22.03.2017

CSVN muốn Mỹ ‘tác động’ Google, Facebook đến Việt Nam để kiểm soát

CSVN muốn Mỹ ‘tác động’ Google, Facebook đến Việt Nam để kiểm soát

Không tự làm được, nhà cầm quyền Việt Nam muốn chính phủ Mỹ “tác động” hai công ty Google và Facebook đến mở văn phòng tại Việt Nam để họ dễ dàng ngăn chặn “thông tin độc hại” hiện tràn ngập trên Internet.

Video clip trên YouTube của công ty Google về những cuộc biểu tình chống Fomosa ở Hà Tĩnh hủy hoại môi trường bị nhà cầm quyền CSVN liệt vào loại thông tin “xấu độc.” (Hình: YouTube)

Hôm Thứ Ba, 21 Tháng Ba 2017, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã phải đến Bộ Thông Tin & Truyền Thông để họp với quan chức cầm đầu bộ này để nghe những lời “đề nghị tác động để Google, Facebook… có đại diện tại Việt Nam.”


Mục đích rõ ràng mà nhà cầm quyền CSVN muốn “tận diệt” các tin tức, hình ảnh, bài viết, video clip bị coi là “xấu độc” mà chế độ coi như bó tay.
Một vài tháng lại bắt giữ một vài người, cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” hay phá hoại chính sách đoàn kết…,” thậm chí “gây rối trật tự công cộng…” cũng không đủ răn đe, người ta không sợ.

Theo tin tường thuật cuộc họp nói trên của hai báo điện tử Infonet và VietNamNet do chính Bộ Thông Tin & Truyền Thông kiểm soát, ông Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn muốn “tháo gỡ những vướng mắc mà hai bên đang trao đổi trong thời gian qua” và “được thẳng thắn đề cập tại buổi làm việc là quản lý Internet.”

Ông Trương Minh Tuấn không giấu giếm “quan điểm” của chế độ là “phát triển Internet” nhưng vừa đảm bảo “quyền được thông tin của người dân” và vừa có “nhu cầu phòng ngừa thông tin độc hại.”

Tuy nó là sự mâu thuẫn giữa quyền của người dân và nhu cầu tuyên truyền của chế độ, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn muốn một chính phủ tôn trọng quyền tự do thông tin, tự do kinh doanh, dân chủ như Hoa Kỳ phải tiếp tay đối phó.

Các báo điện tử trên tường thuật rằng Ðại Sứ Osius nói ông “vẫn luôn khuyến khích các doanh nghiệp như Google, Facebook đẩy mạnh hơn nữa quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Theo tường thuật nêu ra trong cuộc họp, khoảng 70 triệu người trong số 92 triệu dân đã sử dụng Internet. Riêng với Facebook, tại Việt Nam đã có 52 triệu tài khoản người dùng mạng xã hội này.

Bộ Trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (giữa, bên trái) ép đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius (phải) “tác động” Google, Facebook. (Hình: VietNamNet)

Ðại Sứ Osius cho hay, Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị Ðịnh 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng như Thông Tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. Nhưng ông Trương Minh Tuấn lại cả quyết, “Không cần phải lo ngại các quy định này. Nghị Ðịnh 72 và Thông Tư 38 không hề hạn chế bất kỳ hoạt động của Google cũng như các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, mà chỉ hạn chế các hành vi vi phạm,” Infonet dẫn lời ông Tuấn.

Ðịnh nghĩa về thế nào là “vi phạm,” thế nào là “độc hại” thì cũng tùy đứng ở quan điểm thông tin nào, không thấy các bản tin trên thuật lại nếu có các tranh luận giữa ông Ted Osius và ông Trương Minh Tuấn.

Infonet thuật lại cuộc họp rằng, “Khác với thông tin mà ngài đại sứ được biết trước đây rằng Google đã xử lý được 80% yêu cầu của Bộ TT&TT đối với các clip độc hại, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Google mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8,000 clip ‘độc hại.’ Ðặc biệt, Google chỉ chặn clip để người ở Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được, trong khi yêu cầu của Bộ TT&TT là khi thấy clip vi phạm thì phải gỡ bỏ hoàn toàn.”

Bởi vậy, ông Tuấn “đề nghị ngài đại sứ tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam,” tức là mang máy chủ đến Việt Nam cho chế độ ra lệnh gỡ bỏ hoàn toàn những “thông tin độc hại,” như Nghị Ðịnh 72 quy định mà các công ty Mỹ cho đến nay vẫn không chịu nghe.

Tại Hội Nghị Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) Davos, Thụy Sĩ, hồi Tháng Giêng vừa qua, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp bà Sheryl Sandberg, giám đốc điều hành tập đoàn Facebook. Dịp này, ông ta đã chèo kéo Facebook mở văn phòng tại Việt Nam vì 78% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của Facebook trong hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đến giời vẫn không thấy Facebook quyết định ra sao.

Ngày 22 Tháng Mười Hai 2016, VietNamNet có một bài viết hằn học đả kích và đòi nghiêm trị những ai phát tán “thông tin độc hại” trên mạng xã hội.

Nhiều đối tượng đã triệt để sử dụng facebook, blog, mạng xã hội đăng bài, đưa hình ảnh sai sự thật, nói xấu đất nước, phỉ báng chế độ, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.” VietNamNet viết như thế và kêu ca tiếp rằng, “Khi số này bị bắt giữ, điều tra, xử lý theo pháp luật, được sự hậu thuẫn của bên ngoài, các đối tượng phản động trong và ngoài nước vu cáo Việt Nam đàn áp nhân quyền, xuyên tạc tự do dân chủ, ngôn luận, tự do internet, từ đó kích động chống phá, làm phức tạp tình hình an ninh, trật tự.”

Theo thống kê của nhà cầm quyền CSVN, từ đầu năm 2016 đến cuối năm này “đã phát hiện gần 800 tài khoản facebook, gần 300 kênh YouTube do các đối tượng chống đối trong và ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm công kích, hạ uy tín lãnh đạo đảng, nhà nước, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận về vấn đề chính trị, kinh tế Việt Nam.”

Tuần trước, ngày Thứ Năm, 16 Tháng Ba 2017, Bộ Thông Tin & Truyền Thông CSVN thúc ép tất cả những công ty sản xuất hay dịch vụ làm ăn tại Việt Nam chấm dứt quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác.

Lý do, không áp lực trực tiếp được các mạng xã hội nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chế độ, họ phải tìm cách cắt nguồn lợi tức từ dich vụ quảng cáo đem đến.

Tham dự trong cuộc họp hôm Thứ Năm tuần trước, những đại công ty như Unilever (buôn bán lẻ), hãng xe hơi Ford, hãng xe gắn máy Yamaha Motor, tin tức nói đã phải chấp nhận ngừng quảng cáo trên YouTube.

Tháng trước, chế độ Hà Nội đã ép các nhà quảng cáo kinh doanh tại Việt Nam, áp lực trực tiếp chủ nhân của mạng YouTube là công ty Google gỡ bỏ các “thông tin xấu độc” trên YouTube. Các cuộc biểu tình chống công ty Formosa hủy hoại môi trường, ngư dân đòi biển đòi cá, công an đánh dân, dân khiếu kiện đòi trả lại đất canh tác, công an nắm tóc kéo phụ nữ trên phố, công an còng phụ nữ vào cửa sổ rồi đạp trên đầu, và rất nhiều tin nữa bị liệt vào danh sách “thông tin xấu độc” trên YouTube.

Những thứ thông tin thời sự này xuất hiện nhanh chóng trên Facebook và YouTube khi sự việc vừa xảy ra, nhiều khi là còn đang diễn ra. Nó là người thật việc thật phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam, tố cáo một chế độ cai trị đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản dân chủ, nên Hà Nội thấy cần phải bưng bít. (TN)

Người Việt