16.12.2016

Nhiều tổ chức kêu gọi trả tự do cho LS. Nguyễn Văn Đài

Nhiều tổ chức kêu gọi trả tự do cho LS. Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài tại Tòa án nhân dân Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2007.  AFP photo

Hôm nay 16/12/2016, bảy tổ chức phi chính phủ trên thế giới vừa lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho blogger, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài. Một kiến nghị do liên minh 7 tổ chức phi chính phủ đã được đệ nạp lên Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc, đánh dấu một năm Nhà hoạt động nhân quyền Luật sư Nguyễn Văn Đài bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ.


Ông Nguyễn Văn Đài đã bị bắt giữ khi đang trên đường đi gặp các Đại biểu Liên minh Châu Âu tham cuộc đối thoại nhân quyền với Hà Nội. Cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài là bà Lê Thị Thu Hà, cũng bị bắt cùng thời điểm và cùng bị cáo buộc tội  tuyên chuyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Trong bản lên tiếng phổ biến ngày 16/12/2016  liên minh 7 tổ chức phi chính phủ trong đó có Tổ chức Phóng viên không biên giới, Văn bút Quốc tế, Đảng Việt Tân và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền của thế giới nói rằng, chính phủ Việt Nam tiếp tục im lặng về tiến trình điều tra, không có dấu hiệu xét xử LS Nguyễn Văn Đài.

Liên minh 7 tổ chức phi chính phủ cho rằng, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam LS Nguyên Văn Đài giữa cuộc đàn áp rộng lớn hơn nhắm vào giới bloggers và những nhà hoạt động bày tỏ quan điểm chính trị của mình. Nhiều nhà đấu tranh đã bị bắt giữ trong thời gian qua, như bác sĩ Hồ Hải, các ông Nguyễn Hữu Quốc Duy, Nguyễn Hữu Thiên Ân và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thường được biết đến dưới tên blogger Mẹ Nấm.


Đọc thêm:


Luật sư Nguyễn Văn Đài: Từ Tư Duy Đến Hành Động Đang Dần Đổi Thay Việt Nam

Paulus Lê Sơn. 

Luật Sư Nguyễn Văn Đài bị bắt giam lần thứ nhì vào ngày 16-12-2015. 

Một năm ngồi tù lần thứ hai mà Luật sư Nguyễn Văn Đài đang chịu đựng đã trôi qua, nó đẩy lùi thời gian trôi dần về quá khứ, một con người sinh ra trong cuộc đời đang chiến đấu cho lý tưởng của quyền con người lại phải cam chịu cảnh tù ngục đau thương và đơn côi đó sẽ nghĩ gì về thời cuộc và quá trình bản than đã dấn thân.

Tôi thầm nghĩ là anh đang hạnh phúc vì anh có hai thứ đáng giá của cuộc đời một người đàn ông sống trên đất nước Việt Nam đau khổ này; thứ nhất anh đã sống trọn vẹn lý tưởng và gieo được những mầm ươm lý tưởng đó đang trỗi vượt từng ngày, mầm ươm lý tưởng của tự do, của tình yêu tổ quốc và tình yêu tha nhân. Thứ hai anh đã tự biến mình thành phương cách hữu hiệu nhất để sự nhân bản của con người được thể hiện được cái bản lĩnh, trí tuệ và khí phách của mình cho quê hương và dân tộc này.

Khởi đi từ một luật sư có nhiều trăn trở với vận mệnh quê hương đất nước. Anh đã từng tham gia bào chữa nhiều vụ án nhân quyền và tôn giáo như vụ xử Mục sư Nguyễn Hồng Quang và nhà truyền đạo Phạm Ngọc Thạch năm 2004.

Anh là một người góp phần rất nhiều cho công cuộc dân chủ hóa tại Việt Nam, anh bắt đầu viết một số bài nghiên cứu luật học về các quyền tự do chính trị ở Việt Nam. Trong một bài viết năm 2006, anh khẳng định rằng tuy Điều 4 của Hiến pháp 1992 của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nó không ngăn cấm công dân Việt Nam thành lập các chính đảng mới.

Một ý lược sử cho thấy anh Đài là một trong những viên đá góc tường để xây dựng ngôi nhà dân chủ và nhân quyền hay viên đá lót đường dẫn đến tự do và hòa bình thực sự.

Anh đã góp phần đáng kể cho sự ra đời của Khối 8406Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006. Ban đầu nhóm chỉ có 118 thành viên là người Việt trong nước. Đến ngày 22 tháng 8 năm 2006, số thành viên công khai đã lên đến 1951 thành viên là người Việt trong nước. Ngoài ra, nhóm cũng đã có 3881 thành viên công khai là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Cùng với 139 chính khách quốc tế bao gồm đại diện các tổ chức, 50 nhân sĩ Hiến chương 77 Tiệp Khắc và 50 dân biểu, nghị sĩ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng đã hỗ trợ cho sự ra đời của các tổ chức công nhân và bảo vệ nhân quyền như “Công đoàn Độc lập”, “Ủy ban Nhân quyền Việt Nam”, “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam”.

Về mặt ngoại vận với quốc tế quan tâm đến Quyền con người tại Việt Nam, anh đã cho thế giới thấy rõ anh là ai và nhà cầm quyền cộng sản vi phạm nhân quyền ra sao. Trong một phát biểu Bà Champa Patel, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nói: 

Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động dũng cảm và đầy nhiệt huyết, người đã nâng cao nhận thức trong nước và quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền ở một quốc gia mà không chấp nhận bất đồng chính kiến. Việc bắt giữ luật sư Đài càng nhấn mạnh rằng những cam kết của Việt Nam về nhân quyền là giả dối”.

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các bạn trẻ, họ nói về anh Đài như những người tiên phong, họ trân trọng và ghi nhận những chặng đường anh đã trải qua. Họ công nhận anh Đài như một người gieo vãi tư tưởng dân chủ và tự do cho thế hệ của họ và mong muốn tiếp bước anh. Ý thức của nhiều bạn trẻ đã dần thay đổi, và từ tư duy, ý thức đó sẽ dẫn đến hành động giống như tiền bối của mình là điều tất yếu.

Trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, thể tất anh Đài chỉ là một nhân tố tiên phong trong hàng ngàn người con yêu tú của đất Mẹ Việt Nam. Theo dòng thời gian hẳn nhiên chúng ta đang thấy hoa trái nở rộ trên cành lá xum xuê, chúng ta đang thấy mùa Xuân đang ùa về sau những bước đi vả mồ hôi giữa trưa hè, khô khốc giữa mùa thu, hay lạnh lẽo trong giá rét của mùa đông u ám. Một mùa Xuân mới của tình yêu, của quyền con người, của sự trọn vẹn lãnh thổ được gìn giữ đang chớm hé lộ.

Viết về Luật sư Nguyễn Văn Đài tròn một năm bị ngục tù cộng sản lần thứ hai.

Paulus Lê Sơn