04.12.2016

Đến khi nào chúng ta nên quan tâm các vấn đề chính trị? - Tran Anh Duong

„Nếu mỗi công dân không quan tâm đến tình hình đất nước, để chính phủ tham nhũng, lũng đoạt, phá hoại đất nước thì mỗi người phải chịu trách nhiệm cho chính sản phẩm của mình tạo ra.“

Đến khi nào chúng ta nên quan tâm các vấn đề chính trị?

Tran Anh Duong

Câu trả lời là ngay lúc này và bất cứ khi nào trong đời sống xã hội. Mỗi một công dân có quyền và nghĩa vụ quan tâm đến những vấn đề chính trị xã hội vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của từng cá nhân trong xã hội. Mỗi một miếng ăn, đồ dùng chúng ta mua đều phải trả thuế, và chất lượng của nó liên quan trực tiếp đến các vấn đề sản xuất, sự quản lý điều hành của chính phủ và sự lưu thông hàng hóa trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà những nước văn minh dân chủ như Mỹ, Đức, Úc... thì việc bầu cử Tổng thống là một trong những mối quan tâm của toàn xã hội. Đó là việc hệ trọng quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân thông qua chính sách đối nội và đối ngoại của nhà cầm quyền. Chúng ta đặt câu hỏi vì sao họ văn minh? Bởi vì họ có những con người văn minh, vì sao có những con người văn minh bởi vì họ đã quan tâm đến chính trị và đấu tranh kiên trì, lâu dài để xây dựng một thể chế văn minh.


Ngoài ra ở những nước tư bản dân chủ, không chỉ người dân mà các tổ chức xã hội khác nhau đều quan tâm đến các vấn đề thời sự, chính trị xã hội trong và ngoài nước nhằm cập nhật những vấn đề của xã hội để nâng cao hiểu biết cá nhân cũng như đóng góp ý kiến cho chính phủ cũng như giám sát và điều chỉnh những hoạt động của chính phủ, vì chính phủ được hình thành từ việc lựa chọn và bầu cử của người dân và do họ thiết lập nên hoặc lật đổ xuống.

Như vậy, mỗi một công dân trọng một quốc gia phải có quyền và nghĩa vụ quan tâm các vấn đề chính trị, xã hội bởi vì liên quan trực tiếp đến mạng sống, môi trường, nghề nghiệp, phúc lợi xã hội... cũng như cộng đồng xung quanh, có như vậy mới là một công dân có trách nhiệm, một người không thờ ơ với vận mệnh của đất nước. Nếu mỗi công dân không quan tâm đến tình hình đất nước, để chính phủ tham nhũng, lũng đoạt, phá hoại đất nước thì mỗi người phải chịu trách nhiệm cho chính sản phẩm của mình tạo ra.

Khi xưa, rất nhiều trí thức yêu nước đã quan tâm đến chính trị để tìm cách cải thiện đời sống xã hội thời phong kiến, như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Rất nhiều nhà khoa học, các trí thức du học ở nước ngoài hay học ở trong nước khi xảy ra chiến tranh họ không thể tiếp tục ngồi trên ghế nhà trường mà phải cầm súng ra trận. Các cuộc biểu tình chống chế độ cũng là do học sinh, sinh viên tổ chức phát động trong cả nước để phản đối chế độ cầm quyền. Có rất nhiều ví dụ điển hình như phong trào HSSV ở Huế, Sài Gòn những năm 1963 hay gần đây là phong trào của SV ở Hồng Kong hay phong trào SV ở Thiên An môn 1989. Điều này cho thấy vai trò của thế hệ trẻ, nhất là trí thức, những người được học tập và đào tạo.

Chúng ta đặt câu hỏi, nếu không phải trí thức, học sinh, sinh viên quan tâm đến chính trị thì ai sẽ quan tâm? Nông dân và công nhân ư? Họ đâu có điều kiện thời gian, họ đâu có nhiều điều kiện tiếp xúc với thông tin nhiều và bản thân họ cũng có những hạn chế nhất định về trình độ. Như vậy những người trí thức phải là đi đầu, tiên phong để thúc đẩy nhận thức, cải cách xã hội. Đó cũng là một thực tế đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử trong nước và nước ngoài. Những người trí thức phải có trách nhiệm với chính cuộc sống của chính mình cũng như đồng bào mình.

Những người có trình độ, có hiểu biết nhưng sợ không dám lên tiếng, sợ liên lụy, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân mình và gia đình mình. Bạn có chắc nó sẽ không ảnh hưởng? Khi mà bạn sống trong một môi trường đó bạn phải chịu những tác động đó dù muốn dù không. Ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn và an ninh xã hội, y tế và giáo dục, hệ thống lương bổng, sự minh bạch trong xã hội, đó là những vấn đề thường nhật ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bạn, chưa cần nói những vấn đề mang tầm vĩ mô như đối nội, đối ngoại mang tầm vĩ mô quốc gia.

Bạn sẽ làm gì nếu một đất nước bất ổn, chuẩn bị chiến tranh hay nạn tham nhũng tràn lan hay tình hình lạm phát đến mức khủng khiếp như Venezuela, 30$ một cuộn giấy vệ sinh. Bạn có thể bình thản sống, không ảnh hưởng đến mình, khi chính con cái của bạn đến trường bị bạo hành, bị hiếp dâm, bị đóng những khoản phí trên trời. Hay vợ bạn sáng đi làm, tối đã nằm trong quan tài. Có lẽ lúc đó bạn không đủ kiên nhẫn và bình tĩnh đâu?

Những kẻ trí thức thờ ơ với chính đời sống của mình, thờ ơ với vận mệnh quốc gia, dân tộc, im lặng như bầy cừu thì đó là một tai họa. Matin Luther King đã từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Chúng ta cứ nhân danh thế này, nhân danh thế kia nhưng lời nói chân thật là một hình thức đơn giản nhất mà chúng ta không nói được thì đừng mong có thể hành động gì to tát hơn. Lùi bước cho cái xấu cũng là tội ác, không dám lên án, không dám nói là hèn hạ và không sống đúng nghĩa của một người lương thiện. Như vậy cũng là có tội với tổ tiên, nòi giống vì bao triệu triệu người đã ngã xuống vì đất nước này. Mỗi người hãy tự quyết định suy nghĩ và hành động cũng như nhân cách của chính mình.

Tran Anh Duong