26.01.2017

Thiếu minh bạch và giải trình khiến Việt Nam xếp hạng thấp về chống tham nhũng

Thiếu minh bạch và giải trình khiến Việt Nam xếp hạng thấp về chống tham nhũng

Việt Hà (RFA)
Báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế về tình trạng tham nhũng trên thế giới trong năm 2016.

Báo cáo mới của tổ chức Minh bạch Quốc tế về tham nhũng toàn cầu năm 2016 công bố hôm 25 tháng 1 đã xếp Việt Nam vào danh sách những nước có tham nhũng nghiêm trọng khi điểm số mà Việt Nam nhận được là 33 trong thang điểm từ 0 đến 100.

Theo đại diện của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, điểm số 100 là hoàn toàn trong sạch, trong khi điểm số dưới 50 được coi là có tham nhũng nghiêm trọng.


Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá điểm số 33 của Việt Nam năm nay đã cao hơn so với năm ngoái là 2 điểm cho thấy Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc chống tham nhũng nhưng vẫn còn chậm chạp.

Nói về những yếu tố ảnh hưởng đến điểm số của Việt Nam trong năm nay, ông Rukshana Nanayakkara, đại diện của Minh bạch Quốc tế cho biết:

"Điểm số của Việt Nam đã tăng từ 31 lên 33. Cho nên tôi có thể nói là họ đang đi đúng hướng, vì khi bạn nhìn vào báo cáo thì báo cáo này cho biết đất nước đó đã làm thế nào trong các hoạt động chống tham nhũng trong khoảng thời gian là 24 tháng. Việt nam đang tiến lên chậm chạp. Nhưng đây không phải là điểm số tốt.

Việc thông qua luật về quyền tiếp cận thông tin là một dấu hiệu tích cực nhưng có một số yếu tố mà Việt nam cần xem xét. Khu vực nhiều tham nhũng nhất ở Việt Nam là tư pháp. Chúng tôi có làm một cuộc điều tra của người dân về điểm này vài năm trước và người dân nói rằng tư pháp là lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất.

Với thực tế Việt Nam không có tam quyền phân lập, quyền lực tập trung vào một chỗ và minh bạch bị hạn chế, ít có giải trình, điều này tạo nên sự lo lắng về cuộc chiến chống tham nhũng".

Hồi tháng 4 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật tiếp cận thông mà theo nhận định của Quốc hội là để bảo đảm công dân Việt nam được thực hiện đầy đủ quyền của mình.

Tuy nhiên luật cũng quy định một loạt các thông tin mà công dân không được tiếp cận như thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác được xác định thuộc thông tin bí mật nhà nước trừ khi đã được giải mật.

Nhận xét về việc Việt Nam thông qua luật mới và việc thực hiện luật, ông Rukshana Nanayakkara cho biết:

"Việt Nam đã thông qua luật về quyền tiếp cận thông tin vào năm ngoái, đây là một dấu hiệu tốt và sẽ đưa lại kết quả tích cực trong tương lai dài. Nhưng điều quan trọng nhất là việc thực thi luật.

Một số nước trong khu vực có các luật tốt nhưng điều chúng tôi thấy là việc thực thi luật chưa được tốt. Có một số những nhân tố ảnh hưởng đến việc thực thi luật.

Ở các nước như Việt Nam và Trung Hoa cộng sản, việc tham gia của người dân vào việc thực thi pháp luật là hạn chế. Điều mà chúng tôi thấy là khi khu vực công rất kém thì việc thực thi luật cũng kém, và không có nhiều biện pháp chống tham nhũng."

Minh bạch Quốc tế nhìn nhận một số bước tiến khác trong chống tham nhũng của Việt Nam trong năm 2016 bao gồm hoàn thành công tác đánh giá 10 năm thực hiện luật phòng chống tham nhũng và triển khai sửa đổi toàn diện luật phòng chống tham nhũng, tiếp tục nội luật hóa quy đinh của công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) về hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi.

Người đại diện của Minh bạch Quốc tế cũng chỉ ra ngoài tham nhũng và thiếu minh bạch trong lĩnh vực tư pháp, tình trạng đút lót phổ biến trong khu vực công, đặc biệt là ngành công an cũng tạo nên một bức tranh khá ảm đạm về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam:

"Ngoài ra ở Việt Nam còn có tình trạng  trả tiền đút lót liên quan đến khu vực công và công an, bên cạnh đó là vấn đề về quyền sở hữu đất đai. Ở Việt nam còn có yếu tố tập trung hóa. Khi còn tồn tại một quyền lực tập trung mà thiếu sự giải trình và minh bạch thì điều này về cơ bản sẽ tạo ra môi trường cho tham nhũng."

Một kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ kết hợp với Ngân hàng Thế giới vào năm 2012 cho thấy có bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất ở Việt Nam bao gồm cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.

Minh bạch Quốc tế đưa ra một số khuyến nghị với chính phủ Việt Nam bao gồm việc tăng cường liêm chính trong hệ thống tư pháp để đảm bảo các nguyên tắc độc lập trong công tác xét xử của tòa án và thẩm phán, áp dụng các biện pháp trừng phạt một cách triệt để và có hệ thống đối với các hành vi tham nhũng, đảm bảo sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng, xây dựng cơ chế đối thoại và tham vấn thường xuyên giữa nhà nước, người dân và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng.

Chỉ số về cảm nhận tham nhũng là báo cáo hàng năm của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm nay báo cáo bao gồm 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điểm số trung bình của các nước trong năm nay là 43, cho thấy tham nhũng vẫn còn là vấn nạn trong khu vực công ở nhiều nước.