„Con Đường Việt Nam,… là một con đường công khai và mở: Công khai, minh
bạch tư tưởng, chính kiến, danh tánh của người ủng hộ, và mở cho tất cả mọi
người Việt Nam, không phân biệt thành phần, đảng phái đúng với mô hình và tên
gọi của nó.
Chủ đích của CĐVN là toàn dân sẽ lên tiếng
đòi hỏi quyền công dân và bày tỏ niềm tin của mình để thay đổi thể chế, như một
cuộc trưng cầu dân ý mở.“
Người Kỹ Sư Mở Đường
Trần Bảo Như
Trần Huỳnh Duy Thức bị “Tòa Án Nhân Dân”
của CSVN tuyên án 16 năm tù về tội “mưu toan lật đổ chính quyền nhân dân” vào
ngày 24/5/2009. Ngày 24/5/2016 anh tuyên bố tuyệt thực cho đến chết
trong tù để đòi hỏi nhà cầm quyền chấm dứt bản án luật rừng, sau khi từ chối
giải pháp trao đổi phóng thích sang Mỹ.
Thân nhân và những
người bạn tranh đấu đã thuyết phục, và chúng ta đã rất mừng nghe tin anh đồng ý
chấm dứt tuyệt thực vào ngày 7/6/2016. Anh phải sống để cùng toàn dân Việt Nam
tranh đấu cho đến ngày đất nước tự do.
Và người dân Việt Nam luôn
nhớ từng ngày có những công dân yêu nước ĐANG bị nhà cầm quyền giam
hãm đầy đọa trong tù. Chúng ta sẽ hỗ trợ cho những người chiến sĩ
tự do này bằng mọi cách, mọi giờ phút, không để họ phải dùng đến
sinh mạng của họ để tranh đấu trong tù.
Ca khúc Người Kỹ Sư Mở Đường xin
tặng anh Trần Huỳnh Duy Thức, bác Trần Văn Huỳnh, gia đình thân yêu cuả anh,
và hai người bạn cùng chí hướng của anh là Lê Công Định và Lê Thăng Long.
Xin được phép nhắc
sơ lại vụ án năm xưa. Những đoạn in nghiêng trong bài đều được trích
từ quyển sách "Trần Huỳnh Duy Thức - Con Đường Nào cho Việt Nam.
Ba “tội phạm” trong
vụ án “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” này đều lớn lên, học hành, trưởng
thành dưới thời CS. Lý lịch họ cũng không liên quan đến chính quyền VNCH cũ,
thậm chí Lê Công Định và Lê Thăng Long còn thuộc gia đình có “gốc” CS. Họ là kỹ
sư, luật sư, những doanh nhân thành đạt, đã có cuộc sống và vị trí xã hội đáng
mơ ước theo tiêu chuẩn VN và cả quốc tế.
Tuy vậy lòng công
chính và tinh thần yêu nước đã không cho phép các anh “mũ ni che tai.” Họ muốn
tranh đấu cho một xã hội công bằng, thay đổi chính sách ngu dân để VN có thể mở
mang phát triển thành cường quốc, không bị các thành phần cơ hội khuynh loát,
dẫn đến mất nước. Ba người bạn xuất thân là những trí thức, không màng chính
trị, thừa sức làm giàu sung sướng cho gia đình riêng... Nhưng có người yêu nước
nào có thể đứng ngoài vòng chính trị, khoanh tay nhìn đất nước nghiêng ngả?
“Thức nhìn thấy nguy
cơ đất nước rơi trọn vào tay những kẻ cơ hội và ngoại bang là cực kỳ lớn. Xuất
phát từ đó với tấm lòng yêu nước mà không hề toan tính thiệt hơn cho bản thân,
Thức đã đề ra một chiến lược với hai điểm chính như sau:
- Cảnh báo nguy cơ một cách rộng rãi, phê
phán mạnh mẽ những kẻ cơ hội và chỉ ra những âm mưu tiếp tay cho ngoại bang.
- Nghiên cứu để đưa ra một cách thức hóa
giải nguy cơ này khi nó xảy ra để xoay chuyển tình thế đất nước theo hướng tiến
bộ của dân chủ và thịnh vượng.
Chiến lược hai điểm
này đã được đưa ra từ đầu năm 2006, trước đại hội thứ X của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Điểm thứ hai đã dẫn
đến việc viết một quyển sách được đặt tên là “Con đường Việt Nam”. Còn điểm thứ
nhất thì Thức đã bàn với Lê Công Định, Lê Thăng Long và thống nhất như sau:
- Thức sẽ chịu trách
nhiệm viết các thư cảnh báo gửi cho các lãnh đạo cao cấp của đất nước để chỉ rõ
các nguy cơ nói trên. Đồng thời sẽ lập blog để đăng tải các bài viết cảnh báo
về các nguy cơ này.
- Định chịu trách
nhiệm viết đăng các bài báo trong và ngoài nước để cảnh báo nguy cơ, đồng thời
tiếp xúc với các tổ chức chính trị ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để chia sẻ
quan điểm về nguy cơ cũng như cách thức hóa giải nó một cách tốt đẹp cho đất
nước.
- Long chịu trách
nhiệm mở rộng quan hệ với các thành phần trí thức trong và ngoài nước để cảnh
báo nguy cơ, đồng thời học hỏi và tham khảo ý kiến từ họ về cách thức hóa giải.
Ba người đã miệt mài thực hiện những việc trên trong suốt những năm 2006-2008.”
Tiếc thay, Con Đường
Việt Nam không phải là con đường của CS, những kẻ “tam vô” này không thể chấp
nhận con đường nào cắt đi sự độc quyền của họ, nên ý nguyện còn trong vòng
chuẩn bị thì Thức - Định - Long đã lần lượt bị bắt và khép vào tội “lật đổ
chính quyền.” Kể cũng không “oan” dưới nhãn quan CS: Khi anh quảng bá cho nhân
dân biết được quyền con người, đòi bình đẳng thì cái "chính quyền CS” còn
“quyền” nào để tiếp tục buôn dân bán nước? Không là “lật đổ” thì là gì?
Thức đã nói với hai
bạn của mình cố chịu đựng “nhận tội”để có thể nhanh chóng được thả, tiếp tục
con đường mà cả ba đã vạch ra. Còn bản thân mình, Thức kiên quyết không nhận
mình có tội dù có bị nhục hình ép cung hay được hứa hẹn sẽ được giảm án nhằm
mục đích bảo toàn chính nghĩa việc làm của mọi người. Và bản án khắc nghiệt,
bất công “16 năm tù giam, 5 năm quản chế ” đã dành cho anh.
Đoán trước kết quả đó,
nhưng Thức vẫn không nao núng lên án sự cường quyền bạo ngược diễn ra trong
cuộc sống của nhân dân ngay tại phiên tòa. Anh dõng dạc tuyên bố: “Tôi không
lật đổ chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống cường quyền và tôi sẽ còn chống nó đến
khi nào còn thấy nó”.
Lê Thăng Long bị kết
án 3 năm, Lê Công Định 5 năm, Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm.
Sau khi mãn hạn tù,
Lê Thăng Long đã nỗ lực dấy động phong trào Con Đường Việt Nam như ước muốn của
ba người bạn. PTCĐVN đã gây xôn xao dư luận ngay khi vừa khởi xướng. Có hai dư
luận đối nghịch ủng hộ và chống đối rõ rệt ngay trong thành phần cổ vũ Dân chủ
cho Việt Nam. Phía chống đối tin rằng Lê Thăng Long chỉ là “Dân chủ Cuội” với
lý do là Lê Thăng Long mời cả những người thuộc phiá CS tham gia. Dư
luận ủng hộ và những người chủ xướng Con
Đường Việt Nam, ngược lại, tin rằng công cuộc đòi hỏi dân chủ và
nhân quyền cho Việt Nam là
một con đường công khai và mở: Công khai, minh bạch tư tưởng, chính kiến, danh
tánh của người ủng hộ, và mở cho tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt
thành phần, đảng phái đúng với mô hình và tên gọi của nó.
Chủ đích của CĐVN là toàn dân sẽ lên tiếng
đòi hỏi quyền công dân và bày tỏ niềm tin của mình để thay đổi thể chế, như một
cuộc trưng cầu dân ý mở. Và để tiến tới đích này, với chính sách ngu dân và
khủng bố để gieo rắc sợ hãi của chế độ CSVN, cần một phong trào đại chúng để
truyền bá những khái niệm về quyền công dân, tự do, công bằng xã hội, để người
dân bị trị hiểu được các quyền tối thượng của mình. Vì là một phong trào đại
chúng, không phải là một “kế sách bí mật”, để phải có “chọn lọc” trong thành phần
người hợp tác, nên phong trào đã mời tất cả những người “của công chúng” tham
gia, có lẽ với hy vọng nếu họ ủng hộ, tác động và sự trợ giúp của họ sẽ lan tỏa
mau chóng đến đại chúng. Thành phần này bao gồm cả người CS. Tại sao
không? Vấn đề là những người CS có muốn đi chung với CĐVN, xây dựng một xã hội
mới, chế độ mới cho VN hay không, chứ không phải họ bị loại trừ ra khỏi con
đường tiến tới Dân chủ của đất nước.
Tôi đã đọc Con Đường
Việt Nam khi đó còn phổ biến qua các trang mạng, chưa được in thành sách. Nhưng
tôi chưa hề đọc đầy đủ về cuộc đời của anh Trần Huỳnh Duy Thức, cho đến gần
đây, trong lúc tìm hiểu để viết chút tâm tình đi kèm nhạc phẩm Người Kỹ Sư Mở
Đường này.
Tôi đã đọc một mạch
60 trang đầu phần tiểu sử của Trần Huỳnh Duy Thức trong Con Đường Nào Cho Việt
Nam không ngừng được. Xin được chia sẻ những mẫu đoạn về anh Thức khiến
tôi đặc biệt thích thú dưới đây.
Lúc chưa đầy năm tuổi,
khi đang nghe ba đọc một quyển truyện tranh kể về một ông tiều phu bị những kẻ
ăn thịt người bắt, chuẩn bị cho vào nước sôi làm thịt, Thức giật lấy quyển
truyện rồi nhằm vào những hình ảnh của những kẻ xấu mà xé bứt ra. Ba má hỏi
Thức vì sao làm như vậy thì Thức nói là để cứu ông tiều phu với thái độ rất
phẫn nộ và thương xót
Vào lúc chưa đầy 9
tuổi mà Thức đã hỏi khi được nghe ba mình nói về tự do, bình đẳng, bác ái như
thế này:
- Dạ, làm sao để có
công bằng?
- Thì phải có những
người có lòng bác ái có được quyền hạn để đảm bảo sự công bằng đó cho mọi
người.
- Nhưng nếu như vậy
thì đã có người này có quyền để cho người khác công bằng thì làm gì còn công
bằng nữa?
Một tuổi nhỏ cơ cực
nghèo khổ, giúp mẹ chăn bò, làm thuê ở thôn quê sau ngày CS chiếm miền Nam
nhưng vẫn không mai một tính hiếu học, tài trí trong những năm ở học đường,
và cuộc đời sinh viên tự lập, vừa lo gíup kinh tế cho gia đình vưà
học để lấy được bằng Kỹ sư Tin Học từ Đại Học Bách Khoa.
Từ tay trắng anh
đã lập nghiệp trở thành một doanh nhân thành công trong môi trường công
nghệ thông tin để Việt Nam có thể cạnh tranh với thế giới. Công ty IES
cuả anh, ngoài ở Việt Nam còn có hai chi nhánh ở ngoại quốc, một ở
Mỹ và một ở Singapore. Điểm đáng qúy nhất là anh luôn tự hào về
nguồn gốc Việt và nghĩ đến lợi ích của nước nhà trước lợi nhuận
của bản thân. Tiếc thay, tài năng, trí tuệ đi đôi với lòng yêu nước
khó có được trên mảnh đất cằn cỗi "nhân tài như sao buổi
sớm" của Việt Nam, mà có được thì đều bị bọn sâu dân mọt nước
tiêu diệt.
Năm 1987, em trai kế
Thức - Trần Huỳnh Duy Linh mất vì tai nạn xe cộ trên đường đạp xe chở gạo từ
Long An về Sài Gòn bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Biến cố này đã thay đổi ước
mơ trở thành một nhà khoa học, phát minh sáng chế của Thức. Lúc đó Thức đang
học đại học năm thứ ba. Nếu tiếp tục theo đuổi ước mơ và đam mê khoa học của
mình thì sẽ không thể kiếm ra nhiều tiền để thay đổi hoàn cảnh sống của gia
đình. Thời đó phải mất hàng chục năm để một kỹ sư ra trường có chỗ đứng tương
đối trong xã hội. Từ đó Thức quyết định trở thành doanh nhân dù vẫn tiếp tục
học hết kỹ sư ở đại học Báck khoa. Thức có lúc đi làm thợ canh lò bánh mì vào
mỗi sáng sớm để vừa kiếm thêm tiền vừa quan sát cách người Hoa Chợ Lớn làm ăn.
-----------------------------------------
Vào đầu năm 1993 Thức
mở một cửa hàng dịch vụ tin học nhỏ, có tên là EIS - “Electronic Information
Systems”, ở góc đường Nguyễn Văn Thủ và Đinh Tiên Hoàng, Quận 1, thành phố Hồ
Chí Minh. Lúc đầu cửa hàng chỉ làm dịch vụ đánh máy thuê, photocopy và bán đĩa
mềm. Sau vài tháng tiếp cận thị trường, Thức đã cập nhật được công nghệ và nhập
linh kiện rời về ráp thủ công thành những bộ máy vi tính đầy đủ. Cửa hàng nhỏ
lúc ấy đã mạnh dạn dán nhãn hiệu riêng của mình là EIS lên máy PC trọn bộ trong
lúc thị trường đang chuộng các mác ngoại. Đây không chỉ là một sự táo bạo mà
còn là tính cách không bao giờ thay đổi của Thức: luôn tự hào và khẳng định
nguồn gốc Việt của mình trong tất cả những việc mình làm.
------------------------------
Vào buổi tối cuối năm
1994 ở khách sạn Boss ấy, Trần Huỳnh Duy Thức đã mời Lê Thăng Long thành lập
công ty. Long hỏi Thức công ty này sẽ làm gì để thu hút nhân tài đang gần như
bị hút về các công ty nước ngoài, liên doanh như một trào lưu vào lúc đó. Thức
trả lời hãy nói với họ rằng chúng ta cùng nhau khẳng định trí tuệ Việt trong
công nghệ thông tin với thế giới. Long nói sẽ suy nghĩ và trả lời Thức sau.
Thế rồi một chiều tháng 3 năm 1995, Long đột ngột xuất hiện tại cửa hàng tin
học EIS và nói với Thức rằng: “Tôi đã sẵn sàng, thôi việc và bàn giao xong ở
Oscan rồi. Giờ hãy cùng nhau khẳng định trí tuệ Việt thôi”.
-------------------------------
Nguồn nhân lực, yếu tố
quyết định cho mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ, lúc đó là một thách
thức quá lớn đối với công ty Duy Việt. Việc tuyển dụng kỹ sư từ những trường
nổi tiếng như Đại Học Bách khoa, Đại Học Tổng hợp là một điều không thể thực
hiện được với khả năng tài chính của công ty trong thời gian mới gượng dậy. Vì
vậy Duy Việt đã thu nhận những người có chuyên ngành khác và có trình độ khác
nhau từ các trường như Đại học Giao thông vận tải, Đại học Mở, những người tốt
nghiệp phổ thông trung học, v/v.
Đến đây Trần Huỳnh Duy
Thức cho thấy khả năng sư phạm rất đặc biệt của mình. Thức trực tiếp đứng lớp,
đào tạo mọi người theo mô hình vừa học vừa làm. Họ cùng nhau xây dựng nên một
mạng intranet (đặt tên là Infonet) để giả lập Internet làm môi trường nghiên
cứu thực nghiệm. Thời gian đầu Thức đích thân qua Singapore, Đài Loan để tìm
tòi và mua các sách nghiên cứu cần thiết. Tiếng Anh mọi người lúc đó còn hạn
chế,Thức trực tiếp dịch những phần đầu rồi hướng dẫn mọi người đọc và dịch
tiếp. Cứ như vậy trình độ công nghệ và tiếng Anh của các bạn trẻ tiến bộ rất
nhanh chưa đầy một năm sau. Đến giữa năm 1997, Duy Việt đã có một đội ngũ 10
người trẻ nhưng “thiện chiến” và rất hăng hái “vào trận”.
----------------------------------
Thức ý thức được rằng
làm như vậy thì EIS sẽ không có lợi đối với thị trường trong nước nhưng người
dân sẽ được hưởng lợi lớn và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội giao lưu mở
rộng quan hệ làm ăn ra nước ngoài nhiều hơn. Một khi điện thoại Internet hiện
diện trên thị trường, nó sẽ làm cho giá cước tất cả các loại dịch vụ viễn thông
Internet khác giảm nhanh chứ không chỉ có cước viễn thông quốc tế. Thức nói:
“Chúng ta phải hành động nhưng không phải vì lợi nhuận. Điều này sẽ mang lại
lợi ích quá lớn cho đất nước để có thế toan tính thiệt hơn. Nếu điều này không
xảy ra trong năm sau thì Việt Nam sẽ đánh mất một cơ hội lớn giống như lỡ một
chuyến tàu”.
“Nhưng điều này sẽ còn
gây khó khăn cho chúng ta ở các thị trường cung cấp giải pháp hạ tầng mạng viễn
thông và Internet trong nước nữa.” - Long đặt vấn đề.
Thức đáp: “Chắc chắn
như vậy, nhưng phải phát triển nhanh thị trường nước ngoài để bù đắp. Nhưng đó
không phải điều tồi tệ nhất. Cái khiến chúng ta sẽ trả giá nhiều hơn là ở chỗ
việc này sẽ làm dính dáng đến vấn đề chính trị mà lâu nay chúng ta vẫn tránh.
Nó sẽ gây cho chúng ta nhiều phiền phức hơn việc phải nỗ lực làm việc nhiều hơn
để mở rộng thị trường nước ngoài. Đó là điều tôi muốn ông ý thức rõ trước khi
quyết định”.
Long bảo: “Tôi hiểu và
sẵn sàng chấp nhận. Làm thôi.”
Trần Huỳnh Duy Thức
đã từ bỏ hạnh phúc riêng và sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình để đòi hỏi tự
do nhân quyền cho cả nước. Dù thân giam cầm nhưng những hy sinh của anh không
hề uổng phí. Tôi rất vui khi đọc được tâm sự của Paulus Lê Sơn trong một bài
viết rằng anh đã là động lực thúc đẩy Sơn bước vào con đường tranh đấu.
Hẳn tấm gương quả cảm, yêu nước của anh còn tác động đến rất nhiều thanh niên
tuổi trẻ khác…
Giờ đây anh vẫn không ngừng tranh đấu ngay
cả trong tù ngục. Anh ngừng tuyệt thực, nhưng bản án 16 năm vẫn còn đó, một tài
năng, trí tuệ của VN đang mai một trong tù. Chúng tôi, những đồng bào của anh
xin cố gắng bằng mọi cách lên tiếng cho chí nguyện của anh, đồng hành với anh
trên Con Đường Việt Nam.
Chế độ bạo tàn không thể tiêu diệt những hạt
giống tự do.
06.07.2016