21.11.2015

Human Rights Watch (HRW): Việt Nam tăng cường đàn áp đối kháng bất chấp cam kết TPP

Human Rights Watch (HRW): Việt Nam tăng cường đàn áp đối kháng bất chấp cam kết TPP
Blogger Trương Duy Nhất trong phiên xử tại tòa án nhân dân Đà Nẵng ngày 4.3.2014. Ông Nhất bị tuyên án 2 năm tù vì những bài viết chỉ trích chính quyền và các lãnh đạo đảng Cộng sản.
Việt Nam đồng ý về một loạt biện pháp cải cách lao động, kể cả cho phép thành lập các công đoàn tự do và độc lập

Trà Mi (VOA tiếng Việt)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Mỹ và các nước trong Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đẩy mạnh sức ép ngăn Việt Nam thông qua các dự thảo luật tiếp tục vi phạm nhân quyền.

Trong thông cáo báo chí vừa ban hành, Human Rights Watch khuyến cáo bất chấp những cam kết TPP, Việt Nam đang tăng cường các biện pháp đàn áp những tiếng nói bất đồng với các điều luật hà khắc mới được đề xuất.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Bộ trưởng Công an Việt Nam tháng này báo cáo Quốc hội ‘ngành công an đã tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 1.410 vụ và 2.680 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia’ tính từ giữa năm 2012 đến nay.
Tướng Trần Đại Quang nói trong cùng thời gian này, các ‘đối tượng chống đối đã lập hơn 60 hội nhóm bất hợp pháp dưới danh nghĩa dân chủ - nhân quyền với khoảng 350 đối tượng tham gia ở 50 tỉnh thành’.

Human Rights Watch nói loan báo của chính phủ Việt Nam thừa nhận việc ngắm mục tiêu các nhóm hoạt động bảo vệ dân chủ - nhân quyền ‘gây quan ngại sâu sắc’ và chứng tỏ Hà Nội đã lạm dụng quá mức các điều luật về an ninh quốc gia.

Quốc hội Việt Nam đang xem xét dự thảo sửa đổi Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự, với một số điều bổ sung dường như nhắm vào các nhà hoạt động và những tiếng nói chỉ trích nhà nước, theo nhận xét của Human Rights Watch.

Trong các điều luật mới được đề xuất, điều 109 (thay cho điều 79 trước đây), điều 117 (thay cho điều 88) và điều 118 (thay thế điều 89) đều có thêm nội dung rằng ‘người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt từ một đến năm năm tù’.
Human Rights Watch nói: "Thay vì loại bỏ các điều luật vốn đã hà khắc, thì chính phủ lại đề xuất các chế tài trừng phạt còn nặng nề hơn đối với những người hoạt động nhân quyền và các blogger".

Việt Nam lâu nay bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là dùng những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia để bịt miệng giới bất đồng chính kiến. Trong đó, điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’, điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, và điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ được sử dụng nhiều nhất với hàng loạt các bản án gây chú ý công luận quốc tế dành cho các blogger và giới trí thức.

Ngoài ra, những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng thường bị xét xử về các tội danh như ‘gây rối trật tự công cộng’ và ‘trốn thuế’ sau các hoạt động thể hiện quan điểm ôn hòa bị nhà nước xem là ‘chống đối’.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, với cáo buộc ‘vi phạm các điều luật về an ninh quốc gia’, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện rất nhiều công dân, giam cầm dài hạn không qua xét xử, không cho họ được hỗ trợ pháp lý, thăm nuôi hay chăm sóc y tế đầy đủ.

Human Rights Watch kêu gọi làm rõ tình trạng từng người trong hơn 2600 nhân bị xử lý mà Bộ trưởng Công an Việt Nam vừa công bố.

Phó Giám đốc Ban Á Châu của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:

"Có rất nhiều điều luật ở Việt Nam vi phạm các cam kết của chính Hà Nội về việc tôn trọng các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Các nước viện trợ cho Việt Nam phải áp lực mạnh mẽ hơn nữa buộc nhà cầm quyền Hà Nội phải làm đúng theo những gì đã hứa".

Ông Robertson nhấn mạnh:
"Nhiều điều luật của Việt Nam cần phải được cộng đồng quốc tế đặt vấn đề và đòi hỏi phải thay đổi. Chúng ta sẽ không thấy tiến bộ về nhân quyền Việt Nam trừ phi có nỗ lực kết hợp chặt chẽ từ thế giới".

Năm ngoái và năm nay, giữa quá trình thương thảo Hiệp định TPP, Việt Nam đã phóng thích 14 nhà hoạt động và blogger dưới sức ép của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn theo Human Rights Watch, vẫn còn nhiều người khác đang bị giam cầm kể cả những trường hợp chưa đưa ra xét xử.

Hà Nội lâu nay khẳng định không giam giữ hay bỏ tù công dân vì lý do bất đồng chính kiến về chính trị hay tôn giáo, mà chỉ xử lý những người vi phạm luật pháp Việt Nam.

Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Human Rights Watch nói vấn đề ở chỗ luật lệ của Việt Nam vi phạm luật nhân quyền quốc tế và Hà Nội cần phải loại bỏ những điều luật này nếu muốn chứng tỏ tôn trọng nhân quyền.