07.07.2016

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 07.07.2016)

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (ngày 07.07.2016)

Mỹ -Trung xung đột sau phán quyết vụ kiện Biển Đông ?

Liệu có đụng độ Mỹ- Trung tại Biển Đông ? Ảnh minh họa.CNN.com
Đúng vào ngày Trung cộng bắt đầu cuộc tập trận ở Hoàng Sa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng bài xã luận cho rằng nước này phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự.
Tuy Hoàn Cầu Thời Báo không nói rõ là đối đầu quân sự với ai, nhưng chắc là tờ báo này ám chỉ Hoa Kỳ. Vào lúc hải quân và không quân Trung cộng huy động nhiều chiến hạm và phi cơ tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, một lực lượng của hải quân Mỹ, trong đó có cả hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã di chuyển đến khu vực Biển Đông.

Vào tuần trước, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung cộng cho rằng việc Hoa Kỳ huy động lực lượng nói trên là một « hành động quân sự hóa Biển Đông và gây nguy hại cho hòa bình và ổn định khu vực ». Phát ngôn viên này cho rằng phía Mỹ đang tính toán sai lầm và khẳng định quân đội Trung cộng không bao giờ lùi bước trước các lực lượng bên ngoài. Ngày 01/07/2016, trong bài diễn văn kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung cộng, chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố : Trung cộng « sẽ không bao giờ thỏa hiệp trên vấn đề chủ quyền ».
Nếu Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ngày 12/07/2016 ra phán quyết bất lợi cho Trung cộng như dự đoán của nhiều chuyên gia, nguy cơ xung độ quân sự Mỹ-Trung sẽ gia tăng. Quân đội Hoa Kỳ sợ rằng Bắc Kinh sẽ đáp trả phán quyết của tòa bằng cách tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tương tự như vùng mà họ tuyên bố thiết lập năm 2013 ở vùng biển Hoa Đông, nơi Trung cộng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản.
Cho tới nay, tuy thỉnh thoảng có những lời lẽ rất hiếu chiến, Bắc Kinh vẫn chủ trương tránh mọi đối đầu quân sự với các cường quốc, cho đến khi nào nước này đủ mạnh về kinh tế để nắm chắc phần thắng trong tay.
Vấn đề là hiện nay kinh tế Trung cộng đang tăng trưởng chậm lại, nguy cơ rối loạn xã hội trong nước gia tăng. Tình hình này có thể sẽ khiến chế độ Bắc Kinh nghĩ đến chuyện kéo dư luận trong nước sang hướng khác, bằng một hành động ở bên ngoài. Một cuộc đối đầu quân sự có giới hạn với Hoa Kỳ và các đồng minh có thể sẽ là một giải pháp vừa đáp ứng tinh thần dân tộc, vừa tạo sự ủng hộ mới cho chế độ.
Tuy không phải là một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhưng Hoa Kỳ đã tỏ cho thấy là họ sẽ không để Trung cộng độc chiếm Biển Đông, gây phương hại đến những lợi ích cốt lõi của Mỹ ở vùng này. Phán quyết mà Tòa sẽ đưa ra ngày 12/07/2016 sẽ đánh dấu một bước mới đến gần nguy cơ xung đột Mỹ-Trung ở vùng này. 

Báo Trung cộng cảnh báo Hoa Kỳ về việc can thiệp tình hình Biển Đông

Chủ tịch nước Trung cộng Tập Cận Bình (bên phải) và Yang Zhenwu, Giám đốc Nhân Dân Nhật Báo (bên trái). Ảnh chụp ngày 25 tháng 6 năm 2016   AFP PHOTO

Bài bình luận đăng trên tờ Nhân Dân Nhật Báo số phát hành sáng ngày 6/7/2016 tại Bắc Kinh cảnh báo Hoa Kỳ sẽ phải trả giá khi cố tình can dự vào chuyện Biển Đông.
Bài bình luận cũng viết rằng Washington cần phải nhận thức rõ là quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng, bất ổn sẽ tăng, nếu Hoa Kỳ tiếp tục những hành động đang làm.
Vẫn trong bài bình luận, tờ Nhân Dân Nhật Báo nói rằng Hoa Kỳ cần phải biết là chuyện gì cũng có giới hạn của nó, và nước Mỹ sẽ phải trả giá nếu vượt qua giới hạn đó.
Bài bình luận cũng đổ lỗi cho Hoa Kỳ, viết rằng việc Washington cố tình can thiệp vào vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang xảy ra giữa Bắc Kinh và một số nước trong khu vực, đã khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn, đi kèm với dự báo mức độ căng thẳng sẽ gia tăng sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế đưa ra phán quyết vào ngày 12 tới đây, tức ngày thứ Ba tuần tới.
Vì thế, bài bình luận cho rằng một mặt hy vọng mọi tranh chấp sẽ được giải quyết bằng đàm phán, nhưng mặt khác Trung cộng phải chuẩn bị cho những vụ đối đầu quân sự có thể xảy ra.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại Giao Trung cộng cho biết rằng Trung cộng sẽ tiếp tục làm việc với ASEAN để đảm bảo ổn định, hòa bình tại Biển Đông.
Ông cũng nhắc lại rằng Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào do bên thứ ba đưa ra, đồng thời cũng không chấp nhận áp lực bất kỳ từ đâu đến.

Ngũ Giác Đài: Bất cứ điều gì tăng căng thẳng ở Biển Đông đều phản tác dụng
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Peter Cook.

Tại Ngũ Giác Đài hôm 5/7, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ Peter Cook đã phát biểu về những lời lẽ đao to búa lớn gần đây của Trung cộng. Ông Cook nói bất cứ điều gì làm leo thang căng thẳng ở khu vực đó của thế giới đều phản tác dụng. Ông cho biết Washington đã chỉ ra con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp hàng hải.
Trung cộng hiện đang thực hiện tập trận quân sự kéo dài một tuần quanh quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) trước một phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Haye, dự kiến sẽ đưa ra hôm 12/7, về một khiếu nại của Phi Luật Tân thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung cộng. Hôm 5/7, tân Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte kêu gọi đối thoại, chứ không phải là chiến tranh, với Trung cộng về phán quyết mà Bắc Kinh nói họ sẽ không công nhận.
Nhà phân tích Steven Rood thuộc Quỹ Châu Á nói với VOA rằng ông Duterte không rút lui khỏi hành động pháp lý do chính phủ trước đây của ông Aquino nộp lên tòa, mà chỉ là thay đổi chiến thuật. Ông Rood nói mọi dấu hiệu cho thấy tòa của Liên Hiệp Quốc sẽ phán quyết có lợi cho Manila, nhưng vì còn nhiều điều không chắc chắn về ý nghĩa sâu xa của phán quyết, ông tiên liệu rằng sẽ có một loạt các cuộc họp riêng và công khai để đánh giá tác động của phán quyết. 
Trung cộng tập trận ở Hoàng Sa
  
Hải Quân Trung cộng tập trận bắn hỏa tiễn chống hạm trên Biển Ðông. (Hình: báo Nhân Dân TC) 

Trung cộng loan báo cấm tàu bè qua lại để tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016 đến Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016.  Nhiều tàu chiến chủ lực thuộc ba hạm đội đã được huy động tham gia cuộc tập trận này. Trong số các tàu chiến tham dự có tàu khu trục mang hỏa tiễn số 115 của hạm đội Bắc Hải, khu trục mang hỏa tiển số 139, hộ vệ mang tên lửa số 595 của hạm đội Đông Hải. Hạm đội Nam Hải tham gia với nhiều tàu chiến, chiến đấu cơ, trực thăng, số lượng cụ thể không được công bố.

Người ta thấy Bắc Kinh loan báo tập trận hải quân quy mô ở khu vực quần đảo Hoàng Sa chỉ có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung cộng như một dấu hiệu “dằn mặt” Hà Nội trước ít ngày Tòa Án Quốc Tế The Hague ra phán quyết cho vụ Phi Luật Tân kiện đường “lưỡi bò” ngang ngược.
“Việc Trung cộng tổ chức tập trận từ ngày 5 đến 11 tháng 7 là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa,” phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình nói như vậy hôm Thứ Hai.
 “Lời phản đối (của Hà Nội) chỉ là chuyện phản đối hoàn toàn theo thói quen.” Tờ Hoàn Cầu thời báo hôm Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016 thuật lời phê bình của Zhang Junshe (Trương Quân Nhiếp?) thuộc Viện Nghiên Cứu Hải Quân của quân đội Trung cộng.
Hành động tập trận của Trung cộng trên Biển Đông thực sự đáng lo ngại và tiếp tục là chủ đề quốc tế, nhất là của các quốc gia trong vùng. Xét về khía cạnh an ninh, người ta lo ngại về trật tự tại châu Á đang suy yếu dần và chuyển dần sang bờ vực chiến tranh.
Chuyên gia phân tích an ninh Alan Dupont lập luận rằng: “Những ai bác bỏ sự tranh chấp trên Biển Đông đều là lạc quan quá mức và thậm chí là ảo tưởng khi cho rằng Trung cộng sẽ kiềm chế trong việc giảm bớt khiêu khích đối với các quốc gia không có tranh chấp trên vùng biển trên. Hơn thế nữa, cuộc tranh chấp lãnh thổ đang cho thấy các tín hiệu sẽ trở thành vấn đề an ninh nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á và Úc tính từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc”. 

Báo Trung cộng bình luận về phản đối của Việt Nam

Image copyright  AFP  Image caption Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.
Hoàn Cầu Thời báo hôm thứ Tư 6/7 đăng bài bình luận về lời phản đối mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra hôm 4/7 khi Trung cộng thông báo tập trận ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Trong những năm qua, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều lời phản đối Trung cộng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ bị Trung cộng cướp đoạt rồi bồi đắp, xây dựng các căn cứ trên Biển Ðông, lệnh cấm đánh cá, loan báo tập trận v.v… Thường thì Bắc Kinh tảng lờ những lời phát biểu suông của Hà Nội nhưng lần này, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo (báo con của tờ Nhân Dân nhật báo, cùng một trụ sở ở Bắc Kinh) đưa ra ít lời bình luận trong thái độ coi thường như thách đố và chọc tức Hà Nội. 
Tối 4/7 giờ Hà Nội, ông Lê Hải Bình lên tiếng gọi đây là "hành động vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Ông Bình nói: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.
Bài xã luận đăng trên Hoàn Cầu hai hôm sau gọi phản đối của người phát ngôn Việt Nam là "tuyên bố định kỳ", không có ảnh hưởng gì tới hoạt động tập trận của Trung cộng.
Báo này viết "cứ mỗi khi Trung cộng có hoạt động gì tại Tây Sa (cách Trung cộng gọi Hoàng Sa)... thì Việt Nam lại lên tiếng phản đối".
"Thế nhưng nói chung Việt Nam không có hành động can thiệp gì."
Theo tờ báo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung cộng, việc Việt Nam phản ứng dữ dội sau khi Trung cộng đưa giàn khoan 981 vào vùng biển tranh chấp năm 2014 là "rất hiếm" khi xảy ra.
Hoàn Cầu Thời báo cũng cáo buộc Việt Nam "chiếm đóng bất hợp pháp hơn 20 hòn đảo và rạn san hô của Nam Sa (tên Việt Nam là quần đảo Trường Sa)".
Với một chính phủ mới và một dàn lãnh đạo mới, tờ báo Trung cộng cho rằng Việt Nam hết sức quan tâm tới Biển Đông.
Báo này cũng đề cập tới vai trò 'đòn bẩy' của Hoa Kỳ trong xung đột Biển Đông nhưng cho rằng Việt Nam sẽ không vì Hoa Kỳ mà đối đầu với Trung cộng.
"Quan hệ Trung-Việt phức tạp và tế nhị... muốn ổn định ở Việt Nam thì không thể thiếu ảnh hưởng chính trị từ Trung cộng."
Hoàn Cầu Thời báo kết luận là về phương diện chiến lược, "Việt Nam không có khả năng đối đầu với Trung cộng" và Trung cộng cũng không muốn đối đầu với Việt Nam, bởi vậy phương cách tốt nhất là duy trì hữu nghị và hợp tác.


Trung cộng cảnh báo Mỹ về Biển Đông

Image copyright  AFP  Image caption  Ông Vương Nghị và ông John Kerry trong cuộc gặp đầu tháng Sáu ở Paris
Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm thứ Tư 6/7, trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông và cảnh báo các động thái của Washington vi phạm chủ quyền của Trung cộng, hãng tin Tân Hoa Xã nói.
Tân Hoa Xã tường thuật ông Vương Nghị lặp lại sự phủ nhận của Trung cộng với phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, gọi phiên tòa là "trò hề" và nên kết thúc.
Trong cuộc điện thoại với ông Kerry, ông Vương Nghị "cảnh báo Hoa Kỳ tôn trọng cam kết không theo bên nào với các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, hãy khôn ngoan với hành động và lời nói, và không có bất cứ hành động nào vi phạm đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung cộng," hãng tin Tân Hoa Xã nói.
Ông Vương nói bất chấp phán quyết của tòa trọng tài, Trung cộng sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải hợp pháp và kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định".

Image copyright  REUTERS  Image caption  Trung cộng tập trận gần khu vực Hoàng Sa từ hôm thứ Ba 5/7
Ông Vương cũng nói quan hệ giữa Trung cộng và Hoa Kỳ nói chung đang đi đúng quỹ đạo và hai bên nên tập trung xa hơn vào hợp tác đồng thời giải quyết đúng đắn những khác biệt.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry xác nhận ông có điện đàm với ông Vương.
"Hai người bàn luận về lợi ích chung. Chúng tôi sẽ không cho biết thêm chi tiết về cuộc đối thoại ngoại giao riêng tư này," Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Gabrielle Price nói.
Trung cộng giận dữ vì các cuộc tuần tra của Hoa Kỳ trên Biển Đông vài tháng qua, và hôm thứ Ba 5/7 đã khởi động một cuộc tập trận mà Bộ Quốc phòng nước này gọi là "theo thông lệ".
Hôm thứ Ba 5/7, Bắc Kinh tìm cách giảm nhẹ những lo ngại xung đột trong khu vực Biển Đông sau khi một tờ báo có ảnh hưởng nói Bắc Kinh nên chuẩn bị đối đầu quân sự.

3 tàu chiến Mỹ tuần tra gần đảo nhân tạo Trung cộng bồi lấp
3 tàu khu trục của Hải quân Mỹ trong 2 tuần qua đã thực hiện những cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung cộng bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Tàu khu trục Spruance của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Hai viên chức quốc phòng Mỹ nói với báo Navy Times rằng, các tàu khu trục Stethem, Spruance và Momsen đã tuần tra gần các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung cộng đang bồi lấp phi pháp, cũng như quanh bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân mà Trung cộng chiếm quyền kiểm soát.
Một nguồn tin nói các tàu duy trì khoảng cách với những thực thể này từ 14 đến 20 hải lý. Bởi nếu tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các bãi đá thì đây là một hoạt động khẳng định tự do hàng hải, và cần được sự cho phép từ cấp cao hơn. Vùng ngoài khoảng cách này được xem là vùng biển quốc tế và tàu Mỹ được tự do hoạt động.
Người phát ngôn của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Clint Ramsden nhấn mạnh: “Các chuyến tuần tra của những tàu khu trục như Spruance, Momsen và Stethem, cũng như của các tàu sân bay trước đó là USS Ronald Reagan, là một phần trong chính sách hiện diện thường xuyên của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, ông Ramsden từ chối bình luận về “các chiến thuật, địa điểm tuần tra cụ thể hoặc những hoạt động sắp tới do tình hình an ninh khu vực”. Người phát ngôn nhấn mạnh “mọi cuộc tuần tra đều tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình Dương ở phía tây khu vực”.
Các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung cộng bồi lấp trái phép. Ảnh: WSJ
Giới quan sát nhận định, việc tàu chiến Mỹ liên tục tuần tra quanh các đảo nhân tạo gửi đi một thông điệp đến Trung cộng và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Hành động này cũng là quyết định phô diễn sức mạnh có chủ đích trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết đối với vụ kiện Biển Đông do Phi Luật Tân khởi xướng.
Phán quyết của PCA nếu có lợi cho Phi Luật Tân cũng đồng nghĩa với việc khiến Trung cộng mất mặt trên trường quốc tế và có thể tạo cho Mỹ nhiều lý do để hỗ trợ đồng minh Phi Luật Tân.

Tin tổng hợp từ RFA, VOA, BBC, RFI