Blogger, một nghề nguy hiểm ở Việt Nam
Thụy My (RFI)
Biểu tình tại Hà Nội ngày
01/05/2016 phản đối Formosa gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung Việt Nam, một
đề tài được nhiều blogger tham gia tranh đấu.HOANG DINH NAM / AFP
Liên quan đến Việt Nam, Le Courrier International tuần này đăng bài viết «
Blogger, một
nghề nguy hiểm » của tờ báo
Khaosod ở Bangkok Thái Lan, sau khi gặp gỡ các cây bút đối lập ở Saigon. Theo
tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana,
chính quyền Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không ngơi
nghỉ chống lại những ai dám lên tiếng chỉ trích.
Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh tượng hai chục
nhân viên an ninh xuất hiện trước một trường mẫu giáo, bắt đi ông Phạm Chí Dũng ngay trước mắt các phụ
huynh, giáo viên và các em học sinh. Và đây chỉ là một trong ba vụ câu lưu tùy
tiện mà ông Dũng, 50 tuổi, là mục tiêu trong năm 2015. Mỗi lần như vậy ông bị
thẩm vấn nhiều tiếng đồng hồ, chịu áp lực tâm lý. Người ta muốn ông thú nhận một
tội phạm, mà tại đa số các nước, là một quyền con người. Nhà báo tự do này than
thở : « Họ cư xử như tôi là một kẻ khủng bố ».
Theo tác giả, Phạm Chí Dũng là một trong những
blogger đối lập tích cực nhất tại Việt Nam. Ông không chấp nhận việc Nhà nước
kiểm soát báo chí, và thách thức các luật lệ hà khắc đang cấm đoán mọi chỉ
trích chính quyền. Là đảng viên cộng sản từ ba mươi năm, ông Dũng cũng như một
số người khác bị thất sủng và bị giam cầm bảy tháng vào năm 2012, do những phát
biểu tự do của mình. Nhưng không vì thế mà ông im tiếng.
Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục chỉ ra những
sai sót của Nhà nước. Phạm Chí Dũng trở thành người đồng sáng lập và chủ tịch Hội
Nhà báo Độc lập Việt Nam, với mục tiêu tố cáo các vi phạm nhân quyền của đảng Cộng
sản. Cho đến nay, hội đã nêu ra nhiều xì-căng-đan lạm dụng quyền lực, nhà đất
và tham nhũng có liên quan tới đảng. Trang web Việt Nam Thời Báo - bị chặn ở Việt
Nam, phải thông qua proxy - gần đây đã lên án vụ bắt giữ hai blogger Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh và Hồ Văn Hải, bị truy tố vì tội tuyên truyền chống Nhà nước theo điều
88. Hồi tháng Chín, tòa án Hà Nội cũng đã bác kháng cáo của blogger Nguyễn Hữu
Vinh, tức Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, bị kết án 5 năm tù vì «
lạm dụng tự do dân chủ » và chống chính quyền.
Tác giả bài báo dẫn lời nhà báo Phạm Chí Dũng, nhấn
mạnh sở dĩ có nhiều vụ bắt bớ vào cuối năm là vì công an muốn có thành tích.
Tuy nhiên cũng theo ông Dũng, ngọn gió đổi thay đang thổi đến. Lo sợ nổi dậy,
chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn trước đối với những người chỉ trích chế độ,
nhưng trấn áp chỉ làm cho người ta thêm hăng hái bảo vệ tự do ngôn luận. Khát vọng
dân chủ rất mạnh mẽ trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tham nhũng hoành
hành.
Bài viết cũng nhắc đến Lê Công Định, cựu luật sư 48 tuổi, bị bắt vì tội tuyên truyền chống
Nhà nước cùng với bốn nhà tranh đấu khác. Ông Định kể, ông bị lãnh án 5 năm tù
nhưng nhờ áp lực quốc tế, ông được phóng thích trước hạn một năm và bị quản chế
ba năm. Ông than phiền là bị theo dõi mỗi khi ra khỏi nhà. Vào đầu tháng
10/2016, khi tham dự một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, công an đã đến bắt giữ cả
nhóm khoảng ba chục người, câu lưu mười tiếng đồng hồ. Còn ông Dũng cho biết
ông thường xuyên bị giám sát.
Các blogger phải đấu tranh ngay trong nước,
Nhà nước cho rằng quá nguy hiểm nếu để họ xuất cảnh.
Bài báo nhắc đến một trong những xì-căng-đan tệ hại nhất gần đây là vụ nhà máy
thép Formosa xả chất thải hóa học độc hại làm cho cá chết hàng loạt trên hàng
trăm kilomet bờ biển miền Trung hồi tháng Tư. Đã nổ ra những vụ biểu tình chống
Formosa Plastics Group, chính quyền không ngăn cản nổi nhưng không muốn các
blogger liên tục đề cập đến, để tránh khả năng phong trào lan rộng hơn.
Để kết luận, bài báo cho biết mặc dù bị ngăn trở, các blogger Việt Nam vẫn tỏ ra lạc quan
về phong trào đấu tranh. Theo tác giả Lobsang Dundup Sherpa Subirana,
ông Phạm Chí Dũng vẫn tin rằng Hội của ông sẽ được Nhà nước công nhận, và sẽ được
phép hoạt động. Ông thổ lộ : « Có lẽ vào năm 2017…Chúng tôi muốn trở
thành một diễn đàn tự do ngôn luận, khởi đầu cho một xã hội dân sự tích cực vốn
rất cần thiết cho Việt Nam trong tương lai ».