„Khi không chiếm được lòng dân, thì chính thể cai trị phải sợ lòng
dân, như người đi đêm sợ bóng ma. Những bóng ma đó được đặt tên là “thế lực thù
địch,” “diễn tiến hòa bình,” “gián điệp nước ngoài.”“
Tháng Tư, Kẻ Thắng Sợ Người Thua
Tạp Ghi Huy Phương
Ba mươi sáu năm sau ngày
30 Tháng Tư, 1975, thực tế cho thấy rõ ràng đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ chiếm trọn
lãnh thổ miền Nam, chứ không chiếm được lòng người từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam.
Nhiều trăm nghìn người đã chấp nhận, kể cả cái chết,
bỏ làng mạc, quê cha đất tổ, tài sản để ra đi, kể cả
những người lớn lên ở miền Bắc, sau khi vào miền Nam, đã thấy rõ bộ mặt của chế
độ hà khắc, toàn trị mà lâu nay họ phải chịu đựng. Dân chúng, kể cả những
cán bộ Cộng Sản nằm trong gan ruột đảng đã tỏ thái độ bất bình, trở thành những
cá nhân hay những thế lực chống đối, điều khiến cho Việt Nam ngày nay có nhiều
nhà tù giam giữ những người bất đồng chính kiến, dù họ là những người, hay tập
thể chủ trương bất bạo động, không hề có vũ khí trong tay.
Khi không chiếm được lòng dân, thì chính thể cai trị
phải sợ lòng dân, như người đi đêm sợ bóng ma. Những bóng ma đó được đặt tên là
“thế lực thù địch,” “diễn tiến hòa bình,”
“gián điệp nước ngoài.” Lực lượng công an, với khẩu hiệu “còn đảng, còn mình,” theo Giáo Sư Carl Thayer của Học Viện Quốc Phòng Úc,
Việt Nam có lực lượng an ninh ít nhất là 6.9 triệu người.
So sánh với tổng cộng những người đi làm khoảng chừng 43 triệu, thì cứ sáu người
thì có một người làm việc cho các cơ quan an ninh.
Trang web chính thức của Bộ Công An trích lời ông Lê
Duẩn, cố tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, có câu châm ngôn cho công an “Đảng lựa chọn công an trong những người
trung thành nhất với đảng, những người chỉ biết sống chết với đảng, chỉ biết
còn đảng thì còn mình!”
Phải chăng đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn sợ thay
đổi, sợ bị lật đổ nên trong xã hội này, nhân viên y tế, thầy cô giáo thì thiếu
nhưng công an, chìm, nổi thì đứng đầy đường.
Mới vào Sài Gòn một ngày, đảng Cộng Sản đã bắt đầu sợ.
Sợ người sống, khi họ còn súng trong tay đã đành, Cộng Sản còn sợ cả người chết.
Không sợ người chết, cớ sao lại giật sập bức tượng “Tiếc Thương” và chở đem đi
vứt chỗ khác, mồ mả người lính miền Nam thì được rào chắn vây quanh như trại
tù, gọi là “Khu Quân Sự” không ai được vào, mà cũng không ai được đem xương cốt
ra.
Không sợ người chết, tại sao trong khi tro cốt của
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam được để ở chùa Quảng Hương Già lam, Gò Vấp, lại bị
chính quyền Cộng Sản bắt phải di đời đi nơi khác, vì sợ đồng bào đến hương
khói, chiêm bái.
Không những sợ người chết mà chúng còn sợ cả cái tên
người chết, dưới thời Cộng Sản, sau khi thân nhân dời mộ cố Tổng Thống Ngô Đình
Điệm và bào đệ của ông là ông Ngô Đình Nhu về Nghĩa Trang Gò Vấp, khi lập bia mộ,
chỉ được đề “Huynh” và “Đệ,” mà không được đề tên thật của hai ông. Chính quyền
nói đây là ý kiến của thân nhân Việt kiều về xây mộ, nhưng thử hỏi ai lại muốn
bia mộ của thân nhân mình không tên, không tuổi.
Kẻ thắng sợ cả người thương binh bên thua
trận,
nếu không những lần phát quà, giúp đỡ cho thương binh VNCH ở chùa Liên Trì, Sài
Gòn, vì sao lại bị công an, chặn đường, quấy nhiễu và cuối cùng phải chấm dứt
công việc đầy tính nhân đạo này.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sinh viên phản chiến
biểu tình đã trương cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, mà chính quyền Mỹ chưa sợ,
sao nay đảng Cộng Sản Việt Nam lại sợ lá cờ của VNCH trong chiến tranh qua đã
lâu và cuộc đối đầu không còn nữa.
Cộng Sản sợ luôn cả bộ quân phục của người
lính miền Nam, nếu không làm sao có vụ kết án Nguyễn Viết Dũng, bị
12 tháng tù vì tội “gây rối trật tự công cộng” trong khi Dũng tham gia cùng với
người dân ở Hà Nội phản đối việc chặt cây xanh, mà chỉ riêng mình anh bị bắt và
đưa ra tòa.
Cộng Sản Việt Nam luôn luôn sợ những người
có ảnh hưởng đến quần chúng, có đám đông hỗ trợ, tức là sợ bị lật
đổ. Do vậy các vị lãnh đạo tôn giáo của Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Công Giáo,
Tin Lành luôn luôn bị theo dõi và cô lập.
Không những Cộng Sản không được lòng dân
mà luôn luôn đứng đối lập với dân, coi dân như kẻ thù,
thậm chí coi dân như con cháu trong nhà, ngược với khẩu hiệu “đảng là đầy tớ của
dân,” như giọng khinh bạc của bà Tôn Nữ Thị Ninh: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì
để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của
chúng tôi.” Phải chăng là theo cách đàn áp, bắt bớ tù đày.
Hồ Chí Minh là một tay mị dân đã từng nói “Nước lấy dân làm gốc,” nhưng thực sự đã
hy sinh hạnh phúc của dân cho sự tồn vong của đảng. Xưa Nguyễn Trãi từng nói: “Đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là
dân!” Ngày nay dưới chế độ Cộng Sản, người dân hết sợ kẻ cai trị dân rồi,
nhưng chính phủ này đã bắt đầu sợ dân. Một thể chế mà sợ dân trước sau gì cũng
đi đến chỗ diệt vong.
Ngày nay Cộng Sản đã thống trị được toàn bộ Việt
Nam, nhưng trên thế giới ngày nay, lá cờ đỏ sao vàng chỉ thấy được treo, hay
dám treo trước cổng tòa đại sứ Cộng Sản Việt Nam ở các nước, mà lá cờ này không
thể treo bất kỳ ở đâu, dù ở một xó xỉnh nào.
Cộng Sản sợ hãi cả những người thua trận,
ngày nay đã bỏ nước ra đi. Ở thủ đô Hoa Kỳ, nhân viên Tòa Đại
Sứ CSVN không dám dùng xe ngoại giao (mang bảng số CD) đi vào khu Eden, hay Việt
Cộng về Orange County chưa dám công khai đi uống cà phê hay ăn phở ở khu Bolsa.
Ngày Thứ Bảy, 23 Tháng Sáu, 2007, Chủ Tịch Nguyễn
Minh Triết tham dự một cuộc họp tại thành phố Dana Point, miền Nam California,
đã phải vào phòng họp bằng… cửa sau. Vào ngày 17 Tháng Ba, 2015, Thủ Tướng Nguyễn
Tấn Dũng cũng được mời đến Quốc Hội New South Wales để dự họp, nhưng không được
dùng cửa trước vì sợ trứng thối, cà chua, cũng đành nhịn nhục nhờ cảnh sát dẫn
đi cửa sau.
Cái này không gọi bằng sợ, thì gọi bằng gì?
Huy Phương
April 17, 2016