05.12.2016

Không ai còn tin vào sự giáo điều - FB Lang Anh

„Chỉ có bằng áp lực từ một xã hội thức tỉnh mới có thể buộc một thể chế chính trị lỗi thời phải thay đổi và thoả hiệp….“

Không ai còn tin vào sự giáo điều

Những pa nô giáo điều của ĐCS, từ lâu không còn ai tin. Ảnh: internet

Tôi có một cuộc trao đổi khá thú vị với một cựu quan chức cao cấp. Một người có trình độ cao nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hệ thống mà ông từng phục vụ. Ở ông ta có sự thực dụng, lọc lõi và am hiểu rất sâu về hệ thống chính trị hiện nay. Nếu quy kết tài năng chính trị thành hai loại năng lực: Nhân trị (trị người) và Pháp trị (xây dựng quốc gia), thì năng lực nhân trị của ông quả là đáng nể.


Điều đó không mấy lạ lẫm vì có thể leo lên cao được trong hệ thống chính trị hiện nay, đòi hỏi tài năng đấu đá và lôi kéo con người xuất chúng. Tuy nhiên tầm nhìn về tương lai và xây dựng quốc gia của ông ta thì quả là một vấn đề cần bàn. Đó là hạn chế chung của các quan chức cao cấp ở thế hệ của ông, và đó cũng là lý do mà Việt Nam bỏ lỡ hầu hết các cơ hội cất cánh, phung phí nhiều nguồn lực và lâm vào một tình trạng không thấy đường ra như hiện nay. Đã thấy những dấu hiệu ngày một rõ về tình trạng vỡ nợ và phá sản quốc gia, tương tự những gì đang diễn ra ở Hy Lạp hay Venezuela.

Báo chí Trung cộng khi miệt thị Giang Trạch Dân về những nỗ lực chặn đường Tập Cận Bình có một câu rất hay: “Người đi thì trà nguội”, ý nói khi đã rời vị trí thì đừng mơ tưởng kéo dài quyền lực. Nền chính trị Việt Nam có một điểm hay là các quan chức cấp cao đối mặt với tách trà nguội rất nhanh sau khi thôi nắm quyền, do đó mà họ cũng có cơ hội chiêm nghiệm lại thực tại nhanh hơn khi mất hầu hết các đặc quyền từng có. Điều mà tôi không bất ngờ nhưng cũng hơi ngạc nhiên khi người đối thoại với tôi thừa nhận sau cuộc trao đổi: “Hệ thống chính trị này quả thực đã quá lạc hậu”. Không ai còn tin vào sự giáo điều.

Để loại bỏ một hệ thống cũ thường là những người đại diện cho cái mới sẽ phải tiến hành các cuộc cách mạng đầy đau đớn. Đi kèm với nó luôn là chiến tranh và dù có là cuộc cách mạng hoà bình nhất thì cũng có vô số sinh mạng phải trả giá khi các thế lực tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Trong một số trường hợp, những xu hướng cực đoan nhân lúc hỗn loạn giành được lợi thế và đẩy xã hội vào một tình trạng đen tối kéo dài. Nhà nước hồi giáo IS hiện nay, hay Al qaeda và Taliban trước kia là những bài học nhãn tiền.

Tuy nhiên cũng có những ví dụ tươi sáng hơn về cách thức mà loài người đã giải quyết các vấn đề lớn về chuyển tiếp thời đại. Ngày nay Thụy Điển và nhiều nước Bắc Âu vẫn còn vua, họ đã trải qua các giai đoạn phức tạp của lịch sử, từ thời phong kiến sang tư bản, trải qua hai cuộc thế chiến khốc liệt và cả thời kỳ điên loạn của làn sóng Marxism khắp toàn cầu trong thế kỷ trước. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, hiện nay họ là những hình mẫu điển hình của các xã hội Dân Chủ – Pháp Quyền. Họ không giết vua và cũng chẳng tàn sát những người mang xu hướng cộng sản, nhiều đảng chính trị nắm quyền ở các quốc gia này thậm chí còn là hậu duệ của những người từng tham gia Quốc tế cộng sản II của F. Engels.

Tại một quảng trường của một nước châu Âu, có một tòa nhà mới được khánh thành. Quảng trường đó đã có lịch sử hơn 600 năm. Những viên đá lát đầu tiên đã được cha ông họ đặt xuống cách đây nhiều thế kỷ, đến giờ chúng vẫn còn nguyên. Các thế hệ nối tiếp nhau tiếp tục gìn giữ những cái đã có và xây dựng thêm trên những gì cha ông họ để lại. Những công trình kiến trúc ở đó là những giá trị tinh tế về nghệ thuật kiến trúc và thẩm mỹ của nhân loại. Nhưng giá trị lớn nhất của nó nằm ở sự lắng đọng của thời gian, của những thứ mà dân tộc ấy đã gìn giữ và xây dựng được qua nhiều thế kỷ.

Tôi vẫn luôn tin rằng có thể giải quyết được vấn đề của Việt Nam trong hoà bình. Nhưng tôi không đặt niềm tin vào sự thức tỉnh lương tri của hệ thống chính trị gồm hầu hết những kẻ tha hoá này. Lòng tin của tôi không mấy thừa mứa đến thế. Hầu hết những nỗ lực của tôi đến giờ phút này đều nhắm tới xã hội nói chung. Một đất nước mà người dân của nó được thức tỉnh bởi ánh sáng văn minh và được định hướng theo một con đường đúng thì chắc chắn sẽ thành công. Chỉ có bằng áp lực từ một xã hội thức tỉnh mới có thể buộc một thể chế chính trị lỗi thời phải thay đổi và thoả hiệp. Hiện nay thì chính quyền luôn tìm cách tiêu diệt những người đại diện cho tiến bộ, họ sẵn sàng trấn áp và bỏ tù những người có thể gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chế độ. Đó là một cuộc đối đầu sinh tồn mà những giải pháp tàn bạo nhất cũng được thực thi. Có nhiều người đấu tranh cho tự do ở phía bên kia cũng luôn ấp ủ mưu đồ tiêu diệt những người cộng sản. Điểm hội tụ chung của những tư tưởng tiêu diệt lẫn nhau là chiến tranh và sự gặp gỡ tàn khốc trên chiến trường với những hậu quả không gì có thể kiểm soát.

Người ta thường nói nhiều đến một xã hội tàn lụi về niềm tin, nơi con người chỉ còn biết đến mình và các giá trị đạo đức bị băm nát. Những đất nước như thế chắc chắn không có ngày mai. Và ở Việt nam, sau nhiều thập kỷ tăm tối dưới chế độ cái trị tha hóa con người của Đảng Cộng Sản, tất cả những căn bệnh ấy đều tồn tại. Điều bi đát còn lớn hơn khi Việt Nam có chung ngót 2000 km đường biên giới với Trung cộng, một xã hội cộng sản còn sắt máu hơn, nơi con người còn tha hoá và tàn bạo hơn và có đủ thứ tệ nạn được nhập về từ bên kia biên giới một cách vô thức hoặc có chủ đích từ bài toán địa chính trị của quốc gia láng giềng khổng lồ và kém thân thiện này. Người ta cũng thấy một cuộc tháo chạy lặng lẽ của các cựu quan chức cộng sản trung cao cấp và con cháu họ sang các quốc gia phát triển với mớ của cải kiếm được một cách bất hợp pháp hoặc bằng các lợi thế về quyền lực. Khi một con tàu sắp đắm, những con chuột sẽ tìm cách chạy khỏi tàu đầu tiên. Điều đáng buồn là có nhiều người Việt ưu tú cũng đang di cư lặng lẽ theo các chương trình định cư, mang theo tri thức và tiền bạc.

Tuy nhiên tôi cũng được chứng kiến những phong trào xã hội âm thầm nhưng mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người nói công khai về sự thay đổi, ngày càng có nhiều người chia sẻ với nhau những quan điểm về sự tự do. Những cái xấu bị lên án và ngày càng nhiều người được thôi thúc để hành động vì cái tốt. Có hàng nghìn người đã xuống đường vì thảm họa Formosa. Có hàng triệu người đã hưởng ứng phong trào “Một lá phiếu, một cái tên” trong cuộc bầu cử quốc hội khoá XIV vừa rồi, đủ đông đến mức làm thay đổi kết quả sắp xếp dự tính của ĐCS ở nhiều nơi. Tôi thậm chí biết rằng những tư tưởng xã hội tiến bộ được chia sẻ trên hệ thống truyền thông xã hội đang được tìm đọc không phải chỉ bởi những người Việt Nam khao khát tiến bộ và tự do, mà còn có cả nhiều thành phần cao cấp trong bộ máy nhà nước. Vẫn còn nhiều thứ để cứu vãn, vẫn còn nhiều thứ để đặt niềm tin và còn nhiều thứ để không bỏ cuộc.

Có thể nói các phong trào xã hội hướng tới tiến bộ là cách thức tốt nhất hiện nay để gây áp lực buộc thể chế hủ bại phải thoả hiệp. Sự lớn mạnh và thức tỉnh của xã hội nói chung sẽ đặt họ trước một tình huống lựa chọn: Hoặc thay đổi và nhượng bộ để cùng xây dựng một đất nước mới, hoặc níu kéo đặc quyền tới cùng để sẽ rồi là vực thẳm bạo loạn và chiến tranh khi các vấn nạn xã hội mà họ là thủ phạm đến giới hạn vô phương cứu chữa.

Đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài bởi chẳng có thành công nào dễ dãi và vì có quá nhiều kẻ đang làm giàu bất lương từ các đặc quyền mà chế độ hiện nay ban phát cho các thành viên của nó. Nhưng tôi chắc chắc là khi có đủ sự đoàn kết và thức tỉnh từ một số lượng đủ đông người Việt Nam, đất nước này vẫn còn tương lai.

Vì không ai còn tin vào sự giáo điều.