„Kẻ có quyền có thể phất tay phế bỏ, nhưng nhân dân sẽ mãi mãi âm
thầm giữ lại trong trí nhớ và từng lời hát khe khẽ của mình, …
Vì họ biết, cuối cùng tài sản lớn nhất của con người là văn hóa chứ
không là cường quyền.“
Khi con người giữ
lại
tuankhanh
Tháng 1/1995, khi ông Võ Văn Kiệt ký văn bản số
406-Ttg, ra lệnh không được đốt pháo trên cả nước. Không những pháo trong hiện
thực bị săn lùng và hủy diệt, mà ngay cả pháo trong trí tưởng cũng bị ngăn chận.
Ít lâu sau đó, trong một lần đưa ca khúc Bài Ca Tết Cho Em (sáng
tác: nhạc sĩ Quốc Dũng) vào chương trình sản xuất CD mùa xuân, một biên tập
viên đã than thở rằng Sở Văn hóa Thông tin ở Sài Gòn nói phải sửa lại lời, vì
có chữ “pháo”, nghe nhạy cảm với một loại hình sản phẩm đã bị cấm.
Những chuyện hài hước như vậy, không bao giờ thiếu
trong một nền văn hóa bị kiểm duyệt theo chỉ đạo, và cũng theo tính trung thành
đến bại hoại của những nhân viên kiểm duyệt tại Việt Nam, kể từ sau 1975.
Một buổi sáng, khi đọc bản tin về chuyện 5 ca khúc
có từ nửa thế kỷ trước bị lại cấm lưu hành, nhiều người dân đã tỏ ý bất bình.
Nhưng với giới văn nghệ đã tận mặt sống và quay quắt trong các sợi xích kiểm
duyệt từ suốt nhiều năm thì lại khác. Phản ứng thường là một nụ cười mỉa, và gật
gù như của một anh bạn “đến giờ này mà vẫn còn bệnh hoạn như vậy à?”
Năm ca khúc đó, bao gồm Cánh thiệp đầu xuân (tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ),
Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân (Lam
Phương), Đừng gọi
anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu
Kỳ - Hồ Đình Phương). Như bao lần, những người “làm” văn hóa của Nhà nước vẫn
giải thích mơ hồ, thậm chí ngớ ngẩn như dừng lưu hành để tìm tên tác giả chính
xác. Một quan chức nhà nước, được báo Tuổi Trẻ dẫn lời, nói rằng ông băn khoăn
vì không biết ý nghĩa lời hát “cuộc chiến” nằm trong Con đường xưa em đi, là cuộc
chiến nào.
Như một đứa trẻ to lớn nhưng gồng gánh
tâm hồn tự kỷ, hệ thống văn hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay loay
hoay với một nỗi ám ảnh mơ hồ, và không thể hội nhập cùng cuộc sống bình thường.
Đứa
trẻ đó lo sợ mọi thứ - từ quá khứ đến tương lai. Đứa trẻ cố vươn vai đứng thẳng
oai vệ trong đời sống, nhưng nhột nhạt thầm kín vì đêm đêm còn mắc tật đái trộm
trên giường. Đứa trẻ tự cáu gắt vì chứng không thể trưởng thành của mình.
Nhạc sĩ Thanh Sơn, lúc còn sinh thời, từng ngồi buồn
hiu, kể rằng một nhân viên kiểm duyệt của Sở, trẻ bằng tuổi con út của ông, ra
lệnh cho ông về phải bỏ chữ “phu quân” trong một ca khúc tình yêu đồng quê của
ông, chỉ vì chữ “quân” có thể ám chỉ đến quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Năm ngoái, một đôi bạn trẻ viết tạp bút về Sài Gòn,
chạy xin giấy phép in với một nhà xuất bản. Khi bản thảo đưa lên duyệt, một đoạn
văn liên quan đến bài hát Chiếc lá cuối cùng (tác
giả Tuấn Khanh sinh năm 1933) bị lưu ý là phải bỏ đi vì liên quan văn hóa trước
1975. Khi các bạn trẻ này kêu nài rằng bài hát đã được duyệt, tác giả được lưu
hành… thì biên tập viên – kiểm duyệt viên bối rối, chuyển sang ý khác là “cũng
phải bỏ, vì gợi ý đến nhạc sĩ Tuấn Khanh hiện nay, người đang có vấn đề”.
Trải qua rất nhiều năm. Kể từ lúc những bánh xích xe
tăng chiến thắng của những người Cộng sản lăn trên các đường phố ở miền Nam. Có
không ít những khung thước văn hóa thật mới mẻ được kẻ ra cho người dân. Từ chiếc
quần ống loe bị chận cắt giữa đường, mái tóc dài nam giới bị giữ lại và buộc
xén đi vô tội vạ… cho đến hôm nay, quả là một chặng đường rất dài để con người
Việt Nam thấy rằng mình đang phải chạy hồng hộc trên một vòng tròn thật lớn, để
cố về điểm xuất phát văn minh ban đầu của mình.
Đầu năm 2017, có tin bài hát Ly rượu mừng được trả tự do. Rất nhiều người vui mừng vì nghĩ rằng “rồi cuối
cùng những điều tốt đẹp nhất cũng đã trở lại”. Có không ít những bài viết, sự
hân hoan xuất hiện trên các trang mạng. Có bóp, thì phải có mở chứ!
Cảm giác này có thể so sánh với năm 1977, khi nạn
đói tràn lan ở Việt Nam, bệnh ghẻ ngứa rừng hành hạ mọi gia đình. Rồi đến năm
1990, khi nhiều người bắt đầu được ăn cơm có thịt và sử dụng xà bông Hoa Kỳ gửi
về từ các thùng đồ của kiều bào – thì người Việt nam cũng đã hân hoan và
hạnh phúc như vậy. Quả là có bóp, rồi phải có mở!
Và rồi, khi một ca khúc được trả tự do, thì cũng
không lâu sau, có đến 5 ca khúc khác bị giam lại. Cái được và mất có vẻ đã rõ
trong đời sống văn hóa bình thường của con người. Mở và bóp!
Cấm và cho / Bóp và mở trong kiểm duyệt
văn hóa tại Việt Nam chưa bao giờ có một câu trả lời quang minh, hay có một
thái độ chính đáng. Năm 2012, khi được hỏi về cách thức cho
phép lưu hành những bài hát trước năm 1975, ông Lê Ngọc Cường - nguyên cục trưởng
Cục Nghệ thuật biểu diễn từng xác nhận rằng thay vì lên danh sách những bài cần
cấm, thì Cục chỉ có danh sách những bài được cho phép (khoảng hơn 1500 bài,
trong số hàng chục ngàn bài hát trước 1975). Và việc bóp xiết các bài hát cũ,
được khoán lớn cho Sở ở thành phố Sài Gòn, vì nơi này được coi là có khả năng
“biết rõ nội tình”.
Nội tình ấy, Trịnh Công Sơn, đến khi qua đời nhiều
năm, vẫn chưa bao giờ được phép ấn hành chính thức và đầy đủ bộ Ca khúc Da
Vàng, tập tác phẩm được coi là làm nên tên tuổi của ông.
Nội tình ấy, Nhạc sĩ Phạm Duy, từ khi giao cho công
ty Phương Nam quản lý và xin phép các ca khúc của ông từ năm 2005 đến nay, chỉ
khoảng 200 bài hát được cho phép. Thậm chí có những bài cấp phép rồi, lại cấm
như Trường ca
Con đường Cái quan và Còn chút gì để nhớ.
Không biết dựa vào luật nào, Cục chỉ cho phép một
năm làm đơn xin từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 7 đến 13 bài. Và nếu chiếu theo
trình tự đó, di sản hơn 1000 bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy có thể phải đến năm
2050 mới được cấp phép hoàn toàn. Dĩ nhiên, đó là trong tình trạng các nhà
“làm” văn hóa không trở chứng tự kỷ kinh niên.
Cũng có ý kiến cho rằng Nhà nước đang lo lắng vì
không cản nổi tình trạng văn hóa trước 1975 bùng phát lại ở miền Nam và nhiều
nơi khác. Khởi đầu là âm nhạc, sau đến là sách vở, lịch sử… nên đang tìm cách
kìm hãm bằng cách cắt nhanh nguồn cảm hứng của dân chúng. Khởi đầu là không ít
nghệ sĩ của Nhà nước được hậu thuẫn lên tiếng bài bác bolero, rồi kế đến kêu
đòi một nền văn minh gameshow không có bolero... Hôm nay là thả một và nhốt
năm, như tín hiệu của một mùa xuân không còn nghe tiếng pháo.
Nếu lưu ý, sẽ không ít người ngạc nhiên rằng năm
2017, khi bài hát Ly rượu mừng được trả tự do một cách hữu ý trước Tết Nguyên
Đán, nhưng lại không vang lên rộn rã bằng những năm mà người dân phải tự vượt
rào để hát, để nghe nó. Có lẽ người dân đã bằng lòng với sự bình thường và giá
trị được trả lại, nên không ra sức níu kéo như nhiều thập niên qua.
Nhưng ngay khi danh sách 5 bài hát bị cấm được tung
ra, lạ thay, đâu đâu cũng nghe người dân hát, mở lại những ca khúc này. Chuyện
“cấm”, trở thành một thái độ vô vọng trước đời sống tự nhiên trong phút chốc.
Và như thế, những bài hát cấm đó, chắc chắn lại sẽ
vang lên – không khác gì những ngày tháng Ly rượu mừng bị giam nhốt. Kẻ có quyền
có thể phất tay phế bỏ, nhưng nhân dân sẽ mãi mãi âm thầm giữ lại trong trí nhớ
và từng lời hát khe khẽ của mình, bởi lẽ năm bài hát ấy – hay hàng chục ngàn
bài hát khác – không có tội tình gì.
Vì họ biết, cuối cùng tài sản lớn nhất của
con người là văn hóa chứ không là cường quyền. Âm nhạc hay sách vở - tri thức
và cảm xúc… sẽ còn lại mãi mãi, bền bỉ thách đố mọi thời đại mê muội của quyền
hành.