„…trong số những kẻ sát thủ tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, mạnh
tay nhất là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn,…
Ông ta đứng trên luật pháp, tự cho mình cái quyền sát phạt bất kỳ
nhà báo nào.“
Một tay sát thủ
'tự do báo chí'
Bùi Tín
Tự do báo chí vẫn
còn là một món hàng xa xỉ phẩm ở Việt Nam. Thế giới vẫn
xếp Việt Nam gần hạng chót (168) trong số 182 nước trên thế giới về tự do báo
chí. Gần
đây không những các nhà báo tự do thuộc "lề trái" bị lên án, bôi nhọ,
hăm dọa, bắt giam dài dài mà các nhà báo của "lề phải", trong biên chế
Nhà nước cũng bị trừng phạt nặng nề, đến mất chức và mất nghề luôn.
Dẫn chứng không thiếu. Đó là trường hợp nhà báo trẻ
Mai Phan Lợi, phóng viên của báo Pháp Luật (Sài Gòn), làm việc
tại Hà Nội. Khi xảy ra tai nạn 2 máy bay quân sự của Việt Nam mất tích, anh đưa
tin một cách khách quan và phát động một sáng kiến mà anh gọi là một cuộc
''thăm dò, khảo sát dư luận về chuyện 2 máy bay bị tan xác'' này. Thế là anh bị
lên án là vô trách nhiệm, bị mất chức, bị thu hồi thẻ nhà báo, chỉ vì đã dùng 2
chữ ''tan xác''. Anh bị lên án vì họ cho rằng anh dùng chữ ''tan xác'' cho cả
các sĩ quan đi trên máy bay bị tai nạn chưa rõ nguyên nhân trên đường làm nhiệm
vụ, không thông cảm với những đau buồn trong tang tóc của gia đình, đồng đội và
đồng bào. Cũng có giọng điệu chụp mũ vu cáo rằng phải chăng anh Mai Phan Lợi đã
"ăn phải bả bọn phản động" khi tỏ ý nghi ngờ rằng 2 tai nạn trên có
thể là do bọn bành trướng Trung cộng gây ra đúng vào lúc Bắc Kinh tiến hành tập
trận hải lục không quân trong vùng. Nghi ngờ ông bạn vàng của đảng Cộng sản Việt
Nam là tội rất nặng. Không cần tòa án, không cần luật pháp, không có xét xử,
không có tranh tụng công khai, nhà báo trẻ Mai Phan Lợi bị tai họa như trời
giáng, để ngậm đắng nuốt cay suốt cuộc đời còn lại.
Trước đó ít lâu, nhà báo Đỗ Hùng, Phó Tổng thư ký
tòa soạn báo Thanh niên điện tử, bị kỷ luật, thu hồi thẻ nhà
báo, mất chức chỉ vì đưa lên Facebook riêng của anh một bài viết ngắn gồm toàn
các chữ có dấu sắc, nhân kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 (2/9/1945 - 2/9/2015).
Anh bị Bộ Thông tin và Truyền thông kết tội xuyên tạc
và xúc phạm Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Xin dẫn ra đây cả bài viết ngắn ấy để
bạn đọc đánh giá:
Bác Ái Quốc, tướng Giáp với mấy chú, mấy
mế Pác Bó vác cuốc, vác giáo mác, vác súng ống xuống đánh phá phát xít, đánh
Pháp, cướp lấy khí giới, cướp thóc, chiếm bót, cứ thế đánh tới bến.
Đánh tới cuối tháng Tám, bác Ái Quốc với
các chú kéo xuống Giáp Bát chiếm phố, chiếm bót phát xít, chiếm hết. Bác ấy
nói: "Các chú thắng phát xít, thắng Pháp quá xuất sắc".
Tới tháng Chín, bác ấy xuống phố bố cáo
Quốc khánh. Bác ấy nói: "Đất nước hết chiến đấu, hết đói kém, Phát xít
cút, đế quốc cút, các mế, các chú, các cháu bé hết khóc lóc. Thế giới bác
ái".
Nói tới đó bác Ái Quốc thắc mắc: ''Bác
nói thế, các chú, các mế, các cháu có thấy quá lí nhí?''. Bá tánh phía dưới đáp:
''Chúng cháu thấy bác nói rất lớn. Nói thế quá tốt". Tướng Giáp đứng kế đó
thét lớn: ''Quyết chiến! Quyết thắng!''.
Tất cả chỉ có thế.
Và chuyện gần đây nhất là nhà báo Phùng Hiệu, quyền
đại diện báo Nhà báo và Công luận, cũng chỉ vì tính bộc trực cho rằng
Fidel Castro là ''một nhà độc tài bảo thủ, tôn thờ chủ nghĩa Mác một cách mê muội''.
Anh bị kỷ luật, bị dọa rút thẻ nhà báo vì dám xúc phạm một "lãnh tụ vĩ đại,
người bạn thân thiết của đảng Cộng sản và của nhân dân Việt Nam". Tổng
Biên tập báo Nhà báo và Công luận Nguyễn Ngọc Nuôi cũng bị vạ
lây, bị buộc nghỉ việc 1 tháng để ngồi làm kiểm điểm do bị coi là có liên quan
đến sự cố trên đây.
Theo ý kiến của nhiều mạng tự do trong nước,
trong số những kẻ sát thủ tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, mạnh tay nhất là Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương
Minh Tuấn, người từng lớn tiếng bênh vực Công ty Formosa và gần đây được
giao thêm một chức vụ đảng là Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Viên
bộ trưởng này không những chỉ nhằm vào các blog tự do lề trái mà còn rất mạnh
tay trừng phạt thuộc cấp của mình ở lề phải. Đây là một sự mẫn cán kiểu tiểu
nhân, nhằm lập công với đảng và quan thầy để may ra có thể lên chức thay Võ Văn
Thưởng trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo, với hy vọng chui vào Bộ Chính trị
trong tương lai.
Chỉ có dưới thời của sát thủ tự do báo chí của Bộ
trưởng Trương Minh Tuấn mới có chuyện 50 tờ báo đưa tin không chính xác về nước
mắm bị nhiễm độc arsen (thạch tín) bị phạt hàng chục tỷ đồng sau khi đã cải
chính và xin lỗi bạn đọc. Báo Thanh Niên bị phạt nặng nhất -
200 triệu đồng - Tổng Biên tập Nguyễn Quang Thống bị khiển trách, Phó Tổng Biên
tập Đặng Việt Hoa bị cảnh cáo, Tổng Thư ký tòa soạn Võ Khối bị cách chức. Tất cả
những biện pháp trừng phạt này được áp dụng mà không cần có một phiên tòa hình
sự nào, chỉ cần chữ ký của bộ trưởng kiêm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương đảng là
xong. Ông ta đứng trên luật pháp, tự cho mình cái quyền
sát phạt bất kỳ nhà báo nào. Chính ông ta là kẻ kết thúc cuộc đời làm
báo của nhà báo kỳ cựu Kim Quốc Hoa, từng làm tổng biên tập của 6 tờ báo: Chiến
sỹ Hậu cần, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Xã hội, Xây dựng Doanh nghiệp vàNgười
cao tuổi. Kim Quốc Hoa là nhà báo đầy dũng khí từng khui ra 1.500 vụ tham ô
tiền của và đất đai, dám lao mình vào vụ Nguyễn Trường Tô ở Hà Giang và Trần
Văn Truyền ở Bến Tre để bị ''tử thương'' một cách bi đát giữa trận tuyến oai
hùng, bi đát đến mức bà Cù Thị Hậu, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội người cao
tuổi can thiệp bênh vực mà không cứu nổi.
Một cuộc sát phạt báo chí quy mô rộng lớn dưới bàn tay
sắt của kẻ sát nhân tự do báo chí "mặt sắt đen sì" Trương Minh Tuấn
đang làm rung chuyển cả làng báo Việt Nam giữa cái gọi là "thời kỳ đổi mới".
Thật ra thì ông Trương Minh Tuấn đang làm một việc dại dột, đẩy không ít nhà
báo lề phải sang lề trái, vì ý muốn tự do là tự nhiên ở mỗi con người, nhà báo
chân chính nào cũng muốn là chính mình, không phải bắt chước ai, nói theo ai,
khi ký tên riêng của mình dưới mỗi bài báo, con đẻ tinh thần yêu quý của chính
mình.
Blog
VOA Tiếng Việt