Lễ hội tại Việt Nam ngày càng u mê, xô bồ và man rợ
Những gì vừa xảy ra tại Hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khiến nhiều người khuyến cáo phải xem lại các lễ hội trong Tháng Giêng Âm Lịch, đặc biệt là ở miền Bắc.
Những gì vừa xảy ra tại Hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) khiến nhiều người khuyến cáo phải xem lại các lễ hội trong Tháng Giêng Âm Lịch, đặc biệt là ở miền Bắc.
Tranh cướp phết trong Hội Phết Hiền Quan. (Hình: Tuổi Trẻ)
Phết là một quả
cầu được làm từ gốc tre. Vì phết được xem là vật đem lại may mắn nên Hội Phết
là dịp mà những người dự hội giành với nhau để đoạt cho bằng được.
Trong Tháng
Giêng Âm Lịch, tại miền Bắc Việt Nam có hai nơi tổ chức Hội Phết là Bản Giản,
huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc (mùng 7 Tháng Giêng Âm Lịch) và xã Hiền Quan,
huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (12 và 13 Tháng Giêng Âm Lịch).
Năm nào các Hội
Phết cũng hỗn loạn và năm nay, mức độ hỗn loạn ở Hội Phết Hiền Quan khiến nhiều
người, kể cả dân chúng ở đây kinh hoàng. Thanh niên ở xã Hiền Quan chia làm nhiều
nhóm, lao vào tấn công nhau bằng cả tay chân, lẫn gậy gộc. Một số kẻ chạy trên
đầu đám đông để giành cho bằng được “may mắn.” Cho đến nay, chưa có thống kê
chính thức về số người bị thương nhưng báo chí Việt Nam khẳng định là rất nhiều.
Trong khoảng hai
thập niên vừa qua, Tháng Giêng Âm Lịch - tháng của lễ hội dân gian - là thời điểm
mà miền Bắc Việt Nam trở thành hỗn loạn vì rác rưởi của những đoàn người từ khắp
nơi đổ về dự hội xả ra, vì trộm cắp, cướp giựt, lừa đảo. Đặc biệt là vì sự ái
ngại khi càng ngày càng nhiều người nhận ra, các “lệ hội dân gian” đã trở thành
dịp cho thấy sự u mê, man rợ trong đám đông càng ngày càng lớn.
Dù có nhiều khuyến
cáo về tác hại nhưng năm nay, lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm,
thành phố Bắc Ninh, vẫn được tổ chức. Hàng ngàn con người tiếp tục háo hức chờ
đợi hai người đàn ông dùng dao bén chặt đứt cổ hai con heo sống rồi lao vào chấm
máu tươi bôi lên mặt, lên người hoặc dùng các vật dụng khác để thấm máu rồi giữ
lại để cầu may.
Một trong
những nạn nhân. (Hình: Tuổi Trẻ)
Hồi cuối Tháng
Giêng vừa qua, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam tái khẳng định sẽ không in và phát
hành các loại tiền có mệnh giá 500 đồng, 1000 đồng và 2000 đồng để phục vụ dịp
Tết Bính Thân.
Trong khoảng hai
thập niên vừa qua, tại miền Bắc Việt Nam có một phong trào, đó là đổi tiền lẻ để
rải khắp các đình, đền, chùa, miếu cầu may. Tuy phong trào này chỉ phổ biến ở
miền Bắc nhưng vì nhu cầu “hối lộ thần thánh” quá lớn, mỗi năm, ngân hàng phải
chi hàng trăm tỷ đồng để in tiền lẻ. Sau đó phải chi thêm cả tỷ đồng nữa để kiểm,
đếm, gom mớ tiền lẻ khổng lồ đó đem cất vào kho, ít năm sau phải tổ chức hủy vì
tiền lẻ không có chỗ trong sinh hoạt hàng ngày.
Vào thời điểm vừa
kể, một phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam khẳng định, nếu in tiền lẻ chỉ
nhằm thỏa mãn nhu cầu “hối lộ thần thánh” trong dịp Tết thì đó rõ ràng là một sự
lãng phí không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, từ Tết đến nay, các đình, đền, chùa, miếu
ở miền Bắc Việt Nam vẫn ngập tiền lẻ. Báo chí Việt Nam kể rằng, hôm 17 Tháng
Hai (mùng 10 Tháng Giêng Âm Lịch), ngày đầu tiên của Lễ Hội Yên Tử (diễn ra
trên núi Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), tuy ban tổ chức kêu gọi
khản giọng qua loa rằng đừng thắp quá nhiều nhang vì khói sẽ làm người khác ngộp,
đừng dùng tiền chà xát vào chùa Đồng nhưng khu vực Yên Tử vẫn mù mịt khói và
đám đông vẫn xô đẩy nhau để lấn tới, dùng đủ thứ mài vào chùa Đồng để lấy hên,
trong đó có không ít kẻ là viên chức, đeo phù hiệu “khách mời.” Dù cấu trúc của
chùa Đồng rất khít song đa số khách hành hương vẫn tìm đủ cách nhét tiền... lẻ
vào các khe để “hối lộ thần thánh...”
Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 8,000 lễ hội dân
gian. Khoảng hai phần ba diễn ra trong Tháng Giêng Âm Lịch và chủ yếu là ở miền
Bắc Việt Nam.
Cuối năm ngoái, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch xác nhận,
nhiều lễ hội không còn phù hợp, có biểu hiện lợi dụng lễ hội để trục lợi. Một số
lễ hội có biểu hiện mê tín, bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác,... cần hạn
chế và chấn chỉnh.
Chưa rõ chính quyền sẽ “chấn chỉnh” thế nào nhưng
nhiều người khẳng định, sở dĩ các lễ hội tại Việt Nam càng ngày càng u mê, xô bồ
và man rợ vì những viên chức Việt Nam dẫn đầu trong việc cầu may ở mọi nơi, đồng
thời cố tình tạo “nét riêng” nhằm tăng “tính hấp dẫn” để thu hút thiên hạ đến dự
hội, mở rộng cơ hội tìm thêm nguồn thu. (G.Đ.)