14.03.2017

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng (ngày 14.03.2017)

Tin Tổng Hợp Liên Quan đến Biển Đông và Trung Cộng
(ngày 14.03.2017)

Bắc Kinh mở rộng thẩm quyền của Toà án Tối cao ra Biển Đông

Đảo Trường Sa lớn, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. (Ảnh vệ tinh chụp ngày 07/11/1016 - nguồn CSIS/AMTI)

Tư pháp Trung cộng nới rộng thẩm quyền « xét xử » ra khắp các vùng biển thuộc « chủ quyền » của nước này, kể cả vùng Biển Đông đang tranh chấp. Trên đây là nội dung bản báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao Trung cộng tại kỳ họp của Quốc Hội, vào lúc Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông.


Theo hãng tin AP, hôm qua, 12/03/2017, chủ tịch Toà án Tối cao Trung cộng, Chu Cường (Zhou Qiang) thông báo Trung cộng quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải. Theo Tân Hoa Xã, tất cả các vùng biển thuộc « chủ quyền Trung Quốc » sẽ được luật pháp bảo vệ, cả những nơi đang tranh chấp. Theo luật mới, « có hiệu lực » từ tháng 8/2016, thẩm quyền của Toà án Tối cao Trung cộng bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục điạ và « mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung cộng ».
Theo ông Chu Cường, mọi « công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung cộng sẽ bị truy tố ra toà án Trung cộng ».

AP nhắc lại Trung cộng đã tự tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng Biển Đông, cũng như một phần lớn biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản.

Năm 2016, Bắc Kinh đã bác bỏ một phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông. Sau vụ này, Tòa án Tối cao Trung cộng đã diễn giải lại chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông. Quân đội gia tăng hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, củng cố các đảo nhân tạo thành pháo đài. Lệnh cấm đánh cá bốn tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 8) tiếp tục được ban hành, viện cớ để truy đuổi ngư dân Việt Nam và Phi Luật Tân.

Thứ sáu tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng khẳng định Trung cộng có toàn quyền quyết định làm gì thì làm trên đảo « Hoàng Nham », tức Scarborough. Sở dĩ Bắc Kinh lớn tiếng là vì trước đó Manila tiết lộ với báo chí là Mỹ đã yêu cầu Trung cộng không được đòi hỏi chủ quyền ở Scarborough.


Ngư dân Việt Nam có nguy cơ bị tòa án Trung cộng xét xử

Một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung cộng đâm chìm ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. (Hình: AFP/Getty Images)

Không chỉ bị bắt bớ, đánh đập, phá hại tài sản, ngư dân Việt Nam có nguy cơ bị tòa án Trung cộng sẽ xét xử qua các vụ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung cộng trên các vùng biển họ tranh chấp với các nước trên Biển Ðông.

Theo AP, ông Chu Cường (Zhou Qiang), chủ tịch Tòa án Tối cao Trung cộng, loan báo qua bản báo cáo với Quốc Hội nước này cho hay, Bắc Kinh cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển. Theo đó, tòa án Trung cộng sẽ được cho thẩm quyền rộng hơn để “xét xử” ra khắp các vùng biển thuộc “chủ quyền” mà Trung cộng đã tuyên bố.

Hồi Tháng Ba 2016, người ta đã thấy báo chí Trung cộng đưa tin nước này thiết lập các “trung tâm luật pháp hàng hải” để bảo vệ quyền lợi của nước họ. Ðạo luật có hiệu lực từ Tháng Tám 2016 cho thẩm quyền Tòa án Tối cao Trung cộng bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục địa và “mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung cộng.”

Những năm qua, tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung cộng bắt gặp ở vùng biển Hoàng Sa chỉ bị họ cướp, tông cho chìm, hay bắn cháy. Trong tương lai, theo luật mới này, ngư dân Việt Nam có thể bị lôi ra tòa án Trung cộng với án tù, phạt vạ, tàu bị tịch thu.

Thay vì tiếp tục giở thói cường đạo trên biển, nay Bắc Kinh dùng vỏ bọc pháp lý của kẻ mạnh để tước đoạt quyền sống của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Cách đây ít ngày, cũng giống như những năm trước, Trung cộng ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Ðông từ giữa Tháng Năm đến đầu Tháng Tám lấy cớ bảo vệ sự phát triển bền vững của các loài thủy sản, nhưng lại nằm trong mùa đánh cá chính vụ của ngư dân Việt Nam.

Việt Nam, qua lời của phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình chỉ lập lại những lời tuyên bố cũ là “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”



Nhật Bản sẵn sàng đưa chiến hạm lớn nhất đến Biển Đông
Một lính hải quân Nhật trên chiếc tàu Izumo, ở Yokohama, ngày 06/08/2013. REUTERS/Toru Hanai

Hải Quân Nhật Bản sẵn sàng đưa chiến hạm lớn nhất đến Biển Đông. Đây sẽ là việc thể hiện sức mạnh chưa từng có của Nhật Bản trong khu vực kể từ sau Thế Chiến II.

Hãng tin Reuters, trích ba nguồn tin khác nhau, cho biết tàu khu trục sân bay trực thăng Izumo sẽ ra khơi vào tháng 05/2017 và sẽ ghé các nước Singapore, Nam Dương, Phi Luật Tân và Sri Lanka trước khi tham gia các cuộc tập trận chung vào tháng Bẩy với hải quân Mỹ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Theo một trong ba nguồn tin ẩn danh, mục tiêu của quyết định đưa tàu Izumo thực hiện nhiệm vụ dài ngày là nhằm thử nghiệm khả năng tác chiến của tàu khu trục. Tuy nhiên, việc triển khai chiếc tàu lớn nhất của hải quân Nhật Bản tại Biển Đông cũng được cho là một tín hiệu cảnh cáo, vào lúc mà căng thẳng đang gia tăng giữa Trung cộng, nước đòi chủ quyền trên hầu hết vùng biển này, với các nước khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Đài Loan và vương quốc Brunei.

Tuy không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Tokyo phản đối các yêu sách của Bắc Kinh tại khu vực được đánh giá là tuyến đường hàng hải huyết mạnh của thương mại quốc tế.

Tàu Izomo dài 250 mét và được hạ thủy cách đây 2 năm. Theo dự kiến, tàu Izumo sẽ trở lại cảng neo đậu Yokosuka, gần Tokyo, vào tháng 08/2017.


Việt Nam phản đối Trung cộng tổ chức du lịch Hoàng Sa

Du khách Trung cộng ở Hội An hôm 13/2/2008. AFP photo

Ông Lê Hải Bình cho biết việc Trung cộng tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải cảnh Trung cộng truy đuổi một tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa là xâm phạm nghiêm chủ quyền của Việt Nam với đảo Hoàng Sa.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh hành động này cũng vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung cộng cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung cộng ký tháng 10-2011.

Ông này cũng khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Phi Luật Tân: Quan điểm trái chiều khi tàu Trung cộng xâm nhập lãnh hải

Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (giữa), cùng với Bộ trưởng Giao thông Arthur Tugade và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin N Lorenzana (trái), trong ngày cuối đợt tập trận bảo vệ bờ biển ở Yokohama, 27 tháng 10 năm 2016.  AFP photo

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte hôm thứ Hai ngày 13/3 cho biết ông đã cho phép các tàu tuần tra của Trung cộng vào vùng biển Phi Luật Tân, trong khi bộ trưởng quốc phòng lại cho rằng sự hiện diện của các tàu tuần tra này là điều đáng lo ngại.

Hãng thông tấn AFP cho biết tin như vừa nêu, trích dẫn lời ông Rodrigo Duterte giải thích rằng ông không muốn để mâu thuẫn xảy ra giữa Trung cộng và Phi Luật Tân về vùng biển Benham Rise một phần là do ông muốn Trung cộng sẽ trợ giúp Phi trong lãnh vực kinh tế.Tổng thống Phi đưa ra lập luận rằng Phi Luật Tân đã được hưởng lợi hàng tỉ đô la từ đầu tư và viện trợ của Trung cộng sau khi ông quyết định không tranh cãi với Trung cộng về một tranh chấp lãnh thổ khác ở Biển Đông.

Phát ngôn này của Tổng thống Duterte được đưa ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana tuyên bố tuần trước rằng Phi đã nhìn thấy các tàu tuần tra của Trung cộng ở Benham Rise, vùng được cho có nguồn mỏ dầu và khí đốt dồi dào. Ông Delfin Lorenzana cũng cho biết đã ra lệnh Hải quân nếu nhìn thấy các con tàu này xuất hiện trong năm nay thì tiếp cận và đuổi ra khỏi lãnh hải của Phi.

Ông Lorenzana bày tỏ lo ngại rằng Trung cộng có thể đang tìm kiếm một nơi để đưa tàu ngầm vào.

Năm 2012, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Giới hạn Thềm lục địa đã phê duyệt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ không tranh chấp của Phi Luật Tân trên vùng biển Benham Rise.



Cảnh giác Trung cộng, TT Duterte lệnh xây dựng công trình ở đông Phi Luật Tân

Tổng thống Duterte chỉ thị tăng cường tuần tra hải quân trong khu vực và xây dựng các cấu trúc “cho thấy đây là khu vực của chúng tôi”.

Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã ra lệnh cho hải quân nước này xây dựng các “cấu trúc” để khẳng định chủ quyền trên vùng biển phía đông, nơi Manila cho biết có một tàu của Trung cộng đến thăm dò hồi năm ngoái.
Phi Luật Tân đã phản đối về ngoại giao với Bắc Kinh sau khi con tàu bị theo dõi di chuyển qua lại ở Benham Rise, một khu vực rộng lớn phía đông Phi Luật Tân được Liên Hiệp Quốc xác định là một phần thềm lục địa của nước này vào năm 2012.

Phi Luật Tân nói Benham Rise là khu vực giàu trữ lượng cá và đa dạng sinh học.

Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói con tàu chỉ thực hiện “quyền tự do hàng hải thông thường và quyền đi qua vô hại”, không có gì hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Phi Luật Tân Delfin Lorenzana cho biết Tổng thống Duterte chỉ thị tăng cường tuần tra hải quân trong khu vực này và xây dựng các cấu trúc “cho thấy đây là khu vực của chúng tôi”. Ông không nêu rõ cấu trúc sẽ được xây dựng là gì.

“Chúng tôi quan ngại, họ không có việc gì ở đó cả”, ông Lorenzana nói với các nhà báo vào cuối ngày Chủ nhật. 

Tuần trước, ông Lorenzana nói ông nghi ngờ các hoạt động của Trung cộng gần Benham Rise. Ngoại trưởng Phi Luật Tân gợi ý đây có thể là một phần trong các cuộc thử nghiệm kiểm tra độ sâu của nước cho các tuyến tàu ngầm đến Thái Bình Dương.

Sự kiện mới có nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ giữa Phi Luật Tân với Trung cộng tại thời điểm quan hệ giữa hai bên nồng ấm lên hiếm thấy dưới thời của ông Duterte, người đã chọn bắt tay kinh doanh với Bắc Kinh thay vì đối đầu về các hoạt động và mục tiêu hàng hải trong vùng biển tranh chấp.

Trong khi ông Duterte bày tỏ thái độ lạc quan về mối quan hệ với Trung cộng, Ngoại trưởng Lorenzana tỏ ra thận trọng hơn. Ông lưu ý việc bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở khu vực độc quyền kinh tế 200 hải lý của Phi Luật Tân vẫn không hề giảm xuống.



Ngư dân Việt ‘dạt’ sang Úc Đại Lợi vì Trung cộng? 
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt của Trung cộng, quan chức Hội Nghề cá Việt Nam trước đây vẫn luôn kêu gọi ngư dân “tiếp tục duy trì sự hiện diện trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền”.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong các lý do khiến các ngư dân Việt Nam phải chuyển hướng sang đánh bắt cá trái phép ở vùng lãnh hải của Úc, hãng tin ABC đưa tin hôm 10/3.

Cơ quan truyền thông của Úc này dẫn lời ba ngư dân Việt mới bị tống giam nói tại tòa ở Queensland rằng “họ bị Trung cộng đẩy ra khỏi ngư trường truyền thống gần Trường Sa”.

Họ cho biết đã phải “dạt” sang đánh bắt trong lãnh hải các nước láng giềng và thậm chí là phải tới cả Australia. Gần 30 ngư dân Việt trên hai tàu cá bị bắt ngoài khơi Queensland hôm 15/2 vì đánh bắt hải sâm trái phép.
Mới đây, 14 người trong số đó phải ra tòa. 11 người chịu án tù treo vì vi phạm lần đầu. Hai người bị tống giam 4 tháng tù, còn một người chịu án 6 tháng, theo ABC.

Truyền thông Úc dẫn lời đại diện của cơ quan quản lý đánh bắt cá của U!C cho biết rằng có sự gia tăng đáng kể các tàu cá của Việt Nam đánh bắt trái phép trên lãnh hải U!C. “Chúng tôi thực hiện 13 vụ bắt giữ trong vòng 11 tháng qua”, quan chức này nói.

Không chỉ Úc Đại Lợi, nhiều nước như Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan hay Palau thời gian qua đã bắt nhiều ngư dân Việt, cáo buộc họ đánh bắt hải sản trái phép.

Ngư dân Việt Nam vẫy chào tạm biệt Tổng thống Phi Luật Tân sau khi bị bắt vì đánh bắt trái phép hồi năm ngoái.

Trung cộng mới đây đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa từ từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình sau đó lên tiếng chỉ trích hành động đó là “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền” của Hà Nội đối với Hoàng Sa.

Bất chấp lệnh cấm, quan chức Hội Nghề cá Việt Nam trước đây vẫn luôn kêu gọi ngư dân “tiếp tục duy trì sự hiện diện trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc làm đó "đẩy ngư dân vào tình thế nguy hiểm".



Trung cộng Né Mỹ, Dọa Láng Giềng

Vi Anh (Việt Báo)

Hiện tình Biển Đông cho thấy TC đang né Mỹ để tạo hoà khí chuẩn bị cho Chủ Tịch Tập cận Bình sang Mỹ đàm phán với TT Trump liên quan đến những quyền lợi của hai nước trên thế giới lớn hơn ở Biển Đông. Chuyến đi hối hả chỉ trong hai ngày của nhà ngoại giao cao cấp nhứt, quyền thế hơn Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tc, là uỷ viên Quốc vụ Viện đặc trách đối ngoại và vấn đề Đài loan của TC - là Ô. Dương Khiết Trì - để lo chuyện tối quan trọng ấy cho TC.


Nhưng TT Trump chỉ tiếp Ô. Trì khoảng 5 tới 7 phút xã giao trước khi Ông ấy về. Và Ô. Trì trong thời gian không quá một ngày rưỡi chỉ có thể thảo luận sơ qua, chớ không thể bàn bạc sâu sắc khi gặp tân cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster, con rể kiêm cố vấn cao cấp của tổng thống là Jared Kushner, chiến lược gia Toà Bạch Ốc Steve Bannon và phó tổng thống Mike Pence. Tuỳ viên báo chí Phủ tổng thống Mỹ Sean Spicer cho hay ông Dương "đã có cơ hội gửi lời chào tới tổng thống". Còn Bộ Ngoại giao Trung cộng cho biết ông Dương đã khẳng định với ông Trump rằng Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường trao đổi với Washington ở tất cả các cấp, mở rộng hợp tác và tôn trọng những lợi ích cốt lõi cùng những mối quan tâm lớn của nhau. Còn Tân Hoa Xã của TC cho biết Chủ Tịch Bình có thể gặp TT Trump vào khoảng tháng 5 năm nay. Những sự kiện hối hả trên cho thấy nếu có cuộc gặp gỡ của lãnh đạo hai nước, thì nghị trình cấp dưới cùng lắm là sắp làm, chớ chưa được cấp trên hai bên xét duyệt.

TC né không cho biến động nào xảy ra ở Biển Đông để tạo hoà khí cho cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung. Dù rằng TC biết rõ Mỹ thời TT Trump mở cuộc tuần tra Biển Đông đầu tiên bằng cả một chiến đoàn hàng không mẫu hạm có nhiều phi cơ chiến đấu trên trời, nhiều chiến hạm trên biển và nhiều tàu lặn dưới biển. Lại tuần tra vào bên trong 12 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế của các bãi đá mà TC đã bồi lắp xây cất và quân sự hoá. Không còn nghi ngờ gì nữa cuộc tuần tra này của Mỹ nói lên Mỹ quyết bảo đảm tự do hàng hải và quyền đi qua vô hại. Phó Đô đốc James Kilby tuyên bố, Hoa Kỳ tiếp tục chứng minh vùng biển quốc tế này là nơi hải thuyền nào cũng có thể tự do đi lại và thương thuyền nào cũng được tự do giao thông. Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra dài dài, đều đều. Mỹ không coi đây là một cuộc “đi qua vô hại” mà Luật Biển Quốc tế cho phép.

Và trong một diễn biến khác, Mỹ còn tăng cường và mở rộng sự hiện diện quanh vùng xung yếu của TC. Nhiều chiến hạm, tàu lặn, hàng không mẫu hạm Mỹ thường có mặt ở các vùng biển phía nam và phía đông Trung cộng. Mỹ chứng tỏ, thể hiện và bảo đảm quyền tự do hàng hải tại vùng biển này. Kể từ tháng 10/2015 đến nay, các chiến hạm của hải quân Mỹ đã bốn lần đến sát các đảo do Trung cộng chiếm giữ, bất chấp khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên các đảo này. Á châu Thái bình dương trong thời kỳ căng thẳng này với TC, Mỹ điều thêm Hạm đội 3 về phối hợp với Hạm đội 7. Thời Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh VN, dù Mỹ phải chống với CS Bắc Việt, CS TH và Liên xô, Mỹ chỉ để Hạm đội 7 thôi.

Trong khi đó tin từ RFI của Pháp cho biết trang mạng Pháp East Pendulum, chuyên theo dõi các động tĩnh quân sự của Trung cộng, ngày 03/03/2017 đã ghi nhận: 13 phi cơ quân sự Trung cộng ngày 02/03 đã lại bay thành đội hình vượt qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Thái Bình Dương cùng tập trận với các chiến hạm chờ sẵn ngoài khơi. Coi như TC thách thức Nhựt.

TC còn thách thức và trả thù Hàn Quốc đã thoả thuận cho Mỹ đặt dàn hoả tiễn THAAD tại Nam Hàn. TC đóng cửa hàng mấy chục cửa hàng hiệu Lotte của Nam Hàn kinh doanh tại TQ vì Lotte dành một khu đất cho Mỹ để Mỹ bố trí dàn hoả tiễn THAAD.

Với Phi luật tân tới phiên chủ toạ ASEAN kêu gọi Mỹ sớm đưa ra chính sách về Biển Đông và sau đó Ngoại trưởng Phi còn xuống viếng hàng không mẫu hạm Wilson của Mỹ, TC tức tối huỷ bỏ chuyến sang Phi kết thúc một số thoả thuận viện trợ và giao thương với Phi.

Hù doạ mạnh các nước láng giềng, nhưng TC tỏ ra tự chế đối với Mỹ. TC né Mỹ. TC không theo sau chiến đoàn tuần tra với hàng không mẫu hạm của Mỹ. TC không chống đối gì cuộc tuần tra này của Mỹ, mặc thị coi tàu bè Mỹ có thể tự do qua lại trên biển quốc tế. Vì TC cần giữ hoà khí với Mỹ để đàm phán những lợi ích lớn hơn trên thế giới. Nhứt là Chủ Tịch Bình của TC đang gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế vốn là cái thế cầm quyền của Đảng Nhà Nước TC. Quyền lợi ở Biển Đông của TC không lớn lao, quan trọng bằng quyền lợi của TC xuất cảng hàng hoá qua Mỹ. Chủ Tịch Bình lo ngại chọc TT Trump con người khó hiểu, Ông ấy tăng thuế 45% lên hàng hoá TC nhập qua Mỹ, thì TC phải khóc bằng tiếng Quan Thoại vì kinh tế TC sẽ suy sụp ngay.

Đối với Mỹ mạnh, Đảng Nhà Nước nghĩ né cũng đâu có xấu mặt. Vì chính Mỹ cũng muốn hoà khí để đàm phán. Chính TT Trump đã viết thơ, gọi điện thoại cho Chủ Tịch Bình, chính Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Tướng Mattis cũng đã tuyên bố đến lúc tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Biển Đông, là Mỹ đã rửa mặt cho Tc rồi kia mà.

Ngần ấy sự kiện và thời sự giữa TC và Mỹ cho thấy, chưa có chiến tranh giữa Mỹ và TC. Nếu có thì có chiến tranh chánh trị, chiến tranh địa lý chánh trị ở Biển Đông thôi. Mà chiến tranh chánh trị một loại chiến tranh không đổ máu nhưng tranh giành thế lực trong vùng. Mỹ không có tham vọng đất đai như TC. Mỹ chỉ cần tự do hàng không, hàng hải, cho tầu bè Mỹ và đồng minh đi bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Cái này cũng không có gì khó cho TC thoả hiệp.



Tin tức và  bình luận của RFA, RFI, VOA, Việt Báo