14.08.2016

Bàn về hai chữ ‘sống hèn’ - Cao Huy Huân

„…“dũng khí” là một lối sống ngược lại hoàn toàn với “sống hèn”. Thấy cái sai nhất định phải sửa, thấy tiêu cực phải quyết liệt đấu tranh, thấy bạo tàn phải làm cách mạng lật đổ, sống phải theo ý chí của mình, tự quyết định tương lai của mình, không khuất phục trước sức mạnh phi nghĩa.“

Bàn về hai chữ ‘sống hèn’

Cao Huy Huân
Các em học sinh trung học phổ thông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Năm nay đề thi Văn kỳ thi trung học phổ thông rất thú vị, rất sát với thực tế xã hội Việt Nam. Đề thi yêu cầu bình luận ý kiến cho rằng “sự hèn nhát khiến con người đánh mất chính mình, còn dũng khí lại giúp được họ là chính mình”. Hãy khoan bàn về năng lực của các bạn học sinh, vì tôi nghĩ mỗi cấp độ, mỗi góc nhìn đều có một chuẩn mực đánh giá riêng. Thế nên tôi không đồng tình với nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng đây là một vấn đề quá sức với các bạn học sinh phổ thông.


Điều quan trọng, theo tôi, là cần phải xem xét các bạn lớn lên trong môi trường giáo dục Việt Nam suốt 12 năm qua, trên cương vị là người trưởng thành (theo quy định của luật pháp Việt Nam là 18 tuổi), thì các bạn nhìn nhận và phân biệt “sống hèn” và “dũng khí” như thế nào? Các bạn có thật sự quan sát và cảm nhận được những khái niệm này từ những sự việc, sự kiện vẫn diễn ra hằng ngày, xung quanh các bạn hay ảnh hưởng đến các bạn hay không.

Tất nhiên, đó là câu chuyện khác – một câu chuyện thuộc chuyên môn của các thầy cô chấm thi với những barem điểm của họ. Tôi không phải là một thí sinh, nhưng tôi rất thích đề thi thú vị này. Từng trải nghiệm cuộc sống tại Việt Nam trong suốt thời học phổ thông, tôi nhận thấy khái niệm “sống hèn” hay “dũng khí” đều có tính tương đối. Tôi nghĩ rằng nhiều giáo viên kỳ vọng các bạn học sinh sẽ trả lời rằng “dũng khí” là một lối sống ngược lại hoàn toàn với “sống hèn”. Thấy cái sai nhất định phải sửa, thấy tiêu cực phải quyết liệt đấu tranh, thấy bạo tàn phải làm cách mạng lật đổ, sống phải theo ý chí của mình, tự quyết định tương lai của mình, không khuất phục trước sức mạnh phi nghĩa. Rồi các bạn học sinh có thể lấy hàng loạt tấm gương người tốt việc tốt đăng tải trên khắp các tờ báo hay ngay trên tivi để làm dẫn chứng, lặp lại những lý thuyết suông của chủ nghĩa cộng sản và biến những câu chữ hoa mỹ thành giấc mơ (đúng nghĩa là chỉ có trong mơ). Đó là khuôn mẫu chung cho các bài viết đạt điểm cao trong barem điểm của các thầy cô.

Liệu các bạn có dám (hay đủ trải nghiệm để dám) nói rằng, “sống hèn” là việc xử án oan một con người như ông Huỳnh Văn Nén để chạy theo thành tích, đối phó với dư luận và cấp trên, để rồi gia đình ông tan nát suốt hàng thập kỷ cho đến khi “hung thủ đầy dũng khí” ra nhận tội thì ông mới được minh oan.

Có bạn nào dám lấy ví dụ về vụ Formosa làm ô nhiễm môi trường biển khiến hàng ngàn tấn cá chết, người dân khu vực bốn tỉnh miền Trung Việt Nam điêu đứng, phẫn nộ. Formosa vẫn chối tới cùng sau khi nhà nước vào cuộc quyết liệt trong vòng hai tháng ròng rã. Để rồi khi có giải đáp chính thức, số tiền đền bù 500 triệu USD dường như là quá lớn với chính phủ, trong khi cả một vùng biển đang chết mòn, người đánh cá, du lịch, dịch vụ... tất cả đều chưa thỏa mãn. Vẫn còn đó nhiều câu hỏi như: 

Tại sao 500 triệu USD? 

Tại sao không khởi tố? 

Tại sao không kêu gọi dân chúng bị ảnh hưởng khởi kiện hay tạo điều kiện cho họ được đối xử công bằng? Vì sao bấy nhiêu thiệt hại mà chỉ được đền bù 500 triệu USD? Tại sao lại phải kêu gọi dân tha thứ và cảm thông cho một Formosa vốn ngay từ đầu đã cố tình làm sai và không có thiện chí?

Tại sao không trả lời hết những câu hỏi vốn được xem là những khúc mắc, những nghịch lý mà lòng dân chưa được thỏa mãn? 

Việc né tránh hay không giải quyết triệt để những thắc mắc ấy phải chăng cũng là một hình thức “sống hèn”?

Hoặc như trường hợp Bộ luật hình sự Việt Nam sửa đổi được chuẩn bị ban hành thì bị một chuyên gia pháp lý phê phán là sai be bét. Tôi cho rằng chuyên gia ấy sống có “dũng khí”, dám nhìn nhận và nói lên sự thật. Trong khi hàng trăm người mang tiếng là đại diện cho dân thì lại bấm nút để thông qua bộ luật này. Người lãnh đạo trực tiếp về bộ luật lấy lý do thời gian gấp rút, có trình báo cấp trên nhưng không được chấp nhận nên phải thi hành. Nhiều cán bộ khác cũng có lối giải thích tương tự với báo chí. Tại sao thấy Bộ luật hình sự có nhiều sai sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục triệu người dân mà chỉ lên tiếng rồi im? Tại sao không đấu tranh để có đủ thời gian làm luật? Tại sao phải nhất nhất nghe lời vài ba lãnh đạo để rồi khi mọi chuyện bị đổ vỡ thì chỉ có người dân gánh chịu mọi hậu quả? Sống không đấu tranh đến tận cùng mà chỉ đổ lỗi cho thời gian, đổ lỗi cho áp lực chỉ đạo thì có phải là “sống hèn” hay không? Ngay như lãnh đạo không nghe ý kiến tham mưu, quyết đoán để xảy ra hậu quả nhưng chưa thấy lên tiếng nhận trách nhiệm, thì đó có còn gọi là “dũng khí” được không?

Quay lại vấn đề tại sao “dũng khí” hay “sống hèn” ở Việt Nam cũng chỉ mang tính tương đối nếu xét theo thực tế. Bởi vì đôi khi người ta không muốn “sống hèn” cũng phải “sống hèn”; đôi khi người ta muốn sống có “dũng khí” nhưng không được sống có “dũng khí”.

Điển hình như vấn đề luật biểu tình. Luật này đã được thảo luận trong suốt nhiều năm qua, đã gây nhiều tranh cãi và làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Trong khi xu hướng trưng cầu dân ý đang phát triển trên thế giới thì ở Việt Nam người dân vẫn chưa được quyền biểu tình. Mỗi khi có một sự kiện gây bức xúc cho toàn xã hội, người ta xuống đường thì lại giải quyết bằng bạo lực. Chưa biết ai gây ra với động cơ gì, nhưng rõ ràng việc xuống đường biểu tình một cách ôn hòa để nói lên tiếng nói của mình theo quy định trong hiến pháp cho đến nay vẫn không phải là một chọn lựa khôn ngoan cho người dân. Xuống đường, dù đóng góp hay chỉ trích, thì có nguy cơ lành ít dữ nhiều. Ở Mỹ, dân chúng xuống đường biểu tình còn có cảnh sát theo quản lý và bảo vệ. Tất nhiên đôi khi “dân chủ thái quá” cũng gây ra bạo lực ngoài ý muốn, nhưng nó nằm trong tầm kiểm soát và là quyền của người dân được biểu tỏ ý chí. Hóa ra, muốn sống có “dũng khí” cũng không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan trong nhiều trường hợp.

Còn rất nhiều ví dụ về lối “sống hèn” và lối sống thiếu “dũng khí” của nhiều người ở Việt Nam, nhưng tôi không kỳ vọng các bạn học sinh ở độ tuổi 18 có đủ kinh nghiệm sống để nhìn nhận. Với tôi, những dòng tâm sự trên đây là bài kiểm tra của mình, không gửi đến hội đồng chấm thi, mà gửi đến tòa án lương tâm của những người do dân cử làm lãnh đạo. Hãy nhớ đến lối “sống hèn” và lối sống có “dũng khí”, chắc chắn quý vị sẽ được người dân biết ơn và cho điểm rất cao.

Cao Huy Huân (RFA Blog)