồng, chuyên sang tay người khác hết, thì khoắng được mấy vạn, ngồi tù mấy năm chơi, hết tù là hết chuyện. Than ôi ! mình làm bồ hôi nước mắt quanh năm, mấy chú chỉ có vớ một ngày là sạt nghiệp, cay đắng hay chưa.

Việc lường gạt như thế, nhiều người đã từng nghe nói xảy ra luôn, ấy là chưa nói đến cái tình tệ, đến nỗi khi mua lúa giả tiền xong, thì họ gạ đánh cờ bạc, giở ngón gian lận ra, làm cho mấy ông chủ điền vừa bán lúa được bao nhiêu tiền họ lại thu về sạch.

Nói tóm lại Hoa kiều trong Nam kỳ hầu hết là buôn bán, mà cái thế lực buôn bán của họ to, ta cứ lấy cái hiện tình buôn bán của Hoa kiều ngoài này, mà hình dung ra gấp mười thì mới biết được cái thế lực buôn bán của Hoa kiều Nam kỳ là vậy. Thôi thì bao nhiêu cái mối lợi, thượng vàng hạ cám, trên bến dưới thuyền, đều vào tay họ lũng đoạn hết. Họ có một phòng thương mại, tại thành phố Chợ Lớn để thông báo giá mục hàng hóa cho nhau,để bảo thủ cái quyền lợi buôn bán của nhau, tức là Bộ tham mưu của đội quân Hoa thương vậy. Ngoài ra họ còn có nhiều cơ quan để cổ động về việc buôn bán, như là báo trương, như là hội xã, không thiếu thứ gì. Mỗi bang họ có một nhà hội quán rõ to, tối đến, mấy nhà hào thương làm đầu sỏ trong bang đến hội họp với nhau trong tận cái phòng sâu, kín cổng cao tường đèn trong cửa đóng, để bàn bạc với nhau hoặc việc ở nước hoặc việc ở trong bang, mà câu chuyện phải bàn bạc dài nhất, là việc buôn bán của họ, làm thế nào cho mở mang lên, làm thế nào tranh với người Pháp, làm thế nào trừ tiệt được thương mại công nghệ của Annam v.v… rủ rỉ ngấm ngầm, chẳng có tính kín (tức mình gọi là mật thành) nào vào đấy mà xuếch vay dê cả.

Một người Pháp hiểu xứ ta lắm, là ông luật khoa bác sĩ Largue, viết một quyển sách là “Vấn đề di dân của người tầu ở Đông Pháp” (Lmmigration chinoise en Indochine). Có đoạn ông nói rằng: “Người Tầu sang kiều cư ở bên Đông Pháp này chuyên chủ vào việc buôn bán, mà cũng phải thú thật rằng, Chính phủ có ý muốn gia tâm khuyến khích cho ta phải lấy làm ân hận lắm.

Ông lại trích mấy đoạn ở trong bài đại luận về “Người Tầu ở Đông Pháp” (Les Chinois en Indochine) đăng báo Courrierd Hai Phong ngày năm 1909. Trong bài kể rõ cái sự nhầm ấy ra, và phán đoán một cách phân minh lắm. Người viết bài ấy nói rằng: “Mấy chú thiên triều “dan tham và hám lợi”, chăm chăm vào việc kinh doanh, chiếm đoạt ở trong xứ trong dân, một cách vô sỉ và đáng ghét quá. Chính phủ đáng lẽ phải bênh vực dân bảo hộ, thế mà hình như lại dung túng cho người Tầu, Chính phủ nhường cái quyền bán thuốc phiện cho mấy chú Thiên Triều, làm họ bán trôi được thuốc phiện dễ, Chính phủ định cất cái quyền buôn muối của họ để chiếm lấy độc quyền nhưng không được, thì lại phải để cho họ làm, Chính phủ lại cho họ quyền đứng chủ bán rượu, thứ nhất là ở trong Nam kỳ, khi các công sở có cho thầu hay là đấu giá làm công việc gì, thì Chính phủ cũng hay điều đình với các chú, các nhà thương mại Thiên triều lại cử đại biểu ra ngồi ở trong các phòng thương mại, ngay bên cạnh người Pháp. Nghị định ngày 5 December 1893, chính phủ đã định thể lệ buôn bán cho những người ngoại quốc châu Á ở đây phải theo, song mãi chẳng mãi thi hành, mà tự chính phủ đặt ra, nhưng bây giờ lại làm lơ không biết đến, thành thế người Hoa kiều buôn bán vẫn giữ một lối riêng. Mỗi một hiệu buôn vô số là kẻ hùn phần, song không biết những người hùn phần ấy là công ty thì lấy tên hoặc là “Vĩnh Phúc” hoặc là “Đốc Tín” hoặc là “Chí Thành”. Công việc buôn bán mà xem chừng khá thì ta thấy nhiều ống kính lý lên nối nhau, mỗi người làm thì ai cũng biết, và lấy tên hiệu để có quyền bầu cử. Công việc buôn bán thua lỗ không ra gì thì ông “ Đốc Tín” đóng ngay cửa hiệu lại, nhảy xuống tầu nhảy tót về Hương cảng hay là sang Tân Gia pha, mặc kệ những người chủ nợ ở lại đó, không thiết gì. Bấy giờ luật pháp chỉ có tuyên án báo cùng là hết cách, các ông trái chủ cũng chỉ đến theo luật mà giải tán cái hội ấy đi, trừ tiền phí tổn tòa án đi rồi còn chút đỉnh thì chia cho nhau cho hàng bao nhiêu người chủ nợ thế là hết chuyện. Chẳng có thể dùng cách nào mà trị được những kẻ hùn phần hay là những kẻ khác mà mình chẳng biết là ai, trước khi vỡ hiệu, thì chúng đã khôn ngoan, rút hết những vốn liếng của hội ra, và thu được đồng tiền nào thì đã chia nhau rồi. Được ít lâu anh lừa đảo của hội kia ở lại Hương cảng sang mở hiệu đặt tên là hiệu “Chí Thành”, thế là lừa đảo được trôi chảy đó.”

Người viết bài ấy lại chỉ tỏ ra rằng “muốn cho được đản hộ cuộc buôn bán của các chú Thiên Triều, cho nên chính phủ thỉnh cầu được nhiều dụ chỉ ở bên Bộ sang, giảm bớt hoặc tha hẳn cho phần nhiều vật sản của Tầu bán vào Đông Pháp nữa (cá khô, quả khô, chè tầu, thuốc lá tầu, rượu thơm, tơ lụa, đồ thêu, quần áo cho người á đông, đồ thờ v.v…) Những vật sản mà người bản xứ hay dùng thì chẳng được giảm hoặc tha thuế, những đồ được giảm hoặc tha thuế, phần nhiều là người Tầu hay dùng.

Nghiệm lời người viết bài ấy, nói những từ năm nào, mà xem cái tình thế buôn bán của Hoa kiều trong Nam kỳ, vẫn đúng như thế, mới biết người Tầu sang doanh nghiệp ở ta, phần nhiều vẫn giữ cái cố tập từ xưa, cái căn tính không tốt, lại nhờ được sức đản hộ đủ cả mọi mặt, không trách nào trong thương trường ta, người Hoa kiều tung hoành đến thế được.

____
Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 4)

Sao người Nam kỳ ta không trọng nghề nghiệp? Nghề nghiệp của Hoa kiều, Nghề thủy vận, Các công nghệ khác nhân công.

Ai vào Nam kỳ ở ít lâu thấy mỗi sự gì cần dùng phần nhiều phải chạy đến các chú thì mới có, bất giác phải kêu lên rằng, đất Nam kỳ của nhiều người đông, sao không có công nghệ gì là công nghệ, ngay đến những thứ cần dùng trước mắt,cũng không tự biện lấy mà dùng?

Có biết đâu rằng : trong Nam kỳ người đông thật, mà không phải là nhân công, của nhiều thật mà không phải là tư bản. Là vì người đông, nhưng trừ những người làm ruộng, và làm việc nhà nước ra, số này tính cho gióc cũng không bao nhiêu người, còn thì ham cái nghiệp đứng đắn, có ích cho thân mình, cho xã hội, của nhiều nhưng có thể nói được toàn là của mấy ông điền chủ, ngoài sự ruộng sâu trâu nái, lúa đụn thóc kho ra, tưởng không còn bụng dạ nào để tâm đến việc khác, vả chăng tiếng là xứ ruộng nhiều gạo lắm, mà còn đến mấy triệu mẫu đất chưa khai khẩn ra, thế thì người có ấy, của có ấy, hãy để làm những việc làm khẩn hoang ấy cũng chán…

Phương chi còn vì hai cái trở lực như sau này nữa:

Một là tại khí hậu khó chịu, khí hậu và cuộc sinh hoạt hành động của người ta, rất là quan hệ với nhau, khí hậu dễ chịu thì người ta thấy tinh thần khỏe khoắn, mới ham làm việc, nếu khó chịu thì thấy tinh thần uể oải, đâm ra tính lười, không thiết mó tay đến việc gì cả. Khí hậu trong Nam kỳ khó chịu thật. Ông Leona… là một người có tiếng trong giới báo chí Pháp độ đầu năm mới rồi, sang du lịch Nam kỳ có ít hôm, mà bình phẩm xứ Nam kỳ rằng: “Đấy là một xứ có ý vị cho những người ở đấy ăn chơi sung sướng, mà thật là một xứ đáng chán cho những người muốn ở đấy để làm lụng”, tức là có ý phàn nàn về khí hậu Nam kỳ mà nói vậy. Đầu năm đến cuối, nóng nực luôn luôn, không khi nào rời được cái quạt, mà nóng lại nóng âm bứt rứt, ngày làm việc độ 7,8 giờ đồng hồ, đã lấy làm mệt nhọc lắm rồi, không nghỉ không chịu được, chứ không phải như người ngoài Bắc này, quanh năm chỉ phải năm tháng vừa nóng vừa rét, còn 7 tháng thì thật là mát mẻ dễ chịu, làm việc không hay nản. Vì thế, mà những nghề như nghề làm buôn bán công nghệ, là những nghề tổn sức óc, mướt mồ hôi, người Nam kỳ ta trông thấy mà ngại.

Hai là lại dễ kiếm ăn. Đất Nam kỳ, tấc cỏ ngọn rau đều là tiền bạc, những đám cùng dân đã không chịu làm thì thôi, chịu làm thì thế nào cũng chịu ấm no sung sướng. Ta vào đấy, không thấy mấy người mặc quần áo lam lũ, ăn mày ăn xin, mà những hạng cu li phu gạo mặc lòng, sáng nào cũng củ tíu, cà phê, tối nào cũng nước trà , bánh ngọt đó là cái chứng cớ để kiếm ăn vậy. Ở các miền nhà quê, cày một thửa ruộng, bạt mấy cái bờ, cũng là được đồng bạc hay hơn đồng bạc công, ở nơi thành thị những kẻ đi vác gạo kéo xe, chỉ làm một lúc hoặc nửa ngày,kiếm một vài đồng bạc như chơi, thế là ngày ấy còn bao nhiêu giờ, cũng chỉ nghỉ ngơi chè chén, không thèm làm nữa. Đến những kẻ đi làm bồi bếp, hay là dọn dẹp trong các tiệm buôn, tháng kiếm được mươi lăm hay vài ba trục đồng là thường, mà cũng ngày làm hai buổi, trưa giấc ngủ ngon, như thế còn có làm nghề gì, nhàn hạ mà kiếm chác được dễ hơn, dễ hơn nữa không? Ai dại gì làm nghề khác, vất vả suốt ngày, nào chắc đâu đã kiếm nổi như vậy.

Cho nên, có người nói, ở trong Nam kỳ, trừ nghề làm ruộng là nghề căn bản ra rồi, đến nghề thợ bạc, nghề thợ may và một vài nghề nhỏ nhặt nữa, thì không có nghề gì khác, ta xem mỗi lần hội chợ Hanoi, ở gian Nam kỳ chỉ thấy nhiều ve đựng gạo mà thôi, ngoài ra không có đồ gì đáng gọi là đồ công nghệ chế tạo, như thế thì đủ biết. Đến như nghề lặt vặt cũng chịu làm lấy mà dùng, hoặc bởi cho là khó nhọc và đê tiện, hoặc thấy ít tiền không thèm làm, ấy là cách mở tung cửa ra cho người Tầu sấn vào vậy.

Nghề nghiệp của người Hoa kiều trong Nam kỳ cũng thịnh lắm, không chỉ những buôn bán mà thôi. Nghề nghiệp họ làm to thì mở mang lừng lẫy, ganh đua với người, nhỏ thì đủ nuôi đàn bà con trẻ, cũng là bọn không học thức, không tiền tài, đời sinh hoạt đã chẳng phải lo, mà lại có cơ tiến thủ mạnh nữa. Họ xoay sở khéo lắm, nghề gì cũng làm, mà những nghề họ làm đó, vì ở ngoài Trung Bắc này, thì tất người mình làm, thế mà ở trong Nam kỳ không làm không được, có người nói, nếu Hoa kiều không làm, thì Nam kỳ không lấy vật liệu đâu mà dùng.

Nghề ngiệp của họ thật nhiều, mà nghề nghiệp gì xem ra cũng khá hết cả.

Trước hết ta hãy nói về nghề nghiệp thủy vận. Xứ Nam kỳ nhờ có sông Cửu Long giang, chia làm Tiền Giang, Hậu Giang, lại chia làm nhiều sông nhành sông nhánh, phần nhiều các tỉnh thành đều ở bên sông, cho nên sự giao thông, đường thủy có phần tiện lợi hơn đường bộ, các tầu bè chạy trên sông ấy, toàn là của tây và Khách trú, mãi sau khi tẩy chay xong, ta mới có một chiếc tầu phán nuôi (tức là tên ông chủ tầu ấy, ở Vĩnh Long) chạy đường SaiGon Phnom Penh (Kinh đô nước Cao miên ta gọi là Nam Vang, Tầu đặt tên là Kinh Biên (TH) từ SaiGon lên mất hai ngày một đêm), sau này có một vài chiêc nhỏ nữa chạy ở miền Long Xuyên, Châu đốc, ấy thế mà thôi, có, mấy chiếc tầu trông to tát, sạch sẽ, sang trọng nhưng cách kinh doanh nhiều lợi, chưa chắc đã được bằng người Tầu.

Họ lập ở Chợ Lớn mấy cái xưởng đóng tầu, to nhỏ đến non một trăm chiếc, chạy khắp trên sông Cửu Long giang, hễ chỗ nào có đủ nước chạy tầu, ta thấy có hiệu còi của tầu các chú, để chở hành khách và chở hàng hóa, trong Nam kỳ chở hàng hóa mà do tàu thủy, thì lại càng tiện và chóng lắm, nhân thế mà ta thấy Khách trú ở Chợ Lớn gửi đồ hàng đi khắp nơi cùng là các nơi gửi tiền về giả, hầu hết là do tầu thuỷ các chủ chuyển đệ cho, ít có khi cần đến sở bưu chính. Thuyền bè của họ cũng không ít, nội là những thuyền bè cùng sà lan, chở lúa Lục tỉnh về nhà máy Chợ lớn, rồi chở gạo các nhà máy Chợ lớn ra bến tầu Sài Gòn, cuộc vận tải này thật là hoạt động luôn luôn, toàn là họ chủ trương lấy cả, ngoài ra còn trở củi, trở than, trở gạch ngói… cùng là thuyền bè của các chú làm, thành thế ra số dân họ ở dưới nước, và sinh nhai về nghề thuỷ vận này, mới đến hơn một vạn người.Nghề ấy của họ phát đạt như thế, mà nào có thấy ai tranh dành được, trước đã nghe ông Bạch Thái Bưởi định đóng nhiều tầu, để vào chạy trong Nam kỳ, nhưng mãi không thấy gì, hay là tin ấy không thực, hay là ông tự liệu sức mình chưa đủ mở mang ra trong ấy được.

Đến như gọi là các nghề công nghệ chế tạo của họ, ở Sài Gòn, trừ mấy nhà đóng đồ go gụ ra, không có công nghệ gì đáng kể, nhưng mà Chợ Lớn đã gọi là kinh đô buôn bán của Hoa kiều rồi, giá có gọi là trung tâm công nghệ của họ nữa cũng được. Không kể những nhà máy gạo, những xưởng đóng tầu, là công nghệ to tát, và đã nói ở trên kia rồi, thì Chợ Lớn thì còn có nhiều công nghệ nữa, ta nên biết lắm.

Thứ nhất là nghề làm chum, vại, thạp, liềm.v.v… bằng sành, những đồ này trong Nam kỳ không thấy nhà nào là không dung, mà tuyệt nhiên không thấy một người mình nào làm cả, chỉ toàn là khách trú thôi. Họ có đến mấy lò nung những thứ này mà nhất là ở cái lò đường Cày Mai, chế những đồ sành vẽ hoa, và bôi thuốc rất khéo đã có tiếng lắm, người Âu châu nào đến Nam kỳ, tất là vào đây xem, cho là một nghề mỹ thuật của người tầu vậy. Họ có cả nhà máy nung gạch ngói.v.v… chở đi khắp cả Lục tỉnh, nhà máy cưa xưởng làm các đồ bằng thuỷ tinh, mấy nhà thuộc da theo lối tầu, nhiều nhà dệt vải; nhiều nhà chế xà phòng.v.v… Nếu biên hết được cả những công nghệ của họ trong Chợ Lớn, thì tất phải cuốn sổ đài, dày là chỉ kể những nghề to tát mà thôi.

Còn như ở Lục tỉnh, còn có khi tỉnh nào có công nghệ và cả canh nông nữa, đại khái công nghệ to tát mà họ ở các tỉnh như sau này:

Bắc Liêu: dệt chiếu, đánh cá ở miền Cà Mau, làm muối

Bà Rịa: giồng bong, làm muối. Tỉnh Bà Rịa này, hải phận nhiều, cho nên có đến 800 mẫu ở quanh vùng, mấy làng Long Thành, Long Điền, là ruộng làm muối, mỗi mẫu mỗi năm được đến 600 cân tây muối, cái quyền này lần này vào tay Hoa kiều mãi.

Biên Hoà: tỉnh này giồng nhiều chè (tức Chè Huế) Hoa kiều mua rồi chế hoá thế nào, làm thành như chè của Tầu, mà lại bán cho ta.

Gia Định: làm nghề đánh cá ở cửa cần giờ rất tốt.

Hà Tiên: toàn khách Hải Nam, ở giồng hồ tiêu và đánh cá rất thịnh.
Rạch Giá: nhiều nhà dệt chiếu hoa rất tốt.

Sa Đéc: cũng nhiều xưởng dệt chiếu trơn.

Thủ Dầu Một: lò làm đồ sứ.

Trong tất cả các công nghệ của Hoa kiều ở Nam kỳ, ta nhận kỹ thì thấy có mấy nghề này thua người bản xứ. một là nghề nhuộm thâm. Ở Cao Lãnh họ cũng có một vài lò nhuộm nhưng kém cái nghề nhuộm ở mấy làng Gò Vấp, Phú Nhuận, Hốc Môn và Thủ Đức (thuộc tỉnh Gia Định) xa, chính những nhà buôn tơ lụa của Hoa kiều ở Chợ Lớn, cũng phải thuê những làng này nhuộm ta thấy những the SaiGon, xuyến SaiGon, lĩnh SaiGon hang thì hang tầu, nhưng toàn là ta nhuộm, trông mỡ màng bóng bẩy, khéo và đẹp biết bao nhiêu. Hai là làm nghề vàng bạc, đồ này thì người bản xứ làm tinh tế và mỹ xảo hơn nhiều, ta thấy lá vàng rõ mỏng tanh, mì trạm trổ được rất khéo, đáng gọi là mỹ thuật của Nam kỳ lắm. Ba là đến đồ sứ. Đồ sứ ở bên Tầu chế làm sao mà đẹp thê thì không biết, chớ đồ sứ của Hoa kiều chế ở đây men đục dáng thô, trông rất là xấu, còn thua đồ sứ của ông Nguyễn Văn Tấn ở Hải Phòng, và công ty Hợp lợi nhiều lắm. Ngoài ra, nghề gì ta cũng chẳng bằng họ, mà nghề gì cũng nằm trong tay họ hết.

Nói tóm lại ngay những vật liệu ta thường dùng, trong 100 phần phải ngưỡng cấp ở Hoa kiều đến 80 phần, chưa kể đến những nguyên vật liệu của ta mà họ lợi dụng để chế ra các vật sản đem ra bán ở ngoại quốc nữa, thì đủ biết nghề nghiệp của họ phát đạt như thế nào? Vả lại, họ làm nghề gì cũng kiếm ra nhiều tiền cả, nếu không thế thì lấy đâu ra mà ăn uống tiêu pha, vợ con nhà cửa, lấy đâu mỗi năm bao nhiêu thuế, lại lấy đâu mà khuôn về Tầu.

Nghề nghiệp của họ đã thịnh, cho nên họ nuôi được một đảng nhân công lớn, từ đàn bà trẻ con, cùng là già yếu tàn tật, chạy giặc chạy đói ở bên tầu sang, vô số nghề nghiệp làm ăn, không lo chết đói. Họ đã sẵn có bụng đùm bọc lẫn nhau cho nên đồng bào họ đã đem than, có khi cả gia quyến vào đất Nam kỳ, dễ thường là kẻ vô dụng mà đến nỗi thừa. Trong các nhà buôn bán, từ anh thư ký cho đến thằng bồi nấu ăn, họ dùng toàn ngừoi họ chớ không dùng đến người mình. Trong các xưởng đóng tầu, các nhà máy gạo các xưởng dệt, các xưởng máy, các nơi giồng giọt, cho chi thợ mộc.v.v… toàn thị là nhân công họ làm cả ở những nơi đô hội như Sài Gòn và Chợ Lớn muốn chữa cái cánh cửa, cũng phải thợ các chú, muốn giặt quần áo, thì cứ hào tư một bộ, cũng phải đưa cho thợ các chú, mà ở trong chợ bún, những món ăn cần dùng cũng là các chú bán cả, đại khái như thế, muốn dùng gì tất phải cần đến họ, người bản xứ tuy cũng có làm những nghề ấy, song có thấm thía vào đâu! Phần nhiều những tiện nghệ, ví bằng dùng nhân công mình thì có phần rẻ hơn nhiều, song đắt hơn một chút, mà họ cứ dùng người họ, tấm lòng bao dung đồng loại như thế, cho nên đám khổ công bên tầu, là một thứ nhập cảng lớn ở Nam kỳ vậy.

Họ cũng có đi làm việc tây, nghĩa là làm trong các Sở Nhà nước và thứ nhất trong các hang buôn. Trong Nam kỳ, công sở nào cũng có người tầu làm vì có nhiều việc cần phải dùng giao thiệp với họ. Trong các hãng buôn, thí dụ như nhà ngân hang, cùng là các công ty xuất, nhập cảng của người Âu Mỹ đều phải dùng người Tầu làm Compradore (Mại bản), mà không dùng người mình, bởi cho người mình chưa đủ tư cách đứng vào cái địa vị ấy.

Nói tóm lại, Hoa kiều ở trong Nam kỳ, chỉ trừ có cái nghề kéo xe tay, là cái nghề mà bọn họ ở bên Nam dương quần đảo (Singapour, Java, Malaisie.. )làm nhiều, mà ở đây không làm, vì là còn giữ cái thể diện “thượng quốc” đôi tí, còn thì nghề nghiệp gì, cũng là ở tay họ làm hết, những sự nhu dụng của ta, phần nhiều là họ cấp cho cả, để chệt nó làm đầy tớ cho chẳng xướng lăm ư !” Câu nói ấy, hách dịch lắm, nhưng nghe có phải hay không?

____
Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 5)

Việc giáo dục, Việc truyền bá tư tưởng, Việc từ thiện, Việc y tế.

Hoa kiều đến ở một chỗ nào, chẳng những đã không muốn đồng hoá với chỗ ấy, mà lại muốn lập chỗ ấy thành nơi “đệ nhị cố hương” (TH) quê quán thứ hai  của mình, cho nên mọi công cuộc có quan hệ đến đoàn thể, đến thể lực, đến tương lai của họ, như những việc giáo dục, việc từ thiện, việc y tế, cho đến việc truyền bá tư tưởng bằng báo và sách, họ đều gây dựng lên và đâu có trật tự ra đất cả.

Họ vào đất Nam kỳ ta cũng vậy, trong khi đã làm được vững chãi cái thế lực của họ trong trường kinh tế rồi, thì họ chăm lo xếp đặt ngay cái việc kia, biết rằng có quan hệ đến vòng sinh  hoạt của họ ở đây, và cuộc tương lai của họ ở đây nữa.

Về việc giáo dục, họ càng lưu tâm, nhân vì họ sang doanh nghiệp bên này, có kẻ đem cả vợ con sang, có người lấy người mình làm con cái, muốn cho những đàn con ấy, biết đến tổ quốc và không quên được cái bản sắc của mình,nghĩa là không để con cái mình đồng hoá với người bản xứ, cho nên việc giáo dục thì họ tự biện lấy, theo cái mực thước của mình, các nhà hào thương, bỏ tiền ra quyên vào việc giáo dục nhiều lắm, ấy cũng nhờ thế vào có trường tư lập và công lập rất nhiều, con cái của họ không có cái lo nhà trường chật bàn ghế, ta đừng tưởng có người tầu sang đây, không trọng học thuật mà nhầm.

Kể các trường tư của họ ở hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn cùng là ở Lục tỉnh, để dạy hoặc Hán văn hoặc Pháp văn thì nhan nhản không biết đâu mà đếm. Còn như các nhà trường công lập, nghĩa là những nhà trường mà Hoa kiều bỏ tiền ra lập chung với nhau, thì một góc thành phố chợ lớn trường tiểu học đã thấy có nhiều, mà có hai trường này là to nhất: một là trường “Huệ thành trung học”, học sinh phỏng 200 người, toàn là 17,18 tuổi trở xuống, trông cách thức xếp đặt thì biết rằng kinh phí cũng nhiều, vì nhà trường to tát lắm, có nhà ngủ, phòng học, nhà tắm, sân chơi, lại có sàn tập thể thao nữa, do một tay chuyên môn của họ dạy, học sinh thì quần áo mũ giầy, ăn mặc phải cùng theo một lối, chương trình học cũng rộng, các khoa toàn là Hán văn,ngoài kiêm cả đến cả ngoại quốc văn, như là chữ Anh, chữ Nhật, chữ Pháp v.v….  trong bọn học sinh,những kẻ thông minh cường tráng rất nhiều, mỗi khi có lễ gì, ta thấy bọn học sinh ấy, ăn mặc một sắc, đánh trống thổi kèn, vác lá cờ năm sắc cộng hoà đi hàng đôi ngoài đường, thì trông cũng có vẻ mạnh mẽ lắm. Hai là trường “khôn đức nữ học”, để dạy con cái, học trò cũng đông, mà cho đàn bà quản đốc, chương trình thì chỉ dạy qua loa những điều thưởng thức về các khoa học.v.v… còn thì toàn là dạy nghề may vá, cách nấu ăn là môn học thiết thực cho đàn bà, đàn bà của học học như thế, chứ không học phiếm như các nữ sinh nước mình, đỗ đến bằng thành chung, mà về nhà trường nướng miếng thịt cháy khô, thổi nồi cơm không chin, như là cô Nguyễn Thị Nhung đã phàn nàn trong báo Echo Annamite mới rồi (số báo ra ngày 7 Juillet 1924)

Cao hơn bậc nữa, thì họ có trường “Trung Pháp học hiệu” (Lycee Franco chinoise), cũng ở Chợ Lớn, giáo viên phần đông là người Pháp, mà học khoa thì trọng thương mại hơn là các khoa khác, học sinh được độ 100 người, các nhà văn hào chí sĩ của họ, như dạng Uông tinh vệ, Sái nguyên bồi đi qua lại Nam kỳ, thường diễn thuyết trong trường này luôn.

Trường nào cũng vậy, họ dung nhiều cách cổ lệ học trò, cốt nhất là rộng kiến văn và trí phán đoán, như mỗi khi có việc gì mới lại xảy ra ở nước họ, hay là ở Châu Âu thì trong trường yết bảng ra cho học trò xem rõ đầu đuôi việc ấy rồi, đấy tức là cái đầu bài, hỏi ý kiến từng người, xem phỏng mình gặp việc như thế, thì đối phó ra làm sao, ấy là cách luyện tập trí suy nghĩ nhanh nhẹn cho bọn thanh niên họ vậy.

Ngoài ra họ cũng dung cách dạy học truyền khẩu, để dạy đám lao động, năm ba ngày họ lại một lần ở nhà công quán, mở cuộc nói chuyện nói về lịch sử địa dư, công nghệ, thưong mại.v.v… đám công nhân đó mà không đến nỗi u mê về mấy điều thường thức.

Việc học đã làm phổ cập như vậy rồi, lại còn mở ra nhiều nhà in và báo chướng để làm cơ quan giúp ở ngoài nữa.

Cái nghề nhà in và nghề làm báo của bọn Hoa kiều trong Nam kỳ cũng phát đạt lắm. Ở Sài Gòn và Chợ Lớn, họ có 3 cái nhà in to, sinh kế nghe chừng có vẻ khá, vì cứ in những giấy má buôn bán của họ cũng đủ nhiều công việc rồi. Thợ làm toàn là người của họ cả, báo giới thì có có báo “Nam kỳ Hoa kiều nhật báo” do người Quảng đông tổ chức lên, xuất bản hàng ngày do phố thuỷ binh là phố buôn bán to nhất trong Chợ Lớn, nhưng đã mấy lần chết đi sống lại, xem chừng không được phát đạt, vì dân đảng Quảng Đông là dân đảng của Tôn văn, thì hình như các dân đảng kia không hoan nghinh mấy.

Khi mới đầu, quyền biên tập báo ấy do ở tay một cụ tú cỏ nào ở đời Mãn Thanh đứng chủ trương, tư tưởng cũng quá nệ, như mấy ông đồ già của mình, nên xem buồn lắm, nhưng tôn chỉ cũng chỉ hạn ở chỗ này, là khuyếch trương buôn bán, vả chăng, không có ai nói, nhưng ta đồ chừng cũng biết rằng: họ lập báo trong đất nước mình, thì cũng chẳng có quyền nói tự do nào, nghĩa là phải theo cái chương trình đã hạn định, vì Nhà nước sợ hoặc họ có làm phương ngại đến việc chính trị, và phiến động dân mình chăng? Bởi vậy cho nên, cách thể tài của tờ báo ấy, trừ đăng những tin tức lặt vặt ở bên nước họ và bên ta, thì cũng chuyên trọng về mặt buôn bán, có thể gọi là tờ nhật kê của phòng thương mại cũng được.

Trừ hai cơ quan ấy ra, thì người Hoa kiều không có một thứ sách vở nào xuất bản trong Nam kỳ, nhưng mà họ có nhiều cửa hàng sách, những cửa hàng sách bán đủ các môn loại, mấy hiệu sách Tầu ở ngoài ta chưa thấm vào đâu, người mình vào mua, trừ mấy quyển tiểu thuyết nhảm ra, còn những pho nào có giá trị lớn, tư tưởng hay, thì hình như họ không muốn bán cho ấy cũng là một điều lạ. Thư viện của họ, lớn nhỏ rất nhiều, trong nhà công quán của mỗi bang, đều có nhà xem sách, đủ cả sách, Hoa, Anh, Pháp, Nhật v.v… nhưng cũng là về các khoa học phần nhiều, thứ mới đến tiểu thuyết.

Than ôi! Đảng dân Hoa kiều ở ta thật là được yên than yên phận làm ăn, đói rét không đến nơi, sung đạn không nghe tiếng, bao nhiêu cái quang cảnh loạn li khổ sở ở bên họ bây giờ, họ tránh xa được cả, thì chỉ có việc buôn bán làm giầu, ngoài việc buôn bán làm giầu, thì chỉ có việc mở mang giáo dục học thuật, phương chi họ xúc cảm về cuộc chính trị ở trong đau đớn về việc áp thuế ở ngoài, than tuy ăn ở đất người, long hằng quyến luyến nước tổ, vậy thì về mặt mở rộng tri thức, bồi bổ tinh thần cho nhau, là việc phận sự của họ phải làm, ta không lấy gì làm lạ vậy.

Đến như việc từ thiện, việc y tế họ lại càng lưu ý lắm, vì những việc kia quan hệ đến tinh thần, thì những việc này quan hệ đến sinh mệnh. Ta nên biết rằng: Hoa kiều rất nặng về tấm long hương quốc, thì cũng nặng về khối tình đồng bào, cho nên đối với công việc từ thiện và y tế, họ coi là cần dung lắm, mà cần dung thật. Việc từ thiện thì họ có đủ cả nhà bảo cô, xe chữa cháy, sở nuôi những kẻ tàn tật, khoản tiền cấp cho kẻ nghèo nàn. v.v… ấy là việc từ thiện chung của đoàn thể đối với cá nhân, đến như cá nhân đối với cá nhân, thì việc ấy họ lại nhận là nghĩa vụ nữa. ta thường thấy nhiều người Hoa kiều vợ con đuề huề, không may gặp phải cảnh thất lỡ vận, thì anh em rước cả về,  nhà nuôi, nhường cơm cho ăn, sẻ áo cho mặc, đưa tiền cho tiêu, lại tìm việc cho làm, cái long yêu nhau thật lòng đến nơi đến chốn lắm, một năm như một ngày, tuyệt chẳng có ý nào tận tích với nhau cả, vì cái tiếng hào hiệp họ vẫn có xưa nay. Nhân thế mỗi khi có việc gì làm phúc, thì họ sợ tranh trau trước, quyên giúp rất nhiều, chẳng thế mà khi Tôn Văn làm cách mạng, tiền dùng để hàng vạn hàng triệu đến giờ đều nhờ bọn Hoa kiều, nghe nói những ngày ấy, Hoa kiều ở Nam kỳ quyên cho tôn đến hàng mấy triệu, như thế thì họ hiểu đại thế nhiều lắm.

Việc y tế thì họ có lập ra ở Chợ Lớn một nhà thương to riêng cho người họ nằm dưỡng bệnh, thể thức y như các nhà thương lớn mà Nhà nước lập ra ở đây, cũng do người pháp trông nom, cũng chia ra chỗ phát thuốc phòng thăm bệnh, nơi làm phúc, nơi mất tiền, mà tiền phí tổn thuốc men.v.v… toàn ở sổ chi thu chung của họ xuất ra cả, ngoài ra những thầy thuốc người họ, lập ra bệnh viện riêng cũng nhiều lắm,ta đi quanh ở Sài Gòn, Chợ Lớn và ngay ở Lục tỉnh cũng vậy, thấy quanh ở Sài Gòn, Chợ Lớn và ngay ở Lục tỉnh cũng vậy, thấy ngoài cửa có biển đề “Y học bác sĩ Mỗ Mỗ ngụ”, thật nhiều đếm không thể hết được. Người Tầu chuyên môn nghề chữa mắt chữa răng theo lối Âu châu có 5,7 nhà, tiệm bán thuốc tây một vài nhà, có đến như những tiệm bào chế lớn nhỏ nhiều quá, lớn như những hiệu Nhị Thiên Đường, Quảng Tín Ký, dám đăng cáo bạch mỗi tháng trăm đồng, mà thuốc hòa tán của họ mỗi năm bán ra ta không biết bao nhiêu vậy nên khinh rằng cái nghề “bàn tán, dao cầu” của họ là nghề không phát đạt.

Xem thế, thì họ sang doanh nghiệp ở ta, cốt mưu lên cái cơ sở lâu dài, cho nên mọi việc đều mở mang hoàn thiện như thế, nghĩa là họ lấy đất Nam kỳ nước Trung hoa thứ hai vậy. Ai tưởng rằng; Hoa kiều đến đây, ai cũng chân ướt chân ráo, hễ đẫy túi là về, nếu nghĩ kỹ mới biết mình nghĩ thế là nhầm, chưa suốt được cái tâm lý cao xa của họ, là muốn tâm thực ta, mà người trước cốt gây dựng nên để dìu dắt bảo hộ cho người đến sau.

VII
Cái tính chất riêng của Hoa kiều, tính nhẫn nại, Cái tư tưởng thôn lạc, Hoa kiều ở đây, cuộc trị an của ta có ngại gì không. Mấy cái tội án của Hoa kiều; Thiên địa hội, buôn người, làm giấy bạc giả…

Từ đầu đến đây, độc giả đã biết đại khái cái thế lực của Hoa kiều trong Nam kỳ ta to lớn vững vàng là thế nào rồi, nhưng nhờ về đâu mà họ lại gây dựng được cái thế lực to lớn vững vàng như thế? Tác giả chỉ nói rằng, nhờ về cái tính nhẫn nại của họ.

Tính nhẫn nại là tính chất riêng của người Tầu, người thế giới đã đều chịu phục. Muốn làm công việc gì mặc lòng, họ đều lấy nhẫn nại làm bản lĩnh, cho nên tổ quốc họ chẳng hề có khuyến khích cái chính sách thực dân,mà ngay họ cũng chẳng có cái tư tưởng thực dân, thế mà miếng đất nào trong gầm trời này, họ cũng đặt chân vào mà sinh cơ lập nghiệp được, ấy là nhờ có tính quen nhẫn nại đi rồi.

Tính nhẫn nại của họ, có một từng cao hơn mọi người trên thế giới, là có sức chống chọi lại được với khí trời, rét mướt như ở Tây Bá Lợi Á (siberie), nóng chói như ở quần đảo Nam Dương (xứ Nam kỳ ta cũng thuộc về khí hậu này) người Tầu cũng coi như là một nước thứ hai của mình, Một người Tầu là Trúc Khả Trinh nói rằng “…Những người ở nhiệt đái, không thể nào chịu được khí hậu cuối mùa đông ở bên ôn đái, như là người Phi châu, không sao sinh trưởng được ở chỗ khí giời dưới 40 độ, lại quên ở ôn đái đi rồi thì không thể nào chịu được khí trời ở hàn đái và nhiệt đái, như là người châ Âu sang ấn độ ở hai ba năm, tất phải về nước một lần, ở bên bờ phía tây châu Phi, đã có tên gọi là “mồ người da trắng”, xem thế đủ biết cái sức đề kháng khí trời của loài người rất là hèn, nhưng người nước Tầu ta thì không thế, nội là những chỗ rét nhất nóng nhất ở trong thế giới này, đều có vết chân người tầu…”. Thật là nói không sai mà người châu Âu nói là “Hoảng họa” (cái vạ da vàng) là cũng có ghê cái tính nhẫn nại của người Tầu một đôi phần vậy.

Đến như các công việc làm, cái tính nhẫn nại của họ ta lại cũng nên sợ lắm. Ở trong Nam kỳ ta chỗ tụ họp rất đông những đám lao công người Tầu, ta thấy họ thực khuya dậy sớm, dãi gió dầm mưa, làm lụng suốt ngày, hình như không biết mỏi mệt, cho nên có nhiều đồn điền giồng giọt, các xưởng máy, các tàu chạy biển, đều dùng người Tầu nhiều, cho là có tính chịu khó, làm được nổi nhiều việc mà người ta không làm được. Tức như một việc đốt than ở dưới tầu biển, vì gần lò nên nóng nực quá, người châu Âu làm thì xúc được vào xẻng than bỏ vào lò, lại ra ngồi hứng gió và hút thuốc lá, chớ người tầu cứ ngồi luôn ở trước lò, lại lựa từng cục than mới bỏ vào, chịu được cả nóng nhân thế người Tầu có tiếng là đốt than giỏi nhất, xem thế thì tính nhẫn nại của họ ghê quá, xem ra công việc gì cũng làm được thành công to là thế.

Người Hoa kiều yêu nước, mà còn yêu cả làng, Lương Khải Siêu là bậc đại văn học ở nước Tầu hiện thời gọi là cái “tư tưởng thôn lạc” ta thấy bọn Hoa kiều trong Nam kỳ, bang phúc kiến, bang quảng đông lập trường riêng dạy bằng tiếng bang mình v.v… lại thường khi trong bang này bang khác, sinh sự xung đột với nhau, là vì tư tưởng thôn lạc này cả. Tiếng nói không được thống nhất thì cảm tình dễ phải phân chia, cho nên mới có cái tư tưởng ấy tư tưởng ấy cũng lợi, nhưng nếu quá độ, thì rất ngăn trở sự dân tộc tiến hóa, ta xem Hoa kiều sang ta, người mỗi tỉnh tức là mỗi thứ thổ ngữ. kết hợp thành một bang chứng tỏ ra rằng, cái tư tưởng thôn lạc của họ quá độ vậy, song lâu nay họ đã biết nghĩ đâu về nỗi giống nòi bị người khinh rẻ, nên đã mộ cái tư tưởng quốc gia, mà cùng nhau mưu an công ích lắm rồi, cho nên xem hiện trạng của Hoa kiều ở Nam kỳ ngày nay, cái tư tưởng kia, hầu như đã gần bỏ đi được hết.

Tuy vậy ta cũng nên biết rằng, nhờ có cái tư tưởng thôn lạc như thế, mà họ sinh ra được một cái đặc chất rất hay, là lòng bảo thủ, chứ không chịu đồng hóa với người ngoài. Trong Nam kỳ nhiều người Tầu ở quá, nên ta trông thấy cái đặc chất ấy của họ rõ ràng lắm, có phố khách, có làng khách, có đình chùa của khách .v.v… ấy như bên nước họ, không thay đổi tí nào, nghĩa là họ đi đâu, thì đem cái văn hóa của mình đi đấy, dầu cho có bị phong trào xô đẩy nhưng mà bản sắc vẫn còn đó, chỗ này ta nên phục họ lắm vậy.

Mấy mươi triệu, người Tầu sang kinh doanh ở bên nước ta như thế, liệu cuộc trị an của ta có ngại gì không? Cái vấn đề này người Pháp lo nhiều hơn, nhưng tưởng ta cũng nên biết.

Nhiều người Pháp rất thạo về việc thuộc địa, xét cái vấn đề Hoa kiều, đều kêu lên rằng: xứ đông pháp rồi đến mất, vì thấy từ khi lúc còn là chỉnh thể quân chủ, về đời Mãn Thanh nước tầu bỏ khoa cử, cấm thuốc phiện phái người đi du học, luyện tập hải lục quân,v.v… rất gấp về việc văn minh cải cách, lại khi nổi cái phong trào cách mạnh, đạp đổ nhà Thanh, công phụ chỉ có hơn một năm giời là thành một nước dân chủ thật là quật cường lắm, thì chắc thế nào họ cũng chiếm lại cái nước Việt Nam là đất nội thuộc xưa kia của họ. lúc bấy giờ người Pháp lo người Tầu hơn là người Nhật, vì sự xâm lược của người Nhật thì còn phải vượt qua đại dương, mà người Tầu chỉ nhảy qua biên giới Bắc kỳ là đến nơi. Quan nguyên toàn quyền de Lannessan trước cũng nói rằng: Tầu chỉ đem một vạn lính cho giỏi là đủ làm cho người Pháp bỏ xứ Đông Pháp mà thoái lo đến nỗi, người giỏi như ông Onesime Reclus cũng khuyên nước Pháp nên bỏ hẳn châu Á, vì ở không nổi, mà đem cả bao nhiêu cái sức thực dân sang châu Phi là hơn.

Những cái lo ấy không còn nữa, vì hiến thế nước Tầu ngày nay, đang bè đảng rối loạn lung tung, lo thân chưa xong, làm gì còn có cái sa vọng, nhưng cũng lo bọn Hoa kiều ở đây, hoặc là làm thuê cho một nước nào đang thèm đất này, hoặc là xui người mình bạo động chăng? Hai cái lo ấy cũng đều là “giời ơi” cả.Hay là làm thuê cho Nhật.? thì nước Tầu còn bị nhục 21 điều với Nhật kia. Hay là làm thuê cho Mỹ? thì đảng Hoa kiều ở Mỹ mới bị đuổi về kia. Mà nói rằng xúi giục ta thì cái chuyện ấy cũng chẳng có. Xem như việc “thuốc độc” năm 1908, việc “đề thám”, việc “xin thuế” năm Duy Tân từ niên, Việc “Phan xích Long ở Nam kỳ, việc “Thái Nguyên” năm 1917, quả Nhà nước không bắt được một người Hoa kiều nào đồng mưu, đủ biết được một người Hoa kiều không xui Annam bạo động gì được. vả chăng buôn bán bên này, vì lợi quyền của họ to, khiến cho họ phải tôn trọng cái quyền luật của Nhà nước Đại Pháp, nhất đán có việc gì, thì họ cũng phải tang thân bại sản. Vậy thì Hoa kiều không đủ sức nào làm cho Nhà nước phải lo ngại đến việc chính trị, mà ta cũng chẳng lo ngại gì, tất nhiên phải nhờ nước Pháp khai hóa cho đến tận lúc ta trở nên một dân tộc có đủ hoàn toàn tư cách. Cái ngày ấy chưa biết đến bao giờ.

Cái lo xa thì chưa thấy đâu, nhưng cái vạ trước mắt mà Hoa kiều gây lên làm hại ta, thì thật đã chán ra rồi. Không kể chi nhiều, ta hãy nói những cái tội ác của họ, như là: Thiên địa hội, buôn người và làm giấy bạc giả.

Người Tầu có được một cái tài, tội ác gì làm cũng nổi, mà hay lập hội bí mật thứ nhất, đã gọi là hội bí mật, thì chỉ có một mục đích, là làm cho thỏa lòng tư dục của một số ít người, mà hại đến công lý của một số người, mà ngại đến cả công lý của cả xã hội. Thiên địa hội tức là một hội bí mật của Hoa kiều trong Nam kỳ ta vậy. Gốc tích hội này, chắc là từ đâu những đời mà bọn Dương Ngạn Định và Mạc Cửu là bọn cưu thần nhà minh, chạy sang Nam kỳ ta mà lập nên, ấy là cốt để tụ tập những người vong mạnh, mưu việc khôi phục lại nhà Minh, xem như tôn chỉ hội nào cũng có bốn chữ “Phản Thanh Phục Minh” thì đủ lấy làm chứng cớ, chứ lịch sử ta cũng chẳng thấy nói gì đến, duy có chép khi vua Gia Long ta đang đánh nhau với Tây Sơn ở trong Gia Định, thì có một người Tầu tên là Hà Hỷ Văn thuộc về Thiên địa hội, tình nguyện xin ra giúp, như thế thì biết hội ấy đã có lâu đời và mạnh thế lắm vậy.

Nếu cái tôn chỉ của họ như trên kia, thì chẳng phải là không chính đáng, duy truyền mãi về đời sau, cái tôn chỉ cứu nước mình, mới chuyển ra cái tôn chỉ làm hại nước ngoài ta, nghĩa là mưu những việc làm loạn và cướp của giết người cả. Hội này to lắm, đám hạ lưu ở Nam kỳ mình tòng phục rất nhiều, nhưng mà họ giữ bí mật đến nỗi người ngoài không biết ai là Thiên địa hội, vì họ có nhiều dấu hiệu riêng, không thể hiểu được, nhưng có một dấu hiệu này khiến họ đoán ra được, là lối thích chữ chàm vào cánh tay, chính mắt tác giả đã trông thấy một vài người ở trong Nam kỳ ta, cánh tay có thích chữ chàm, những là “Trượng phu tung hoành vũ trụ” (TH) những là “Quân tử xát thân dĩ thành nhân” (TH) mà toàn thích bằng chữ Tầu cả, thì đồ chừng là người trong Thiên địa hội ấy. Hoa kiều gây ra cái hội này đầu têu cho ta làm việc nhiều vô nghĩa và tội ác tức như việc Phan xích long xưng là hoàng đế và việc phá khám năm trước, cũng là người trong Thiên địa hội ra, mà bây giờ trong Nam mình những hạng đánh cái áo bà ba, đội cái mũ boy scout chẳng làm ăn gì, chỉ có việc cướp của giết người, chưa chắc chưa chịu cái ảnh hưởng trong Thiện địa hội, Chính phủ đã ra sức trừng trị mãi, nhưng chắc hẳn cũng chưa tuyệt được nào, nghe nói về mạn Bắc Liêu, Hà Tiên.v.v… còn nhiều lắm.

Cái thói buôn người của họ càng tệ nữa, làm lìa tan cha mẹ, chia rẽ vợ chồng, tan nát gia đình của người mình nhiều lắm. Cái vạ này chẳng may trong Nam kỳ ta chịu nặng hơn là ngoài Bắc, bởi tiện đường sang Xiêm và sang Nam Dương quần đảo, là những mối hàng “mua con gái” rất tốt của họ. Không biết vì cái cớ gì mà họ rất thích buôn đàn bà con gái mình để bán, hoặc thổi bùa mê hoặc giả lấy làm vợ, rồi xuyên rừng vượt bể đem đi hàng tốp thường bị bắt luôn, bị phạt nặng luôn mà họ vẫn không chừa, vì cái nghề này họ đã lợi được nhục thể rồi, lại lợi cả tiền tài nữa.

Giấy bạc giả cũng là các chú làm đấy, lâu nay ta cứ nghiệm ra, hễ giấy bạc giả phát lộ ra, tất tại Nam kỳ trước, mà đến khi bắt được tội nhân, tất là Hoa kiều cái án giấy bạc giả từ bao giờ đến giờ đều như thế cả. Có khi họ làm từ bên Tầu đem sang, vì nhiều khi chuyến tầu ở Hương Cảng, khám được như thế, có khi họ làm ngay bên này, như năm trước ở Sài Gòn đã bắt được mấy đám, lại có khi hok gửi sang đặt nhà in bản đá ở tận bên Pháp in giấy bạc giả cho, tức như việc chú “thiên triều” là Akan mới rồi. Họ cho cái nghề này nhàn hạ mà mau giầu, có phương hại đến cuộc trị an của ai mặc kệ, việc giao thông đối hoái của ta rất trở trăn, mà thường bị liên lụy nhiều nỗi lắm. Tuy luật pháp nhiều phen bắt được và trừng trị rất nghiêm, nhưng dám chắc cái nghề làm giấy bạc giả của Hoa kiều chưa biết bao giờ đã tuyệt được.

_____
Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 6)

Bàn việc di dân vào Nam kỳ

I
Nghĩ cách nào mà tước bớt được cái thế lực Hoa kiều trong Nam kỳ đi bây giờ? lại tẩy chay nữa chăng? Hay là ra luật hạn chế?

Ở phần trên kia, tác giả đã tự thuật qua loa cái thế lực của Hoa kiều trong Nam  kỳ, từ nhân sô tư bản, thương mại, công nghệ, nhân công.v.v… nhất thiết kết lại thành một khối rất tốt rất to, hình như là lăn không chuyển, lại không rời được nữa. Tự những nguời nào nghe tiếng, tưởng cũng đã thấy lạnh mình, mà ai được chân đi đến chốn, mắt trông tận nơi, thì lại càng khiếp lắm nữa, tựa hồ như mình đứng trước một bức tường thành, mà trong có cờ xí xâm nghiêm, quân tướng hùng hổ như mình đứng trước một bức tường thành, còn có chôn địa lôi có quân mai phục màta chưa thể có được. Thế thì các chú đã là một cái vạ cho ta rồi, nhưng ngoài cái vạ các chú ra, ta còn có một cái vạ “anh bẩy” nữa, tưởng chẳng phải không đáng sợ. Người Ấn Độ tức là “anh bẩy” (cái tên người Nam kỳ đặt cho người Ấn Độ như thế, cũng không hiểu vì sao), sang doanh nghiệp bên Nam kỳ cũng đông lắm, phần thì buôn bán như mấy hiệu Bom bay (Bombay) ở đường Catinat, lưng vốn hàng mấy triệu, phần thì làm nghề cho vay, tụ nhau ở một phố đến mấy trục nhà, phần thì bán vải, phần thì đổi bạc.v.v… từ Sài Gòn Chợ Lớn cho đến Lục tỉnh, đâu ta cũng thấy có năm mươi tiệm Chà và, số người phổng chừng cũng non hai vạn chứ không ít, mà sau này tất có nhiều hơn.

Hoa kiều tức là cái vạ cho xứ Nam kỳ ta, mà tức là cho cả nước ta, thật đấy, chưa kể đến cái thực lực của họ bây giờ đã nguy cho ta rồi, mà xem đại thế thì đoán chắc rằng cái thực lực của họ còn to lớn ra nhiều hơn nữa, là vì tiện đường đi lại, dễ sự kinh doanh, mà bước chân họ đi, chưa có  gập gai góc gì chăn trở, ngoảnh mặt ra Đại hải, chỉ có nghênh ngang làm ông chủ, mà trên vàng dưới cám, cái kho vô tận hãy còn nhiều, chắc họ ngăn lưng vào mà moi ra cho hết, cho nên nay mai hải cảng Sài Gòn mở rộng hơn bây giờ nhiều. Ôi xứ Nam kỳ ta là cái kho vàng của cha ông ta để lại, không có lẽ con cháu cứ ngồi nhìn cho người ngoài như người Tầu đào lên, bỏ vào đãy vác về mãi, mà ta đành chịu nằm co trong cái phạm vi kinh tế của họ, hình như phải có họ mới có áo mặc che thân, phải có họ mới có thuốc uống khỏi bệnh, thóc gạo nhờ họ mới có chỗ bán, vật liệu nhờ họ mới có chỗ dùng, như thế cũng chẳng là hèn lắm ư? Không phen này phải tìm cách đề kháng mới được.

Chắc có người bỏi vận rằng: sao chỉ có để kháng Hoa kiều trong Nam kỳ ta, chớ cái thế lực của Hoa kiều ngoài Trung, Bắc kỳ này nhỏ lắm đấy ư?

Phải nói thật thế, ta phải biết phân biệt cái thế lực của Hoa kiều trong Nam và ngoài Bắc khác xa nhau mới được. Ngoài Bắc tuy có nhiều chỗ tụ họp đông Hoa kiều, và xem chừng cũng có bề thế lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và ở phố Hội An trong Trung kỳ, tác giả đều trông đến nơi, so với trong kia mười phần, thì ngoài này chỉ có một, lại thêm dân ngoài này, vì đường sinh kế bắt phải ra làm lụng ganh đua, buôn bán công nghệ đều tấn tới mau lắm, cho nên thấy cái cõi đất mà người Tầu để vững chân vào khoảng năm mươi năm trước kia, nay đã thấy họ đẹp đi mất một ít, cứ cái tình thế ấy mà xem, trong đôi ba mươi năm sau này, chắc ta cũng còn thấy cửa hàng cửa hiệu của Hoa kỳ buôn bán ở ngoài này, không như ở Nam kỳ, nếu cứ để tự nhiên như bây giờ, thì cái thế lực của họ càng ăn sâu rễ xuống, mà chẳng biết bao giờ long ra được. Vả chăng tình hình xứ Nam kỳ ngày nay, không khác nào là cuống họng của ta bị mắc kẹt, thế thì phải từ đó gỡ đi, cũng như đánh trận, cốt nhất lấy được chỗ yên tắc, còn những chỗ kia thì rồi phá dễ như chơi, ấy là một lẽ rất rõ ràng vậy.

Nhưng cái phương pháp để kháng họ phải như thế nào?

Nhiều người nghĩ hay là lại gây cái phong trào tẩy chay, hay là ra điều luật hạn chế, nhưng mà hỏng, hai cách này không xong được đâu.

Phải tẩy chay họ thế nào được. Việc năm 1919 kia, chắc chưa ai quên, nếu bây giờ ta lại làm, thì thất bại nữa, chưa nói gì đến cái giây văn hoá ràng buộc ta với họ đã lâu đời, là nói kiểu đạo đức ân nghĩa, đôi bên có cái nghĩa chủng tộc, quan hệ với nhau rất là thân thiết, phút chốc cự tuyệt nhau đến cách thế không, phương chi lối cử động ấy đối với sự nhu dụng của ta, và quyền chính trị của Chính phủ bảo hộ ở đây lại càng không được. Vật sản công nghệ của ta, tuy ngày nay có khá hơn trước nhiều, trong Nam kỳ ta thì chưa nói gì, tức chí ngoài Bắc này, thế mà vẫn chưa đủ xứng với sự cần dùng của mình, phần nhiều còn phải nhờ vả đến họ, ví bằng tẩy chay họ đi sao cho khỏi nạn lúng túng? vả lại cuộc tảy chay năm nào, dầu cho có người bảo là một cơn hờn dỗi của trẻ con, nhưng mà cũng có ảnh hưởng rồi đó, cũng đã đủ cho người Tầu nhớ lại lịch sử rằng, mấy phen trong thời nội thuộc, và sau trận sông Bạch Đằng, sau trận Đông Đô, sau trận ở bến Bộ Đầu, lại có việc tẩy chay năm 1919, nghĩa là dân tộc Việt Nam bao giờ cũng sẵn cái tinh thần để kháng với “Thiên triều” luôn, thế là đủ rồi không nên làm nữa, huống chi cử động như thế là thù vặt, người độ lượng không ưng làm, và lại có lợi hại sê sích nhau xa, cho nên xem 30 vạn người Nhật mới rồi bị Mỹ đuổi về là nhục bao nhiêu, đã toan để chế Mỹ nhiều, không thể rời đi được. Còn như Chính phủ bảo hộ có chức trách bảo hộ cho dân ta, thì phải bảo hộ cho dân ngoại quốc (đây chỉ nói Hoa kiều) vào ở đất ta nữa, vì mỗi người họ gánh vác thuế má nhiều, lợi cho sổ chi thu lắm, lại theo cái nghĩa thông thương tự do ở đời bây giờ tất Chính phủ phải bảo toàn cho họ được yên ổn, nếu ta làm thế, tức là phạm vào quyền trị an của Chính phủ vậy, không nên.

Còn như ai nghĩ cách ra điều luật hạn chế, là có ý lấy việc nước Mỹ thi hành luật khu trục mấy mươi vạn người Nhật ở Californie về hôm 1­­­ Juillet vừa rồi làm tỷ lệ vậy. Nhưng ai ra điều luật hạn chế Hoa kiều ở ta bây giờ? Chính phủ bảo hộ ư? Không, nước Pháp vốn là một nước trọng nhân đạo, không bao giờ làm như thế, vả lại đảng di dân nào ở đây đông, thì đường tài chính của Nhà nước càng lợi, để lấy đấy mà dựng lên sở vô tuyến điện to, có thể không thuộc với bên Pháp, lập ra nhiều đội tầu bay để tuần phòng và xem xét địa thế, lại thêm để giúp các miền bị tàn phá ở bên Pháp, toàn là việc công ích công nghĩa cả, họ thế thì can chi mà hạn chế họ, mà nếu ra luật hạn chế họ, thì có người lại bày khôn cho ta rằng: thế là trái luật thông thường tự do ở vạn quốc, không thể làm bướng được như nước Mỹ đâu.

Xem thế, hai cái phương pháp để kháng Hoa kiều, mà ta tưởng là hay, thì đều không làm sao được cả, vì đều có cái ý nghĩa “bạo động” hay là ý nghĩa “phạm quyền chính trị” ở trong, thì làm sao mà làm cho được, thế thì bây giờ muốn tước bớt cái thế lực ở Nam kỳ đi chỉ có cách “tiêu cực đề kháng” là diệu hơn cả mà thôi.

Thế nào là tiêu cực đề kháng?

Là thế chống lại họ bằng một cách ngầm, vừa dịu dàng, vừa êm ái, (cần nhất là chớ có bạo động) thế mà họ phải nguỵ, nghĩa là ta cũng lập ra nhiều hiệu buôn bán, mở ra nhiều xưởng công nghệ, chuyên tâm về đường chế tạo cho khéo gây dựng lấy một đảng nhân công cho to, trên đường cạnh tranh, thì ta ứng phó về mặt nào cũng có sức, bấy giờ dù họ có tài giỏi đến đâu, hay là nhờ có quyền bảo hộ nào rất thiêng liêng ta quét họ lần lần cũng phải hết. Lý luận thì như thế, nhưng thực hành thì phải làm thế nào? xứ Nam kỳ ta thiên thời, nguyên liệu không thiếu gì, tư bản không thiếu gì, nói tóm lại nội thứ gì gọi là những tài liệu để xây đắp lên nền kinh tế, thì có đủ hết cả, duy chỉ có thiếu “người” mà thôi. Thiếu người để khẩn những đất hoang, thiếu người đem nguyên liệu của mình ra mà lợi dụng, thiếu người ra buôn bán ganh đua, lại thiếu người làm cả tiện công tiện nghệ nữa. Nhân thế mà Hoa kiều khai thác được, thì bây giờ ta cũng nên nhân thế mà bổ khuyết vào, ngoài Trung Bắc này thừa người, thì nên vào mà gánh vác lấy những việc ấy. cho nên nói rằng “di dân vào Nam kỳ là cốt làm cho cái thế lực Hoa kiều đi, mà tức là một cách tiêu cực để kháng vậy.
Phương chi ngoài Bắc này còn vì cái thế bắt buộc phải đi đâu

II
Cái thế Trung, Bắc kỳ phải di dân, Đất hẹp người đông, ruộng ít mà hay đất mùa, nghề nghiệp không đủ cho dân làm ăn, Chứng tỏ sự di dân vào Nam kỳ là phải.

Trung Bắc kỳ vì cái thế bách phải di dân đi thật.
Trước hết hãy lấy mặt địa thế và nhân khẩu mà nói, đã đủ cái thế bạch ấy ta thế nào:

Bắc kỳ
Trung kỳ
Diện tích tính theo kilomet vuông
Tính ra mẫu tây
Số người(1)

105.000
10 triệu 50 vạn
6.850.453

150.000
15 triệu
4.933.429

Lấy số người ấy với số đất ấy, mà so sánh với nhau, thì cũng kể là còn rộng rãi, nghĩa là đất rộng và người thưa lắm, ở Bắc kỳ mỗi Kilomet vuông chỉ có 75 người, Trung kỳ mỗi kilômet vuông chỉ có 32 người mà thôi, không bì với bên Pháp mỗi Kilômet chừng 71 người, mà một nước láng giềng ta là nước Tầu đến 104 người ở trong một diện tích cũng như thế. Kể vậy thì thật rộng rãi thênh thang, vậy chật chội gì đâu đến nỗi, song le gẩy con tính thì nói như vậy đó thôi, chứ cái tình thế thật ra  thì lại kế khác.

Hai xứ tuy có đất rộng như thế, nhưng thấy trong nhân gian ở vẫn chật hẹp lắm, mỗi kilomet vuông có 300 người ở. Là vì rộng thật đấy nhưng có phải toàn là đất ở được và cày cấy giồng giọt được cả đâu, phần thì rừng núi tứ tung, phần thì đất hoang chưa khẩu, lại còn lựa đất nào để giồng giọt, lựa đất nào để người ở, thành thế trong hai xứ này, ở trên tỉnh thành thì có cái khủng hoảng về nhà cửa, mà ở thôn quê, nhà cửa hình như cũng chen chúc nhau lắm, thấy có hàng chật, vượt ra thành xóm, thấy có xóm chật, vượt ra ngoài đồng, nhà nào ruộng là một sào,, hẹp là vài miếng, ta đi khắp mọi làng, hoạ lắm mới có nhà ở được đất rộng và có vườn rược, chẳng bì ở trong Nam kỳ, nhà ở hàng mẫu là sự thường thấy lắm. Ngoài này ta đã thấy có nhiều làng, người ta phải mua ruộng tư rất đắt tiền để lấy chỗ ở, mà làng nào chỉ có ruộng quan điền, thì thấy dân cư, nay vượt một tí, mai vượt một tí, hụt mất một khẩu phần, thế là hơn trục chỗ ở, thì kém mất miếng ăn, chả bõ gì cả. Còn như mỗi người trong mỗi nhà ở cũng đã thấy chen chúc nhau lắm, già trẻ lớn nhỏ, thường mỗi nhà đều 15 người trở xuống, năm bẩy người trở lên, đã đông người mà nhà cửa lại ụp sụp bẩn thỉu, rất trái phép vệ sinh, cho nên thường sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như là bệnh dịch, bệnh tả.v.v… Phương chi nhờ được khí hậu ấm áp dễ chịu, vả lại ít lâu nay có nhà thương, và phương pháp hộ sản mới, cho nên sự sinh dục thấy mỗi ngày một tăng, cứ lấy sổ thống kê dân số mấy năm nay mà so sánh, thì năm nào nhân số cũng tăng lên đến 30% như thế sinh sản ngày một mạnh, mà đất cát chỉ có hạn thôi, e rồi có cái vạ “nhân mãn” (TH) nếu không tìm cách mà đi bớt đi thì lo một ngày kia không chỗ nào mà dung tích đủ người, cũng không đất nào mà dưỡng đủ dân nữa.

Lấy cân thăng bằng mà cân số đất như thế và số người như thế, đã chẳng tương được với nhau rồi, huống chi cái nghề sinh hoạt lại càng không tương được, với số người như thế nữa. Không nói thì chắc ai cũng hiểu cái nghề cốt tử của dân mình là nghề canh nông, mà nghề canh nông trong Nam kỳ còn khá, chứ ở hai xứ mạn ngoài này nào có ra gì. Bắc kỳ rộng đến 10 triệu 50 vạn mẫu tây, nhưng mà trong đó có dễ gần một nửa là rừng rú và đất bỏ hoang chưa khẩu, ta xem ở trên mạn ngược như tỉnh Bắc Kạn rộng tới 45 vạn mẫu mà rừng núi choán hết là 40 vạn mẫu, tỉnh Hà Giang thì 11 vạn mẫu đất hầu hết là rừng, Lào Kay rộng đến 58 vạn mẫu, mà mất 50 vạn mẫu là cỏ mọc và rừng núi, mấy tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Cao Bằng v.v… là những tỉnh ở mạn trên, đều như thế hết cả. Còn như mấy tỉnh ở dưới này, có tiếng trù phú như Hải Dương, trong 6 vạn mẫu đất, cũng mất 3 vạn là đất núi chẳng giồng giọt được gì, Vĩnh Yên cũng đại khái như vậy, duy chỉ còn mấy tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Đông, Hà Nam, Bắc Ninh.v.v… còn gọi là có ruộng mà thôi. Trung kỳ thì phải cái địa thế chạy dài, đất trên 15 triệu mẫu thì cũng rộng thật, nhưng mà phải dãy núi Hoàng Sơn chắn ở sau lưng, bề Đại dương án ở trước mặt, còn dư chỗ đất cày cấy được cũng chẳng bao nhiêu, mà đất lại xấu lắm, những tỉnh có tiếng là dễ cày cấy ở Trung kỳ như là Bình Định, Phú yên, Quảng Nam, Thanh, Nghệ, thế mà giá dem so với mấy tỉnh là có tiếng dễ cày cấy  tầm thường ở ngoài Bắc cũng còn kém xa, còn như Khánh Hoà với Bình thuận v.v… thì cũng y như những nơi trên mạn ngược ở ngoài này, nghĩa là rừng núi chiếm mất số nhiều mà ruộng nương chỉ còn lại là số ít mà thôi.

Ruộng đất đã hiếm hoi, mà nghề canh nông lại chật vật khó khăn, xem nông dân làm ruộng cày bừa gieo cấy, công phu khó nhọc biết bao nhiêu, thóc gạo mỗi năm chỉ đủ cho dân ăn, may năm nào xuất cảng được lấy vài mươi vạn tấn đã là nhiều lắm, vì ruộng bị nhiều cái hại, như những cái nạn chuột gặm sâu ăn, trời hanh gió nồm, các nhà làm ruộng lo sợ ngày đêm, có khi vụ gặt đến nơi, mà chưa chắc đã được ăn hay hỏng, những cái hại ấy, tuy lâu nay có tìm nhiều phương pháp để trừ, nhưng lại chưa làm đến nơi, cho nên cũng chẳng thấy có công hiệu gì. Mà những cái hại ấy đã thấm gì bằng cái hại đại hạn và nước lũ. Đại hạn còn khá, vì cái phạm vi thường hẹp, đến như nước lũ vỡ đê thì có hại vô cùng, tràn ngập có khi lan ra hàng mấy tỉnh.

Nông dân là một hạng chiếm đa số nhất trong xứ, ruộng đã không có đủ mà làm, cái đời của họ sống được lại trông mong ở thóc gạo, thế mà cái nông mỗi làm ruộng bấp bênh như thế kia huống chi là nghề nghiệp. Ngoài nghề làm ruộng ra dân Trung, Bắc hai kỳ còn có nhiều nghề nghiệp thật, như những nghề tầm tang, canh cửi.v.v… cùng là những đồ công nghệ chế tạo, ngày mõi khá mỗi nhiều, phần to thì cung cấp trong nước, phần nhỏ thì đem ra ngoài bán, kể đến thực trạng thật chưa ra gì, là bởi tiếc rằng công nghệ thế đấy, nhưng mà mình chưa biết dùng lãi ít ỏi, lại ra phết mỗi năm xuất cảng những đồ chế tạo gì bao nhiêu là tiền, nhưng nào có phải chính mình xuất cảng được đâu mà hòng có lợi, chẳng qua mình cũng chỉ được tiếng có đồ đem bán đấy thôi, kỳ thực có miếng ngon nào, người ăn mất cả tuy vậy, cũng đủ nuôi một đảng người lớn lắm. Song bao giờ nông dân cũng là một đảng to lớn, cho nên có công nghệ thật, nhưng mà nghề gì thì nghề, cái bước tới lui vẫn phải trông ở mùa màng cấy hái của dân gian làm hạn, mùa màng khá thì nghề nghiệp khá, mùa màng hỏng thì nghề nghiệp nguy. Ta thấy năm nào ruộng tốt gạo hơn, thì buôn bán nghề nghiệp nhất thiết đều có bề khởi sắc, không may năm nào mất mùa thì chẳng cứ việc gì, đều thấy đình trệ lại hết, thì mới biết ở trong nước ta bây giờ trăm việc đều chịu ảnh hưởng ở nghề làm ruộng cả vậy.

Có ruộng mà cày cấy, có nghề mà làm ăn, những hạng dân có sản nghiệp căn bản như thế còn khá, còn những hạng dân khốn cùng quần bách, ruộng không có mà cấy, nghề không có mà làm, toàn là hạng vô sản nghiệp cả, số này có khi chiếm một phần nửa số dân. Ta chẳng có sổ thống kê nào cả, nên khi không biết chắc rằng số người vô nghệ hoặc thất nghiệp như thế là bao nhiêu, song cứ lấy cái hiện trạng sinh hoạt mà xem cũng đủ biết, trên tỉnh thành thì thấy những người lòng bòng đói rách, ăn mày, ăn xin nhan nhản, mà ở nhà quê thì bao nhiêu người trông chẳng có cái khí sắc ấm no, rõ tội nghiệp quá. Hạng dân vô sản nghiệp này, đều là người làm, tay thợ cả đó, nếu cứ để cho họ chìm đắm trong vòng khổ sở đó, thì ra một hạng người rất nguy. Các nước Âu Mỹ, thương nông nghiệp phát đạt là thế, công nghệ mở mang là thế, bọn người chỉ sống nhờ tay mềm chân cứng rất nhiều, thế mà vẫn không khỏi bọn dân vô sản. Vả chăng lấy thường tình con người ta, hễ đã đến cấp cơ hàn thiết dân, thì quên hết bản tính, mới đâm ra làm xằng, lúc bấy giờ, thì thôi lừa đảo trộm cướp, tội ác mấy cũng làm, ăn xin ăn mày sỉ nhục mấy cũng chịu, cái mục đích duy nhất, là chỉ kiếm cớ cơm áo mà thôi có kẻ chịu khó đi làm mướn làm thuê, nay cấy mạn Bác, mai gặt xứ Đoài, hay đi vác gạo kéo xe, cũng là làm trong các công xưởng nọ, nhà máy kia, toàn là một mất khổ công, bồ hôi nước mắt suốt ngày, lại ngọn roi cái đá phục luôn đằng sau lưng, mà nào có kiếm được nhiều tiền gì cho bõ, bất quá ngày được một vài hào, ngoài này chỉ thế mà thôi, vì thừa nhân công, cho nên người ta bắt bí được, chưa chắc đủ nuôi được thân mình nào lại còn lo xống áo vợ con, còn nào là thuế thân Nhà nước, tốn kém đủ trăm cấp, mà kiếm ra chỉ được có thế thôi, than ôi, cái thân bọn “lao động” ở mình cực nhục hết sức!…

Mới xét đại khái như thế, đất không đủ chỗ ở, ruộng ít không đủ cày cấy, nghề nghiệp không đủ làm ăn, thế mà người lại đông, thế mà ba cái thế rất nặng, buộc dân Trung, Bắc kỳ phải di dân đi vậy.

Di dân đi đâu?

Ở trong cái địa vị người nước ta bây giờ, giới hạn chỉ có từ trên biên giới Lao Kay, dưới mũi biển Cà Mâu, trong giáp Diến điện, Xiêm la, ngoài sát bờ bể Trung Hoa, loanh quanh có đấy mà thôi, còn đi đâu được nữa, vả lại cũng chẳng cần đi đâu làm gì, vì ngay trong đất nước mình, còn chán chỗ làm được vậy, vậy thì dân ngoài này, có muốn đi đi, chỉ có vào Nam kỳ là tiện hơn cả.

Di dân vào Nam kỳ, làm cách nào cho dễ dàng, cùng vào đó làm nghề nghiệp gì, lát nữa tôi sẽ nói, nhưng đây tất có người hỏi rằng: “ở Bắc kỳ thì mạn trung châu, đất hẹp dân đông thật, nhưng mà ở trên mạn ngược, còn bao nhiêu là đất hoang chưa vỡ, lâm sản bỏ hoài, đang cần dùng nhân công để lên khai thác, trong Trung kỳ cũng thế, mà miền Mọi còn bỏ hoang, buôn bán không có, công nghệ không có, cũng đang cần nhân công vào đó mở mang, phương chi bây giờ đang cần khai thác xứ Lào, dân Trung Bắc kỳ sang bên ấy cũng tiện lợi am chứ, cần gì phải vào Nam kỳ ?”

Vâng sự lý xét như thế là phải lắm rồi, tôi cũng đã từng nghĩ đến, song nếu suy xét lại, thì mới biết mình nghĩ thế là nhầm, mà điều nghĩ ấy, tất phải đến hàng bao nhiêu năm sau này họa chăng mới thành sự thực, chớ không phải có thể nói được làm được ngay từ bây giờ.

Ai lại chẳng biết ở mạn ngược Bắc kỳ còn có nhiều hoang điền chưa vỡ, lâm sản chưa dùng thì nên đem dân lên mà mở mang, thế mà ta thấy nhiều người thí nghiệm rồi, hoặc bị thất bại, hay là cũng chẳng có hiệu quả gì lớn, vì có nhiều sự ngăn trở lắm. Thứ nhất là tại khí hậu độc, nói thế thì chắc có người cho là hủ hay là tin nhảm, là vì người ta đã có cách vệ sinh, biết đường phòng bệnh, thì khí hậu nào ở lại chẳng được, thế mà đối với những ông sang trọng nhiều tiền, thỉnh thoảng lên những mạn trên ấy để nghỉ mát, ở tất nhà cao, uống tất nước lọc, thì mới như thế được, chứ đối với dân lao động lên đó, cuốc đất chặt cây xuyên rừng phá núi, xin hỏi đã có ai hay là có cách gì bảo lĩnh cái sinh mệnh cho họ chưa. Thôi thì tụ họp tàm nham, ăn uống kham khổ, ta từng thấy nhiều người đi mạn ngược về, mà thịt bủng ra thì cả đó cho nên bây giờ có ai lên đó khẩn điền mà mộ được phu, thật là một việc khó, vì nghe hai tiếng “mạn ngược” thì họ đã khiếp cả rồi. Thứ hai là khác tính tình phong hóa, nói thế này chắc lại có người cho là hủ nữa, vì người các nước sang ta, khác tính tình phong hóa đến đâu, sao họ cũng ở được, song cái tình thế ở ta lại khác. Dân trên ấy toàn là Mường, Thổ, Mán, Mèo, tính tình phong hóa đã khác ta, mà lâu nay lại ở một chế độ cai trị khác, cho nên tuy là cùng một dân ở chung miếng đất với nhau, mà cảm tình nhạt nhẽo lắm, thành ra ta đã từng có nhiều người lên buôn bán với họ mà chẳng làm ăn thua gì, vả chăng tính họ lại hung tận lắm, có khi Nhà nước lấy được thuế của họ cũng khó lòng, phương chi nay bảo lên chiếm những khu vực của họ đều ở mà làm ăn, sao cho khỏi nỗi nguy hiểm trở ngăn được. Thứ ba tại đường giao thông chắc trở đi lên mạn ngược lôi thôi quá, vì chưa mở mang được hết đi lại khó khăn, phần nhiều là rừng rậm núi cao, suối sâu, thác lớn, thành ra xưa nay việc buôn bán, mạn dưới với mạn trên không bao giờ khá được, là vì cách vận tải  giao thông phiền phức đắt tiền nói chi đến sự di dân.

Cái tình thế trong Trung kỳ đại khái cũng vậy. Dân mọi ở phía trong Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Kontum, chiếm một khu vực rộng rãi, thiếu chi là nguồn lợi bỏ không, chưa ai nhúng tay đến, nhưng miền ấy là cấm địa, Nhà nước cấm không cho người Annam nào được vào, thế thì bảo trong ấy có nhiều mối lợi đấy, đâu ở ngoài đồng bằng này làm sao vào được mà nói ra.

Nói tóm lại, cái chính sách cai trị của Nhà nước rất khéo rất hay, nghĩa là cái chính sách “phân ra mà trị” thế thì dù bây giờ mạn ngược ở Bắc kỳ, miền mọi ở Trung kỳ có món lợi “bở” đến thế nào, ta cũng nhịn thêm mà thôi, phương chi còn nhiều điều ngăn trở không thể để sau này ta tìm cách giải quyết vấn đề này cho bõ xứng đáng, chứ bây giờ thì không thể nói được, tình thế đã khiến như vậy rồi. Ngay xứ mình còn bỏ bễ ra, chưa khai khẩn được hết, thì nói chi sang Lào, vả lại sang Lào thì khác gì sang Nouvelle Caledonie, xa xôi khổ sở chết đi, chứ vẻ vang gì mà nghĩ.

Như thế thì đủ chứng tỏ chắc chắn rằng: sự di dân vào Nam kỳ là phải hơn cả vừa là hợp trường sở, vừa có chỗ trông mong, tuy cũng chẳng có một vài khó khăn, như ta cũng tìm cách giải quyết với nhau được, vậy thì anh em ngoài Trung, Bắc ta ai là người có tài nghề, ai là người mạnh chân khoẻ tay, ai là người nghèo nàn đói khó, thì nên vào Nam kỳ mà làm ăn, anh em trong Nam kỳ ta cũng mong mỏi lắm đó.

_____
Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 7)

Việc di dân phải nhờ có Chính phủ giúp, Dân Bắc kỳ muốn vào Nam trước hết phải lo ba điều, Xin Chính phủ tha cho thẻ cán cước, và trợ cấp khoản tiền tầu, Phiền anh em trong ấy giúp đỡ cho sự tìm việc làm.

Chính phủ vì dân mà thiết lập nên, vậy cái vận mệnh cùng sự hạnh phúc của dân, nói tóm lại việc gì của dân nhất thiết phải trông cậy vào Chính phủ trông nom giúp đỡ.

Các nước văn minh bên châu Âu đã là phú cường rồi, nhưng mà số người mỗi ngày một đông, mà mọi sự xuất sản trong nước không đủ để tự cung cấp, Chính phủ phải lo tìm chỗ để xử trí dân, bèn đem tầu to súng lớn đi lấy thuộc địa này, chiếm tô giới kia, cùng là kí thương ước với nước này nước khác, đều là một cách di dân, một cách thực dân vậy. Mà trong nước Nhà nước có đặt riêng, bộ thực dân (TH), sổ chi thu có riêng ra một khoản để kinh phí vào việc thực dân, nói tóm lại cái chính sách “lo cho dân” của họ, không còn sót chỗ nào nữa.

Bên châu Á ta, trừ dân Tầu và dân Ấn Độ ra, tuy chính phủ của họ chẳng hề có khuyến khích việc thực dân bao giờ, mà họ cũng tràn lan ra hầu khắp thế giới, đó là bị cái lo “nhân mãn” đẩy đi, không sao cưỡng được, còn như nước Nhật cũng cổ lệ việc di dân lắm, không kém gì mấy nước ở châu Âu, Nhật từ khi nhảy lên đứng sắp hàng vào với hạng liệt cường thế giới đến bây giờ, dân số mỗi năm tăng lên đến mấy mươi vạn, chính phủ phải lo chỗ đó, cho nên chiếm cao ly, giật Đài Loan, tranh nữa giải đất Sakhaline với Nga, toàn là kiếm chỗ để di dân đi cả, nhưng mọi việc như thế đều có hàm nghĩa chính trị ở trong ta cũng chẳng lấy gì làm lạ, duy có việc di dân sang châu Californic bên Mỹ thì thuần là một mục đích kinh tế, ta thấy chính phủ họ rất gia tâm khuyến khích và bảo vệ họ cho dân, cho đến ngày 1 Juillet mới rồi, 30 vạn dân họ kiều cư ở đấy bị chính phủ Mỹ ra luật khu trục đi, thì chính phủ lo tìm ngay chỗ khác, để đặt số dân đó, là đi sang ở bên nước Bresil, mỗi tên dân đi như thế, chính phủ trích tiền công ra cho 200 viên yen, là đồng bạc Nhật), mà mỗi chuyến đến mấy nghìn người, đã có tầu của nhà nước chuyển đi, tưởng chính phủ lo đường sinh hoạt cho dân, đến thế là chu chi lắm vậy.

Về việc này, Chính phủ bảo hộ cũng lo cho dân ta nhiều lắm ta cũng phải biết ơn mới được. Cái chính sách “ưu dân” của Chính phủ, rất hay mà vừa dễ dàng, chắc chắn đỡ tốn kém, đỡ phiền phức trông nom, là cái chính sách “dân xứ nào cứ ở yên xứ ấy mà làm ăn” lo khô ráo thì đã lập ra máng nước, lo lụt lội thì đã có cách giữ đê (tiếc thay nước là một chất mạnh lắm, cho nên đê vẫn vỡ luôn), lo đường vận tải không có, thì lại khai thông sông ngòi, mở thêm đường xá, lo công nghệ vật sản không có chỗ tiêu thụ thì đã có mấy nhà xuất cảng đem ra ngoài quốc bản, và chính phủ hàng lưu tâm đi tìm mối hàng mới cho, tức là như xắp kí thương ước với nước Nhật nay mai.v.v… bao nhiêu cái công nghiệp đó, chính phủ toàn là vì dân mà làm, muốn cho ai nấy sinh trưởng ở đâu, thì lập nghiệp ngay ở đấy, cần gì phải đi xa xôi. Vả chăng hiện nay đường xá hãy còn trắc trở nghiêu khê, cho nên chính phủ đang ra công làm con đường xe lửa Vinh Đông hà, chừng mấy năm nữa xong, lại làm nối con đường từ Tourane đi Nha Trang, cũng chừng mươi lăm năm nữa mới có là sớm, bấy giờ con đường Đông  Pháp thiết đạo (le Transindochonois) làm xong, tha hồ cho người Nam kẻ Bắc đi lại với nhau, không phải phiền đến chính phủ bận lòng nữa.

Lâu nay, Chính phủ cũng đã thâm hiểu cái tình thế cấp bách của xứ Bắc kỳ ta phải di dân đi là thế nào, nên khi có đi một ít dân sang làm culi bên Nouvelle Caledonie và Nonvelle Hebrides (đều là thuộc địa của Pháp ở Úc châu) đủ chứng tỏ rằng Chính phủ cũng lưu ý đến việc ấy lắm. Duy có việc di dân vào Nam kỳ bao lâu nay, vốn là ý dân ao ước, vốn là ý Chính phủ định làm, mà chưa thấy được thực hành gì cả, ý hẳn chính phủ nghĩ có điều gì chưa nên, mà ta không đủ sức biết tới.

Đến ngày nay dân Trung, Bắc kỳ càng thấy cấp bách lắm rồi cái thế không có thể nói “ai sinh ở đâu thì làm ăn ở đấy” được nữa phải đi vào nam kỳ mà kiếm đường sinh nhai, là nói phải đi đi từng bọn, chớ không phải từng người, đã là từng bọn di dân, thì không xin với Chính phủ giúp đỡ cho không được, Chính phủ vốn có lòng quảng đại từ bi, cho nên ý của dân muốn thế nào là chánh đáng thì thiết tưởng bao giờ Chính phủ cũng vui lòng chiều theo, có điều gì khó khăn, thì Chính phủ cũng bớt đi cho được dễ dàng, vậy trong việc di dân mà ta đang cổ lệ nhau bây giờ, mọi phương diện tất cũng phải trông nhờ vào Chính phủ vậy.

Lâu nay dân Trung, Bắc ngoài này vẫn hâm mộ cái sự di vào Nam kỳ, vì nghe tiếng Nam kỳ là một xứ sung sướng phong lưu,dễ làm ăn,cho nên bây giờ nói đến sự vào Nam kỳ,thì hình ai cũng có sắc mặt mạnh bạo vui vẻ muốn đi ngay nhưng trong sự đi ấy có nhiều khó khăn sức họ không chịu được, thứ nhất là lúc sắp sửa ra đi.

Lúc sắp sửa ra đi phải lo ba việc này:

1.    Giấy căn ước (titre dIdentife)
2.    Khoản tiền tầu.
3.    Người giới thiệu.
4.     
Ba xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ là nước Việt Nam, hợp cả Cao Miên, Lào làm thành một xứ Đông Pháp, đều ở dưới quyền cai trị của Chính phủ bảo hộ, song lẽ mỗi sứ ở dưới một chế độ riêng, chính thể khác, cho nên người xứ này muốn sang xứ kia, tất phải có một thứ giấy của quan địa phương mình cho, ấy là giấy thông hành. Trước kia xin được một giấy thông hành, là một sự phiền phức lắm, phải đi hết sở nọ đến sở kia, chần chực đến mấy ngày mới xin được rất là bất tiện cho dân, cho nên mấy năm nay, Chính phủ mới thi hành giấy căn ước và giấy thông hành thì cũng giống giống nhau, duy chỉ có một vài điều khác, là giấy thông hành thì chỉ hạn có ngày, mà giấy căn cước thì được vĩnh viễn, giấy thông hành thì cho không, mà giấy căn cước thì phải mất tiền. Vậy người xứ này muốn sang xứ khác, là nói đi quanh trong xứ Đông Pháp này thôi, thì tất phải có giấy ấy, tức là một bùa hộ – thân vậy. Như người ở thành phố, thì do trưởng phố dẫn đến sở mật thám làm đơn xin đơn đệ vào hãy để đấy: cho sở Mật thám dò xét vài ngày rồi mới cho; ở các tỉnh thì phải lý trưởng làng mình dẫn lên Toà sứ nộp đơn, rồi sang Kho bạc nộp tiền, sang sở Cẩm hay Toà án để đo người và lấy dấu tay, cũng chạy mất hai buổi hầu mới lấy được. Xin mỗi cái giấy ấy phải nộp Chính phủ 5 hào, chưa kể chụp hai cái ảnh nghiêng mặt khổ 4×6, cũng mất chừng 4 hay 5 hào và tiền cơm rượu khoản đãi thầy lý trong mấy hôm nữa. có cái giấy ấy thì tàu bể mới phát vé cho mà đi, nếu không có thì khi xuống tàu rồi cũng bị kéo lên bờ, thường khi bị tội nữa. Vậy trước khi đi, phải lo điều ấy là một.
Đường từ Bắc vào Nam xa xôi lắm. Đường bộ thì hiên nay mới có ba đoạn đường xe lửa đứt khúc là Hà Nội – Vinh (326km), Quảng trị – Tourane (174km) và Nha trang – Sài gòn (408km), còn thì từ Vinh đến Đông Hà và từ Tourane đến Nha trang là hai quãng đường bộ rất dài, đi xe ôtô thì đắt tiền, đi bộ thì hết một tháng, mà đường xá gập ghềnh, núi rừng hiểm trở,, đối với những hạng dân phải di đi, thì không tiện lợi chút nào, duy còn có đường thuỷ. Đường thuỷ thì trước ta thường đi ghe, mành, ngay bây giờ ở mấy tỉnh Thanh, Nghệ, Quảng bình, Bình định … họ vẫn đi vào Nam kỳ như thế, song lâu la và nguy hiểm lắm, chỉ còn có tàu thuỷ là tiện và mau chóng hơn cả, nhưng vẫn còn là đắt tiền. Tàu bể chạy đường Hải phòng (chính là cái cửa bể xuất phát của dân Bắc kỳ) Sài gòn, trừ một chiếc tàu vừa nhỏ vừa chậmcủa ông Bạc Thái Bưởi, là tàu Verdun và tàu Bình chuẩn ra, thì độc quyền vận tải vào hãng Messangerics Maritimes, ta gọi là hàng “đầu ngựa”, trong Nam kỳ gọi là hãng Nhà rồng, có ký giao kèo với Nhà nước, và một hãng nữa là Chargeurs Réunes nhưng không có chuyến tàu chạy thường, ngoài ra, hoặc có tầu các nước ghé vào Haiphong rồi đi Saigon, dẫu có rẻ tiền hơn, ta cũng không được phép đi những chiếc tàu ấy. Giá tiền đi Saigon, trước là 36$00, nhưng mới đây lại hạ xuống có 20$00, là giá vé ở trên “Boong”, không có ghế nằm ngồi gì cảm mỗi người đi tất phải đem chiếu hoặc ghế vải đi mà nằm, tàu phát cho mỗi người một cái phiếu, đến bữa thì ra chỗ gian nấu bếp lĩnh mà ăn: được một bát cơm và bã súp, 4 ngày 4 đêm như thế thì vào đến Saigon.Vài chục bạc là bao, nhưng đối với những người đi “tha phương cầu thực”, thì như thế cũng là nặng. Vậy trước khi đi phải lo khoản tiền tàu là hai.

Bấy lâu người Trung, Bắc kỳ đi vào Nam kỳ cũng nhiều, mà hay giắt díu nhau là một sự rất hay rất lợi, nghĩa là người đi vào trước, đã từng biết thung thổ và nguồn ngách làm ăn rồi, thì dẫn người sau – là bà con anh em – vào; người này không phải cái nông nổi bỡ ngỡ, như chim chích vào rừng, lại không sợ  là không có công việc làm ăn nữa. Như thế, ta có thể gọi được là cách “hương tộc di dân” (Tiếng Trung), ta đã thấy người làng Nội – Duệ (Bắc Ninh) kéo nhau vào bán hàng tơ lụa, người làng Lại – xa (Nam Định) vào làm mũ, làm giầy… người Quảng Bình vào làm cu li xe và đi ở, làng nào cũng đến hàng trăm người vào ở quán tụ nhau, người có việc làm chẳng nói chi, không có cũng không lo thất cước, là vì cũng có nghĩa đùm bọc chỉ dẫn cho nhau, mà người cùng làng đi vào đông được như thế, toàn là nhờ cách giắt díu nhau kẻ trước người sau cả. Trong lúc này ở trong Nam kỳ, chưa có cơ sở nào tìm việc cho người, chưa có cơ sở nào mộ phu vào làm, thì số dân thừa ở ngoài này có muốn đi vào cũng chẳng biết tự xử trí mình vào đâu, cho đến những người muốn vào buôn bán làm nghề… nếu có người bà con quen biết ở trong ấy chỉ dẫn cho thì không nói gì, bằng không có thì sao? Vì không có người giới thiệu như thế, cho nên một người muốn vào Nam kỳ trước hết phải ngần ngừ về chỗ, vào đấy cách thức thế nào? Làm ăn thế nào? ngộ nhỡ vào mà không có chỗ nương tựa để kiếm việc mà làm thì sao? Không may bị bơ vơ thì khốn. Vậy trước khi đi còn phải lo có người giắt díu cho nữa là ba.

Ba điều phải lo trước như thế, không thích hợp với cái tình thế của dân nghèo muốn đi, cho nên bảo là ba sự ngăn trở cả. Ba sự ngăn trở ấy, nếu cứ để nguyên, thì không bao giờ nói được chuyện di dân, mà muốn giải thích đi, thì hai điều trên, ta phải xin với Chính phủ, một điều dưới ta phải nhờ anh em đồng châu ta kiều cư trong Nam kỳ.

1.    Xin Chính phủ tha cho sự lấy thẻ căn cước
Chính phủ đặt ra cái thẻ căn cước, thật là dễ việc kiếm đốc cho Nhà nước; tiện sự thông hành cho dân gian, thật là một miếng giấy mà tiện lợi quá chừng, không còn nói vào chỗ nào được nữa. Duy xét kỹ ra đến sự xin được cái thẻ ấy, đối với những người đi học, đi buôn, đi làm là hạng sẵn tiền trong túi thì thật là dễ dàng, đến như đối với dân nghèo – là muốn nói những người muốn vào Nam kỳ kiếm ăn – thì sự xin được cái thẻ ấy thành ra khó. Khó không phải là tại nghèo mà Chính phủ không phát cho đâu, chỉ khó vì chỗ chạy được tiền để xin được thẻ ấy. Thẻ căn cước xin chỉ phải nộp có 5 hào, thì khoản tiền nhỏ mọn như thế, ai là chả có, song lẽ khó ở chỗ vì phải vật nài thì thày Lý ở làng mới bằng lòng nhận thực cho, rồi lại mời thầy lên tỉnh, để vào tân Toà Sứ khai, cơm hàng rượu quán, tiền cáng tiền xe, chầu chực ít ra cũng hai buổi hầu mời được nếu là đường xa, thì phải tính cả ngày đi ngày về nữa. Đến khi được cái thẻ rồi, thử gẩy con tính xem trước sau tốn kém mất bao nhiêu: tiền quà bán cơm rượu xe cáng cho thầy Lý mấy ngày ấy, ít ra cũng mất dăm đồng, bản thân chưa kể, lại chưa kể đến mấy cái hình và tiền nộp lĩnh thẻ ấy, cũng vào một đồng bạc nữa, tổng cộng lại, một cái thẻ căn cước, tốn mất dăm bảy đồng là ít, dân nghèo cần dùng mà xin cho được chẳng bán mất mấy miếng vườn, cố mất vài sào ruộng hay sao? Mỹ -ý của Nhà nước chỉ thu có 5 hào thôi, nhưng những khoản tốn kém đi theo với 5 hào ấy, dân không làm sao tránh được.

Nhân vì sự xin giấy căn cước, ngẫu nhiên bị tốn kém khó khăn như thế, cho nên ta thường thấy nhiều người chui xuống hầm than ở dưới tầu nằm, và đi trốn ở dưới các ghe mành để vào Saigon, mà lính Mật thám thường bắt được luôn, ấy là một cái chứng cớ vậy.

Xét cái tình thế ấy, thì xin Chính phủ tha cho sự lấy thẻ căn cước là hơn. Xin tha không phải nghĩa là xin thủ tiêu cái đạo nghị định về căn cước đâu, vì thẻ này cũng có ích lợi nhiều lắm, mà chỉ xin rằng: đặc cách cho những dân nghèo, muốn vào Nam kỳ, miễn là có thẻ thân – thuế rồi, thì cứ việc xuống tàu đi, không cần phải có thẻ căn cước, để cho họ dễ dàng được sự ra đi, khi họ vào đến hải cảng Saigon rồi, thì sở “Hải cảng cảnh sát” hay là sở Mật thám trong ấy sẽ khám xét từng người, chiếu thẻ thuế thân mà bắt nộp 5 hào, phát cho một thứ thẻ gọi là “thẻ cư lưu” theo hình như thể lệ đối với khách ở Tàu sang thì phải có thẻ ấy; như thế tưởng cũng đỡ phiền cho Chính phủ, mà dễ dàng tiện lợi cho dân lắm.

Những khi họ ở trong ấy, mà trong việc buôn bán có cần phải thẻ căn cước, để giao thiệp với nhà Bưu chính cho tiện thì bấy giờ do trưởng phố ở phố họ ở, nhận thực cho mà xin cũng còn dễ hơn là xin trước khi ở ngoài này đi, vì cái thẻ căn cước, vốn không hạn rằng người tỉnh nào hay xứ nào, cứ phải xin ở tỉnh ấy, xứ ấy mới được, thứ nhất làm dân thành phố lại càng dễ hơn.

Nói tóm lại, không dám đâu xin Chính phủ bãi hẳn thẻ căn cước đi, những sự thi hành thẻ ấy nên đối với tuỳ người mà khoan dung hay bắt buộc mà thôi.

2.    Xin Chính phủ trợ cấp cho khoản tiền tàu
Nếu như việc di dân là một việc mà Chính phủ đã có thì giờ làm, thì một khoản tiền tàu, người đi không lo gì đến ví dụ như Chính phủ mộ phu ngoài này vào mở mang hoang địa và làm mọi công việc trong Nam kỳ, thì khoản phí tất Chính phủ cho hẳn, nhưng hiện nay chưa phải như thế, dân chỉ vì thế bách, vì tình nguyện mà tự đi, thì phải lo một khoản tiền tàu, tiếng thế cũng là một việc nặng.

Trên kia đã nói đường đi vào Nam kỳ, bộ có, thuỷ có, nhưng duy có đường thủy là tiện. Đường thuỷ cũng vô số tàu chạy, hiềm vì tàu nhỏ thì rẻ tiền, nhưng chạy chậm, tàu ta thì chạy nhanh nhưng đắt tiền, bề nào cũng khó lòng cho người đi cả. Giá như đây vào Nam kỳ, mà giá tiền tàu được rẻ thì hẳn người đi nhiều, điều ấy dám nói chắc như thế. Tác giả ở Saigon đã nghiệm rằngL tàu ở bên Hương cảng sang mỗi tháng đến mười chuyến là ít, mà chuyến nào cũng có vài ba trăm người Tàu sang, thế mà tàu ở Haiphong vào, mỗi tháng năm bảy chuyến là nhiều, mỗi chuyến chỉ thấy độ vài chục người Bắc vào,(trong vài chục người ấy, không phải gọi là người di cư cả), thế ra một đàng xa, một đàng gần, sao đàng gần thì vào ít mà đàng xa lại đến nhiều được thế?  Cái cớ, ở trong mọi cớ, là chỉ tại một đằng tiền tàu rẻ và một đằng tiền tàu đắt mà thôi, từ Hương cảng sang đến tận Saigon chỉ có 7$00 mà từ Haiphong và Saigon lại những 20$00, cho nên người Bắc vào Nam không đông được bằng người Tàu sang Tây Cống (Tiếng Trung – là tên người Tàu gọi Saigon) là vì đó. Bởi tiền tàu đắt, không vừa tầm sức với cái túi của phần nhiều người đi, cho nên có nhiều người phải mạo hiểm liều thân, là thông với mấy người làm ở dưới tàu, đãi người này độ mươi lăm đồng, cho được rúc vào hầm than, hay là nằm co trên ca nốt để trốn đi, may ra trôi chẩy thì thôi, không may bị bắt thì lại phải điệu về và bị tội nữa, nào ai có muốn bị tội làm gì cho khổ thân, chỉ vì muốn đi mà ít tiền cho nên mới phải làm liều như vậy.

Ấy mới nói sự đi tàu bể đắt tiền mà thôi, chưa nói đến những nông nổi đi hạng trên “boong”, thì cơm phải ăn xin, nằm không có chỗ, nghĩ lắm lúc mà tủi thân nữa.

Bởi thế, cho nên sự di dân bị ngăn trở, vậy bây giờ muốn cho người ngoài này vào trong kia được đông, thì phải xin Chính phủ trợ cấp cho khoản tiền tàu. Việc này, những kỳ hội đồng Chính phủ mấy năm trước, đã có nhiều ngài thỉnh cầu, lấy lẽ rằng những người là di dân, cần phải đem theo vợ con gia quyến, thế thì Chính phủ phải trợ cấp tiền tàu cho họ mới có thể đi được, song lẽ việc di dân chưa phải là việc Chính phủ định làm, cho nên việc xinn trợ cấp tiền tàu, Chính phủ cho mấy chục bạc hay sao? Như thế không tiện, hoạ chăng thế này mới được.

a/ Tàu của hàng Messangeries Martimes (Tổng cục ở bên Mar-seille) đều có ký giao kèo với Chính phủ để chuyên chở thư từ hàng hóa đi lại ở Pháp và Đông Pháp, thế thì những chiếc đi lại ở Marseille và Haiphong mà giá tiền tính theo phật lăng (France) Pháp thì không nói, nghĩa là lúc đồng bạc Đông Pháp xuống thì giá tàu cao, lúc đồng bạc cao thì giá hạ; còn chiếc tàu như chiếc Orenoque chỉ chuyên chạy ra vào Saigon – Haiphong mà thôi, thì tưởng Chính phủ có thể điều đình lấy giá hạ nữa đi được, lấy giá tàu chạy từ Hương cảng sang Haiphong, hay từ Hương cảng sang Saigon làm tỉ lệ.

b/ Ngoài ra còn một vài chiếc tàu của các công ty hàng hải khác, ví dụ như tàu Bình Chuẩn, Verdun… của ông Bạch Thái Bưởi, hiện nay chỉ chuyên chở hàng hoá, mà không cần chở khách, cho nên kỳ hạn thường không chừng, nay xin Chính phủ trợ cấp cho những tàu ấy mỗi năm ít nhiều, để khuyến khích cho cái nghề hàng hải của người bản xứ, thì sự chở hành khách sẽ được chuyên và giá rẻ đi nữa.

c/ Chính phủ cũng có xưởng đóng tàu bể ở Saigon, thường đóng được những chiếc tàu to, như chiếc Alberl Sarraul hạ thuỷ năm 1921, giá đừng cho đấu giá thuê, chỉ giao vào cho một công ty nào đó quản đốc, nhưng vẫn là tàu của nhà nước, để chạy đường Haiphong – Saigon, lấy giá rẻ hơn các tàu khác, cho những hành khách ít tiền đi, thì lợi cho dân bao nhiêu.
Như thế, thì tuy Chính phủ không phát tiền cho dân, mà tức là trợ cấp cho dân khoản tiền tàu vậy. Hoặc có phương pháp nào khéo hơn nữa thì lại càng hay.

3.    Phiền anh em Bắc kỳ đã ở trong Nam kỳ môi giới cho
Trong lúc mà việc di dân ta bàn đây, chưa phải là một việc thuộc về vấn đề xã hội kinh tế, thì những người muốn đi vào Nam kỳ, không biết có ai mượn mà làm, hay là tìm được việc gì mà làm không, vì đáng lẽ ngoài này phải có một sở “Tuyển mộ người đi vào” mà trong kia phải có sở “Phát việc cho người làm” mới được, nhưng bây giờ những điều ấy còn thiếu thốn cả thì ta phải cần có người làm môi giới cho.

Ai làm môi giới cho được bây giờ? Trừ anh em Bắc kỳ ta đã ở Nam kỳ và anh em Nam kỳ ra, thì không ai chịu mang cái trách nhiệm ấy cho nữa.

Song lẽ, nghĩ lại thì không chắc anh em Bắc kỳ ta kiều cư ở trong ấy bây giờ, có lương tâm hay là có nhiệt thành làm việc này cho không? Vì nghĩ lại cái tình hình người Bắc ở trong Nam mấy năm trước mà xem, không ai khỏi có bụng bi quan được. Cách đây ba năm, tác giả ở Saigon, trông cảnh tượng ấy lấy làm phàn nàn lắm: số người Bắc kiều cư ở ở Saigon rất đông, nhưng già nửa là những người đi làm việc và làm bồi bếp, hoặc là không có tâm chí gì, hay nghĩ mình là hạng chân nâng, ở đi không biết lúc nào là định, thì cũng không có thì giờ mưu được việc gì lợi cho kẻ khác, vả chăng nói cho phải, thì những người này không chiếm được địa vị gì có thế lực, chẳng qua tay làm hàu nhai mà thôi; chiếm được địa vị có thế lực thì duy có mấy nhà buôn bán công nghệ, song tiếc thay những ông này lại ích kỷ quá. Cuộc buôn bán của người Bắc trong Nam kỳ đang phát đạt lắm, chớ phải không đâu! Đi ở Lục tỉnh, không thấy mấy tỉnh không có cửa hàng của người Bắc, đi về các chốn nhà quê thường gặp người Bắc đeo gói hàng đi bán, mà thứ nhất là ở Saigon, chưa kể đến các phố khác, ngay ở phố Catinal, là phố người mình khó len lỏi thế mà cũng có đến mươi tiệm hàng Bắc, trông nguy nga đồ xộ, bề ngoài không thua gì mấy tiệm tây, tiệm khách, tiệm Bombay, mà chủ trương toàn là những ông trông có học thức và giàu có cả, tổng cộng lại thành một đảng “cự tử” ở trong thương trường, ai trông thấy cách doanh nghiệp của các ông cũng phải kính phải phục. Chết nỗi các ông thờ cái chủ nghĩa “vị ngã” quá, nên không có đoàn thể với nhau, mà cũng chẳng có công tâm gì cả. Đáng lẽ bấy nhiêu người Bắc buôn bán, nên có một phòng Thương mại hay ít ra một hội liên hiệp – để bảo thủ quyền lợi cho nhau mới phải, nhưng mà không. Đáng lẽ phải có nhiều cơ quan như là hội cứu tế, tiền tuất cấp cho những người đồng châu trong khi cơ lỡ mới phải, nhưng mà không. Đáng lẽ các ông ấy phải đứng lên lập hội gì để chỉ đường dẫn lối và đưa người tìm việc cho anh em ở ngoài này mới vào mới phải, nhưng mà cũng không. Bao nhiêu người Bắc trong Nam kỳ chẳng có cơ quan gì với nhau, chỉ có một cái hội là hội “Bắc kỳ nghĩa trang” nghĩa là người Bắc vào làm ăn trong Nam kỳ, vào hội ấy đến khi có chết ở đấy thì hội chôn cho, nghĩ hẹp hòi và buồn bã quá, cho nên khi ấy tác giả đã viết mầy bài đăng ở báo “Nam kỳ kinh tế” giải lẽ phải chăng, thì bị mấy ông đương sự lúc bấy giờ viết thơ đe kiện tác giả, việc ấy đến nay, tác giả nghĩ vẫn lấy làm lạ.

Những tình cảnh ấy ở mấy năm trước, chắc đến nay cũng vào thời đại quá độ rồi, vâyj tưởng có lẽ cũng trông mong anh em Bắc kỳ ta hiện ở trong Nam bây giờ, để giải quyết cái vấn đề “làm môi giới” này cho được.

Trước hết tưởng nên lập ra một nhà hội, gọi là nhà “Bắc phương công quán” (Tiếng Trung- gọi là Bắc phương vì đối với Nam kỳ thì Trung Bắc kỳ đều ở mạn bắc vậy). Theo đại khái như hội quán của Khách trú, nội dung không những là một nơi tụ họp cho những người bắc buôn bán làm ăn ở đấy, để bàn bạc nhau về việc buôn bán, công nghệ, học thuật… mà lại đứng làm môi giới giúp đỡ được cho những người Bắc muốn đi vào nữa. Trong Công quán ấy, sẽ có đủ cả nhà trọ, hàng cơm, do một ban uỷ viên đứng trông coi, tuy không tặng không cho ai, nhưng mà lấy tiền rẻ bằng nửa ở các cao câu, khách sạn, để cho những người mới vào bỡ ngỡ có nơi ăn chỗ ở, đỡ phải tốn kém như ở ngoài, mà đối với những người nghèo, khoản đãi không tưởng có khi cũng được. Công quán lại nên đặt ra một ban cố vấn, để đáp các thư từ của những người ở ngoài này muốn hỏi cách thức vào, cùng là lần mò tìm công tìm việc để xử trí những người đã vào mà chưa có chỗ làm ăn; việc này tất phải là người có thế lực lớn, giao thiệp nhiều, lịch duyệt rộng mới làm được, nhưng mà những hạng người Bắc như thế này ở trong ấy cũng nhiều, thế thì chắc làm cũng dễ.

Sau hết phải nên có một cơ quan gì đại khái gọi là “Bảo hộ cho những người di dân” để bảo hộ cho những người vào đấy, trong khi đau ốm, trong khi thất nghiệp, trong khi làm việc mà bị mấy người chủ thuê bạc đãi … nói tóm lại, cái chế độ không như bang của khách, mà cũng tức như bang của khách vậy.

Cái cơ quan ấy rất cần, có ích chung cho cả người đương ở và người sắp vào, nếu anh em Bắc kỳ như ta kiều cư trong ấy, làm được như thế, hay hơn như thế nữa, do ở lực lượng và cao kiến của mình, thì tức là mở đường cho anh em ở ngoài này vào đông vậy. Vì hiện nay, những người ở Trung, Bắc kỳ muốn vào Nam kỳ, trừ ra đôi người có bà con giắt díu không kể, còn thì lo nhất là sự tìm việc làm, nay nếu có nhà công quán như thế đứng lên chỉ dẫn và bảo lĩnh cho, thì thiết tưởng số người di dân ngày một đông khôn biết thế nào mà nói.

Gần đây, trong Nam kỳ đã có một sở tìm việc cho người làm, mở ra ở phố Harner (Saigon), số nhà 70, gọi là “Office colonial de placement el de la slalislique du travail”, do một người đồng bào của ta trong Nam kỳ là M.Bửu chủ trương, cốt tìm việc cho những người không có việc làm, và đưa người cho các nhà riêng, các nhà buôn bán, thật là công cuộc hay quá chừng, nhưng tiếc thay cái phạm vi chỉ được ở Saigòn mà thôi, nay ước gì M. Bửu khuếch trương cho to ra, có thể giúp đỡ vào việc di dân này được, thì càng thêm ích lợi cho đồng bào bao nhiêu!

Nói tóm lại, trước khi ra đi, phải lo giấy căn cứơc, lo khoản tiền tàu, lo người giới thiệu mà nếu Chính phủ giúp đỡ được cho hai điều trên, là tha giấy căn cước, hạ giá tiền tàu, và anh em Bắc kỳ đã kiều cư trong ấy hay là anh em Nam kỳ đứng làm môi giới cho, thì vấn đề di dân này đã nhẹ đi được một phần vậy.

IV
Người ta chê nhân công mình như thế nào? Có phải thế hay không? Di dân phải di cả gia đình. Cái vấn đề tiền lương. Phải bênh vực nhân quyền và sinh mệnh của họ. Giấy giao kèo.

Người Pháp sang chinh phục nước ta, chỉ lấy nước ta làm nơi “khai thác thượng chi thực dân địa” (Tiếng Trung), là bởi khí hậu khó chịu, không thể ở lâu dài được, chỉ mấy năm lại về Pháp nghỉ ngơi một lần, cũng không thể lấy chân tay ra làm những công việc mệt nhọc nổi, mà chỉ có làm những công việc bằng tinh thần, cùng là bằng lối “chỉ tay năm ngón” mà thôi. Nói tóm lại chỉ làm những nghề nhàn hạ tự do, là làm quan và làm nhà buôn, đến như công nghệ và canh nông, thì duy lấy óc suy nghĩ thôi, chớ không đem cánh tay ra mà làm lụng được. Bởi thế phải cần có nhân công.

Cần có nhân công để sai khiến mở mang, cho nên khi người Pháp bước chân vào Nam kỳ là tổ chức ngay cuộc di dân cho người Tàu, là một dân tộc vừa đông người, mà không sợ đi xa, sang bên ta, lợi dụng cả tư bản và lữ lực của họ ra mà làm đủ mọi công việc, y như ở bên nước họ. Việc đem dân Tàu sang nhiều như thế này, đáng lẽ ngoài sự giúp đỡ cho việc khai thác của Chính phủ Pháp, thì không để cho phạm vào quyền lợi sinh hoạt của dân bản xứ mới phải: sơ tâm của Chính phủ định mở rộng cửa chi người Tàu vào đong, là để dùng họ khẩn hoang địa, làm cu li, không dè họ làm trái hẳn cái chương trình ấy, là họ chăm chăm vào việc buôn bán, việc công nghệ, không những là cướp cả lợi quyền của dân mình, mà lại có ý cạnh tranh với cuộc buôn bán công nghệ của Pháp ở đây nữa, thành ta họ lấy đất ta – thứ nhất là xứ Nam kỳ – làm nơi “di dân giữa khai thác thượng chi thực dân địa” (Tiếng Trung, tiếng Pháp) tự hình thức mà xem, thì có lợi hơn người Pháp; điều này tưởng bây giờ Chính phủ cũng tự biết là sơ xuất thì phải.

Nhưng ta tự hỏi sao Chính phủ lại đem nhân công Tàu sang? Là bởi cho nhân công Tàu nhiều và có nhiều tính cách tốt, dễ sai bảo và có thể làm được việc, còn như nhân công bản xứ thì thiếu, và phải mất nhiều bản chất xấu không thể dùng được. Đại khái cái dư luận ấy như sau này:

Người Annam vốn là sinh tính lười biếng, lại không biết lo lắng gì cả, được ngày nào hay ngày ấy, nếu ngẫu nhiên được một miếng đất để cất một cái nhà, và một mảnh ruộng cày cấy đủ ăn trong một năm, ấy điều nguyện vọng của họ đến đó là tột cùng rồi. Trong mong họ để lấy nhân công thì vô ích; vả chăng, ngày giờ của họ phần nhiều là ngồi soài trên chõng, khề khà uống bát nước chè tươi và hút điếu thuốc lào hay là cả thuốc phiện nữa. Những ngày ấy, nếu chịu khó đi làm việc, thì thêm được đồng ăn tiêu, và ít ra nữa cũng kiếm được đồng để ra, phòng những năm đói kém… Song lẽ người Annam có biết lo xa đâu? Họ chỉ cam sống ngày nào hay ngày ấy, chẳng lo lắng gì, hầu như là con nít, bao nhiêu công việc đứng đắn đáng làm hôm nau, thì hãy để đến mai, duy có lúc nào túng bấn mới bắt được họ làm việc mà thôi.

Vả chăng, kể về phương diện nhân công, thì người Annam lại hay hiếu tĩnh, đó không phải là cái tật nhỏ của họ đâu, họ quyến luyến nhà cửa quê hương quá sức. Các gia tộc thường đến ở một làng nào, từ đời cổ nào không biết; cha ông đã đứng vào hàng tai mắt trong làng, và họ đã có ngôi thứ trong đình đám rồi, nếu bỏ làng mà đi, tức là làm mất danh giá, hầu như không phải là con người tử tế, nghĩa là nếu họ đi đến làng khác mà ở, tất bị người ta khinh rẻ, coi chẳng ra gì. Thành ra, hoạ chăng vì nỗi ông cha sa sút (hoặc vì bị tù tội, hay vì không đóng thuế nổi… ) thì  mới chịu đi như thế. Nếu như nhà cửa vẫn nguyên – tuyền, thì không ai chịu rời ra một bước; ai có đi cũng không đi xa: ví bằng ở quê cha đất tổ không được mà phải đi, thì họ cũng chỉ đi gần thôi, hoặc đi làng khác, hoặc lên tỉnh, hoặc làm ăn ở những tỉnh gần gũi, để cho đến khi trong làng trong nhà có cúng tế giỗ tết gì nhưng người rác rác đi làm các nơi dễ sự về nhà để cúng tế giỗ tết với nhau cho tiện. Nhân đó mà người Annam có một điều sợ, một điều ghê khiếp nhảm nhí, khiến cho họ lấy sự đi xa làm lo lắng.

Thường khi có một người Tây ở một chỗ nào trong xứ Đông – pháp này, mà phải đổi ở vùng này đi vùng khác, có người bồi tốt muốn đem đi theo, thì nó kêu là “nước độc”, không thể đi theo được. Ai lại không biết, phần nhiều người Annam có một thói quen, tuy hơi trẻ con mà thấy cũng cảm động là khi sắp tới ở một xứ nào xa xứ mình, thì hay gói một cục đất ở chỗ mình ở ấy mà đem đi theo. Nếu có ít nhiều người, không cần gì những sự đã tin, hay hoặc được lương cao, quên cả những sự ấy, mà bỏ ra đi thì một sự sầu – uất mà họ cảm giác trước hết, dù cho là một cơn sốt xòa… chẳng qua bởi phong thổ khác mà ra, nhưng cũng đủ là một …làm cho họ hối hận ngay rằng mình đi thế này, là táo tợn dại dột, thì vội vàng trở về quê cha đất tổ ngay. “Như thế thì phân minh rằng sự lợi – dụng nhân – công bản – xứ có điều gì ngăn trở to lắm”.

Người viết mấy dòng ấy, nói nhân công bản xứ tức là chủ nhân  công Bắc kỳ, vì chỉ có Bắc kỳ mới có nhân công mà thôi. Ta thấy phần đông người Pháp – trừ ra mấy người có hiểu tình thế và tính chất của ta lắm – đều chung một ý kiến như thế. Vậy nhân  công Bắc kỳ có đến nỗi tệ như là dư luận ấy đã chỉ trích hay không, tưởng là một điều ta cần xét lắm. Trước hết ta phải nhận là có thể, sau ta nói rằng: mấy cái tệ đó ngày nay không có nữa đâu.

Người mình vẫn có lòng nặng tình quê hương, không muốn rời ra một bước, tức là cũng có cái “tư tưởng thôn – lạc” y như người Tầu, mà tác giả đã nói trong đoạn ở phần trên, cho nên đi đâu xa một tí, thì hay nhớ nhà, công việc làm ăn nhân thế mà có ngăn trở; song về thủa trước kia, trình độ sinh hoạt còn thấp, miếng vườn sào ruộng là đủ ăn, không trách nào cái tư tưởng ấy phải phát đạt được, bây giờ cái trình độ sinh hoạt cao nhiều, nếu cứ trì thủ mãi không xong, thành ra cái tư tưởng kia phải biến, chẳng có đâu quá độ như trước. Vả chăng, cái tư tưởng thôn lạc không phải là dở cả đâu, mà lại có ý nghĩa hay nữa, nước Mỹ lấy 48 nước nhỏ mà hợp thành lại một nước liên bang to, và thực hành được cái chính sách cộng hòa trọn vẹn rực rỡ như thế kia, nguyên lấy cái tư tưởng thôn lạc làm gốc cả. Nhưng nếu tư tưởng thôn lạc mà cứ ôm chặt lấy, chẳng những không tiến thủ được việc gì mà lại thành ra ngu ngốc, nhưng nếu thoát hẳn nó ra, thì hình như lại thành ra quá khích mất rồi! Đã yêu cái chỗ đất mình sinh ra, lại còn phải biết yêu cái khu vực lớn gồm cả chỗ đất mình sinh ra nữa, bởi thế cái tư tưởng thôn lạc, cần phải cân nhắc thế nào cho vừa phải mới được. Kể thường tình của người ta, ai không yêu mến cái chỗ đất tổ quê cha, chon rau cắt rốn của mình, phương chi đã quen sông quen núi, quen đường đi lối lại, quen gốc cau vườn chè của mình đi rồi, nhất đán phải rời bỏ mà đi xa, thì chút tình bịn rịn nhớ thương, không có sao được; nhưng ví bằng lấy chỗ mình đến ở đó, mà tô điểm làm sao cho có cảnh tượng cùng hơi giống như chỗ sinh trưởng của mình, thì cái tư tưởng thôn lạc phải nhẹ đi một nửa, nghĩa là đi đâu, mình lập gia đình ở đó. Người Tầu cũng nặng tư tưởng ấy như ta, thế mà đâu họ cũng đi đến và ở lâu dài, toàn là do cách khôn, đi đâu thì lập gia đình ở đó vậy.

Nhiều nhà trại chủ, điền chủ mộ phu như ở trung châu lên mạn ngược, hay ở ngoài Bắc vào Nam, mà bị ít lâu, họ nhớ mà muốn về, làm nhỡ cả công việc mình, là bởi không biết mưu cho họ lấy điều sung sướng thứ nhất, là sung sướng gia đình, nghĩa là không biết hóa cái chỗ hoàn cảnh của họ, hơi giống như những lúc ở nhà, thành ra họ chẳng được chút gì yên ủi, mỗi khi xúc động những cảnh bóng xế giăng tà, mây bay gió thổi, mới sinh ra cảm tình quê quán, động mối li sầu, chỉ muốn về ngay, chẳng thiết gì công ăn việc làm nữa, hay cũng vì đó mà họ sinh trễ nải ra. Bởi thế việc di dân muốn được thành – hiệu lớn, lại cần phải làm sao cho họ được gần gũi gia đình, hay là gây dựng cho họ một gia đình mới, để cho họ nhẹ bớt cái tư tưởng thôn lạc đi mới được.

Nếu thế, chẳng những trừ bớt được cái tư tưởng thôn lạc của họ đi, mà lại trừ được cái căn tính “tự túc” đi nữa. Trong lúc thế giới, người ta tiến hóa vô cùng, cạnh tranh vô cùng, nhất thiết cái gì cũng muốn cho đến cực điểm mới nghe, thế mà người mình chỉ ngồi ôm lấy cái căn tính tự túc, thế nào cũng cho là đủ rồi, không có chí mạnh bạo để tiến  tới. Cái tính này của dân tộc ta đã cổ lắm rồi, đã khiến cho ta là một giống người đẻ trước, mà bây giờ phải nhục nhã mấy bọn người sinh sau, tưởng là nay sực tỉnh rồi, nhưng xem chừng vẫn còn nồng nàn cố chấp lắm. Thật thế, trải xem các dân – đảng ở nước mình ngày nay, chỉ trừ ra có hạng làm quan, thì muốn to muốn giầu, tham – lam không biết đâu là cùng; hạng cho vay nợ lãi, và bọn đi xu phụ để cầu lấy hư danh, thì cũng tham lam, không biết thế nào là chán, còn thì hình như đều giữ cái tính tự túc cả: đi học cốt lấy được cái văn bằng, làm nên quan Phán quan Tham, thế là đủ; làm ruộng chỉ cốt sao cho thóc mùa này ăn được đến mùa sau, thế là đủ; công nghệ gì, thường chỉ cốt đẽo gọt chắp nối thế nào cho thành hình, miễn sao bán được thì thôi, thế là đủ; buôn bán thì ngồi chỗ nào nguyên chỗ ấy, chờ mạnh  – vận để kiếm lời, thế là đủ; thành ra không ai có chí tiến thủ mạnh bạo một tí nào, trách nào chẳng làm nô lệ mãi được? Bọn cùng dân mình, trúng phải cái bệnh này sâu lắm. Họ tự nghĩ rằng: người ta sinh ra, ai cũng có số phận an bài, sang hèn giầu nghèo, ấy là tự giời định, không thể cưỡng được. Nhân thế mà làm việc gì cũng vậy, chỉ đo ngang với cía dục vọng tầm thường của mình là thôi, cho thế là đủ, hơn nữa cũng không làm. Giá lấy nghĩa “tri – túc” của cổ nhân mà nói, thì như thế là hợp lắm, song ở đời này không thể được. Đời này ai cũng phải mạnh bạo mà tiến lên, cái chỗ hay dở hơn thua, bao giờ cũng phải quá cái tầm sức thường của người ta mới là định được.

Bọn nhân công mình, làm công việc gì mà hay bỏ dở, là tại như tính tự túc, mà xét ra cái tính tự túc ấy sinh ra cũng có phần bởi tại nông nỗi xa nhà, vì trong óc của họ, chỉ có tư tưởng gia đình mà thôi, chớ không có tư tưởng xã hội, chẳng may vì miếng cơm manh áo, mà phải đem thân đi làm xa, khi mê khi tỉnh, lúc nào cũng nghĩ đến nhà, hễ đã thấy ấm no đôi chút rồi, thế nào cũng lo đến sự trở về chốn cũ, dẫu miếng ngon miếng bở đến đâu, cũng khó làm cái bả mà lưu họ lại được nữa. Ấy, gia đình đối với họ là sự sống, là cái thú có một của họ như thế, nếu hay những người muốn dùng người ta, chỉ muốn người ta lăn lưng vào làm việc cho mình, mà không muốn cho người ta có sự sống ấy, có cái thú ấy, lại trách người ta hay “nhớ nhà” như thế chẳng là ích kỷ lắm sao?

Nhưng cách di cả gia đình đi thế nào, cho tiện? Chắc hẳn di dân lên mạn ngược hay là vào Nam kỳ cũng vậy, đi một người nào đi, mà muốn đi cả gia đình người ấy đi ngay thì không được. Tất phải từ từ mới xong. Hoặc người đi ấy là người mộ, thì việc đem vợ con họ vào, là phận sự ông chủ mộ phải lo thay, xuất tiền phí tổn ra cho họ trước, rồi sẽ trừ lương sau, thế tưởng cũng là tiện lắm. Hoặc người ấy là Chính phủ di đi, dùng để khai thác một chỗ đất nào, thì trước hết hãy nên đem một mình họ vào, chỉ định cho họ chỗ đất ấy đã, để cho họ gây dựng thành cơ ngũ rồi, bấy giờ tự họ về đón gia đình mình đi. Ta đã từng thấy ở trên mạn ngược Bắc kỳ ta, như ở Yên Bái, Phú Thọ, Chợ Bờ… mấy nhà thực dân Tây Nam, thứ nhất là mấy vị linh mục, dùng cách ấy, đã có kết quả hay: nhiều chỗ trước là cỏ rậm đất hoang, bây giờ đã có làng xóm lập lên, ruộng vườn khai phá, trông thật có vẻ sinh tụ sầm uất lắm. Việc di dân vào Nam kỳ, xưa nay chưa hề thấy Chính phủ chú ý đến hoặc như có làm, cũng chẳng thấy thành công, ấy chính là thất sách ở chỗ không nghĩ gì đến nhà của người dân đi cả. Nay không cứ là nhà điền chủ, nghiệp chủ, công nghệ … muốn mộ người ngoài này vào làm việc cho mình, tưởng không quên sự “di cả gia đình” đi, là việc cốt yếu, tuy có khó nhọc phiền phức đôi chút, nhưng thật có quan hệ đến sự lợi hại của công việc mình.

* * *

Người ta lại còn trách nhân công mình tầm thường và biếng nhác, có mặt người trông côi, thì mới cặm cụi làm, xểnh ra là ngồi khề khà hút thuốc và nói chuyện nhảm với nhau ngay; việc đáng làm một công lại kéo dài ra đến 5,7 công…

Có thật thế không? Không, đến nỗi đâu mà mang lấy lời trách ấy được, có phải chăng nữa là ở trong cũng có một cớ. Xem những khi bên Thượng quốc (tôn nước Đại – Pháp) có việc chiến tranh, mà con nhà Việt Nam ứng mộ đến mười mấy vạn người, sang làm lính thợ bên Pháp, đã từng được tiếng khen là đảm đang, chăm chỉ lắm; xem những xưởng máy nọ máy kia ở đây, bọn cu li đi sớm về khuya, cơm nắm nước bầu, suốt ngày vất vả; xem những công nghệ chế tạo của ta, càng ngày càng mở mang, chẳng nhờ nhân công ta, thì lấy gì mà làm, như thế thì quyết không phải là tự nhân công ta dở đâu, mà thật là bởi ở một cớ. Là cớ tiền lương không ra gì.

Ôi! Viết đến đây, tác giả để mình phảng phất vào quãng sáng mờ, hay vào lúc tối mịt, trông thấy bọn thợ lũ năm lũ ba, đầu đội nón rách, mình mặc áo xơ, tuy ngoài miệng nói nói cười cười, nhưng trong bụng nghĩ những: “thuế má làm sao?…ăn mặc làm sao?… vợ con làm sao?…đóng góp làm sao?…” rồi chép miệng thở dài, ngang tay gạt lệ, nhắm mắt bước chân vào cửa xưởng làm, … hay là ở xưởng ra về … thì không ngờ tức mình quát lên rằng: “Chao ôi! Rõ cái đời của bọn lao động mình mạt quá” Sao? Nghĩa là tại ít lương.

Bọn lao động nước mình khổ thật: làm lụng vất vả cả ngày, khuân tiền gánh bạc chồng ngập từ chân lên đầu một ông có của thuê mình, mà tự mình thật là chỉ uống nước mắt ăn mồ hôi, chẳng được một cái gì cả. Các nước có nhân công, không có nước nào lại rẻ như ở nước mình quá thể, bảo là công việc của người ta nặng, đời sinh hoạt của người ta cao, nhưng thiết tưởng ở mình ngày nay có kém gì: từ cơm áo nhà cửa thuốc men thuế má, so với trước, cái gì cũng đắt gấp lên 10 lần, thế mà bọn lao động mình, đem đồng tiền kiếm được, và sức mình bỏ ra mà so sánh với nhau, thì thấy còn chênh lệch nhau quá, nghĩa là sức nhiều mà công ít, không đủ sinh hoạt vậy. Đó, xem lại những bọn gọi là thuyền thợ và cu li ở trong các công xưởng nước mình, làm mỗi ngày kiếm được bao nhiêu? Cứ kể lương của họ, chỉ có từ 3$00 cho tới 12$00 mỗi tháng, thế là mỗi ngày làm chỉ được từ 1 hào cho đến 4 hào công mà thôi, nay ta cứ lấy hơn bù kém, bỏ già mỗi ngày mỗi người được 3 hào công, mỗi tháng 9$00, nếu kể ngày nghỉ ngày phạt đi, thì lại không được như thế, thật ra, ngày phải nghỉ và ngày bị phạt lại là thường lắm. Mấy ông chủ thuê, nghĩ thí cho họ mỗi tháng được chừng ấy, đã lấy làm to lắm rồi đó, nhưng có phải số tiền họ kiếm  bằng mồ hôi nước mắt ấy, họ ăn được một mình đâu, phần nào là nuôi vợ con, phần nào là may quần áo, phần nào là thuê nhà cửa, phần nào là đóng thuế má, trăm thứ tiêu pha, đều trông vào một khoản tiền cỏn con ấy; khoản tiền cỏn con ấy, nếu họ được chi dụng lấy cho thân mình cũng khéo bót chét lắm mới đủ, còn phải cung cấp cho người nữa, thế thì liệu có đủ không? Thành thế, ta thấy nhiều người ăn cơm muối, uống nước lã để làm, trông tội nghiệp quá. Trong khi mọi sự ở trên đời tiến lên mãi: thuế má nặng, nhà cửa cao, đồ ăn đắt,… mà sức lực của họ, vẫn bị mua một cái giá rẻ rúng như thế kia, thì công lý ở đâu thế!

Mấy ông “”cố chủ” (Tiếng Trung Hoa, là người có tiền thuê người làm) ở mình chi có việc tham lam và tàn nhẫn, đang tay cướp cả nhân quyền của người ta, nỡ lòng bỏ cả nghĩa nhân loại, giữa lúc trong nước thừa thãi nhân công, dùng người chỉ chực mất ít tiền mà được công việc nhiều, lương mấy năm chẳng tăng, sai một tí là phạt, mình thì dầy lên tiền, xéo lên bạc, vơ vét mãi vào, mà chẳng tưởng chi đến lũ lem đầu tối mặt kia chúng nó đã có công khai quật những của ấy lên cho mình, lại hình như có ý dọa rằng: “lương đấy! chúng mày đã làm việc cho ông, thì phải quên cả vợ con cùng tính mệnh đi mà làm, hễ nghỉ, ông phạt, sai, ông đánh, hễ vòi vĩnh lương bổng nhiều ít, thì ông … bỏ tù!” Bọn thợ cắm đầu làm trâu ngựa cho ông mãi, cày một thửa ruộng rộng hay hẹp, chạy một quãng đường xa hay gần, về cũng chỉ gặm cỏ mà thôi.

Mấy ông cố chủ, hầu như chủ bắt nạt người ta mà dùng, không biết lượng tình xét việc cho ai cả, một ông như thế, mười ông như thế, trăm nghìn ông đều như thế, thành ra cứ lấy làm tỉ lệ với nhau, cái tỉ lệ ấy chỉ là tiền công ít mà việc làm nhiều. Có pháp luật nào định rằng: tiền công ít mà làm việc nhiều không? Chắc không! Nhưng mà những chỗ đó thì có khi pháp luật không biết đến, một là tại ông cố chủ tìm cách bưng bịt, hai là tại bọn lao động không biết thân mình, nhân thế mà bọn tư bản mới cưỡi được lên đầu bọn lao động mà đếm tiền vậy. Bọn này, bao giờ người cũng đông, sức cũng mạnh, bị đè nén mãi, chưa chắc đã không có một ngày bật lên, theo luồng với cái phong trào công đảng ở thế giới mà thành ra quá khích gì đó, thì cái họa ấy ở nước ta càng thảm liệt vô cùng, lưu huyết vô cùng. Không may sau này mà ta vướng phải cái vạ ấy, thì là tội ở mấy ông cố chủ, chớ không còn ai vào đó nữa.

Thế thì bây giờ làm nghiêng đổ mấy ông tư bản để bênh vực bọn thợ hay sao? Chớ có làm như thế, chỉ nên tính với các ông ấy về khoản tiền lương mà thôi.

Đời bây giờ, công việc nặng, ăn tiêu đắt đỏ thế nào, ai cũng biết rồi, vậy thì không kể là công việc gì, không kể làm công việc ấy là đàn bà hay đàn ông, quyết không thể nhận cho mấy ông cố chủ thuê người ta lương tháng (không có cơm nuôi và quần áo) 3,4$, hay là lương mỗi ngày 1 hào hay hào rưỡi được, ít lắm nữa cũng phải cho người ta đủ ăn khỏi rét và không thiếu thốn lắm trong mọi sự cần dùng, rồi từ đó tùy việc làm nặng hay nhẹ, chỗ làm xa hay gần, mà định lương bổng cho xứng đáng với tài năng của người ta, chứ muốn thuê rẻ, mà muốn được việc, người ta chán nản vì ít tiền làm lụng trễ nải, lại đổ là người ta không giỏi làm việc, nghĩ đã phải hay chưa? Lương đã phải như vậy rồi, đến cách phạt cũng phải tìm cách gì khác hơn là cách phạt lương mới được, ai làm không có lúc sai, nay sai bị phạt, mai sai bị phạt, thường thấy có người một tháng phạt đến một phần ba, hay một nửa lương, thì lấy gì mà ăn; thứ nhất là những bọn phu mộ lên mạn ngược, hay vào trong Nam kỳ, mấy ông cố chủ giả công nhật cho họ một ngày 3 hay 4 hào, cứ ngày làm thì ăn, ngày nghỉ thì nhịn, mà chậm dạ một tiếng, hoặc đang cặm cụi làm mà ngửng đầu lên, đều bị phạt lương cả, cuối tháng có người chỉ còn dăm sáu đồng, như thế thì ức người ta quá.

Vì thế cho nên thiết nghĩ bây giờ đem phu đi xa – nói ngay là vào Nam kỳ thì cái lối phạt công nhật quyết phải bỏ đi, mà phải phát lương tháng mới được. Vì họ đi làm xa, phần nhiều là những chỗ độc nước, rức đầu chóng mặt, phải nghỉ là sự thường, nếu nghỉ ngày nào mà cứ bị cúp lương đi ngày ấy mãi, chẳng hóa ra không may mà họ bị thiệt thòi lắm ư?

Còn có một điều này hơi khó, là định lương cao hạ thì lấy gì làm chuẩn tắc? Đã hay rằng: tùy ở công việc và sức thợ hay dở hơn kém mà định; nhưng trong bọn tư bản, phần nhiều người vô lương tâm, công việc mình lợi hàng nghìn hàng vạn mà không chịu trả lương thợ cao, hay không năng tăng lương lên cho thợ thì sao? Giá như những bọn lao động ở nước người ta, đối ngoài thì đã có hội “Quốc tế lao động”, ở trong thì có Chính phủ bênh vực cho, mà chính bọn tư bản của họ, cũng không có cái thói “chịch thượng” như ở mình, cho nên bọn lao động của họ, tuy thường có đình công lôi thôi, song vẫn sung sướng và có thể diện lắm, nước mình tưởng hay nên làm cách này, là phải có một sở Lao động, kiểm xát xem các ông cố chủ trả lương thợ ra làm sao, buộc họ tùy số nhập khoản của mình mà phát hoặc tăng lương thợ lên cho khá, đại khái như thế cũng trừ bớt được cái lòng tham của họ đi, ấy tức là giải quyết được vấn đề tiền lương vậy.
Bấy giờ lương bổng khá, tất họ yên ủi mà làm việc, xem họ làm việc có giỏi hay không?

***

Nước mình có nhiều thung lũng ở giữa mà rừng núi bao chung quanh, nên khí giời không được trong sạch, lại thêm lá rụng cây khô, nước chẳng được trong sạch, đồng không cỏ rậm, ruồi muỗi và trùng độc sinh ra nhiều, những người đến ở những chỗ ấy, nếu không biết phép vệ sinh cho khéo, thì chẳng chết là may, tránh sao cho khỏi ốm đau được. Đem những nhân công đến đó, ví như không có cách gì giữ gìn sinh mệnh cho họ, để họ nay đau mai ốm vàng vọt cả người, thì ai chả sợ, chứ tự nhân công mình có sợ gì nước độc đâu! Nếu sợ sao mỗi lần mộ người, vẫn thấy họ ứng mộ mà đi đông thế? Vì đó, làm sao bênh vực nhân quyền và sinh mệnh cho họ, là một việc rất cần vậy.

Tình hình sinh hoạt của bọn nhân công ở mạn ngược ngoài ta ra thế nào, tác giả chưa được rõ, chứ cái tình hình sinh hoạt của nhân công ta vào Nam kỳ, tác giả đã thấy đã nghe, thì thật có nhiều chỗ đáng phàn nàn thương xót cho họ lắm, vì nhân quyền và sinh mệnh của họ bị coi rẻ rúng quá sức. Đối về việc mộ phu, Chính phủ thật đã có đặt thể lệ và điều luật rất chu đáo nghiêm ngặt lắm, nào là nhà cửa cho phu ở phải sạch sẽ cao ráo, mà phải lợp ngói, nào là giờ làm ăn phải cho có chừng độ, nào là khi ốm đau thì phu phải được nghỉ và thuốc men tử tế… lại thường phái ông Giám đốc đi khám xét luôn, cái nguyên lý thật là hay lắm, nhưng thử hỏi các ông chủ mướn phu, có tuân theo đúng như thể lệ của Chính phủ đã định ra không? Vả lại khi mộ phu đi, mấy ông cố chủ cũng có bắt phu ký tờ giao kèo. Trong tờ giao kèo ấy cũng có đủ các khoản như trên kia, lại có nhiều khoản nữa, hễ khoản nào có quan hệ đến lợi của phu, thì hok chẳng cần gì lại khinh rẻ cả thể lệ của Chính phủ nữa. Cái cảnh tượng như thế, ta thấy ở phần nhiều vườn trông cao su trong Nam kỳ.

Trong Nam kỳ nhiều vườn trông cao su lắm, toàn là của người Pháp, mà to thứ nhất là vườn cao su Lộc ninh về tỉnh Thủ dầu một, dùng nhân công nhiều lắm, trong bốn phần ba là người Bắc; số này có đến vài ba nghìn người.

Ta nên biết rằng: vườn cao su nào cũng là ở chỗ rừng rú, rộng đến mấy vạn mẫu, khí hậu độc, đất hay ẩm thấp, nếu những người làm, đi sớm về khuya, làm lụng vất vả, mà lại chỗ ở miếng ăn, không được cẩn thận, thì mắc bệnh ngay.

Tác giả có biết nhiều người làm ở trong một vài vườn cao su kia, hỏi tình hình thì họ thuật truyện lại rằng:

Phần nhiều họ chẳng coi tờ giao kèo với cu li, và thể lệ của Chính phủ ra quái gì cả, cứ là làm liều đấy thôi. Nhà cửa của cu li ở, ít chỗ được bằng ngói và lát sàn, phần nhiều toàn là nhà tranh lụp sụp ẩm thấp quá. Ăn tì toàn thị là cá khô và mắm muối, hàng tuần lễ mới được miếng thịt. Làm thì thường phải đi từ lảng sáng, rồi tối mịt mới về, trưa ăn cơm ở ngoài vườn, vì vườn rộng, đi về xa lắm. Lương thì ấn định là mỗi tên cu li 12$00, nhưng nghỉ phải trừ lương, sai đâu phạt đó là sự thường, có tháng có người chỉ còn lĩnh được năm sáu đồng bạc. Vườn cao su khí hậu độc, không mấy người tròn tháng không cảm không sốt một vài ngày, thế nghĩa là không mấy người trọn tháng mà có đủ lương; lại thêm bọn cai rất tàn ác, tâng công cho chủ, phạt lương và đánh cu li đến ốm liệt hay chết là thường. Trong vườn có đủ các cơ quan phòng bệnh, nghĩa là có đủ thày thuốc, có nhà thường, tuy vậy đến cách trông nom thì cẩu thả lắm, cu li ốm được nằm nhà thương uống thuốc, nhưng hàng mấy ngày chẳng thấy thày thuốc đến thăm bệnh một lần… Lắm người cu li đau ốm, may ra còn được bắt làm những việc nhẹ trong các phòng giấy còn khá, có người ốm cũng phải đi ra vườn làm, đến nỗi phải gục dưới gốc cây mà chết. Có một lần, cũng có một người bị ốm mà phải đi làm, chiều về người ta điểm tên không thấy, mai ra thì thấy bị cáo ăn mất nửa người rồi… Thôi, tình cảnh khổ sở ấy, nói sao cho xiết, thành ra có nhiều cu li không kham được, liều mạng trốn đi, có bắt được mà bị tù hay bị đuổi cũng cam…

– Thế thì ông Giám đốc của Nhà nước đặt ra không mấy khi đi khám xét hay sao?

– Cũng có thỉnh thoảng, ông Giám đốc đến khám xét mà cự họ (đây là chỉ mấy ông chủ mướn cu li), nhưng thường thường họ bưng mắt cả ông Giám đốc. Khám nhà cửa thì họ đưa đến những khu có nhà cửa trên lợp ngói, dưới lát ván hẳn hoi; khám sổ sách thì họ giơ những sổ sách nào mà trong ít thấy con “0”, nghĩa là ngày ấy cu li ít bị phạt, khám sức khỏe của cu li thì họ đưa đến những chỗ cu li béo tốt không đau ốm gì…

– Thế ngộ có người cu li nào lỡ tay xẩy chân, cọp tha cáo bắt, nói tóm lại là người nào vì công việc làm mà thiệt mạng thì ông chủ có chu tuất gì cho không?

– Chết là thôi chứ còn ai chu tuất cho gì, dẫu có cũng chẳng ra gì cả, vì cái mạng người cu li, ai cho vào đâu!

Những người nói câu truyện đó, là người nói có thể tin được lăm. Như vậy thì nhân quyề và sinh mệnh của những người đem thân đi làm việc cho người ở nơi xa, không có cái gì bảo hiểm cho cả, chẳng cũng tội nghiệp lắm ư?

Nay nếu mở rộng cái phạm vi di dân vào Nam kỳ ra, thì chắc hẳn đám dân ứng mộ vào làm những việc này đông lắm, nếu không làm sao trừ được cái lối độc ác của mấy thầy cai, lòng tàn nhẫn của mấy ông chủ, thì thường dân nghe cái tiếng vào đó, vào đó đã đủ khiếp, còn ai thèm đi nữa, thế thì trong việc di dân có ngăn trở một phần lớn vậy. Bởi thế, nay nghĩ làm sao mà bênh vực nhân quyền và sinh mệnh cho họ là điều cần lắm. Trước hết tưởng nên xin Chính phủ nên cho người đi khám xét luôn luôn, – phải khám xét luôn luôn và cho rõ công bằng mới được – xem các ông chủ mộ đối với cu li có đúng như thể lệ và giấy giao kèo hay không? Nếu sai thì phạt rõ nặng, và nếu mỗi khi có người cu li nào chẳng may vì công việc làm mà thiệt mạng thì người chủ phải chu cấp cho vợ con anh em người ta tử tế, có thể đưa được xác người ta về xứ sở thì phải đưa, gọi là cách khuyến khích người sau, không thì còn ai muốn tận chức với ai nữa.

Sau là phải cho bọn thợ được tự do kết thành hội đảng với nhau, gọi là “hội lao động”, theo như bọn lao động ở các nước, để họ có lòng cố kết, tự phải bênh vực nhau trong mọi quyền lợi như giờ làm, tiền lương, khi nghỉ ngơi, lúc ăn uống …không để cho mấy ông chủ mộ bắt nạt được, miễn là họ làm hết phận sự và chẳng làm điều gì trái với pháp luật thì thôi. Đời nay, phải để cho cái giai cấp lao động này được hưởng chút quyền lợi làm người mới phải chứ, nếu họ kết đảng với nhau mà đã bảo ấy chúng nó làm quá khích! ấy chúng nó theo chủ nghĩa xã hội! sao được. Thợ sai với ai, thì nào bị phạt lương, bỏ tù, tạt tai, đánh chết, mà ai sai với thợ, chẳng ai biết đấy là đâu, có công lý nào thế?

Ấy, đại thể thì phải làm như vậy, nhưng tóm lại, tùy nơi, tùy thời, tùy từng công việc, phải tìm hết mọi cách khéo để bảo hộ nhân quyền và sinh mệnh của họ, để cho trông thấy chứng cớ chắc chắn, chứ thật ra những tờ giao kèo, cũng chẳng đủ bảo lĩnh gì!

* * *

Một bên ông chủ, một bên thợ thuyền, vì đôi bên cùng sợ lừa lật lẫn nhau, vậy muốn cho được chắc chắn cả nên mới có tờ giao kèo, có giao kèo thế mà thấy đôi bên trái ước với nhau luôn. Có khi, tức như mấy cái tình hình ở trên, thế là ông chủ trái lời giao kèo với thợ; có khi thấy thợ trái lời giao kèo với chủ, thí dụ người ta đã mộ mình làm việc cho ta rồi, hoặc đang làm bỏ dở mà về, hoặc thấy chỗ khác nhiều lương hơn là bỏ đi, rồi đôi bên sinh sự lôi thôi với nhau, đều bị thiệt thòi cả. Bọn nhân công mình thật cũng thường có cái tính “bỏ dở việc làm, chỗ nào cao công là bước” thật, mặc kệ ông chủ, mặc kệ pháp luật; lại thường khi đang làm tử tế, cậy mình được việc, thì gây sự lôi thôi, không lẽ mỗi lúc lôi họ ra mà kiện; nông nỗi như thế, cả ông cố chủ, các nhà công nghệ Tây Nam vẫn kêu ca mãi, kêu ca rằng: luật pháp không đủ giúp việc thi hành những tờ giao kèo ấy. Nhưng cứ lấy tình thế ở ta mà xem, thì hình như ông chủ hay trái ước hơn là thợ, thợ có trái ước chăng nữa, thường bởi tự ông chủ cậy quyền, cậy thế trái ước trước, thợ không biết gõ cửa công lý đằng nào, bèn liều mạng mà trái theo vậy.

Nay muốn tờ giao kèo đều được cả đôi bên cũng phải tôn trọng, một mặt, là ông chủ phải có lương tâm, trọng nhân đạo đã đành, một mặt phải làm sao cho thợ hiểu tờ giao kèo là cái gì mới được. Đang lúc chúng bị đói rét, được người mộ đi làm việc có cơm ăn có áo mặc, thì chúng tưởng đến lúc no ấm rồi có khi bỏ người ta mà đi được như bỡn, nào biết đâu rằng có lỗi; phương chi tờ giao kèo viết bằng chữ tây, chữ nho, trong nói những khoản gì, chúng đã chẳng hiểu rồi, mà ngay bằng quốc ngữ đi nữa, chúng cũng bập bõm hiểu không hết, thế nên có liến thoắng đọc cho chúng nghe: khoản thế này…khoản thế này… rồi hỏi có bằng lòng không thì ký vào; giữa lúc “kiến bò nôn bụng, gió thổi lạnh mình”, thế nào mà chúng chẳng ký biết đâu giao kèo có lợi hại cho mình là thế nào. Không biết thành ra có khi chúng trái ước mà phải đền, phải tội, mình tự hại mình, nhưng chính vì cái “không biết” ấy mà ông chủ trái ước, có hại cho chúng nữa, chúng lại chẳng biết đâu mà kêu được.

Nói tóm lại, việc này khó lắm, ta không trách vọng ở thợ mấy, mà trách vọng ở ông chủ nhiều, nghĩa là ông chủ cứ đối đãi với họ cho hẳn hôi, chắc họ phải cảm mà hết lòng hết sức giúp việc cho mình, bấy giờ tờ giao kèo coi như miếng giấy lộn, hay là đốt đi cũng chẳng sao!

______

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 8)

Ruộng hoang trong Nam kỳ – Cái chương trình mở mang nông nghiệp của Chính phủ – Vấn đề khẩn hoang – Nhân công Trung, Bắc đối với việc khẩn hoang trong Nam kỳ – Hội nông nghiệp tương tế đối với việc ấy.

Trong Nam kỳ, cái chỗ đất, cái công việc có thể chứa được đảng di dân ở ngoài Bắc này vào nhiều nhất, là nghề làm ruộng.
Nghề làm ruộng trong Nam kỳ dễ dàng lắm, mà nhờ về thiên thời và địa lợi phần nhiều, phí nhân lực rất ít, khí hậu trong ấy tuy có khó chịu cho bề sinh hoạt, nhưng mà rất lợi cho nghề canh nông, thứ nhất là không có mấy khi phải đại hạn hay là bão táp, cây cối hoa mầu họa lắm mới có khi bị thiệt hại vì những cái vạ ấy. Đất cát thì vốn sẵn có chất tốt, lại nhờ có sông Cửu Long giang chạy chằng chịt khắp trong xứ, như mạch máu lưu thông khắp trong mình người ta, ruộng nương không lo thiếu nước, vả lại mùa cấy lại nhằm vào giữa mùa hay mưa thật gọi là mưa hòa gió thuận lắm. Vì thế cho nên các nông gia cứ độ tháng tư tháng năm thì cày bừa và cấy, đến tháng chạp tháng giêng thì gặt, cấy rồi bỏ đó, không phải lo nước nôi hay bón phân làm cỏ gì, mà lúa cứ việc lên tốt um xùm, bông nào bông nấy chắc hột nình nịch, thành thế ra một năm chỉ cấy có một mùa thôi, mà ruộng xấu lắm mỗi mẫu (trong Nam tính mẫu tây) cũng được 100 giạ (mỗi giạ là một thúng cái to), tốt nhất thì được 160 hay 170 giạ, song cứ kể ruộng trung bình mỗi mẫu mỗi năm được từ 140 cho tới 150 giạ lúa. Ruộng đất trong Nam như thế không trách nào mỗi năm xuất cảng hơn 1 triệu tấn gạo được.

Song ta không nên nghĩ rằng: xứ Nam kỳ mỗi năm xuất cảng được bấy nhiêu gạo, thì có đất nào cũng cày cấy giồng giọt được cả, mà không còn có ruộng đất nào bỏ hoang đâu! Thật ra trong Nam kỳ còn nhiều ruộng hoang lắm, chia làm ba khu vực lớn như sau:

a/ Cánh đồng Tháp Mười chạy vùng từ tỉnh Tân An cho đến Châu Đốc có chừng 40 vạn mẫu đất hoang, trông bát ngát mà chỉ toàn là cỏ và cây chàm nước mọc rậm lên cả.

b/ Khu đất ở vào giữa những tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, có chừng 25 vạn mẫu.

c/ Những đất chạy theo bờ bể Xiêm La, ở vào khoảng sông Ông Đốc, sông Trem, sông Canh Den và sông Cái Lớn. Khu này phỏng chừng 24 vạn mẫu.

Tổng cộng ba khu vực lớn ấy đã được 89 vạn mẫu, ấy là chưa kể đến những chỗ có 5,7 nghìn hay một vạn mẫu đất bỏ hoang còn nhiều lắm. Ôi! 150 vạn mẫu đất hoang, tưởng không phải đâu là cái rơm cái rác vậy. Sao không phá ra, mỗi năm ít ra cũng được thêm mười mấy triệu giạ lúa ư? Thưa rằng việc ấy trách nhiệm ở Chính phủ.

Xứ Nam kỳ thuần là một xứ làm ruộng, cơm áo của dân ở đó, thuế má của Chính phủ ở dó, cho nên ngay từ khi người Pháp mới bước chân vào là lo ngay việc mở mang nghề làm ruộng cho dân, mà đến ngày nay, lại càng lưu ý lắm.

Hiện nay, xem cái chương trình của Chính phủ mở mang nông nghiệp ở xứ Nam kỳ, tóm lại có ba việc cốt yếu như sau này:

1.    Khai kênh ngòi. – Ta nên biết rằng những cánh đồng bỏ hoang ở trong Nam kỳ rộng lắm, thường đến 40 hay 50 vạn mẫu một, nay nếu nói việc khai khẩn ra, mà thiếu nước để tưới thì cũng chẳng làm gì được, vả lại không có sông ngòi thì sao vận tải và đi vào được những khu đất ấy, tuy không gian nào nguy hiểm gì như lên núi vào rừng, nhưng thật cũng khó nhọc lắm. Vì thế mà Chính phủ lưu ý nhất là việc khai kênh.

Việc này bắt đầu làm từ năm 1894, đến nay là 30 năm, không lúc nào ngừng và trong khi làm, thường có gặp nhiều sự ngăn trở, nhưng tóm lại cũng có hiệu quả tốt lắm, nghĩa là trong Nam kỳ dược thêm nhiều sông ngòi để vận tải giao thông và làm ruộng rất là tiện lợi. Cái chương trình sau cùng này định là năm, mà đến năm 1926 này thì hoàn thành. Bấy giờ chỉ trừ có tỉnh Hà Tiên, còn các châu thành khác ở Lục tỉnh, đều có sông đào to, để giao thông với Sài gòn và Chợ lớn được. Song lại muốn khai thác hết miền đồng bằng Nam kỳ, cho nên Chính phủ lại định một cái chương trình đào kênh nữa, hạn trong 8 năm, bắt đầu từ 1927 cho đến 1934. Thoạt tiên thì đào mấy con sông con ở về đất giáp vụng bể Xiêm La, để lấy nước khẩn hoang chỗ ấy; sau thì đào một con sông nói tỉnh Rạch giá với Hà tiên mà thông ra mãi vụng Xiêm La, vừa là để lấy nước vỡ mấy chục vạn mẫu nằm vào giữa những tỉnh Hà tiên, Châu đốc, Long xuyên, Rạch giá và nối với Bassac, để miền này chở lúa ra cho tiện. Sau hết thì khai nhiều kênh ở cánh đồng Tháp Mười, cho thông với sông Cửu long giang và Vaico, thì mới vỡ nổi cánh đồng này, và lại lấy chỗ tiêu bớt nước sông Cửu long giang đi, cho đến mùa nước to, mấy tỉnh đất thấp như Châu đốc, Long xuyên khỏi lụt.

Ngoài sự khai kênh trong ba miền ấy ra, Chính phủ còn định mở nhiều đường để giao thông với Trung kỳ, Cao miên và Lào cho được tiện lợi.

2.    Lựa hạt giống – Gạo ở Nam kỳ trắng trẻo và chắc hột như thế, mà đem ra thị trường thế giới vẫn phải tiếng chê là gạo không tốt, cho nên một mặt Chính phủ ra sức khẩn khoản, một mặt tìm cách làm cho gạo được nhiều hơn, tốt hơn, là do cách lựa giống bằng phép thường hay bằng máy, để ra thị trường thế giới được trổi giá hơn. Từ năm 1913, đã lập ra ở tỉnh Cần thơ một sở “nông nghiệp thí nghiệm” (Tiếng trung), dù cho Chính phủ trông nom luôn luôn, mà ta thấy sự kết quả cũng tầm thường lắm. Duy có về hai năm sau này, mới thật là có tiến bộ. Lại lập thêm mấy sở như thế ở Sóc Trăng, Cai Lay và Vĩnh Long. Hai sở nữa ở Bắc Liêu và Cà Mâu cũng gần xong rồi. Hết thảy mọi sở ở đó, mỗi năm có thể phân phát cho nông dân được 113 tấn hạt giống đã lựa chọn kỹ rồi.

Song lẽ, dù cho Chính phủ làm hết sức đến thế nào, chắc cũng không sao đủ hạt giống mà phát cho hết thảy các nhà làm ruộng trong Nam kỳ được, bởi thế mới mở ra cuộc “đấu lúa” bắt đầu từ năm ngoái. Cuộc này mở ra là cốt để khuyến khích các nhà làm ruộng, và lựa xem những thứ giống nào tốt thì Chính phủ có thưởng và bảo dân mua về mà gieo, để cho hợp với khí hậu, hợp với thổ nghi, thì sau này lúa mới tốt được. Lựa hạt giống bằng cách thường thôi thì cũng được, nhưng mà lâu, cho nên Chính phủ nghĩ cách dùng máy; kỳ đấu lúa năm ngoái, đã đem bày cái máy lựa hạt giống kiểu Marot cho công chúng xem, thấy có kết quả hay lắm, bèn gửi ngay sang Pháp mua 30 cái như thế, để cho các nông gia dùng. Lại lập ra hai nhà máy lựa hạt giống nữa ở Mỹ tho và Cần thơ, có sức lựa đủ giống cho dân dùng được. Nếu nông gia mình chịu mua những hạt giống đã lựa chọn kỹ lưỡng như thế về mà gieo, thì chắc hột gạo trong Nam kỳ sẽ được lợi hơn và có giá trị hơn bây giờ nhiều lắm.

3.    Lập Hội Nông nghiệp tương tế – Muốn sửa sang, muốn khuyến khích nghề làm ruộng cho mấy nhưng nếu có ruộng đất mà không có tiền để mở mang những ruộng đất ấy ra, thì cũng chẳng làm gì được. Vậy muốn giúp cho các nhà nông có đủ vốn để sinh lợi đất ruộng của mình ra được, Chính phủ bèn lập ra “Nông phố ngân quỹ” cho người bản xứ cũng tức là hội “Nông nghiệp tương tế”, đã 12 năm nay. Ban đầu cũng còn chưa ra gì, từ năm 1912, mới có một hội lập ra ở tỉnh Mỹ tho, sau lần lần các hạt khác cũng noi gương ấy mà lập lên, cho nên bây giờ trong 20 tỉnh, đã có 11 tỉnh có hội “Nông nghiệp tương tế” rồi.

Hội này lập ra, thật có ích cho các nông gia, thứ nhất là lúc lúa hạ mà cần tiền, đã chẳng đến nỗi phải bán non bán già, mà lại tránh khỏi được những cái tệ “một vốn bốn lời” của bọn Hoa kiều cùng là mấy bác người mình giầu có tàn nhẫn nữa. Kể khắp cả Nam kỳ, số tiền của các hội Nông nghiệp tương tế cho các nhà nông mới vay hay là vay lại, thì cả thảy tới một số tiền 2.808.289$, thật là thịnh lăm. Tuy trong cũng có nhiều việc tham lậu, nhưng Chính phủ cũng cố sửa sang cho thật đứng đắn, để cho hết thảy các nhà nông, không cứ chỉ là lớn nhỏ, đều có thể nhờ lợi ở hội Nông nghiệp tương tế ấy mà ra được.

Lệ vay thì đại khái là gửi lúa ở hội, rồi hội cho vay tiền, mà vay thì mỗi năm phải trả, nhưng thường chia làm năm năm, cứ hết mỗi năm lại viết văn tự lại một lần. Bấy lâu những nông gia vay trả vẫn sòng phẳng lắm, không có mấy khi phải dùng đến pháp luật mới đòi được, ấy đủ làm chứng rằng hội Nông nghiệp tương tế của Chính phủ lập ra là cần dùng và có ích cho nông dân Nam kỳ lắm vậy.

Tóm lại, cái chương trình của Chính phủ để mở mang nông nghiệp Nam kỳ có ba điều cốt yếu như thế, ngoài ra Chính phủ còn khuyến khích dân giồng cao su, giồng dừa, giồng mía … toàn là những đồ xuất cảng to và rất cần dùng cho công nghệ đời bây giờ, mà bấy lâu ta chưa biết đến. Xem đi xem lại cái chương trình ấy, thì một việc mở mang nghề làm ruộng cho ta, Chính phủ lo tính như thế, thật là hết sức rồi, thật không kém cạnh gì nữa, 150 vạn mẫu đất hoang kia, chỉ chờ trong vòng 20 năm nữa, là thành ruộng vườn tốt đẹp cả, ai lại không mừng! Song, nghĩ lại một lần nữa, thì có điều khiến ai cũng lấy làm lạ lắm, là kênh khai rồi đó, hạt giống lựa rồi đó, hội Nông nghiệp tương tế bảo hộ cho đó, nhưng mà thiết sử không có cái “cánh tay” thò ra tát nước ở những kênh ấy lên, lấy những hạt giống đã lựa ấy mà gieo, vay tiền ở hội Tương tế kia về mà làm, tức là không có nhân công, thì lấy ai khai phá 150 vạn mẫu đất hoang kia, thế thì việc “lấy nhân công ở đâu”, sao không thấy Chính phủ nói trong chương trình kia một thể, chẳng cũng khiến cho người ta lấy làm lạ lắm sao?

Sau khi người Pháp đặt chân vào đất Nam kỳ, ta nhớ lại chỉ nguyên thấy có hồi định mộ Tầu sang Nam kỳ khẩn hoang, nhưng người Tầu chỉ sang buôn bán và làm công nghệ, mà không chịu làm ruộng, thành ra cái kế hoạch ấy không xong, (cũng may cho ta, nếu không bây giờ thêm hàng vạn ông chủ điền Hoa kiều nữa thì khốn), ấy chỉ có lúc ấy, là thấy Chính phủ lo đến vấn đề nhân công, sau thất bại rồi thì không đề cập gì tới nữa, mà thứ nhất là không thấy đề cập đến việc đem nhân công ở hai xứ ngoài này vào, thành ra việc khai khẩn ở Nam kỳ thấy chậm chạp lắm. Thật thế, kể từ năm 1868, đất Nam kỳ chỉ mới có 22 mẫu ruộng, mỗi năm xuất phát ra chỉ được có non 14 vạn tấn gạo, thế
đến năm      1883 lên được 675.000 mẫu

–                  1893 –                   990.000 –
–                  1903 –                   1.300.000 –
–                  1913 –                   1.600.000 –
–                  1923 –                   1.906.000 –

Mà nay đất Nam kỳ đã xuất cảng hàng năm được 1 triệu 26 tấn gạo rồi, thế thì trong vòng chưa đầy 60 năm, cũng là già nửa thế kỷ, mà đổ đồng mỗi năm khẩn thêm được 3 vạn mẫu đất, nói cho phải cũng chẳng mau chóng gì, mà lại có phần chậm, nếu nước ta không có sự may mắn được làm dân bảo hộ của nước Đại pháp thì tưởng dân Nam, Bắc tất cũng đã biết cùng khai thác với nhau, từ bấy đến nay, ai biết không tới được số ruộng như ngày nay, hay hơn như thế nữa cũng có. Sự chậm ấy, đổ tại bấy nay, không có kênh, không có hạt giống tốt, không hội tương thế nào v…v… thì cũng phải lẽ thật, và nay phải làm mới có thể khai khẩn mau chóng được, nhưng giá lại đổ tại cả vì không có nhân công thì chắc hẳn cũng không phải là nói sai. Ừ! Kênh, hạt giống, hội tương tế… đều là những món khí cụ cần dùng và có ích cho nghề làm ruộng, tức là cần dùng và có ích cho việc khẩn hoang 150 vạn mẫu “cỏ” kia lắm, nhưng nếu không có “tay thợ” dùng khí cụ ấy để khai phấ 150 vạn mẫu này thì những khí cụ ây – thứ nhất là kênh ngòi, rồi đến hội tương tế – chẳng cũng là thừa lắm ư! Vì thế cho nên trong cái chương trình mở mang nông nghiệp Nam kỳ, nhân công tất phải đứng sắp hàng với những cái kia mới được vậy.

Bây giờ ta mới bàn đến vấn đề khẩn khoang!

Trong cái chế độ cho khẩn hoang, ta xem kỹ thì nhận ra rằng: hình như Chính phủ đối với người Pháp thì có ý dễ dàng và bênh vực lắm, mà đối với người bản xứ, hơi có ý chật hẹp và khó khăn, nghĩa là mỗi khi người Pháp xin khẩn, thì xin được nhiều và mau chóng, còn người bản xứ xin khẩn, thì được ít mà lại còn chạy hết sở này sở kia, mất ngày giờ và tốn kém lắm. Trong chỗ đó, ta thấy được là Chính phủ đã thiệt hại, mà dân cũng có điều phàn nàn nữa.

Vẫn biết rằng Chính phủ bảo hộ một đất nào, muốn khai thác lợi nguyên ở đất ấy ra, thì tìm một cách rất chắc chắn để giúp đỡ vào việc khai thác ấy cho mình, là khiến cho nhiều người Pháp sang thực dân, và muốn giữ họ ở thuộc địa cho lâu để có đủ thì giờ mở mang làm lụng, thì Chính phủ cho không họ nhiều đất cát để họ làm. Nghĩ rằng: nhờ cách như thế, thì không bao lâu, mà số đất ở thuộc địa có thể lên gấp mười gấp trăm, mà sổ chi thu của Chính phủ không tốn đồng xu nào cả.

Kể cũng là chính sách hay lắm đó, nhưng mà đối với những cái tình trạng kinh tế ở xứ ta, có hợp được đâu. Sao thế? Thoạt tiên ta nói rằng: những người quý quốc mà Chính phủ cho phép rộng được khẩn nhiều ruộng hoang và ta gọi là mấy ông Tây đồn điền đó, thì trừ ra có một vài ông cũng có tài giỏi về đàng này thật, nhưng phần nhiều ông, được Chính phủ cho phép làm chủ những khu đất to tướng đó, song kỳ thực chẳng có tài năng và kinh nghiệm gì về nghề làm ruộng, mà thứ nhất là nghề làm ruộng ở đất cát ta, khí hậu ta này; cho nên thấy nhiều ông được đất rồi, có dễ cũng chẳng biết khu vực bát ngát rộng những đến đâu, chẳng biết làm sao mà vỡ được, chẳng biết giồng giọt thứ gì có lợi; cái đó, phần thì tại Chính phủ cũng không sốt sắng gì mấy về sự khuyến khích và đỡ đần cũng có, phần thì tại các ông ấy không biết làm cũng có, thành ra ruộng hàng nghìn hàng vạn mẫu, cứ bỏ không đấy thôi, thảng hoặc có làm cũng chẳng ra gì, vẫn thấy cỏ xậy mọc cao hơn là cây cối lúa má. Nhân thế mà việc khẩn hoang mới chậm lắm vậy. Ta có muốn thấy chứng cớ không? Trong khoảng 10 năm trường tất cả các ông đồn điền người Pháp chỉ khẩn ra có được non 3 vạn mẫu ruộng, thế mà trong vòng 3 năm, người mình vỡ ra được những 7 vạn mẫu ở một mình tỉnh Tân an, xem thế, thì cái nghề làm ruộng, mấy ông chủ điền người Pháp, dù có cái “giếng khoa học” ở trong óc mặc lòng, chưa chắc đã sành, đã mau, đã giỏi được bằng người bản xứ, là dân tộc chịu được thủy thổ, có sức làm lụng, và có kinh nghiệm hàng mấy nghìn năm nay.

Thế không những là chậm mất cái chương trình khai khẩn của Chính phủ, mà lại có điều thiệt hại cho dân, ấy là chưa nói đến một vài ông chủ điền thường ăn lấn đất của Chính phủ, thế thì thiệt cho Chính phủ mất ít nhiều thuế nữa. Ta thật không nên quên rằng: có nhiều ông tây đồn điền tử tế quá, hễ mấy ông ấy lập đồn điền ở chỗ nào, thì thấy dân chung quanh chỗ đó, được nhờ vả nhiều, nào các ông lập chợ, mở đường, nào là cấp vốn liếng và trâu bò cho dân làm, nói tóm lại là thương yêu trông nom giúp đỡ cho dân đủ cả mọi mặt, thật ta cũng phải biết cảm ơn những ông như thế mới được. Nhưng khốn thay những ông như thế hiếm hoi lắm. Nhiều ông “lên mặt ta sang bảo hộ” đây, thường làm nhiều điều ức hiếp người ta quá, tuy không ai dám phàn nàn ra lời nhưng thật cũng tấm tức trong bụng. Đồn điền của các ông ấy cắm ở chỗ nào thì những làng xóm ruộng nương ở gián tiếp hay là ở chung quanh chỗ ấy hình như là bị chết ngạt, không còn cử động, còn mở mang gì được nữa; mà các ông ở chỗ ấy, tự tôn mình như một ông chúa, cậy oai cậy quyền, cho nên dối dân trong vùng, thường làm lắm việc tựa hồ như trái cả mục đích bảo hộ và khai hóa của nước Pháp. Lũ môn hạ các ông nhân thế mới lấy thân cáo mà đội lốt hùm, bắt nạt người ta, vào làng hà hiếp những con gái lương gia, thấy nhà nào khá thì vay chằng cướp giật… trâu bò của các ông có giẫm hay ăn lúa ở ruộng của ai, thì người có ruộng ấy chỉ phải làm câm làm điếc, sợ sinh sự ra, chẳng bị đòn tất bị kiện lôi thôi, thế mà trâu bò của dân làng lỡ ra có trượt chân xuống ruộng của các ông, tức thì những con trâu ấy bị “chung thân cấm cố” trong đồn điền, hay là bị lũ môn hạ đem kết án “xử tử”, đại khái cái tệ ấy như thế còn nhiều, mà dân làng lại thường phàn nàn về nỗi các ông hay lấn bờ lấn ruộng của họ nữa. Vì thế, dân làng ở gần mấy ông đồn điền “trịch thượng” như thế này, đều lấy làm khổ lắm, chẳng rõ Chính phủ có thấu tình cho không?

Ấy, rộng quyền khẩn hoang cho mấy ông chủ điền người quý quốc, thì Chính phủ có thiệt và dân cũng có thiệt như thế, vậy sao Chính phủ không rộng quyền ấy cho người bản xứ, chẳng có lợi hơn ư?

Người mình trong Nam kỳ, cái số biết chú ý vào việc khẩn hoang cũng đông, nhưng xin ruộng không nhận được nhiều và không được mau chóng như mấy người quý quốc, mà thường phải những ruộng xấu; vả lại cứ lấy hiện tình việc khẩn hoang của người mình, làm cũng chẳng có thấy có lợi gì cả.

Người mình muốn khẩn hoang, cũng phải do hai cách này: một là xin hai là mua.

Xin, 100 mẫu thì ông Tham biện (tức là quan Công sứ ngoài Bắc), 300 mẫu thì lên phủ Phó soái, ngoài 300 mẫu thì phải lên phủ Toàn quyền. Trong 5 năm không đóng thuế má gì cả, đến 5 năm thì phải khai khẩn cho hết, và trình để tòa phái sở đạc điền về đo, bấy giờ mới đánh thuế, nếu đúng hạn ấy mà vẫn bỏ hoang, thì Chính phủ lấy lại khi ruộng đã cho mình ấy, nhưng đôi khi cũng có thể xin gia hạn 3 năm nữa. Song, có điều là sự “xin” ấy lôi thôi lắm: ngay từ lúc xin hương hội cái làng có khi đất ấy nhận thực cho, đã là một việc rất phiền, đi lại mãi mà chẳng gặp được đủ mặt các ông trong hương hội, nay gặp được ông Cả (hương cả) ở nhà, thì ông Chủ (hưởng chủ) đi vắng, cứ loanh quanh thế mãi, ấy là những ông hương hội làm rềnh rang để nặn tiền; có khi người đứng xin khẩn điền, đã dự bị một món tiền, định hễ được thì bỏ ra làm, thế mà chỉ phí tổn vào việc “đi xin” này là vừa hết. Không muốn xin thì mua đứt ngay cũng được. Hiện nay Chính phủ đang đào nhiều kênh muốn trừ cái khoản để đập vào tiền đào kênh đó, cho nên kênh nào cũng vậy, cứ tính từ bờ kênh trở vào 100 thước tây, thì Chính phủ lấy làm của công đem bán đấu giá (Nếu 100 thước trở vào ấy, mà gặp phải ruộng tư của ai, thì Chính phủ cũng lấy mà bán, nhưng mà bán cách thuận mại, nói bao nhiêu thì người chủ ruộng cứ việc trả bấy nhiêu mà lấy ruộng về). Mua thì cũng rẻ, mà được điều rẻ hơn nữa, là bao nhiêu tiền phí tổn về bút giấy khám đạc… về phần Chính phủ chịu cả.

Khi xin hay mua được đất rồi, bấy giờ mới đem vỡ: giá như những ông chủ điền Tây, thì giồng đủ trăm thứ, nào cao su, nào cà phê, nào dừa… toàn những thứ thực vật có lợi to hơn lúa nhiều, còn mấy ông chủ điền mình thì chỉ biết có cách vỡ ra để cấy lúa, nhưng xem đến cái phương pháp khẩn hoang của mấy ông ấy làm, mất ngày giờ lâu lắm, đã chẳng nói làm gì, mà lại hại nhân ích kỷ nữa.

Thật thế, xin được đất rồi, ông chủ điền mộ người đến vỡ, giá làm ngay cách này: hoặc là chia đất hẳn cho người ta vỡ ra mà cấy, và làm chủ cái ruộng ấy, rồi đời đời phải cấy chia với mình; hoặc mượn hẳn người ta làm công ngày hay công tháng với mình, có việc thì làm, không việc thì nghỉ, như thế thì dứt khoát và lợi việc bao nhiêu, chứ như cái cách làm bây giờ, là cách “mướn người không công”, chỉ chết lũ “tá điền”, mà thường khi ông chủ điền cũng bị thiệt hại. Mấy ông ấy khôn ngoan thật, có một khoảnh ruộng thế này, nay có bọn tá điền đến xin lĩnh canh, thì họ cho mỗi người năm ba mẫu chi đó mà cày cấy, cấp cho trâu bò để mà làm, lại cho vay tiền để mua giống, mua mạ hay mua đồ dùng và dựng nhà cửa mà ở; mới mấy năm đầu, thì tuy chưa phải là cấy chia, nhưng mỗi mùa (tức là mỗi năm) được bao nhiêu lúa, thì phải nộp họ bao nhiêu “công” (mỗi công là một giạ lúa), tùy theo khi đầu đôi bên giao hẹn với nhau, và cũng cứ tùy ở ruộng xấu hay ruộng tốt, nhưng lệ thường như ruộng xấu mỗi mùa được độ 80 giạ, thì phải nộp 2 giạ, ruộng tốt độ 100 hay hơn 100 giạ thì phải nộp 3 giạ, ngoài ra lại còn phải trả cái khoản tiền mà họ đã cho vạy làm vốn đó, ấy tức là cái lệ của ông chủ điền đối với bọn tá điền vậy. Bọn tá điền hùi hụi làm, may năm được mùa, thì còn có đủ lúa ăn lúa góp và trả nợ ông chủ điền, nếu không may mà mất, thế là khốn, phải bỏ đi ngay. Chết nỗi, những ruộng mà bọn tá điền này lĩnh canh, lại thường là ruộng hay mất, bởi nó vị trí vào chỗ khó làm. Sự hay mất ấy, không phải tự giời làm mấy, mà tự cái hoàn cảnh ở khu ruộng ấy mà ra nhiều. Ta nên biết rằng: nhà làm ruộng trong Nam kỳ có hai kẻ cừu địch làm hại rất dữ: một là chuột hai là cua, cua chưa đến nỗi, mà chuột thật hằng hà sa số, phá hại vô cùng. Những khu đất hoang, chỉ toàn có cỏ và cây chàm nước mọc lên, ấy tức là tổ của cua và chuột, không có thế gì mà trừ được, cho nên Chính phủ trong ấy có lệ, hễ ai nộp 10 cái đuôi chuột, thì được thưởng 5 xu, mà dân phải đóng mỗi người mỗi năm thêm 100 cái đuôi chuột; bằng không thì phải nộp thêm 0$50 để bù 100 cái đuôi chuột; nhưng hiện nay đất hoang còn nhiều, thì chuột và cua nhiều, có cách gì mà trừ hết đi được, duy có bao giờ toàn là ruộng vỡ ra hết thì mới được mà thôi.

Nay, một cánh đồng rộng mênh mông, toàn là cỏ mọc lẫn với chàm nước, tức là tổ của chuột và cua ở cả, thế mà chung quanh bỏ hoang, giữa lại có một khu ruộng vỡ ra để cày cấy, ấy chẳng khác gì dâng mồi đến tận miệng cho cua và chuột ăn, bấy giờ cua thì cắn gốc, chuột thì gặm bông, bốn bề đổ dồn vào một chỗ ấy, thì ruộng nào còn. Nếu bọn tá điền gặp phải những chỗ này, thì làm ăn rất là chật vật, khéo gìn giữ lắm mới còn, không thì mất cả, thế mà thiếu lúa góp và đọng nợ của ông chủ điền lại ngay. Đọng nợ năm thứ nhất, ông chủ điền cũng để yên, mà cho vay thêm để làm năm thứ hai, đọng nợ năm thứ hai, ông cho vay thêm mà làm năm thứ ba nữa, tới chừng tích kiếm thành to, bọn tá điền ở thì chân bùn tay lấm, thẳng làm cong làm thẳng ngay ăn, chỉ cặm cụi để lo trả nợ mà đủ chết, bọn tá điền liệu chẳng ăn thua gì, bỏ đi, thì ông chủ điền cũng chẳng truy vấn chi cả, vì ruộng của ông hoang mười phần, thì chúng đã làm không công mà vỡ ra cho tới năm, sáu phần rồi, khoản nợ đó cũng không mấy. Lại còn một nông nỗi nữa, là bọn tá điền này đi, mà không có bọn tá điền khác đến, thì năm nay sang năm sau, là ruộng của ông chủ điền thành ra đồng cỏ ngay. Nếu có bọn tá điền nào khác đến làm, thì thường loanh quanh cũng như trước.

Song, có một chỗ này ta nên lượng cho mấy ông chủ điền, là không dùng lối “cho tá điền lĩnh canh” cũng không được, vì trong ấy không có nhân công, và lại nhân công trong ấy làm cẩu thả và lười biếng lắm, như vỡ ruộng hoang, phải bẩy những gốc chàm đi, thì đẩy được một cái thế này, lại đứng hút thuốc và nói chuyện nhảm, chán chê rồi mới lại đẩy cái khác, như thế tưởng đem lợi dụng vào việc khẩn hoang, thật khó lắm vậy.

Tình cảnh như thế, thì phỏng chừng 150 vạn mẫu kia, biết bao giờ vỡ ra cho hết, nếu cứ tính ước mỗi năm khẩn ra được độ 3 vạn mẫu, mà đã cho là mau lắm, thì 150 vạn mẫu kia sẽ phải hết 50 năm nữa. Ôi! 50 năm là một nửa thế kỷ, là một đời người, là một cuốn lịch sử nho nhỏ, tiến bộ như thế chẳng chậm chạp quá lắm ư? Thôi, phải đem nhân công Bắc, Trung vào làm mới được.

Nhân công Trung, Bắc, thứ nhất là nhân công Bắc, được một cái tính cách chăm chỉ chịu khó và bảo phải dễ nghe, là đủ làm chạy việc, đã thấy một vài đồn điền (1) dùng toàn nhân công Bắc làm, thấy có hiệu quả lắm. Nay giá biết lợi dụng họ, thì dám chắc 150 vạn mẫu hoang kia, trong mươi lăm năm nữa, đều thành ra ruộng vỡ tươi tốt vậy.
Song, dùng phương pháp thế nào mà đem được nhân công Trung, Bắc kỳ vào làm ruộng? Do Chính Phủ hay là do một hội riêng? Nhiều người biểu đồng tình rằng nên lập hội Hội ấy sẽ có phép Chính phủ cho lập ra, đại khái lấy tên là hội “khẩn hoang”, nói đúng ra thì tức là hội các ông tư bản, vốn chừng mười lăm vạn đồng. Thoạt tiên Chính phủ hãy nhường cho hội một khi đất độ bốn hay năm vạn mẫu, tự hội mộ người vào làm, nhưng khi đầu thì tiền tàu, giấy thông hành, thì xin Chính phủ miễn cho, và miễn cho cả các thuế mà trong 5 năm nữa. Đối với những người nông phu vào đó, thì hoặc là hội cấp vốn cho mà tự khẩn lấy một số ruộng đã nhất định cho từng người, vừa làm vừa giả nợ cho hội, hoặc là làm công cho hội mà thôi. Nghĩ lại làm cách như thế không xong được. Thứ nhất là vốn ấy không đủ khai khẩn được bấy nhiêu ruộng, vả lại may ra được mùa luôn thì chớ, nếu mất luôn cho hai ba năm, nông phu không lấy đâu mà trả được, thì hội tất phải vỡ nợ, ấy năm 1906, đã có một hội như thế, do người Pháp và người Tầu lập nên, cốt đem dân Tàu sang đồn điền bên Nam kỳ và Cao miên, chỉ được có một năm là vỡ nợ, thì đủ chứng tỏ rằng một hội mà làm được việc ấy, là khó lắm vậy. Sau hết, là hội của các ông tư bản thì lại càng không xong nữa. Nói cho phải, các ông tư bản, trong 100 người thì ta mới thấy được một vài người là có lương tâm, có độ lượng, còn thì toàn là hạng tham lận, tàn nhẫn, ngồi lên bạc, xéo lên vàng, lấy làm hớn hở, chứ không biết đến những kẻ cầm mai vác cuốc đặng khai những mỏ vàng bạc ấy cho mình là ai, mà dẫu có hy sinh ít nhiều mạng người, cho đầy tủ sắt thì cũng làm, nông nỗi như thế, không trách nào nước Nga nổi cái phong trào “lao nông” lên được. Nay khẩn hoang, mà bảo rằng do một cái hội tư bản chủ trương, thế thì chẳng khỏi sinh ra cái tình tệ như trên kia, bọn nông dân chỉ làm đầy tớ cho mấy ông tư bản mãi, tự mình không bao giờ mưu lấy được cái địa vị khá cả. Nếu mấy ông tư bản cứ làm cái ngón “trịch thượng”, cưỡi đầu cưỡi cổ bọn nhân công, dùng chúng làm trâu ngựa mãi cho mình mà không biết thương xót như thế, sợ có một ngày kia chúng phản động thì hỏng bét, mà xứ Nam kỳ bao nhiêu năm nay, chỉ khẩn ra được có một số ít ruộng, ấy cũng là bởi mấy ông tư bản có quyền, mà nhân công bị coi rẻ vậy. Ở đời nay, tư bản vẫn biết là trọng, nhưng nhân công quyết không thể xem khinh, tư bản không thể ngồi trên nhân công được mà phải đồng lao cộng tác với nhau, tư bản không thể cậy có tiền mình bỏ ra, tha hồ vơ vét mà phải nhờ sức của nhân công, để cùng làm cùng ăn, cho xứng đáng với nhau mới được. Thế thì việc khẩn hoang trong Nam kỳ bây giờ cần đến nông dân ngoài này, thì quyết không để cho nông dân lâm vào tay của hội tư bản nào được, mà chỉ nên đối với Chính phủ là hai bên quan hệ với nhau mà thôi. Vì vậy mà di nông dân ngoài này vào thì thiết nghĩ phải làm cách “Chính phủ di dân” đi mới được.

Cái ý kiến này, có nhiều người tưởng là không đời nào thực hành được, vì sổ chi thu nào cũng đốn cho vừa, nhưng thiết tưởng hoặc chỉ tại không có lòng thôi, chứ không phải không làm được, vì công việc của Chính phủ di dân, cũng chẳng khác gì các hội tư mộ phu đi là mấy, nếu bảo không được, vậy bên Nhật Bản chính phủ người ta tự nhận lấy cái trách nhiệm di dân sang Ba tây và sang châu Úc đấy thì sao?

Nếu Chính phủ làm ra, tưởng chỉ có một sở Canh nông sẽ lập ra để làm đại biểu là đủ, nếu không thì sở Kinh tế hiện có bây giờ đứng chủ trương cũng được. Mà công việc ấy đại khái chỉ có mấy điều cốt yếu như sau:

a/ Lựa những khu đất để cho nông dân vào làm – Nói rằng lựa những khu đất, không phải là nói rằng khu đất này tốt thì để cho bọn này, khu đất kia xấu thì để cho bọn kia đâu, mà nghĩa là phải tìm cách tổ chức và thi hành cách thực dân thế nào cho được trọn vẹn, và liệu thế nào có phần chắc mở mang ra. Như thế chắc hẳn trước hết phải dự bị chỗ đất để tiếp những bọn nông dân sắp đến đó, phải làm nhà cho họ ở, đào sông đắp đường cho họ lấy lối giao thông, sắm sửa trâu bò và khí cụ cho họ làm, nói tóm lại nhất thiết những sự gì cần dùng cho công việc họ, là phải có đủ hết cả. Nếu cứ để họ tìm lấy đất mà làm, thì chắc hẳn không được việc, vì họ bỡ ngỡ không quen, vả lại bôn tẩu khó nhọc lắm, nào là phải chờ trình báo, phải chờ khám xét, mất bao nhiêu thời giờ, rồi lại chịu nhiều sự bắt buộc (như là hạn khai khẩn bao nhiêu năm thì phải xong; cùng là bắt giồng thứ này thứ kia…) khác nữa. Nghĩ ra thì những sự ấy phiền phức và vô ích quá, vì chắc hẳn chính những người được đất, mới chính là những người biết làm thế nào cho sinh sôi nảy nở ra và giồng giọt thứ thực vật gì cho lợi hơn, thế thì tưởng không nên bắt buộc gì họ khiến họ mất thời giờ là phải.

Những sự cần dùng cho việc khẩn hoang, như là sông ngòi đường xá… thì trong cái chương trình của Chính phủ mở mang nông nghiệp ở Nam kỳ đã có dự bị đủ cả rồi, bây giờ chỉ còn lo đến sự tìm những khi vực nào dễ làm, thì hãy cho dân vào làm trước mà thôi, vì bước đầu phải tránh sự khó khăn thì họ mới không nản.

Dự bị những khi đất cho nông dân làm, lại còn một ý nghĩa nữa: là làm sao cho họ biết được cái nguyên lợi của nghề canh nông, không những chỉ ở thóc lua mà thôi, mà lại ở nhiều thứ thực vật khác như là cao su, mía, hồ tiêu, dừa… nếu muốn cho họ giồng những thứ ấy thì trước hết, tất phải lựa những chỗ đất nào, thích hợp với sự sinh trưởng của giống ấy, hay là bảo cho họ biết những cách làm thế nào bắt các giống cây nơi khác, cũng phải chịu khí hậu thủy tổ ở ta, và cũng có thể sinh trưởng được.

b/ Khi di – Nông dân ngoài này chắc chưa biết Nam kỳ là thế nào? Và sự vào trong ấy khẩn hoang thì có lợi như thế nào? Vì thế cần nhất phải cho họ hiểu cái lợi hiện tại và cái lợi tương lai của họ, khuyến khích họ cho có lòng sốt sắng mạnh bạo muốn đi. Mà đi mỗi chuyến tất phải hàng nghìn người, vào trong ấy mới bõ làm việc, chứ khi một vài trăm mà tán bố ra, thì chẳng thấm vào đâu cả. Di người nông dân, lại di cả gia đình họ đi nữa, vì người nông dân, phải có gia đình giúp đỡ cho thì mới có thể làm nổi được phần ruộng của họ, vả lại làm như thế mới giữ được họ ở làm ăn lâu dài, không xảy ra cái nạn nửa chừng nhớ nhà mà bỏ cả công việc, như một đoạn trên kia đã nói.

Đừng bắt họ phải lấy giấy căn cước và thuế thân gì cả cho nhiều sự lô thôi, nếu có cần thì cho họ mỗi người một cái giấy chứng chỉ rằng nông phu vào khẩn hoang Nam kỳ là được mà đi tàu không phải trả tiền, trong khi Chính phủ cho có một vài chiếc tàu để chuyên vào việc này, thì cũng có thể điều đình với các hang tàu, chỉ được lấy một phần tư, mà một phần tư ấy, thì cũng Chính phủ trích sổ chi lưu ra cấp cho mới được.

c/ Cấp ruộng – Ruộng đất và chỗ ở đồ dùng đã sẵn sàng cả rồi, khi họ vào thì chỉ bắt tay vào làm. Ruộng thì nên cho mỗi một gia đình họ là 5 mẫu, ấy là cái số trung bình mà một gia đình nông dân mình làm nổi, vả lại cấp cho vừa phải như thế, thì mới có sức dư dụ mà làm, không đến nỗi để hoang phế.

Khi cấp thì Chính phủ cũng phải cho sở Đạc điền khám đo hẳn hoi và phát cho mỗi chủ một cái giấy như giấy văn hoặc được cả cái bản đồ ruộng nữa càng hay, để tránh cho khỏi những sự tranh lấn mà sinh ra kiện cáo sau này. Các khu đất đều có vào sổ địa bộ, để ở tòa ông Tham biện; trong sổ cũng biên rõ ràng cương giới, diện tích, tên người được hưởng, và ngày bắt đầu khai khẩn là từ ngày nào. Khi nào mà phát cho cái giấy nhận ruộng ấy, thì chỉ nên là một cái giấy tạm thời mà thôi, liệu chừng trong hạn mấy năm, mà người có ruộng ấy đã khai khẩn được ra rồi, thì bấy giờ mới có một thứ giấy vĩnh viễn, người đã vỡ ruộng ấy có quyền làm chủ, muốn bán, muốn cho thuê, muốn đợ và muốn làm hương hỏa về sau cũng được.

Cái hạn khai khẩn thì cũng phải định cho họ 8 năm là nhiều, 5 năm là ít. Trong cái hạn ấy họ được miễn hết cả mọi thứ và không phải đóng gì cả, hay là 5 năm thì bắt đóng thuế đinh, 8 năm hãy bắt đóng thuế điền cũng được. Bởi bây giờ vở 5 mẫu ruộng hoang, thì 2 năm đầu, là chỉ ăn vốn của mình để mà bạt bờ dãy cỏ, từ năm thứ 3 trở đi, mới có lúa, nhưng thường có năm vì ruộng mới mà hay mất mùa, vả lại còn để cho họ gỡ lại cái vốn cũ và để ăn tiêu, thì tha thuế cho họ cũng là phải.

d/ Cấp vốn – Nông dân ứng mộ đi vào thì cũng chỉ có sức làm mà thôi, chứ không có vốn làm, cho nên cần phải nhờ Chính phủ cấp vốn cho, hay hoặc là một cơ quan tài chính nào – thì dụ như nhà ngân hàng – cấp cho, mà Chính phủ đứng bảo lĩnh nhưng chỉ nên lấy lợi tức rõ nhẹ, đồng niên chỉ từ 6 cho đến 10 phân là cùng.

Vốn họ cần dùng, thì chắc mỗi suất ruộng 5 mẫu này tức là một gia đình, phải đến 300 đồng bạc, mà hạn từ 3 năm trở đi mới phải trả. Vì ta phải biết cho họ rằng: ngay mùa đầu mà có được mùa ra chăng nữa, thì người nông dân cũng chẳng có thể gì trả bớt được số vốn đã vay, là bởi mùa đầu có được cũng chẳng có bao nhiêu, bất quá chỉ đủ gạo ăn đến mùa sau và để thóc giống đến mùa sau mà thôi: năm thứ hai trở đi, thì mới là đủ được. Rồi thì số lợi tức mỗi ngày một khá, thì từ năm thứ ba trở đi, mới trả nổi được nợ. Vậy Chính phủ hay là cơ quan tài chính nào cho họ vay, thì cũng phải để đến bấy giờ mới đòi được.

Cách trả nợ như thế nào là phải? Tất là phải cho họ trả góp, mà cần nhất là không để cho số lãi nhiều hơn số vốn, như cái lối của mấy ông chủ nợ “cắt cổ” vẫn cho vay, thì nông dân khổ, chỉ lo trả lãi cũng đủ chết. Tính ra mỗi mẫu ruộng của họ mới vỡ, tốt lắm thì mỗi năm được 80 đồng bạc tiền nhập khoản bằng lúa, mà phí tổn mất từ độ 15$ hay 20$ vậy còn được lời là 60$, thế thì trong 5 mẫu sẽ được: 60$ x 5= 300$, song ta chỉ bỏ xuống 200$ mỗi năm đó, người cho vay có thể lấy một nửa là 100$, nếu như khoản tiền vay là 300$, mà tính lãi lên nữa là 600$, thì từ cuối năm thứ ba đến cuối năm thứ tám, nghĩa là 6 năm, thì người nông dân trả hết nợ.

Còn như nói đến cái đồ bảo lĩnh, thì tiếng rằng có hẹn như thế, nhưng chẳng may có lúc mất mùa, tưởng cũng không nên lấy luật pháp mà thi hành vội, phải khoan cho họ trả dần về sau; còn ví bằng họ có thể trả được mà chây lười không trả thì không còn có đồ bảo lĩnh gì hơn lúa của họ. Chính phủ hay là cơ quan tài chính nào cho họ vay, cứ việc tịch ký lấy lúa của họ đó mà bán đi, lại càng là chạy việc cho họ, khỏi phải gồng gánh đi bán, rồi mới đem trả nợ lôi thôi. Ngoài cách ấy ra mà cũng quẳng lấy được nợ, bấy giờ hãy làm tội hay là đem tịch một cái khẩu phần của họ đi, nghĩ cũng chẳng muộn gì.

Ấy, muốn khẩn hoang xứ Nam kỳ cho chóng, là nhờ nhân công ngoài này, thì phải trông cậy Chính phủ làm mấy phương pháp cần dùng như thế, không phải có một hội riêng nào làm nổi. Ngoài ra, còn đến như những sự cai trị, sự tuần phòng cũng đều là việc cần cả, thì cứ năm ba chục hay một trăm gia đình đó lập thành ra một làng, cũng có hương hội tử tế, rồi thì nhà thương, trường học, tuần phòng… họ có thể tự biện lấy được, chỉ nhờ Chính phủ giúp đỡ cho ít nhiều là được mà thôi. Bằng không thì sát nhập ngay họ vào những làng phụ cận để đồng lao cộng sự với anh em Nam kỳ, lại càng là sự tốt lắm. Nếu lo tính trước cho bọn nhân công ngoài này, được có địa vị và quyền lợi thật chắc chắn như thế rồi, thì bây giờ Chính phủ hô lên một tiếng rằng: “mộ dân vào khẩn hoang trong Nam kỳ” thì chắc là người ta hưởng ứng răm rắp, vì xem những lần mộ lính thợ sang Pháp, mộ phu vào vườn cao su Nam kỳ hay là sang Nouvelle – Caledonic, tốt lắm thì đủ cơm ăn áo mặc và cái danh phận chẳng ra gì, mà người ta còn nô nức như thế, phương chi nay bảo làm ruộng mà có địa vị và quyền lợi như thế kia, thì hẳn người ta xô đẩy nhau ra ứng mộ hàng vạn người mà kể!

Tuy vậy cũng còn có việc mà ta nghĩ lấy làm khó khăn quá là việc cấp vốn cho dân vào khẩn hoang. Thật thế, cái khoản phí này to lắm, trông vào Chính phủ, vị tất đã ăn thua, mà nếu trông vào một cơ quan tài chính nào đứng cho vay, thì sợ cũng không thoát được cái vòng chủ nợ người nợ, vậy muốn bây giờ làm sao có một cơ quan nào tổ chức lên, mà cái tôn chỉ thuần là việc mở mang nghề canh nông, lại trong quỹ cho có nhiều vốn giúp cho, thì không còn gì hơn nữa. May thay, trong Nam kỳ ta đã sẵn có những cơ quan như thế rồi, là hội nông nghiệp tương tế.

Hội nông nghiệp tương tế, theo như đoạn trên kia đã nói, thì có ý nghĩa hay biết bao nhiêu, nhưng đến sự thực hành thì chưa chắc, đến nỗi kỳ Hội đồng Quân hạt trong Nam kỳ mới rồi, quan quyền Thống đốc là Tholance nói rằng: “Phải cần chú ý đến sự hành động của những hội ấy mới được. Trong năm 1923, quan Cai trị Giám đốc đã đi khám xét tận nơi kỹ lắm. Khám xét thì ra cũng tìm được chỗ này chỗ kia có một vài sự làm bậy bạ và một vài sự hà lạm nữa”. Nay xét xem công việc của những hội ấy ra sao? Hội ấy chỉ có mục đích bảo hộ cho mấy ông chủ điền khỏi bán lúa giá rẻ và tránh tay những bọn cho vay nặng lãi, cho nên những ông chủ điền có chân hội, mỗi năm phải đóng mấy trăm mấy nghìn giạ lúa thì đã có lệ và tùy hạng cấy ít nhiều. Lúa ấy đem chứa vào kho của hội, rồi có cần tiền thì hội cho vay, lợi tức mỗi năm là 12%. Lúa để đó lúc nào được giá thì hội bán cho, trừ nợ và lãi đi rồi, còn thì trả lại cho mình. Kể thế thì cũng có ích cho mấy ông chủ điền thật, nhưng cũng không khỏi có điều hại, thứ nhất là lúa góp nằm ở trong kho của hội, để chờ cho tới ngày được giá, trong quãng ấy không có ai phơi phóng trông nom, khi đem ra bán thì thí dụ trong 300 giạ, bị mối mọt hao hụt đi, thế nào cũng mất vài ba chục giạ, cái thiệt ấy người có lúa phải chịu, như thế thì những ông chủ điền cũng chẳng có lợi gì. Vả lại, tưởng hội lập ra, cốt giữ lúa gạo của mình, tránh được ta dang tham của Khách trú gì kia, ai biết đến lúc bán lại cũng phải bán cho Khách trú, mà bán cũng chẳng được có quyền thế hay trổi giá gì hơn người thường cả, vì thế, xem chừng có nhiều ông chủ điền trong Nam kỳ ta vào hội Nông nghiệp tương tế cũng là sự cực chẳng đã, chớ bản tâm cũng không tình nguyện và không tán thành tí nào cả.

Xét lên một tằng nữa, nếu hội chỉ bảo hộ cho những ông chủ điền có hàng trăm hàng nghìn mẫu mà thôi, thì tưởng cũng không có lợi gì cho các ông ấy hết. Vì sao? Vì những hạng ông chủ điền có hàng trăm hàng nghìn mẫu ấy, nếu không có hội tương tế, cũng có chỗ để dành lúa chờ bán giá cao, cũng có tiền tiêu, không cần phải vay, thế thì hội tương tế giúp, cũng là thừa cho các ông ấy vậy, cho bằng đem sự giúp ấy mà giúp cho những nhà nông nho, chẳng được việc hơn ư?

Cái vốn lưu thông của các hội tương tế trong Nam ta bây giờ, tới hơn 280 vạn bạc, thật là số tiền lớn lắm vậy, nay giúp mấy ông chủ điền triệu phú đã chẳng có ích gì, thì nên giúp vào việc khẩn hoang, thật là dư sức, và có lợi hơn nhiều. Vậy thì đối với đám nông dân ở ngoài này di vào trong ấy khẩn hoang, hội Nông nghiệp tương tế, phải lấy nghĩa vụ giúp đỡ, làm nghĩa vụ thiêng liêng của mình mà cho họ vay tiền làm việc, đến như điều khoản trả nợ, thì cũng như trên kia, mà cũng có Chính phủ đứng bảo lĩnh, thì không còn lo ngại gì nữa; phương chi những hội ấy cũng toàn là cơ quan của Chính phủ lập ra, thế thì trong khi sổ chi thu còn túng không thể tiêu những khoản phí to như vậy được, thì nên giao cái trách nhiệm cho hội Nông nghiệp tương tế cấp vốn cho nông dân, nghĩa là chuyển cái mục đích giúp mấy ông chủ điền giàu, ra cái mục đích giúp những nông gia nghèo, vì những hội ấy, phải cốt vì bọn dưới này mà lập lên thì mới thật là xứng đáng và ích lợi vậy.

____

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 9)

Công nghệ của xứ Bắc đối với Nam kỳ có quan hệ là thế nào? – Vấn đề đem thợ vào làm – Vấn đề ấy vì đâu mà khó – Nghĩ cách đem họ vào làm thế nào cho chắc chắn và lợi công việc.

Phương ngôn ta có câu rằng: “túng thì phải tính”; ấy công nghệ của xứ Bắc mà sở dĩ khá là tại “túng thì phải tính” vậy.

Trong khoảng mươi năm trở về đây, công nghệ của xứ Bắc mỗi ngày một khá thật, từ đồ dệt, đồ đồng, đồ khảm, đồ da, đồ sứ… nhất thiết đều chế tạo có vẻ mỹ thuật cả, đem so với cùng những đồ ấy chế ra từ mươi năm về trước, thì thấy tiến bộ rõ ràng lắm. Thứ nhất là mỗi năm nhân dịp trong kỳ Hội chợ hay là trong một cuộc bác lãm nào, là những khi mà công nghệ linh tinh ở các nơi đều tụ họp cả lại, chẳng có con mắt nhà kỹ sư chuyên môn gì, nhưng trông kỹ thì bao giờ ta cũng phải chịu rằng năm nay đã hơn năm ngoái, ấy là chưa phải làm bằng máy móc, mà còn theo cách thức cũ, dùng khí cụ xưa, chế tạo ra được những đồ như thế giá đem bày ở trong thị trường thế giới, kể cũng là xứng đáng lắm vậy.

Tiếng thế, đồ xuất cảng của ta mỗi năm hàng mấy triệu quan, nhưng sản vật chiếm đến 90 thành, thì đồ công nghệ chế tạo mới được 10 thanh, nghĩa là vật sản bán ra ngoài được nhiều mà đồ công nghệ ít, vì những đồ ấy của ta, dù có khéo thật đấy song mới đủ để cho trong xứ dùng đỡ dùng đồ ngoại hóa được đôi tí mà thôi, chớ chưa có thể nào đem bán cho ngoại quốc được. Vì sao?

Ta nên biết rằng: công nghệ có hai thứ: một là công nghệ nghĩ ra, một là công nghệ bắt chước. Thứ công nghệ nghĩ ra ấy, thì lấy hóa học và cơ khí làm nguyên chất; nhất thiết đồ gì, không kể là to nhỏ, đều phải qua phòng thí nghiệm rồi sang nhà máy, mới thành được thứ đồ, cho nên đồ gì chế tạo cũng đến mức tinh xảo, kiểu mẫu rất dễ coi, lại được điều cốt nhất là nhờ vì cơ khí, thành ra phí công phu ít, mà chế tạo được nhiều, cùng là nhờ cách vận tải chắc chắn mau chóng, sự xuất cảng nhân đó mà được phát đạt. Tức như là đồ chế tạo của Âu Mỹ bây giờ, bày la liệt ở trong chợ thế giới, đâu cũng phải dùng, là bởi những đồ ấy do trí sáng tạo của họ làm ra, rất thích hợp cho sự cần dùng của đời nay, cho nên họ đem đi đâu, cũng có chỗ tiêu thụ được là thế. Đồ công nghệ bắt chước thì không như thế được. Thứ nhất công nghệ bắt chước, chỉ là rập khuôn của người ta làm nên, lại thường chỉ làm bằng tay mà không có phương pháp hóa học và cơ khí thì không kể gì là phí công phu nhiều, thành ra trị giá phải đắt, mà nói ngay đến sự tinh khéo, chắc hẳn không bằng thứ đồ chế ở phòng thí nghiệm và nhà máy ra. Đã bắt chước mà không bằng đồ của người ta, thì tài nào bán cho người ta được, lẽ ấy tưởng là rõ ràng lắm.

Công nghệ của mình mới là công nghệ bắt chước, mà bắt chước chưa đến nơi, hay chưa khéo hơn đồ ngoài, chưa đem bán ra ngoài được là thế.

Bắt chước là một tính cách rất hay rất quý của người Bắc này, chính người Nhật cũng đã phải công nhận, vì mấy năm trước, đồ sơn của họ rất thịnh hành ở ta, thế mà bây giờ ta học lỏm ngay được, làm chẳng thua gì họ bao nhiêu, bơi thế họ phục lắm. Sẵn cái tính hay ấy, lại giữa lúc trong nước bị tràn lam những đồ ngoài, thì ta cứ việc bắt chước mà làm, để cho ta dùng và tìm ngay chỗ tiêu thụ ở quanh trong nước mình, tưởng không phải là thiếu. Xứ Nam kỳ tức là một mối hàng to nhất của công nghệ xứ Bắc vậy.

Ta đã biết rằng: xứ Nam kỳ ta vốn là một xứ không có công nghệ gì vừa dùng cả, cho nên bấy lâu, từ cái ăn mặc cho đến đồ thường dùng, nhất thiết đều mua đồ ngoại hóa; trong khi ấy, tuy công nghệ Bắc đã nhóm lên rồi, những người Nam chưa hề để mắt đến, duy có từ khi “tẩy chay khách trú” trở về sau, thì đã biết chuộng nội hóa, nghĩa là đã ưa dùng đồ Bắc. Thật thế, trước kia an hem ở trong Nam kỳ ta, có thèm ngó tới the lụa của Bắc kỳ đâu, thế mà đến nay, cửa hàng tơ lụa tầm thường nhất ở ngoài ta, mỗi năm bán vào Nam kỳ cũng được 3,4 vạn bạc, lại ta thử đi xem các nhà chế tạo, hỏi họ làm ra bán cho ai, thì trong mười nhà đến chín nói rằng: “bán vào Nam kỳ”, xem thế đủ hiểu đồ Bắc tiêu thụ vào trong Nam mạnh là thế nào, không kể gì đến những thứ đồ đắt tiền như đồ khảm, đồ gụ … ngoài này thường bán cho Tây và một số rất ít người mình mới dùng, nhưng đem vào bán cho an hem trong Nam đã có tiếng, quý mấy đã thích cũng dám mua; lại đến những thứ lặt vặt như giép Nhật Bản, guốc Sài Gòn, cái rổ, cái rá … chở vào Nam kỳ, có lẽ không chuyến tàu nào không hàng trăm kiện hàng như thế, chỉ tiếc rằng không có sổ thống kê nào, nên không biết mỗi năm đồ Bắc chở vào bán trong Nam được bao nhiêu tiền, nhưng xem đại khái cái hiện tình, cũng đủ biết là phát đạt lắm vậy.

Ta nên chú ý rằng: đồ công nghệ Bắc mà vào Nam được chừng nào là đồ công nghệ Tàu và một vài phần của Âu châu đều có chịu ảnh hưởng sâu xa chừng ấy. Cứ xét mà xem: trước kia những hạng bình dân trong Nam, hay mặc thứ vải mùi xám của Hoa kiều dệt ngay ở đó, mà bây giờ thông dụng vải ta và ít nhiều hàng tơ lụa Bắc; trước kia những thứ ghế mây, gọi là ghế tô nê thì trong Nam vẫn dùng thứ ghế ở Tây đem sang, mà ngày nay đã thông dụng ghế ấy của Bắc làm ra; trước kia đôi guốc cũng mua của Tàu, bây giờ đã ưa dùng giầy hạ (tức gọi là giầy ta) rồi, nhân thế mà sự dùng đồ ngoại hóa, trong 10 phần, cũng đã giảm đi được một vài phần, biết đâu lâu dần không bớt được nữa. Đồ Bắc vào khiến cho đồ chế tạo của các cửa hàng ngoại quốc càng thiệt thòi, tuy bề ngoài chẳng có gì là xung đột nhau, nhưng nghĩ cho kỹ thì chưa chắc bề trong đã không có ý cạnh tranh ngấm ngầm. Tác giả khi còn ở Sài gòn, trong khi đi chơi ngẫu nhiên thấy một cửa hàng ngoại quốc kia ở phố Catinal, đem bày một dãy ghế mây, có treo cả biển có mấy chữ: “Fabrication locate”, nghĩa là đồ chế tạo trong xứ, mà xem kỹ thì những ghế ấy, cái thì khuôn méo, cái thì mây thô, rõ ràng là đồ của người Bắc chế ra, sao cửa hàng này bày ra mà viết mấy chữ như thế, là có ý chiêu hàng, hay là có ý biêu xấu; nếu chiêu hàng thì tất bày thứ tốt đẹp hẳn hoi, bày những thứ thế kia, có lẽ là cốt bêu xấu, tức là muốn giễu hàng chế tạo của ta vậy. Xem thế, ví bằng các nhà công nghệ mình, không bỏ cái tính cẩu thả, là lúc đắt hàng thì hay làm liều muốn bán tống đi được là thôi, vậy thì công nghệ Bắc đối với trong nam e có ngày thất bại, cho nên bây giờ chế một thứ đồ gì, cần phải cho kỹ lưỡng, phải cho tốt đẹp mới mong bán lâu dài được, chớ có tham lam giối trá không nên, mà phải biết rằng đồ chế tạo của mình, trong khi chưa bán được ra ngoài, thì phải lấy Nam kỳ làm chỗ tiêu thụ mới được, có chỗ tiêu thụ rồi, sau khuyếch trương ra mới dễ.

Duy có điều bây giờ còn hơi ngăn trở ở một chỗ: là sự vận tải. Ví với  ngày xưa, đường bộ thì trạm dịch, đường thủy thì… mành, mà ngày nay đã có tàu bể và hỏa xa rồi, ai dám bảo rằng sự vận tải khó? Nhưng khó là bởi tự tình thế ấy trong nước mình.  Ta chẳng lạ gì rằng: đường vận tải ở ta bây giờ, đường bộ từ Bắc vào Nam, thì chỉ nói việc giao thông, chớ không nói việc vận tải được; còn có đường thủy là nhờ tàu bể. Giá tàu mà năm bảy hãng gì,, thì sự vận tải chắc được mau chóng rẻ giá hơn; đằng này độc quyền chỉ ở một hãng, kỳ hạn đã lại thường khi đến mươi ngày hay nửa tháng mới có một chuyến nhận chở bao nhiêu kiện hàng đó, thì đã có hạn, nhiều hơn không thể chở được, thành ra khi nào đến ngày là “kỳ tàu”, những người có hàng muốn gửi, đều tranh thủ sợ sau, chậm chân một tí là đọng ngay lại, không thể gửi đi, ấy là chưa nói đến sự có một vài điều tình tệ ở trong, những người có hàng họ gửi đi, vẫn lấy làm phàn nàn lắm. Tiền cước cứ tính theo thước khối, thay đổi khoảng từ 10$, 12$ hay 14$, kể cả không lấy gì làm đắt lắm, nhưng là không đắt cho những thứ hàng to tát và có giá trị mà thôi, chứ những hàng lặt vặt thì cũng kể là nặng; phương chi những hàng như đồ khảm, đồ gụ, hình thù to, nếu tháo ra được còn khá, thường có đồ nều tháo ra là hỏng, mà phải đóng nguyên như thế gửi đi, thì công cước chuyên chở rất nặng nhọc và tốn kém lắm. Lại những sự bảo hiểm không được phân minh, cho nên kiện hàng khi mang lên vận xuống, bị ẩm ướt mất mát, người có đồ thường phải chịu thiệt nữa. Đái khái sự vận tải khó khăn, chậm chạp, tốn kém như vậy thành ra đồ Bắc chở vào được đến trong Nam, cái giá phải gấp đôi gấp ba, không có chừng đỗi nào cả, nhân thế mà đồ Bắc cũng có tiếng là đắt. Vậy tưởng công nghệ Bắc nên đem ngay vào trong Nam mà chế tạo là hơn.

Vả chăng, công nghệ cần thứ nhất là phải có nguyên liệu, mà những nguyên liệu ngoài Bắc dùng để chế tạo các thứ đồ đem vào bán trong Nam ấy, thì trong Nam có đủ cả, nói hẳn ngay là không thiếu thứ gì cũng được, bấy lâu chỉ để dư, hoặc vào tay người ngoại quốc dùng mất; nay  nếu đem công nghệ Bắc vào ngay trong Nam mà làm mà bán thì một cái vấn đề nguyên liệu, quyết nhiên không lo thiếu: dệt thì có sẵn tơ ở Châu đốc, Tân châu, cói ở Rạch giá, làm đồ gỗ thì trong Nam rất sẵn gụ và nhiều thứ gỗ quý, không thì dùng gỗ ở ngay Cao miên đó cũng gần; khảm thì rất sẵn ốc và đồi mồi ở Hà tiên và Phú quốc… thế nghĩa là không lo đến sự phải đem nguyên liệu ở ngoài này vào mới làm được, mà chỉ lo đem thợ vào.

Cái vấn đề “đem thợ vào” này rất là khó, cho nên các nhà công nghệ ta thí nghiệm mãi không thấy có thành công gì lớn cả. Mấy năm trước, tác giả còn ở Nam kỳ, thấy trừ bọn thợ giày thợ mũ là thợ ngoài này đem vào cả, thì tuyệt nhiên không thấy một xưởng công nghệ của người Bắc nào cho xứng được cái tên, duy gần đây mới có nhà Tiến Đức ở Haiphong đem thợ vào mở xưởng đóng đồ gụ và nhà Chân Thụy đem thợ vào làm ghế cói thì còn có thể gọi là được đem công nghệ vào đôi chút, nhưng nghe nói cũng không phát đạt gì, cái cớ hình như cũng tại khó đem thợ vào vậy.

Thợ của mình hễ anh nào làm được việc, mà ông chủ phải ỷ làm tay chân đó thì hay có tính “khủng khỉnh” khó chiều lắm, mấy ông chủ biết thế mà vẫn phải chiều họ, vì họ có quan hệ đến sự lợi hại của mình, đã có ông nói rằng: “tôi phải chiều thợ như ông vua con của tôi”, tưởng không phải là nói quá. Ở ngoài này, là chỗ làm gì cũng sẵn thợ, vậy chẳng mướn đứa ấy thì mướn đứa khác, mà họ còn thế, nay đem họ vào Nam kỳ, là nơi chỉ họ là thợ mà thôi, nếu thất ý họ một tí mà họ bỏ đi, thế là công cuộc của mình, đang tiến hành bao nhiêu cũng phải đứng dừng ngay lại, có khi đến nguy, vì bọn thợ muốn phá công nghiệp của ông chủ thì rất dễ, chỉ “bỏ việc mà thôi” là đủ. Tuy đôi bên khi đầu có giao kèo hay là giấy cam đoan với nhau, nhưng miếng giấy ấy không đủ tin được, phương chi lại cũng không phải thật là giấy giao kèo cho hẳn, bởi không phải làm bằng cách chính thức, nghĩa là không có pháp luật và chính trị can thiệp nào, mà chỉ viết bằng miếng giấy lộn qua loa mấy chữ, gọi là có truyện, bởi thế sau xảy ra việc gì, đem những cái đó ra thi hành khó lắm. Chẳng qua đôi bên chỉ lấy lương tâm với nhau, mà lương tâm của bọn thợ như thế đấy. Họ đang làm với mình, bỏ đi đâu? Đi làm với chỗ hơn độ 5 hào hay một đồng bạc lương, vì bị xúi giục, bị cám dỗ nên mới sinh ra trở lòng làm hại cho các ông chủ, nông nỗi như thế, đối phó có phải dễ đâu.

Lại còn vấn đề đem thợ đàn bà vào nữa.

Trong công nghệ, có nhiều thứ phải cần đến tay chân đàn bà mới được, hãy nói như nghề dệt. Nhiều người biết thừa đi rằng: trong Nam kỳ bây giờ dùng the lụa của Bắc nhiều, mà cứ ở ngoài này gửi vào, phải bán mỗi cái áo đắt mất hai ba đồng bạc, vì tiền thuế má công cước nặng, nay giá có ngay thợ đàn bà ở ngoài này vào trong ấy dệt thì tiện hơn, nhưng chưa ai làm được, là bởi đem được thợ đàn bà vào là khó quá, một là không thể nói chuyện ký giao kèo được với họ, hai là phải làm sao giữ gìn được đức tính của họ, thì mới khỏi lỡ việc của mình, ba là đàn bà không thoát li được cái vòng gia đình mà đi dễ được như đàn ông. Không đem được thợ đàn bà vào dệt, là một điều đáng tiếc lắm, vì trong Nam kỳ cũng sẵn tơ, mà bấy lâu cứ bán cho mấy chú Hoa kiều đem về Tàu dệt hàng và bán cho mình mãi.
Xét lại, đem được thợ vào và giữ được họ làm việc với mình cho lâu dài chăm chỉ thì thật là một sự khó khăn, các nhà công nghệ ta đã phải chịu công nhận như thế. Nhưng vì đâu mà sinh sự khó khăn, tưởng không phải là không có cớ.

Thứ nhất cũng tại họ xa gia đình. Gia đình ở người mình, thật làm trung kiên cho mọi việc hay dở có ảnh hưởng ở đó mà ra lắm. Phương ngôn có câu rằng: “Xảy nhà ra thất nghiệp”, thất nghiệp nghĩa là “hư thân” đi, thì ra thấy ở bọn thợ ta rất hợp. Thật thế, họ xa gia đình, không có ai đe nẹt khuyên răn, lại đến ở một chỗ phồn hoa như đất Nam kỳ, càng dễ khiến cho họ nuôi cái tính kiêu căng và liều lĩnh lắm, thứ nhất là họ không biết lấy phận sự, và giai cấp của mình là người thợ mà tự xử, thành thế ra họ hại đã đành, mà người chủ đem họ vào cũng có hại nữa. Nhiều người đã nghiệm ra rằng: họ vào trong ấy thì sinh ra ăn chơi quá, thường chiều mát ở Sài gòn ta thấy bọn người lũ năm lũ ba kia, ăn mặc rất mực xa hoa, xe cao xu phóng khắp mọi chỗ, hỏi ra thì mới biết đấy là mấy ông thợ người Bắc. Ai chẳng biết cái khoái lạc về vật chất ở đời nay, không thể chia giai cấp, không thể ai cấm ai, nhưng tưởng vượt phận mình thì tưởng có khi sinh lụy. Quả nhiên, sau cuộc chơi mất mát ấy rồi, mấy ông thợ ấy mới dở ra nhiều trò khác: đua nhau đánh bạc, thuốc phiện, trai gái … suốt đêm rồi ngày mai về làm việc, mắt nhắm mắt mở, đụng đâu hỏng đó, ngày ấy ngày khác, chơi bời lãng phí thành ra cái tật quen, chỉ mong chóng mong việc để đi chơi, chẳng thiết gì cả. Khi vung tay quá, đâm nợ nần túng bấn, mới vay tiền chủ, được ra thì thành ra cái nợ chất nợ chồng, không bao giờ gỡ nổi, không được thì sinh sự, bỏ việc mà đi: có người đi còn kiếm được chỗ khác làm ăn, có kẻ đi bơ vơ chẳng ai dùng đến. Đại khái cái tình cảnh ấy, nếu có người nhà người cửa họ ở gần thì có đâu đến nỗi chơi bời, đến nỗi mất việc, đến nỗi bơ vơ?

Thứ hai là tại các ông chủ không có tình liên lạc. Cái nhà công nghệ ta ngoài này đem thợ vào làm, được một điều đáng khen là nuôi thợ ăn ở trong nhà mình, tình chủ thợ nhân thế có bề thân thiết, nhưng chỉ tiếc trong các ông ấy với nhau, không thấy có tình liên lạc, chỗ khuyết điểm ấy, ai cũng trông thấy rõ ràng lắm. Xét cái tâm lý của nhiều ông, hình như cho xứ Nam kỳ dễ làm ăn như thế này, mà mình mở ra một nghề gì, thì chỉ muốn một mình chiếm lấy độc quyền mà thôi, không muốn cho ai cùng làm cái nghề ấy mà phân lợi với mình nữa, ấy cái tình không liên lạc bởi đó mà ra. Tác giả xin kể một câu chuyện nhỏ này làm chứng. Ở phố Catinal, có nhiều cửa hàng bán mũ của người Bắc, trong đó có một ông A, một ông B, người thuật chuyện không nỡ nói tên, (tức là để bảo toàn danh dự cho các ông ấy) cạnh tranh nhau một cách con nít quá. Nguyên có một thứ dạ lợp mũ ở bên Tây mới sang đâu có vài trăm thước, mỗi thước giá đắt tới mười mấy đồng, vậy ông B ít vốn, chỉ mua dăm thước một về làm, hết rồi lại mua, ông A giàu có, bỏ tiền ra mua hết cả mấy trăm thước ấy về chất đống ở nhà, tức là để ông B không mua đâu được dạ ấy, thì không làm được thứ mũ ấy cùng với mình nữa. Trong khi công nghệ Bắc mới nhóm lên ở Nam kỳ, mà cái lối cạnh tranh của phần nhiều ông ấy, đại khái như thế cả, gọi là lối cạnh tranh tiểu nhân, tưởng cũng không oan. Các ông lại còn có lối cướp thợ của nhau nữa; sự đem thợ vào khó khăn thế nào, trên kia đã nói, muốn tránh sự khó khăn ấy, cho nên thường ông này chờ ông kia đem thợ vào rồi, tìm cách cám dỗ thợ về với mình, thế là không tốn kém nhọc nhằn gì mà được thợ làm việc, hay là tìm cách nói gièm, khiến cho bọn thợ phải biến tâm mà phản chủ. Ôi! Tình tệ còn nhiều, nói không thể hết được. Bọn thợ cũng có con mắt tinh, thấy bọn chủ đối với nhau như thế, thì lại càng làm cao giá, trễ nải công việc, vòi vĩnh lôi thôi, ví bằng các ông chủ có tình liên lạc với nhau, thì đâu họ lại có sinh sự như thế được.

Nay, muốn đem công nghệ Bắc vào trong ấy mà làm, thì một sự dưỡng dục được bọn thợ là khó nhất, vậy tưởng phải tìm phương pháp nào cho khéo, mới mong có thành công, lấy sự thế bây giờ mà bàn, nghĩ cũng có hai cách sau này là phải.

Trước hết khi đem thợ vào làm, thì sự phải kén chọn lấy những thợ giỏi giang, đứng đắn đã đành rồi, thế mà sau vẫn thường thấy xảy ra những nỗi bất tiện như trên kia, không biết thế nào mà lượng trước, cho nên giá ông chủ công nghệ làm sao cho vợ con hay thân nhân họ cùng đi, là một điều hay lắm.

Tiền lương ít nhiều không đủ giữ nổi họ, vì họ còn có chỗ nhiều lương hơn, nghĩa lý phải chăng không đủ cảm được họ vì họ là người vô học, vậy bây giờ ta lấy cách gián tiếp buộc họ là buộc bằng gia đình, có dễ là kế diệu hơn cả, đã có nơi thí nghiệm như thế có hiệu quả lắm rồi. Tại Rạch giá, có một cái đồn điền toàn người Bắc làm, ông chủ điền ấy cho mỗi người cấy chia ba mẫu mỗi hạn độ 3 năm, hết hạn người này muốn về thì ông chủ ruộng tìm cách đem vợ con ở ngoài này vào cho hắn, lập thành gia đình, thành ra buộc chân, mà không còn điều tưởng vọng gì nữa, chỉ một mực làm ăn mà thôi.

Nếu làm được như thế, thật có lợi cho họ và lợi cả cho mình, vì vợ con hay thân nhân họ cũng là nhân công cả đó, có khi giúp đỡ được việc cho chồng, hay là lợi dụng bọn này vào việc khác, thí dụ như nuôi tằm dệt cửi … lại càng tiện việc lắm. Được thế, mà có khi bọn thợ nhân đó lập được địa vị, mưu được sản nghiệp về sau cũng nên. Bọn người Bắc vào Nam trước hết là bọn người do ông Schneider đem vào, mà bây giờ đều thành như người có căn cước ở trong ấy, lại lớn nhỏ đều có sản nghiệp cả, ấy là một chứng cớ vậy.

Sau hết, các ông chủ công nghệ phải có hội liên hiệp với nhau mới được. Phải có thế, tức là để khích tiến nghề nghiệp của nhau lên, giữ thể thống đó với bọn thợ, lòng tín nhiệm đối với khách mua hàng, cùng là cái giá trị của đồ chế tạo mình giờ cũng có chừng mực, đừng nên thừa lúc người trong Nam đã chiếu cố đến mình, mà có lòng tham bán của giả lấy tiền thật, chắc không được bền. Không cần xem đâu xa xôi, hãy xem mấy nhà công nghệ Hoa kiều ở ta, nghề gì họ chẳng có hội liên hiệp nghề ấy, để gắn bó bênh vực cho nhau, cho nên cùng một thứ đồ ấy ở hàng này hàng kia, không bao giờ ta thấy tốt xấu cách nhau xa, giá cả cách nhau xa, mà cũng chẳng bao giờ có cái lối gièm hàng và cướp thợ của nhau như ta vậy. Tác giả đã từng đem cái tình hình công nghệ của người Bắc ở trong Nam để phô trương với một người Hoa kiều ở Chợ lớn, tức là có ý dò cái bụng phán đoán của họ ra sao. Người này nói: “Các ông nên biết người Việt Nam chưa bỏ nổi cái tính ưa đồ tàu đi được, nay các công định đem đồ của mình thế vào, thì tất đồ ấy phải tốt, phải rẻ, thế mà xem cái hiện tình công nghệ của các ông trong này bây giờ: đồ chế tạo thì quyết nhiên không phải chúng tôi không cạnh tranh được, còn thợ, thì chúng tôi chỉ dử tiền là cám dỗ được họ, các ông chủ công nghệ, thì chúng tôi chỉ dùng kế nhỉ mà li gián là tự làm hại nhau ngay…”. Bằng ấy lời đủ biết họ hiểu rằng mình không có cái nghĩa “đồng nghiệp liên đái” vậy.

Xem hết cái sự thế như vậy, thì các nhà công nghệ ta muốn kinh doanh trong Nam kỳ, có nên không liên lac để bênh vực giúp đỡ nhau không? Nếu không, thì không những là bị người ngoài thừa cơ ám hại, bọn thợ thừa cơ khinh nhờn, mà đồ chế tạo ngày một kém suy, khách mua hàng ngày mất tin cậy, thì công cuộc tất nguy. Làm một công cuộc gì, sự thành bại vẫn biết là việc thường, nhưng đối với nền công nghệ Bắc mới hay là sắp xây dựng ở trong Nam thì một công cuộc nguy, cũng có quan hệ đến đại cục nhiều lắm.

Tác giả dám chắc rằng: nền công nghệ Bắc lập ở trong Nam thế nào cho chắc chắn vững vàng có thế bành trướng ra được, thì công nghệ của Hoa kiều và ngay đến đồ chế tạo của ngoại quốc nữa cũng chịu ảnh hưởng xấu xa lắm vậy.