„Làm cán bộ thời này quả là một nghề nguy hiểm, nhất là cán bộ đảng,
chết như chơi.“
Nghĩ ngợi về vụ đồng chí giết nhau ở Yên Bái
Nguyễn
Thông
- Vụ nổ súng ở Yên Bái 3
khiến cán bộ chết sẽ còn rất nhiều điều để nói để viết. Tôi cạn nghĩ dân
chúng nếu bàn thì nên có cả ý (trí) lẫn tình (tâm). Thôi thì người chết rồi, dù
có là cán bộ đi chăng nữa, đừng sẵn ghét cán bộ mà nói nhời nặng nhẹ, cho hồn
người chết đi được dễ dàng, trong cái tháng đặc âm khí này.
Nhưng ở góc độ khác, với người sống, tôi thấy các vị
cấp cao xử lý vụ việc (gọi là xử lý khủng hoảng) lần này có nhiều tiến bộ:
nhanh, khá kịp thời, cởi mở. Tuy nhiên, ban đầu có điều không hay, cần lên án.
Báo Pháp luật VN (phapluatplus) đã nhanh nhất có thông tin, chỉ sau hai mươi
phút xảy ra vụ việc, rất đáng nể. Ngay sau đó, có lệnh cấm thông tin, bắt báo
Pháp luật phải rút xuống, theo cái thói xử lý cấm đoán xưa nay. Bài báo đã bị
rút, gây nhiều tò mò, hoang mang. Hơn một tiếng đồng hồ sau, các báo mới được lần
lượt đăng tin. Để truy ra kẻ nào ban cái lệnh cấm đoán đó không khó. Cần xử lý
cho nghiêm, không thể để dạng như vậy chui vào bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước
để làm bậy, dù viện bất cứ lý do gì.
- Cái lý không phải của người Mèo. Bà Phạm Thị Thanh
Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trong cuộc họp báo vừa xảy ra (chiều 18.8) đã
nhầm lẫn nghiêm trọng. Không những bà cố tình né tránh nguyên nhân "tổ chức
cán bộ" (mà chính ông trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng bị bắn chết
đã chứng minh điều ấy), bà còn nói "Điều
quan trọng nhất lúc này, đó là ổn định tư tưởng của đông đảo bà con các dân tộc
Yên Bái; nhanh chóng sớm ổn định tư tưởng để người dân tiếp tục thực hiện các
nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương".
Đối tượng cần ổn định nhất là nội bộ đảng của bà, là đội ngũ cán bộ, chứ không phải dân. Dân chúng không hoang mang bởi xưa nay họ chấp nhận ông bà nào cai trị thì cũng vậy. Ngoài ra, tưởng bà nói mau chóng để làm gì, hóa ra để dân "tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị" thì quả thật tôi chịu thua cái lý của bà, không lúc nào tha cho dân lấy một phút.
- Tôi mà là ông Huynh ông Thưởng, chắc tôi phải nát
óc khi có không ít người dân vốn hiền lành chất phác lại tỏ ra dửng dưng (tôi
chỉ nói ở mức độ "hiền" nhất) trước cái chết của cán bộ to trong bộ
máy cai trị của các ông. Họ còn hát "tiếng
súng đã vang trên bầu trời biên giới" như dự báo một điều gì ghê gớm lắm,
đã gần lắm.
Thế thì, hãy chú ý đến cán bộ, chứ không phải đến dân, các ông ạ. Ăn ở ra sao, mà lòng dân như vậy.
- Nói mãi cũng chả hết, chắc phải có một bài cho đầu
đuôi. Nhưng rõ ràng chuyện đồng chí Đỗ Cường Minh- Chi cục trưởng Kiểm lâm bắn
chết đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Ngô Ngọc Tuấn - Chủ tịch
HĐND tỉnh Yên Bái đã nói lên rằng khi cái ung nhọt tình
đồng chí bị vỡ thì nó kinh khủng hơn rất nhiều so với những mụn nhọt của dân
(kiểu đánh chết kẻ trộm chó chẳng hạn). Ngày xưa những vụ tàn hại nhau ở cấp
cao thế (không phải là ít) có thể giấu được, chứ bây giờ nó văng tóe loe, ai
cũng thấy là rất kinh khủng, ngoài sức tưởng tượng. Chả biết bác Cả có cám cảnh
than thở trước sự thực này, mấy bữa nay chẳng thấy nói gì.
- Còn khá nhiều tỉnh chuẩn
bị họp HĐND, phen này thì cứ phải kiểm tra cho kỹ, cái ngoáy tai cũng
không cho đem vào. Tỉnh nào mà chả chứa đầy xung đột
âm ỉ, cứ ép nhau cho lắm thì tức nước vỡ bờ, rồi lại tinh dững Chí Phèo,
Binh Chức, Năm Thọ, Bá Kiến chọi nhau.
Làm cán bộ thời này quả là một nghề nguy hiểm, nhất là cán bộ đảng, chết như chơi.