Cát
Linh (RFA)
Một ngư dân buồn rầu với những con cá biển
chết trên bãi biển ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm
2016. AFP photo
Nhà máy luyện thép Formosa vào đầu tháng tư năm
ngoái xả thải hóa chất độc hại ra môi trường biển gây thảm hỏa môi trường khiến
cá, hải sản chết hàng loạt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Thừa
Thiên- Huế. Tuy nhiên hành xử của chính quyền Việt Nam suốt thời gian qua bị
cho là bất nhất, khó hiểu khiến công luận bức xúc.
Sau một năm…
Tấm ảnh người ngư dân hai tay cầm những con cá chết
há miệng, mềm rũ, ngồi xổm trên bãi biển với gương mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng
gió biển, xuất hiện trở lại trên mạng xã hội hơn một tuần qua với số lượng nhiều
hơn trước.
Thêm vào đó, rất nhiều các ảnh đại diện của người
dùng facebook trong và ngoài nước đều được đổi sang biểu tượng cá chết, hoặc khẩu
hiệu “Formosa cút khỏi Việt Nam”.
Các trang mạng xã hội đồng loạt đăng tải những hình ảnh
liên quan đến vấn nạn môi trường biển từ tháng 4 năm 2016 đến nay. Trong đó nổi
bật là kiến nghị về việc giải quyết Thảm hoạ Formosa được mọi người chia sẻ kêu
gọi có đủ 75.000 chữ ký nhằm kiện Formosa ra toà quốc tế.
Tất cả sự việc đó là những lời nhắc nhở nhau đã một
năm kể từ tháng 4 năm 2016, người dân bốn tỉnh ven biển miền Trung điêu đứng vì
thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển.
Thế nhưng, đó chỉ là những lời nhắc nhở, kêu gọi và
hành động từ phía người dân, những người quan tâm đến sự sống, môi trường cũng
như hậu quả mang tính hàng loạt chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Từ thảm hoạ trở thành sự cố
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Võ Tấn Nhân phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 27 tháng 4 năm
2016 về thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung. AFP photo
Về phía chính quyền, những người trực tiếp cho phép
Formosa bước vào Việt Nam thì vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Tiến sĩ
Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, cho biết ông nhìn phản ứng của nhà cầm quyền suốt một
năm qua là sự nhất quán bao che, bảo vệ, nâng đỡ cho Formosa.
Rồi đến lúc không thể che giấu được nữa thì tìm mọi
cách để làm nhẹ bớt cho những việc làm sai trái của Formosa. Ông nhấn mạnh:
“Cái đầu tiên tôi xin nhắc lại, khi thảm
hoạ đã xảy ra thì ông trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vào Formosa, và đã uý
lạo Formosa về những việc làm của họ và không hề có một câu nào về vấn đề
Formosa đã gây ra thảm hoạ. Cho đến nay, là một năm tôi vẫn chưa nghe thấy ông
ta lên án hay trách móc hay phê phán gì về việc làm sai trái của Formosa. Từ
người lãnh đạo cao nhất như thế thì cả hệ thống có hành xử như vậy cũng không
có gì là lạ.”
Phải mất hai tháng nguyên nhân cá chết hàng loạt mới
được công bố. Đáng chú ý, chính người dân đã biết nguyên nhân vì đâu biển nhiễm
độc, cá chết hàng loạt dẫn đến đời sống ngư phủ phải bị kết án tử.
Sau đó, hai sự kiện duy nhất được cho là câu trả lời
chính thức từ nhà nước và các cơ quan ban ngành có liên quan, là buổi họp báo của
văn phòng chính phủ vào ngày 30 Tháng Sáu và cuộc trao đổi của ông Võ Kim Cự,
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, với báo giới trong nước về vấn đề cấp phép đầu tư
cho Formosa.
Buổi họp báo từng thu hút rất nhiều sự quan tâm của
truyền thông trong và ngoài nước, thế nhưng hoàn toàn chưa thuyết phục được dư
luận xã hội. Những nhà báo, nhà quan sát sau đó đều cho rằng cách giải trình của
cả hai bên, chính phủ Việt Nam và Formosa không có tính minh bạch.
Nhà báo Nguyễn An Dân ngay sau đó trả lời Đài Á Châu
Tự Do cho rằng vụ việc Formosa sẽ không kết thúc đơn giản nếu chỉ với buổi họp
báo của chính phủ, ngược lại chỉ là mới bắt đầu.
Cách giải thích của ông không khác với Tiến sĩ Nguyễn
Quang A, đó là có sự “bảo vệ, nâng đỡ.”
“Chính phủ Việt Nam vì để giữ quan hệ
ngoại giao, nên họ không thể tuyên bố là tôi tha bổng hay kết tội anh được, vì
trên nguyên tắc nếu không phải là Tòa án thì anh không được phép nói điều đó.
Có nghĩa là phía Việt Nam đã chừa đường lùi cho Formosa, để cho họ tỏ thiện chí
hơn nữa trong vấn đề khắc phục sai phạm mà không đẩy các bên đi đến căng thẳng.”
Sự khôn khéo của chính phủ Việt Nam mà nhà báo Nguyễn
An Dân nhìn thấy được thể hiện rõ ràng trong buổi họp báo qua lời nhận lỗi của tập
đoàn Hưng Nghiệp và số tiền bồi thường 500 triệu USD.
Các nhà quan sát một lần nữa đã lên tiếng phản đối
khi con số 500 triệu USD được đưa ra không theo qui chuẩn bồi thường nào
cả.
Điều đó cho thấy chính phủ Việt Nam đã thật sự muốn
hoá giải thảm hoạ môi trường biển Việt Nam thành một sự cố công nghiệp, và chỉ
có sự cố mới dễ dàng được giải quyết bằng cách đền bù nhanh và gọn như thế.
Trấn an dư luận
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần
Hồng Hà phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 30 tháng 6 năm
2016 công bố lý do cá chết ở miền Trung. AFP photo
Hàng loạt động thái tiếp theo của nhà cầm quyền Việt
Nam được người dân và các nhà quan sát gọi là “trấn an dư luận”.
Ngày 22 tháng 8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra kết
quả môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã an toàn. Ông phát biểu
trước hội nghị rằng diễn biến nước biển đang tốt dần lên và khẳng định, môi trường
biển miền Trung có thể tự làm sạch.
Để chứng minh kết quả trên, thông tin và hình ảnh do
báo chí trong nước đăng tải sau đó cho thấy bộ trưởng Hà và các vị lãnh đạo tỉnh
Quảng Trị cùng tắm biển ở dùng hải sản ở biển Cửa Việt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến
từ các nhà khoa học, tri thức đều cho rằng quá sớm để đưa ra kết luận như thế.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những động thái ấy hoàn toàn không thể mua niềm
tin từ người dân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Formosa.
“Tất cả những kiểu rất lừa bịp như thế
chỉ làm cho người dân bất bình và càng cho thấy chính quyền này là chính quyền
không bảo vệ được quyền lợi cho họ.”
Ngay cả chính lời cam kết ngừng xả thải của Formosa
cũng không thể thoả mãn những bức xúc của người dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa
học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khẳng định
việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý cũng không thể hoàn trả lại biển
sạch cho môi trường.
“Tác động môi trường của ô nhiễm công
nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong
người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp
tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Đánh lạc hướng dư luận?
Ông Võ Kim Cự (phải), Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái), trước
khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 5 năm 2014. AFP
photo
Ngay từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường biển, vào thời
điểm ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lên tiếng với báo giới, Đại biểu
Quốc hội Dương Trung Quốc, từng nói rằng đây là một việc lớn, không chỉ cán bộ
cấp tỉnh mà có thể giải quyết được.
“Không những nó liên quan đến việc
lợi dụng quyền cán bộ mà nó còn liên quan đến những chính sách. Tôi đề nghị phải
xem xét lại tất cả.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhìn lại sự việc và khẳng định
không được ban lãnh đạo cấp cao thời đấy đồng ý thì việc cấp phép không thể xảy
ra.
“Từ gốc, từ lúc người ta có chủ trương đầu
tư, tiến hành những biện pháp cấp phép nhanh chóng, tôi không tin chỉ là 1 người
nào đấy gọi là người chịu trách nhiệm chính về việc này.”
Và thực chất những động thái tiếp sau đó của Bộ
Chính trị và Đảng Cộng sản Việt Nam như kỷ luật, cắt chức hàng loạt cán bộ cao
cấp có liên quan vụ Formosa và cả những vụ án khác, đưa nhiều thông tin về câu
chuyện người nổi tiếng trong showbiz làm từ thiện… mặc dù đã lấy đi rất nhiều sự
quan tâm của dư luận, nhưng vẫn không thể xoá tan những đám khói đen mịt mùng
ngày đêm thải ra từ nhà máy công nghiệp Formosa. Càng không thể làm cho người
dân quên đi thảm hoạ môi trường đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Việt Nam.
Vì không thể quên đi và không bị đánh lạc hướng bởi
nhà cầm quyền Việt Nam, những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền trong và ngoài
nước đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi sự minh bạch và giải quyết trách nhiệm. Họ
phản ứng bằng những cuộc xuống đường khắp cả nước cùng với biểu ngữ “Formosa
cút khỏi Việt Nam”.
Cũng từ đó mà rất nhiều nhà lên tiếng, blogger bị bắt
theo điều 88 và 258 Bộ luật hình sự Việt Nam.
“Từ kỷ luật cho đến đền bù, tìm cách đàn
áp tất cả cuộc lên tiếng của người dân ở miền Trung và nơi khác để làm sao chuyện
này từ tai hoạ biến thành sự cố, từ sự cố lớn thành nho nhỏ, rồi theo thời gian
sẽ im đi.”
Cá vẫn chết, thuyền vẫn
neo
“Bây giờ mà trở lại ngư trường như trước
đây là không thể. Nó
phải có thời gian.
Cái đáng tiếc
là chúng ta đã để cho Formosa thải ra một lượng thải mà khắc phục thì đòi hỏi rất
lâu. Vì tác động tích luỹ, hoà tan trong nước, trầm lắng xuống, diệt tất cả những
gì gọi là cơ bản nhất của phát triển đa dạng sinh học. Dù họ không xả thải nữa
thì nó vẫn diễn ra những tác động như vậy.”
Đó là lời khẳng
định của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An sau một năm từ khi xảy ra thảm hoạ ô
nhiễm môi trường biển đến nay.
Và đó cũng chính
là sự thật mà qua những ngư dân ở các vùng biển từ Nam chí Bắc chúng tôi tìm đến
hỏi về cuộc sống của họ, những gì chúng tôi nhận được đều là những cái lắc đầu
cùng với câu nói “Biển Việt Nam không còn cá nữa.”