04.12.2016

Việt Nam: Ngân sách như mật, cán bộ như ruồi

Việt Nam: Ngân sách như mật, cán bộ như ruồi
Trung bình, chín người Việt phải “cõng” một công chức, kể cả những mầm non đói khổ như trong ảnh. (Hình: tuelinh.vn)

Vào lúc này tại Việt Nam, số cán bộ, công chức đang nhận lương hoặc trợ cấp như lương từ ngân sách đã xấp xỉ 6.5 triệu người. Ðó là chưa tính lực lượng võ trang (công an, quân đội).

Trong vòng 40 năm, từ 1975 đến nay, tại Việt Nam, số cán bộ, công chức nhận lương hoặc trợ cấp như lương từ ngân sách đã tăng 6.5 lần. Ðáng nói là trong 14 năm gần đây, tuy mạng máy tính và Internet – một thành tựu khoa học giúp giảm đáng kể nguồn nhân lực và chi phí đã trở thành hết sức phổ biến nhưng nhân sự của hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không giảm mà còn tăng thêm 1.4 triệu người!


Ngoài 6.5 triệu cán bộ, viên chức đang làm việc cho hệ thống công quyền, dân chúng Việt Nam còn phải “thắt lưng, buộc bụng” đóng góp để nuôi thêm khoảng 5 triệu cán bộ, viên chức của các tổ chức chính trị-xã hội như đảng CSVN và đủ loại hội, đoàn.

Tháng trước, Bộ Tài Chính Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, trong 10 năm gần đây, cán bộ, viên chức của các tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam tăng hơn ba lần.

Nếu chỉ tính riêng năm nay, số tiền mà dân chúng Việt Nam phải góp để nuôi hệ thống Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nông Dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam Liên Minh Hợp Tác Xã Việt Nam đã là 1,615 tỉ đồng.

Còn tính hết chi phí để nuôi các tổ chức chính trị-xã hội khác, đặc biệt là chi phí để nuôi đảng CSVN thì con số sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nhưng hiện… chưa tính được vì chúng không được công bố.

Hồi đầu năm nay, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) công bố kết quả một cuộc khảo sát về chi phí nuôi các tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát không cho biết đảng CSVN ngốn hết bao nhiêu tiền thuế/năm nhưng VEPR cho biết, mỗi năm, tổng chi phí nuôi các tổ chức chính trị-xã hội tại Việt Nam vào khoảng 14,000 tỉ đồng.

Cũng theo VEPR, 11,000 tỉ đồng đó mới chỉ là lương. Nếu tính đúng, tính đủ (tính cả chi phí về sử dụng đất đai, nhà cửa, xe cộ và các loại tài sản khác) thì mỗi năm, dân chúng Việt Nam mất từ 45,600 đến 68,100 tỉ đồng cho chuyện phải nuôi các tổ chức chính trị-xã hội.

Nếu tính tỉ lệ cán bộ, công chức của hệ thống công quyền và cán bộ, viên chức của các tổ chức chính trị-xã hội trên dân số thì trung bình, chín người Việt phải cõng một “người nhà nước.” Ðó là chưa kể (vì thiếu dữ liệu để tính) lực lượng võ trang (công an và quân đội).

Nhiều chuyên gia từng khẳng định, không quốc gia nào có thể nuôi nổi đội ngũ cán bộ công chức, viên chức với tỷ lệ cao như vậy. Họ khẳng định, Việt Nam đã và sẽ mạt vì đội ngũ này. Có lẽ cần nhắc lại rằng năm ngoái, khi còn là phó thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc – nay là thủ tướng Việt Nam, từng khẳng định, chỉ có 30% “người nhà nước” đáp ứng được yêu cầu công việc. Vậy tại sao phải nuôi 70% “người nhà nước” còn lại? Một số viên chức hữu trách thú nhận phải nuôi vì “dây mơ, rễ má.”

Việt Nam đã bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy hành chính, “tinh giản biên chế” nhưng sau mỗi lần cải tổ, bộ máy hành chính lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ.

Nợ nần của Việt Nam đang tăng rất nhanh và đã trở thành rất cao. Trong khi các nguồn thu cho ngân sách giảm dần thì chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền) tiếp tục tăng từ 70% lên 80% tổng chi ngân sách. Khi nhà nước phải chi nhiều như thế để nuôi người của mình thì chi cho giáo dục, y tế, đầu tư để phát triển tất nhiên phải giảm nhiều và nhanh tương ứng. 

G.Ð (Người Việt)