05.10.2016

Bao giờ lại đến tháng 10 - Trần Nhật Phong

„Nhìn chén cơm không biết nên ăn hay không? Ăn vào sẽ trúng độc gì? Ra đường không biết có bị “cướp giật” hay không và ai “cướp? Về nhà có bị “cưỡng chế” hay không? Ai phá sập ngôi nhà của mình? Và tiếp tục lầm lủi trong kiếp nô lệ ngay trên chính quê hương của họ,…“

Bao giờ lại đến tháng 10
Trần Nhật Phong  


Suốt tuần lễ qua có thể nói là khá bận rộn với công việc “làm ăn”, tôi dự tính sẽ dành ra vài ngày gọi là “cai nghiện Face book”, để giải quyết một số công việc “làm ăn” đang tồn đọng, tuy nhiên kể từ hôm thứ sáu tuần trước đến sáng nay, trang Facebook cá nhân của tôi lại “phủ sóng” những tin tức dồn dập, khiến tôi muốn “tịnh tu” vài ngày cũng không xong. 

Nào là “gạt tay trúng má”, nào là “nắm tóc lôi đi”, nào là “rút thẻ nhà báo, tịch thu tên miền”, nào là “trời nóng quá, công an cởi áo cho mát ở Formosa Hà Tĩnh”, kể cả sáng nay, khi ngôi viết những giòng chữ này, tôi lại đọc được trên Facebook “Hồ Tây cá đã… ngưng chết”, và “Trịnh Xuân Thanh có trốn cũng vẫn bị bắt?!”.


Toàn những tin tức “động trời” từ “đất nước bình yên”. Trước đây trên mạng xã hội ai đó đã từng nói rằng, không gì sướng bằng “làm quan xứ lừa”, quả thật đúng như cách nói của nhà sản, “chuẩn không cần chỉnh”. 

Sài Gòn bị “thất thủ” vì ngập lụt, dân kêu thán um trời, thế mà ông Bí Thư Thành Ủy, người đòi “biến” Sài Gòn thành Thượng Hải, lặn mất tiêu,”đường dây nóng” cũng không còn hoạt động, có lẻ “quan” Đinh La Thăng đang “tịnh tu” để tìm đường “thoát trận” trong vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt chăng?

Cá chết ngập cả Hồ Tây, thế mà anh “vua” của Hà Nội, Nguyễn Đức Chung, thay vì “chỉ đạo” cho “đàn em” hỗ trợ cho những người dân, hay mở cuộc điều tra xem thằng “thổ tả” quăng "chất thải” xuống hồ, thì anh “vua” chỉ “cỡi ngựa xem hoa” rồi phán “cá đã ngưng… chết”. 

Hàng chục ngàn người dân (đa số là giáo dân) kéo về Formosa, khiến cho “sân sau” của cụ tổng bị “thất thủ”, các “đàn em” công an lột áo chạy trối chết, thế mà anh “cả” Trần Đại Quang không một chút gì quan tâm, chỉ quan tâm đến… Trịnh Xuân Thanh. 

Còn Nguyễn như Phong trước khi bị “cắt cổ” (rút thẻ báo chí) và nhà cửa bị “tịch thu” (rút tên miền), từng nói rằng làm báo thì giống như… con chó, quả thật câu nói này cũng không sai gì mấy dưới sự cai trị của nhà sản.

Có khác gì con chó, khi các nhà báo chống tham nhũng trong vụ PMU 18 phải phủi đít “nhập kho”, điều tra tham nhũng thì bị kết tội “đưa hối lộ” và nay, đến hiện trường tác nghiệp về tai nạn, “được” công an “gạt tay trúng má”, còn “được”… phạt 15 triệu đồng. 

Khi hàng ngàn người biểu tình kéo về Formosa, các hãng thông tấn lớn của quốc tế như Reuters, AP, AFP, Yahoo News đều đăng tải, loan tin, thì toàn bộ “con chó” của nhà sản được lệnh “tịnh khẩu, cụ ‘tổng” đang ngủ trưa, con nào “sủa” thì biến thành “cầy tơ” ngay, vì cả gan phá giấc ngủ của cụ “tổng”. 

Tôi quen biết nhiều “đứa em” làm việc cho cái gọi là “truyền thông chính qui” của nhà sản, từ VTV, TTXVN, VNE cho đến VOV, tôi thông cảm được “nổi khổ” của những “đứa em” này, “máu” chuyên môn thì nhiều lắm, nhưng “lực bất tòng tâm” dưới cái gọi là “nền báo chí định hướng” của nhà sản. Đứa em nào làm cho VTV, TTXVN, VOV, thì chỉ được phép “Việt Nam là nơi đáng sống nhất”, “Việt Nam chấp nhận “cho” Hoa Kỳ giúp đỡ”, “Việt Nam sẽ dẫn đầu Á châu về Công Nghệ thông tin”, còn những “đứa em” làm cho VNE, Người Lao Động thì “ngồi đếm view” cho từng bản tin của “lá cải” của Trấn Thành, Hà Hồ, Thu Minh… để tính tiền. Đụng đến nỗi nhức nhối hay bất mãn của người dân thì… “cơ chế nó như vậy anh ơi”. 

- Viết kiểu chủ quan như anh thì chúng em… xin, dù rất thích đọc, ở đây chúng em chỉ toàn viết theo “đơn đặt hàng” của thủ trưởng anh ạ.

- Chả có ai bảo vệ cho mình cả, nhiều khi bài phỏng vấn của em “được” tổng biên tập cắt đầu, cắt đuôi để “giật tít”, thì chính em cũng bị “chửi” tơi bời, thậm chí khiến tụi em mất cả “quan hệ” với đương sự. 

Những lời “tâm tình” của các “đứa em” làm việc cho những cái gọi là “truyền thông chính qui” của nhà sản cho thấy “nỗi khổ làm chó” như thế nào? Khi tôi hỏi đến thế thì tại sao các em không bỏ quách cái nghề này để khỏi phải khổ như vậy, thì chỉ nhận được “nụ cười” đầu chua chát “bỏ thì đến cơ quan nào nhận tụi em mà có biên chế?”

Ngoại trừ làm công cụ cho chế độ, bảo vệ chế độ, nền báo chí định hướng cũng trở thành nơi “đâm thuê chém mướn” khi có nhu cầu, cứ nhìn Lê Mạnh Hà và Nguyễn Công Khế, thì ai cũng đã rõ lối sử dụng báo chí tấn công những “nạn nhân”, khi muốn tấn công, thì “Nhân Dân”, “bức xúc của quần chúng”, “thắc mắc của dư luận”, biến thành những tấm “bình phong” nhằm che đậy các “kiểu làm tiền”, “tống tiền” hay trả thù “ân oán” của các “quan” và các “đại gia”. 

Đây chính là cái mà tôi thường gọi là “dị dạng, quái thai” của nền báo chí định hướng, khi con người bị kiểm soát tư tưởng, bị kiểm duyệt từng lời văn, bị “đục bỏ” từng đoạn phim, sẽ dẫn đến sự “luồng lách” để sinh tồn, và kết quả họ bị “biến tướng” trở thành “dị dạng” so với qui tắt chung của nền báo chí quốc tế. 

Nơi tôi đang sinh sống, cho đến giờ phút này ngồi viết bài, chúng tôi vẫn còn đang trong tình trạng báo động về cuộc động đất lớn (có thể lên đến 7 chấm), nhiều cơ quan truyền thông địa phương đã không chừa một góc cạnh nào để đưa thông tin, vì họ biết liên quan đến sinh mạng con người, đến môi trường sống. Có nơi thì nhắc lại lịch sử của những trận động đất, có nơi thì minh họa ảnh hưởng của trận động đất sẽ kéo tới đâu, chấn động như thế nào, có nơi đưa ra những hướng dẫn cần thiết để người dân đối phó với động đất, và có nơi kêu gọi sự tình nguyện của cư dân, nhằm cứu trợ, giúp đỡ cho nạn nhân, một khi tình hình động đất diễn ra. 

Đó chính là căn bản bình thường của một nền báo chí tự do, mỗi cơ quan truyền thông đều tự đưa ra hướng hoạt động dựa trên thông tin chính từ các khoa học gia, họ đặt vấn đề, tranh biện, phản biện mà không từ bỏ bất cứ một cái gì gọi là “nhạy cảm”.

Còn dưới cái nền báo chí định hướng của nhà sản, thì truyền thông chỉ là thứ công cụ bảo vệ chế độ, bất cứ sự thắc mắc nào của người dân, sự bất mãn nào của xã hội, đều “được” ban tuyên giáo “đóng đinh” là “thông tin nhạy cảm”, “thông tin gây bất ổn xã hội”, “thông tin của thế lực thù địch”, để ngăn chặn quyền đưa tin của người làm báo chí. Và Nguyễn Như Phong nói không sai một chút nào, làm báo dưới cơ chế của nhà sản, thì cũng không khác gì “làm chó” cả. 

Nhiều bạn bè của tôi, từ “tiền bối” cho đến “tiểu bối”, gọi điện thoại, in box, email, tỏ ra mừng rỡ khi nhìn thấy hình ảnh của hàng ngàn người dân (đa số là giáo dân) kéo về Formosa ở Hà Tỉnh để đòi hỏi đóng cửa công ty này và sự bồi thường chính đáng hơn. Ai cũng nghĩ rằng, rồi sẽ có thêm những cuộc biểu tình lớn hơn, qui mô hơn, khi giáo dân khắp nơi đồng loạt đổ về nơi đây, tạo sức ép đối với những kẻ đang cầm quyền bằng họng súng của công an và quân đội.

Tôi chỉ cười và nghĩ rằng các bạn bè của tôi đã quá “mơ mộng”, cuộc biểu tình hôm 2 tháng 10 vừa qua của hàng ngàn giáo dân, quả thật đã khiến cho nhà sản phải “run chân”, nhưng …..

Lại là chữ “nhưng” đáng ghét mà vẫn phải nói ra, xưa nay giáo hội Công giáo ở Việt Nam vẫn còn 3 vấn đề bế tắc không giải quyết được với nhà sản:

1 – Quyền bổ nhiệm, sắc phong trực tiếp từ tòa thánh Vatican, không thông qua ban tuyên giáo của nhà sản. 

2 – Đòi lại những phần đất đai của giáo hội bị nhà sản tịch thu dưới chiêu bài hiến pháp “đất đai là của toàn dân”. 

3 – Quyền đi lại, tự do hội họp, tự do tính ngưỡng của giáo dân, tự do làm thiện nguyện. 

Lần này sự bùng phát của giáo dân là nhờ vào sự lãnh đạo của các linh mục địa phương, hiểu rõ sự bất mãn, hiểu rõ nỗi khổ của giáo dân, và đã đáp ứng được nỗi phẩn uất của người dân. 

Nhưng nếu nhà sản quyết tâm giữ lại Formosa, quyết tâm ngăn chặn tất cả những sự bùng phát có thể diễn ra lớn hơn trong những ngày sắp tới, sẵn sàng “thỏa hiệp” với Tòa Tổng Giám Mục Việt Nam, thỏa mãn tất cả, hoặc một trong ba vấn đề trên, thì Tòa Tổng Giám Mục Việt Nam, có tạo áp lực với các linh mục địa phương nơi vùng “đất nóng” này hay không? Thậm chí sẽ bỏ rơi và tuyên bố các linh mục địa phương sẽ nằm ngoài “vùng phủ sóng” của tòa tổng giám mục, tạo cơ hội cho nhà sản có cớ đàn áp thẳng tay, vì các linh mục địa phương trở thành “linh mục bất hợp pháp”?

Kịch bản “thỏa hiệp sẽ vẫn những bài bản cũ, mặt ngoài thì Tòa Tổng Giám Mục ra thông cáo kêu gọi giáo dân bình tỉnh, đừng bị “kích động”, mặt trong thì gọi điện thoại cho các linh mục địa phương, thông báo quyết định của Tòa Tổng Giám Mục, rồi áp lực từ nhẹ nhàng đến răn đe, kêu gọi các linh mục kiểm soát giáo dân của mình, các linh mục nghe thì tốt, còn không nghe, thì xem như “trục xuất khỏi giáo hội”.

Còn nhà sản thì “ngồi chơi” đợi cách hành xử của Tòa Tổng Giám Mục, giải quyết êm đẹp thì “win win both side”, còn các linh mục địa phương mà “cương” lên, nhẹ thì mời lên làm việc, phân hóa các linh mục và giáo dân, còn nặng thì bắt giữ với lý do “truyền đạo bất hợp pháp”, “kích động giáo dân chống phá tổ quốc, hay “nhận tiền của thế lực thù địch” phá hoại “đại đoàn kết dân tộc”. 

Quốc tế có “chõ mỏ” vào thì nhà sản lại nói rằng đây không phải là đàn áp tôn giáo, Tòa Tổng Giám Mục vẫn có quyền truyền đạo, vẫn có đất xây nhà thờ, và vẫn có quyền tự do đi lại, còn những kẻ bị bắt là không thuộc về Tòa Tổng Giám Mục Công giáo, mà chỉ là “kẻ truyền đạo bất hợp pháp” hay có “âm mưu lật đổ nhà nước Việt Nam”. 

Cuối cùng nhà sản thì tuyên bố thành công trong việc “ổn định trật tự xã hội”, Công an thì thành công “phá vỡ âm mưu xuyên tạc, chống phá nhà nước”, các vị lãnh đạo của Tòa Tổng Giám Mục thì lại dành được thêm phần thắng lợi trong các cuộc “thương thuyết” với nhà sản, chỉ tội cho các giáo dân và linh mục ở địa phương, nơi chịu đựng những thảm họa khốc liệt nhất của ô nhiễm môi trường, thì lại phải tiếp tục “sống với lũ”, công ăn việc làm bị mất mát, sức khỏe bị ảnh hưởng, gia đình bị ly tán vì “xuất khẩu lao động”, và con cháu tiếp tục gánh chịu hậu quả của tàn phá môi trường.

Và rồi giáo dân lại tiếp tục mơ mộng Bao giờ lại đến tháng 10”? 

Nhìn chén cơm không biết nên ăn hay không? Ăn vào sẽ trúng độc gì? 
Ra đường không biết có bị “cướp giật” hay không và ai “cướp? 
Về nhà có bị “cưỡng chế” hay không? Ai phá sập ngôi nhà của mình? 
Và tiếp tục lầm lủi trong kiếp nô lệ ngay trên chính quê hương của họ, con em của họ sẽ tiếp tục ê a “Nị hào má?”, “Cúng xì pha chảy”, khi màn đêm buông xuống, các cháu bé lại tự hỏi “mình đã ăn cơm chưa? Nếu ăn rồi sao bụng còn đói, nếu chưa ăn thì tại sao phải rửa chén?”, trong khi truyền hình VTV vẫn đang chiếu đoạn tin “thần đồng ABCD trở thành tân chủ tịch hội đồng quản trị cho công ty XYZ mà chỉ mới… 24 tuổi”.