„Ai đã kích động người dân tìm hiểu về những người mà trước
đó ít ai biết đến? Câu trả lời khó chối cãi là chính bàn tay tuyên giáo của đảng,
đặc biệt từ khi báo đài chính thức dán nhãn "phản động" cho họ và bắt họ bỏ tù.“
Đảng và nỗ lực quảng bá Phản Động
Vũ
Thạch
"Ngày hôm nay tôi tốt nghiệp loại ưu của trường đào tạo những
người đấu tranh do nhà cầm quyền Cộng sản tổ chức!" là lời chị Bùi Thị Minh Hằng tuyên bố sau 3 năm bị
bỏ tù vì đòi bảo vệ đất nước. Đây là một bước tiến dài kể từ ngày người phụ nữ
yêu nước Trần Thị Hài vạch lằn ranh tiêu chuẩn: "9 tháng tù như một giấc ngủ trưa."
Thật vậy, hình ảnh ra tù của chị Bùi Hằng hiên ngang
đến độ khiến nhiều người bật lên sự so sánh: Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn thị
Kim Ngân, ai hơn ai?
Dĩ nhiên, đầu tiên phải thừa nhận cả 2 đều từng có
những tà áo dài rất đẹp! Nhưng sự tương đồng chỉ dừng tại đó. Còn lại là sự
khác biệt quá lớn về tâm và tầm.
Bên cạnh hình ảnh Bùi Hằng trong nhiều cuộc biểu
tình chống Trung cộng xâm lược bất chấp các trò đàn áp trên đường phố, tại các
trại giam, trại tù; người ta chỉ nhớ và còn cười sặc sụa cảnh Kim Ngân hùng hục
ném cá trước mặt Tổng thống Mỹ, hay cực kỳ trịnh trọng bái lậy hình Fidel
Castro bên cạnh các cô cậu du khách mặc quần đùi, áo thun.
Cũng vậy, bên cạnh những câu nói vị tha "Chúng tôi chấp nhận
nằm xuống để đất nước đứng lên" của Bùi Hằng, người ta chỉ nhớ
những lời hạch hỏi hống hách "Thử hỏi
họ đã làm gì cho đất nước?" của Kim Ngân. Trên căn bản cả tâm và tầm,
kết quả so sánh đã quá rõ.
Nhưng điều đáng hỏi là ai đã cung cấp cho dân chúng
nhiều dữ kiện để so sánh như vậy? Ai đã kích động người dân tìm hiểu về
những người mà trước đó ít ai biết đến? Câu trả lời khó chối cãi là chính bàn
tay tuyên giáo của đảng, đặc biệt từ khi báo đài chính thức dán nhãn "phản
động" cho họ và bắt họ bỏ tù.
Chúng ta có nhiều thí dụ tương tự về những "vĩ
nhân đời thường" qua cánh cửa tù tội như các chị Cấn Thị Thêu, Nguyễn Đặng
Minh Mẫn, Nguyễn Thị Thu Hà, hay các anh Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức
Hòa, .... . Còn những người đã được biết tới về tài năng chuyên môn trước ngày
vào tù, thì càng nhận thêm lòng ưu ái, thán phục của nhân dân từ lúc họ bước
chân vào tù như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Hữu Vinh, Lê Công Định,
Phạm Minh Hoàng, ....
Bên cạnh tác động ngược của đòn bỏ tù đó, các đòn
phép khác cũng đang trở thành nỗ lực vinh danh, quảng bá, hay huấn luyện Phản Động:
- Trò "mời" lên công an trước đây từng
gieo nhiều sợ hãi nay đã trở thành cơ hội. Nhiều người truyền lại kinh nghiệm bản
thân: "Hãy để cho công an bắt hay
hãy thử qua một lần đối đáp với công an ở đồn là sẽ chia tay dứt khoát với nỗi
sợ". Ngược lại, công an tại đồn thì lại kẻ lảng đi nơi khác, kẻ giấu bảng
tên, kẻ lấy điện thoại ra vờ gọi để che mặt vì sợ bị Phản Động chụp hình.
- Trò len lén gởi giấy phạt hành chính đến nhà cũng
có tác động tương tự khi tên tuổi kẻ ký giấy phạt bị cả làng Phản Động đưa tên
mạng để vĩnh viễn nằm trong sổ sách cho mai sau.
- Trò cho công an bịt mặt đánh lén nơi hoang vắng chỉ
làm vô số người "xa lạ trước đó", trên mạng lẫn ngoài đời, đổ xô vào
giúp đỡ những người đấu tranh bị hại và gia đình họ, đưa hình ảnh đầy máu me của
họ lên mạng, và tô đậm hơn nữa trước quốc tế "Đảng LÀ côn đồ".
- Đặc biệt đòn canh cửa nhà (tức đòn "bánh
canh") không chỉ trở thành chuyện diễu mà còn là giấy chứng nhận một người
hoạt động đã ĐẠT TIÊU CHUẨN, đủ để đảng phải lo ngại. Ai chưa bị ăn bánh canh
thì chưa được xem là "tốt nghiệp" hay chỉ mới thuộc loại "nghiệp
dư".
Ngay cả mối lợi mà lãnh đạo đảng vẫn thường khai dụng
- dùng các tù nhân Việt làm đồ mặc cả trong các thương lượng quốc tế - đều đang
trở thành thuốc độc cho đảng. Ngay tại chỗ, màn dùng chính dân mình làm hàng đổi
chác chắc chắn chứa đựng sự khinh bỉ cùng cực của chính phủ các nước đối với
lãnh đạo Việt Nam. Nó chính là lời thú nhận: lãnh đạo đảng giam cầm tù nhân
chính trị, tù nhân lương tâm vì không dám đấu lý với họ để toàn dân lựa chọn. Sự
thú nhận này sẽ tích lũy vào hồ sơ tội ác của đảng nói chung và của từng nhân vật
lãnh đạo CSVN nói riêng, cho các tòa án dân tộc và quốc tế trong tương lai.
Tại điểm này, không ai nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng còn
đủ sáng suốt để nhìn ra vấn đề. Nhưng không lẽ ông Đinh Thế Huynh, người sắp
thay thế ông Trọng, cũng chỉ biết cắm đầu làm theo bài bản chỉ dạy của Bắc
Kinh? Vẫn không thấy giới hạn và mức tai hại của những trò bạo hành - tai hại
cho chính đảng CSVN?
Vũ
Thạch