Đinh
Minh Đạo
Trong mỗi cuộc hội nghị thượng đỉnh của NATO, thông
báo khi kết thúc hội nghị đều nhấn mạnh các thành tích đạt được. Nhưng cuộc họp
thượng đỉnh của NATO vừa diễn ra tại Warsaw Ba Lan (08 và 09 tháng bẩy) vừa
qua, đã đạt được thành tích thực sự quan trọng, làm thay đổi chiến lược phòng
thủ của khối quân sự hùng mạnh nhất hành tinh, với 28 quốc gia thành viên.
Thượng đỉnh NATO họp tại Warsaw là một sự kiện chính
trị quan trọng nhất của thế giới trong năm nay. Tham dự hội nghị có 61 đoàn đại
biểu, 3 nghìn nhà ngoại giao. Đoàn đại biểu Mỹ đứng đầu với 300 thành viên, tiếp
sau là đoàn của bộ chỉ huy NATO với 180 sỹ quan và viên chức, do tổng thư ký
Jens Stoltenberg dẫn đầu. Tham dự thượng đỉnh có 18 tổng thống, 21 thủ tướng,
41 bộ trưởng bộ ngoại giao và 39 bộ trưởng bộ quốc phòng.
Chuyển hướng phòng thủ
Từ năm 2008, Nga tăng cường những hoạt động quân sự
đối với các quốc gia láng giềng, tấn công Gruzia tháng 08-2008, sáp nhập bán đảo
Crimea tháng 03-2014, tiếp tục hỗ trợ quân nổi dậy ở vùng Donbass và các vùng
lãnh thổ dọc biên giới, gây tình trạng bất ổn cho Ukraina. Nga còn dùng dầu hỏa
và khí đốt để chia rẽ sự thống nhất, đòan kết của NATO và bành trướng vùng ảnh
hưởng tại trung và đông Âu… Những hoạt động trên của Nga làm cho các quốc gia
trong khối NATO, nhất là các quốc gia ở biên giới phía đông của NATO rất lo ngại.
Các thành viên, các nhà hoạch định chính sách phòng thủ của NATO cân nhắc, tiếp
tục con đường đối thoại hay tăng cường lực lượng phòng thủ ở biên giới phía
đông. Họ đi đế kết luận, cần ngăn chặn ngay các hành động xâm lược hung hăng của
Putin.
Lần đầu tiên trong lịch sử, thượng đỉnh NATO Warsaw
2016 đã biểu lộ rõ ràng nhất sự đoàn kết và thống nhất ý chí của các thành
viên. Trong đối sách với nước Nga, đường lối đối thọai được thay bằng ngăn chặn,
thói „bắt nạt” phải bị „răn đe”. Vẫn tiếp tục có đối thoại, nhưng phải dựa trên
tôn trọng luật pháp quốc tế. Nước Nga từ một đối tác trở thành mối đe dọa an
ninh của các thành viên NATO.
Việc tăng cường lực lượng phòng thủ cho các quốc gia
thành viên tại biên giới phía đông, chứng tỏ NATO đã cọi trọng an ninh của các
quốc gia thành viên cũ cũng như mới, thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất của tất cả
các thành viên.
Bảng so sánh lực lượng quân sự giữa NATO và Nga
NATO
NGA
3,5 triệu Quân thường trực 750.000
2,5 triệu Quân dự bị 2,5 triệu
5.800 Máy bay 1.300
10.000 Xe tăng 3.000
282 Tầu chiến 33
150 Tầu ngầm 60
8.000 Đầu đạn hạt nhân 8.500
3,5 triệu Quân thường trực 750.000
2,5 triệu Quân dự bị 2,5 triệu
5.800 Máy bay 1.300
10.000 Xe tăng 3.000
282 Tầu chiến 33
150 Tầu ngầm 60
8.000 Đầu đạn hạt nhân 8.500
Những quyết định quan trọng
nhất
Hội nghị thượng đỉnh Warsaw 2016 đã quyết định những
vấn đề quan trọng sau đây :
1- Thiết lập 4 tiểu đoàn đóng tại Ba Lan và ba nước
vùng biển Ban Tích với thời gian không hạn định. Sỹ quan và chiến sỹ sẽ phục
luân phiên với thời hạn 6 tháng.
Tiểu đoàn đóng tại Ba Lan dưới sự chỉ huy của các sỹ
quan Mỹ, biên chế các đơn vị cấp dưới lấy từ quân đội Anh, Rumani và Kanada.Tiểu
đoàn đóng tại Litwa do các sỹ quan Đức chỉ huy với các đơn vị cấp dưới từ Bỉ,
Hà Lan, Luksembur, Pháp và Na Uy. Tiểu đoàn đóng tại Latvia do các sỹ quan
Kanada chỉ huy với các đơn vị cấp dưới từ Ba Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và Ý. Tiểu
đoàn tại Estonia do các sỹ quan Anh chỉ huy với các đơn vị cấp dưới từ Đan Mạch….
Bộ chỉ huy của các tiểu đoàn trên đây đều được trang bị dự phòng, để khi cần có thể nâng cấp thành sư đoàn
2- Một lữ đoàn của NATO sẽ được thành lập tại Rumani
trên cơ sở đóng góp quân lực của quân đội Rumani và Ba Lan.
3- NATO sẽ tăng quân số của lực lượng phản ứng nhanh
lên 40 nghìn quân (gấp 3 lần hiện nay). Lực lượng này sẽ được chuyển quân đến
các nơi có xung đột trong thời gian nhanh chóng. Nó cũng có thể được điều động
đến phía đông và phía nam, nếu biên giới của NATO bị quân của Nhà Nước Hồi Giáo
đe dọa.
4- Bước đầu chuẩn bị thành lập bộ chỉ huy của hệ thống
lá chắn chống tên lửa. Hệ thống này bao gồm dàn tên lửa có điều khiển để chống
tên lửa, được lắp đặt tại Rumani và Ba Lan, dàn rada tại Thổ Nhĩ Kỳ, các bệ
phóng tên lửa đặt trên tầu thủy.
5- Không gian ảo được công nhận là không gian hành động.
Những hoạt động tấn công vào mạng lưới tin học của các quốc gia thành viên, được
coi như tấn công vào liên minh. NATO sẽ nghiên cứu, phối hợp các cơ sở công
nghiệp quốc phòng tìm ra thủ phạm, cung cấp thông tin, khắc phục hậu quả và trừng
phạt tội phạm.
6- Để bảo vệ không phận của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO đã đưa
đến đó loại máy bay-rada AWACS và lắp đặt hệ thống phòng không Patriot. AWACS sẽ
bay trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ hay trên không phận quốc tế, thí dụ như trên biển
Địa Trung Hải để theo dõi không phận các quốc gia phía nam của NATO.
7- NATO đã ký kết thỏa thuận với với Cộng Đồng Châu
Âu (EU). Lần đầu tiên hai tổ chức sẽ hợp tác đầy đủ trong các hoạt động bảo vệ
an ninh. Thí dụ kết hợp chiến dịch trên biển Sophia với đội tầu Sea Guardian để
chống nạn buôn người.
8- NATO tiếp tục tham gia cuộc chiến chống khủng bố,
chủ yếu là chống Nhà Nước Hồi Giáo qua việc huấn luyện các đơn vị chống khủng bố
của Irak (trung tâm huấn luyện đặt tại Bagdad), Jordani,Tunezja và Libia.
9- NATO xác định rằng, Gruzia đang chuẩn bị tốt các
bước trên đường đến với NATO.
10- NATO giúp đỡ Ukraina với một chương trình đặc biệt,
gồm 40 dự án để đưa quân đội Ukraina đạt đến các chuẩn mực của quân đội NATO.
NATO phản đối hành động xâm lược đối với Ukraina và nhấn mạnh việc Nga sáp nhập
bán đảo Crimea là trái với luật pháp.
NATO
và bài học an ninh cho các nước nhỏ
NATO (North
Atlantic Treaty Organisation) là một tổ chức chính trị – quân sự, được thành lập
ngày 04-04-1959 tại Washington, trên cơ sở hiệp ước được ký kết của 12 quốc gia
sáng lập (Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Islandia, Kanada, Luksembur, Na Uy, Bồ
Đào Nha, Mỹ, Anh và Ý). Các quốc gia ký kết thống nhất nhiệm vụ chung bảo vệ
các giá trị cuả tự do, dân chủ và luật pháp. Điều 5 của hiệp ước nhấn mạnh :”Tấn
công quân sự vào một hoặc một số nước của NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, sẽ được
coi là tấn công vào toàn khối”.
NATO được thành
lập do cuộc chiến tranh lạnh giữa các nước phương Tây và Liên Bang Xô Viết. Mục
đích là bảo vệ các nước phương Tây trước sự đe dọa vũ trang của chủ nghĩa cộng
sản.
Từ khi được
thành lập đến nay, NATO đã qua 5 lần phát triển mở rộng. Với 28 thành viên,
NATO trở thành liên minh quân sự vững mạnh nhất, bảo vệ an ninh cho các quốc
gia thành viên, đóng góp cho hòa bình của thế giới.
Sau khi Liên Xô
tan rã (1991), các nước vùng biển Ban Tích và đông Âu thoát khỏi sự khống chế của
Liên Bang Xô Viết và trở thành những quốc gia tự do, dân chủ. Những trí thức đối
lập ưu tú trở thành những nhà lãnh đạo của các quốc gia kể trên, họ đã nhanh
chóng xác định, rằng đất nước không thể có an ninh nếu đơn độc bên cạnh một nước
Nga hiếu chiến, một nước Nga luôn có tư tưởng bành trướng, xâm lược đối với các
nước láng giềng nhỏ và yếu.
Ba Lan là một
thí dụ sống động về sự lựa chọn thời cơ và biện pháp đảm bảo an ninh quốc
phòng. Tháng 06 – 1989, Công Đoàn Đoàn Kết đã chiến thắng trong cuộc bầu cử dân
chủ đầu tiên sau gần nửa thế kỷ cầm quyền của cộng sản, Ba Lan trở thành một quốc
gia độc lập, tự do, dân chủ. Nhưng khối quân sự Warsaw mà Ba Lan là một thành
viên vẫn còn tồn tại, hàng chục vạn quân Liên Xô (không ai biết chính xác số lượng,
người ta chỉ biết có thời kỳ cao điểm lên đến 400,000) đóng trên 65 địa điểm dải
khắp Ba Lan, với 13 sân bay quân sự, căn cứ hải quân và nhiều kho tàng vũ khí,
kể cả đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Chính phủ và tổng thống Lech Walesa đã đặt
việc nhanh chóng đàm phán để quân đội liên xô rút khỏi lãnh thổ Ba Lan là mục
tiêu ngoại giao hàng đầu. Theo sự thỏa thuận giữa hai bên, những người lính
Liên Xô đầu tiên rời Ba Lan tháng 12-1990. Năm 1991 Liên Xô tan rã, kèm theo sự
giải thể khối quân sự Warsaw, Ba Lan đã đề nghị Nga (thay thế Liên Xô) đẩy
nhanh tốc độ rút quân. Ngày 17-09-1993, đơn vị cuối cùng của quân đội Liên Xô
đã rời khỏi Ba Lan trước sự chứng kiến của tổng thống Ba Lan Lech Walesa.
Mục tiêu nhanh
chóng ra nhập NATO đã được các chính phủ kế tiếp nhau, do dân bầu chọn coi là
nhiệm vụ hàng đầu. Năm 1992, lần đầu tiên tổng thư ký NATO Manfred Worner thăm
chính thức Ba Lan, ông tuyên bố cánh cửa NATO mở để đón tiếp Ba Lan. Ngày
12-02-1994 Ba Lan trở thành đối tác của NATO, đồng thời tiếp nhận các điều kiện
để trở thành thành viên NATO. Từ 1994 đến 1997, chính phủ Ba Lan đã nhanh chóng
cải cách quân đội, thay đổi biên chế tổ chức, đổi mới trang thiết bị quân sự.
Các thiết bị thông tin liên lạc của bộ tổng tham mưu, các binh chủng không
quân, hải quân, bộ binh … đều phải thay đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật
của NATO. Các sỹ quan trung cao cấp, các cán bộ dân sự của bộ quốc phòng được
đào tạo tiếng Anh để có thể giao dịch, tham gia trong các cơ quan của bộ chỉ
huy NATO .
Sau nhiều đợt
đàm phán và kiểm tra, ngày 12-03-1999 Cộng Hòa Ba Lan đã trở thành thành viên
chính thức của NATO. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng nhất của dân tộc Ba
Lan. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ba Lan nằm kẹt giữa hai nước lớn Nga và Đức,
luôn bị đe dọa, xâm lược, thậm chí bị xâu xé lãnh thổ, không còn tên trên bản đồ
châu Âu và thế giới. Ngày nay Ba Lan là một quốc gia độc lập, tự do và dân chủ,
được đảm bảo an ninh bởi một liên minh quân sự mạnh nhất thế giới, NATO luôn bảo
vệ các quốc gia thành viên, bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ và quyền con người
Các
nước đông Âu và bài học cho Việt Nam
Có những điểm
tương đồng giữa Việt Nam và các nước đông Âu. Cả hai đều là những nước nhỏ đứng
cạnh một nước lớn. Hai nước lớn Trung cộng và Nga đều có thể chế độc tài, có tư
tưởng bành trướng, xâm lược, bắt nạt các nước láng giềng trong quá khứ và hiện
tại.
Các nước đông Âu
ngay sau khi giành được độc lập, tự do họ đã xác định:
1- Không thể tin
vào những hứa hẹn, những cam kết, ngay cả những hiệp ước với nước Nga.
Những diễn biến
xẩy ra sau đây đã chứng minh nhận định này là hoàn toàn đúng.
Tháng 8 năm 2008
viện cớ phía Gruzia gây chiến trước, để bảo vệ những người Nga ly khai tại 2
vùng Osetia và Abkhazia thuộc lãnh thổ Gruzia, quân Nga đã tiến chiếm gần hết
lãnh thổ của Gruzia. Máy bay, xe tăng, pháo binh, bộ binh đã phá hủy nhiều cơ sở
quân sự và kinh tế của Gruzia. Theo ước tính, quân Nga đã gây thiệt hại cho
Gruzia khoảng 20 tỷ USD. Hành động xâm lược của Nga đã bi quốc tế lên án mạnh mẽ,
Nga đã phải rút quân, nhưng tuyên bố công nhận độc lập của Osetia và Abchazia,
tiếp tục gây bất ổn định cho Gruzia.
Ngày 05-12-1994
tại hội nghị thượng đỉnh của tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OBWE) tại
Budapest Hungari, các nước trong đó có Mỹ, Anh và Nga đã ký kết văn bản mang
tên „Bản Ghi Nhớ Budapest”. Theo bản thỏa thuận này, Ukraina sẽ giao cho Nga
toàn bộ số vũ khí hạt nhân đang sở hữu, bao gồm 176 tên lửa với đầu đạn hạt
nhân chiến lược, 2500 tên lửa với đầu đạn hạt nhân chiến thuật (Ukraina là cường
quốc hạt nhân thứ 3 trên thế giới, tính theo số lượng đầu đạn hạt nhân, đứng
sau Mỹ và Nga). Đổi lại, Ukraina được nhận viện trợ kinh tế và sự cam kết tôn
trọng toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Nhưng Nga đã
không giữ cam kết, ngày 21-03-2014, Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea của
Ukraina vào Nga. Chưa hết, Putin còn cung cấp quân lính, vũ khí, viện trợ kinh
tế… cho quân ly khai, tiến hành chiến tranh, gây bất ổn kéo dài cho Ukraina.
2- Họ là những
nước nhỏ yếu về quân sự, không thể một mình chống chọi với Nga. Để đảm bảo an
ninh quốc gia, các nước đông Âu đã chọn lựa một chiến lược phòng thủ đúng đắn,
đó là liên kết với những nước là bạn bè thật sự, ra nhập liên minh quân sự để
chống lại sự xâm lược.
Còn
Việt Nam ?
Đường lối ngoại
giao nhu nhược của chính quyền cộng sản Việt Nam đã làm cho nguy cơ bị xâm lược
đã và đang hiện hữu. Thay vì phải xác định nguy cơ bị xâm lược đã và sẽ đến từ Trung
cộng, họ đề cao phương châm mười sáu chữ vàng và 4 tốt. Người dân Việt Nam đã
hơn nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản, được „giáo dục”ngoan ngoãn nghe lời Đảng,
không nhận biết rõ ràng ai là kẻ thù của dân tộc, thờ ơ với vận mệnh của đất nước,
phó thác mọi việc đã có Đảng và chính phủ lo (!). Biển đảo đã và đang mất dần,
đường lưỡi bò do Trung cộng tự vẽ đã chiếm gần trọn Biển Đông, họ ngang nhiên
phá, cướp thuyền bè, tài sản, đánh đập ngư dân Việt Nam ngay trong vùng biển
thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đảng Cộng Sản Việt
Nam rất đắc chí với phương châm ngoại giao: ”Chúng
tôi không liên minh với bất cứ nước nào để chống lại nước thứ ba”.
Tại sao lại
không liên minh với một nước nào đó để chống lại sự xâm lược của nước thứ ba?
Tại sao lại làm
bạn với mọi quốc gia trên thế giới, lại không tìm những người bạn tốt, có tiềm
lực giúp ta khi bị xâm lăng?
Đối với các nước
cùng cảnh ngộ, cùng bị Trung cộng chèn ép bắt nạt như Phi Luật Tân chẳng hạn,
chính quyền Việt Nam đã xử sự một cách đáng hổ thẹn. Việt Nam là nước có nhiều
thuận lợi về pháp lý, Việt Nam cũng là nước có yêu cầu cấp bách nhất trong việc
kiện Trung cộng ra Tòa trọng tài thường trực quốc tế tại La Haye. Nhưng chính
quyền Việt Nam đã im lặng, họ cũng không hề tuyên bố rõ ràng ủng hộ việc làm của
Phi Luật Tân, hãn hữu, họ chỉ đưa ra tuyên bố chung chung, „vô thưởng vô phạt”,
họ hành động như kẻ „ngậm miệng ăn tiền”.
Ngày
nào Trung cộng còn là quốc gia cộng sản độc tài như hiện nay, ngày đó còn tồn tại
nguy cơ xâm lược đối với Việt Nam.
Để chống lại
nguy cơ trên đây, Đảng Cộng Sản Việt Nam trước hết phải từ bỏ liên minh ý thức
hệ với Đảng Cộng Sản Trung cộng, đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của
Đảng, ngừng đàn áp những người yêu nước phản đốiTrung cộng xâm lược. Đi
đôi với việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, Đảng phải đoạn tuyệt với đường lối
ngoại giao nhu nhược, ngoại giao „đu dây”, ngoại giao mòn rỗng. Đảng phải liên
kết, liên minh với những quốc gia thực tâm muốn giúp đỡ Việt Nam chống lại hành
động xâm lược của Trung cộng. Chỉ có như vậy, Đảng mới không bị nhân dân ghi
vào sử sách của dân tộc như những Trần Ích Tắc của thời nay.
Warsaw tháng 7-2016