09.03.2017

ự thật trần trụi: Mới giải ngân 30% trong số ‘sẽ bồi thường hết 500 triệu USD’

Sự thật trần trụi: Mới giải ngân 30% trong số ‘sẽ bồi thường hết 500 triệu USD’

  Người dân biểu tình khiếu kiện Formosa. Ảnh: Internet

Trong lúc ngư dân miền Trung ngày càng kiệt quệ đường sinh nhai, những con số “bồi thường” vẫn tiếp tục nhảy múa không ngơi nghỉ.

Vào đầu tháng 2/2017, báo đảng cho biết Bộ Tài Chính đã cấp 4,680 tỷ đồng trong tổng số 500 triệu USD do Formosa bồi thường. Sau đó có báo còn tuyên giáo như một thành tích rằng số tiền 4,680 tỷ dồng này đã được “bồi thường hết” cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Bối cảnh tuyên giáo đó được lồng trong không khí phong trào biểu tình phản kháng Formosa và sự bao che của chính quyền vẫn dồn dập ở các giáo xứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình.


Nhưng đến đầu tháng 3/2017, Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn lại phát đi một thông báo cho biết tính đến ngày 18/2, 4 tỉnh đã giải ngân được 3,330 tỷ đồng trên tổng số 4,680 tỷ đồng Chính phủ đã tạm ứng cho 4 tỉnh.

Một lần nữa, những con số bồi thường lại cực kỳ bất nhất giữa các bộ ngành lên quan.

Tính từ thời điểm tháng 6/2016 là lúc chính phủ Việt Nam bất ngờ thông báo “Formosa sẽ bồi thường 500 triệu USD do thiệt hại xả thải ô nhiễm môi trường” đến nay đã hơn 6 tháng, nhưng số tiền bồi thường mới chỉ chiếm vỏn vẹn 30% trong tổng số 500 triệu USD. Tỷ lệ này là rất có “ý nghĩa” nếu đối chiếu lại lời hứa của quan chức cao cấp Nguyễn Xuân Phúc “ngư dân sẽ nhận được toàn bộ tiền bồi thường vào tháng 11/2016”.

Cũng cần nhắc lại, thủ tướng CSVN Phúc đã hứa “cuội” không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa “tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền”. Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc “thống kê thiệt hại” do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung dâng cao độ và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương. Còn nếu không có phong trào biểu tình ấy, không hiểu đến lúc nào khoản tiền bồi thường còm cõi mới dến tay những nạn nhân môi trường đã không còn đường sinh sống?

Cái lối làm việc cực kỳ tắc trách, vô cảm và chỉ chực chờ đàn áp người dân đã khiến “uy tín” của chính phủ và các chính quyền địa phương xuống đáy. Liên tiếp các đợt biểu tình phản kháng của ngư dân – giáo dân vào cận tết năm 2017 và sau tết đã chứng thực rằng người dân không còn chút nào niềm tin đối với chính quyền đang cai trị họ.

Ngay cả lời hứa “sẽ đóng cửa Formosa nếu tiếp tục vi phạm” của Thủ tướng Phúc cũng không còn giá trị gì nữa, khi đang có nhiều dấu hiệu Formosa tái diễn xả thải. Nạn ô nhiễm biển giờ đây không chỉ nằm trong khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, mà đã lan xuống phía Nam – khu vực biển Đà Nẵng. Cứ đà này, chắc chắn vùng biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng trong không bao lâu nữa.

Hơn một tháng sau tết nguyên đán năm 2017, những đợt biểu tình của ngư dân – giáo dân miền Trung lại như sóng trào dữ dội. Sài Gòn, Hà Nội và một số địa phương khác cũng hưởng ứng. Bất chấp “trung ương” bất thần lôi “tội đồ” là Võ Kim Cự – nguyên bí thư Hà Tĩnh cùng Nguyễn Thái Lai – cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường ra kỷ luật, người dân thừa hiểu đó chỉ là “chuyện nội bộ đảng đóng cửa bảo nhau”mà vẫn chưa hề có một chút thành tâm hoặc thành khẩn nào đối với lớp dân đen.

Biểu tình cũng bởi thế sẽ không thể dừng được. Không chỉ bởi số tiền giải ngân mới chỉ có 30% mà còn do ước tính thiệt hại kinh tế của vụ xả thải Formosa nhiều hơn thế gấp hai chục lần – 10 tỷ USD.

Và vì công lý phải đóng cửa Formosa !

Lê Dung / SBTN