22.08.2016

Một câu hỏi dành cho những người ngoài phong trào dân chủ - Phạm Đoan Trang

Một câu hỏi dành cho những người ngoài phong trào dân chủ
Phạm Đoan Trang

Lâu nay, vẫn thường có một thể loại bài viết với tựa đề chung là “một câu hỏi dành cho phong trào dân chủ”, “câu hỏi lớn dành cho các nhà đấu tranh dân chủ”, “giải pháp nào cho công cuộc dân chủ hóa”… Tóm lại, đã từng có nhiều câu hỏi đặt ra cho những người hoạt động dân chủ, ví dụ: Làm thế nào để thu phục nhân tâm, thu hút quần chúng? Đã thực sự có kết quả và lan tỏa chưa? Đã có ảnh hưởng tới ai/cái gì chưa? v.v.


Các câu hỏi này thường chỉ được đặt ra cho các nhà dân chủ mà thôi, không đặt ra cho ai khác. Cứ như thể những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam đang là những chính khách chuyên nghiệp ở một xứ sở dân chủ, có thể đi lại, viết lách, vận động, thuyết phục và kêu gọi quần chúng công khai, thoải mái vậy.

Nay chỉ xin có một câu hỏi, duy nhất một câu thôi, dành cho những người ở ngoài phong trào dân chủ, tức là những người chưa có hoạt động nào để tạo ra hoặc thúc đẩy một sự thay đổi tích cực nào của môi trường chính trị trong nước.

Bây giờ, giả sử có hai xã hội:

- (1) Một xã hội giống hệt như Việt Nam từ năm 1986 trở về trước, tức là: Nhà nước thích làm gì thì làm, muốn ra luật gì thì ra, muốn bắt ai thì bắt, muốn tịch thu tài sản của ai thì tịch thu, muốn xử tử ai thì xử tử. Chẳng ai biết nguyên nhân, tình trạng và hậu quả các việc nhà nước làm, coi như “phải ai nấy chịu”, ai không may mà có việc dính tới “cửa quan” thì cứ tự xác định là chết thôi. Ngày đó, số lượng tử tù oan (như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh…) chật kín nhà tù, nhưng không có chuyện thân nhân vật vã kêu oan và cộng đồng ồn ào đòi xem xét lại tiến trình điều tra và bản án như thế này, ai chết thì chết. Và, tuyệt nhiên không có một cái đám gọi là “các nhà dân chủ” như bây giờ. Bạn cứ việc im lặng mà sinh ra, lớn lên, đóng thuế nuôi cái nhà nước mà bạn chẳng biết nó đang và sắp làm gì, và cố đừng để dính dáng với nó, nếu không, phần thiệt sẽ luôn thuộc về bạn; chẳng phải đầu cũng phải tai.

- (2) Một xã hội như bây giờ, tức là: Vẫn tồn tại cái nhà nước đó, và bạn vẫn phải đóng thuế cho nó. Nhưng lại có thêm một đám gọi là “bọn dân chủ”. Bọn này rất ồn ào, to mồm, và cứng đầu cứng cổ. Gần như bạ cái gì nhà nước làm, chúng cũng phê phán, chỉ trích, và gọi đấy là “phản biện”. Chính sách gì của nhà nước, chúng cũng vặn vẹo, rồi la ó phản đối, ném đá, đến nỗi đã có nhiều người mô tả bọn chúng là cái lũ chỉ biết “auto chửi”: Chúng chửi từ vụ “vòng ngực dưới 72cm không được đi xe máy”, tới “người đi xe máy phải cầm theo giấy tờ chính chủ”, đến “CMTND phải có tên cha mẹ”, tới chuyện xử oan những Hải, Chưởng, Mạnh, tới chuyện “thay thế” cây cổ thụ tán lá xum xuê bằng cây mỡ thanh thanh, rồi chuyện nhận 500 triệu USD và tiếp tục tạo điều kiện cho Formosa làm ăn ở Việt Nam, v.v. đủ thứ. Cậy có Internet và mạng xã hội nên chúng nó bắt đầu liên kết lại, chúng nó hùa nhau “tát nước theo mưa”, chửi hội đồng Đảng và Nhà nước. Chúng nó chẳng còn coi Đảng và Bác ra cái quái gì. Đời tư của chúng thì be bét, toàn một lũ dâm đãng, trai gái lăng nhăng. Đã thế, nghe đâu chúng còn nhận tiền nước ngoài để sống phè phỡn nữa.

Chú ý là, trong cả xã hội (1) và (2), quan chức của cái nhà nước kia đều hủ bại, dâm ô như nhau, ăn tiền trong nước và nước ngoài như nhau, nhưng bạn không được chửi. Ở xã hội (1), nếu bạn chửi thì bạn chết; còn ở xã hội (2), bạn có thể nghe “bọn dân chủ” chửi thay, có gì bọn nó chết.

Ở xã hội (2), bạn vẫn phải đóng thuế nuôi nhà nước, nhưng không phải đóng một xu thuế nào cho “bọn dân chủ”. Chưa bao giờ bạn phải đóng thuế cho “các nhà dân chủ” cả.

GIỮA HAI XÃ HỘI ĐÓ, BẠN CHỌN SỐNG Ở XÃ HỘI NÀO, (1) hay (2)?

Đoàn xe của Thủ tướng CP đi trong khu phố đi bộ ở Hội An, chiều tối 8/8/2016.
Ngoài "bọn dân chủ", không người dân thường nào có ý kiến gì với Thủ tướng về hành vi gây rối này.          Photo courtesy of Street Life.