18.06.2017

Đi tìm 100 truyện ngắn hay nhất? - Viên Linh

Đi tìm 100 truyện ngắn hay nhất?

Viên Linh
Bìa các tuyển tập truyện ngắn. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Không một ai có thể lập được một danh sách 100 truyện ngắn hay, nhất là 100 truyện ngắn Việt Nam. Song, nếu một người không làm được, tôi tin nhiều người có thể làm được.


Câu hỏi trên không phải mới đây có người đặt ra, mà từ hồi 20 năm văn học miền Nam Việt Nam (1954-1975), đã có người đặt ra rồi. Có một cách để trả lời gần với sự thật nhất là hãy kiểm điểm những tuyển tập truyện ngắn từ trước đến nay.

Nhìn tổng lược, rồi chọn lọc lại một lần nữa, ta sẽ có một danh sách chọn lọc của các cuộc chọn lọc.

Trước hết hãy đi từ xa tới gần.

-1962, “Hai Mươi Nhà Văn Hai Mươi Truyện Ngắn,” nhà xuất bản Phù Sa.
Đây là tuyển tập truyện ngắn sớm nhất tại miền Nam, hình thành chỉ mới bảy năm sau ngày 20 Tháng Bảy, 1954. Chỉ mới bảy năm sau chia cắt đất nước người ta đã xuất bản được một tuyển tập gần 300 trang. Nhóm thực hiện phải là những người có sẵn cơ sở, và đã hoạt động từ trước với những liên hệ báo chí hay sinh hoạt chữ nghĩa khác.

Phù Sa như người ta biết là nhóm nhà văn miền Nam, mà người trẻ nhất và hoạt động mạnh là nhà văn Ngọc Linh. Nhóm Ngọc Linh còn có người chủ trương một tờ tuần báo nổi tiếng, là tờ Nhân Loại.

Các tác giả có truyện đóng góp trong tuyển tập này là Bình Nguyên Lộc, Cao Hữu Huấn, Kiêm Minh, Lê Vĩnh Hòa, Lưu Nghi, Sơn Nam, Thanh Nam, Trang Thế Hy, Tiêu Kim Thủy, Tuyết Hương… Họ cũng mời tham dự một số nhà văn khác cho đủ ba miền như Vĩnh Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Mặc Đỗ. Nơi liên lạc của nhà xuất bản Phù Sa là nhà sách Việt Hương tại đường Lê Lợi, Sài Gòn.

Những truyện ngắn điển hình là “Con Muỗi” của Mặc Đỗ, “Tư” của Thanh Tâm Tuyền.

-1963, “Tuyển Tập Truyện Ngắn Việt Nam,” nhà xuất bản Văn Hữu Á Châu.

Một năm sau tuyển tập truyện ngắn thứ hai xuất hiện, lại chỉ có 12 tác giả và 12 truyện, lại dùng sáng tác của vài nhà văn tiền chiến như Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nam Cao. Sự có mặt của những người này cho thấy ban tuyển chọn có một tham vọng nhiều tính toán hơn là văn nghệ, và nhất là những Nam Cao, Khái Hưng không còn nữa. Có ba truyện ngắn mang điển hình khả dĩ là “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” của Doãn Quốc Sỹ, “Truyện Một Người Đòi Trả Nợ Cho Dân Tộc” của Nguyễn Mạnh Côn và “Ả Hẩu” của Đỗ Tốn.

-“Tuyển Truyện 12 Tác Giả,” nhà xuất bản Hoàng Đông Phương (Nguyễn Thị Hoàng). Không rõ năm, nhiều tác giả không phải là nhà văn mà là họa sĩ hay nhà viết tham luận tùy bút.

-1969, “Tuyển Tập Truyện Ngắn Tiền Chiến” của Hoa Tiên Sài Gòn xuất bản. Chỉ có hai ba người lúc ấy ở miền Nam và thỉnh thoảng có sáng tác là Phan Du, Nguyễn Văn Xuân. Chỉ nên lưu ý hai tác giả này.

-“Tuyển Tập Truyện Tình,” báo Văn xuất bản.

-“Tuyển Tập Truyện Thời Chiến,” báo Văn xuất bản.

-“Tuyển Truyện Sáng Tạo,” Mai Thảo xuất bản.

-1973, “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Chúng Ta,” “Sóng” (Nguyễn Đông Ngạc xuất bản). Dày 790 trang, 45 nhà văn 45 truyện ngắn. Đây là tác phẩm công phu nhất, trong số vừa kể.

Cộng lại các truyện ngắn từ những cuốn trên, ta có trên 100 truyện ngắn. Chúng tôi rất tiếc không có “Tuyển Tập Truyện Tình,” “Tuyển Tập Truyện Thời Chiến” do báo Văn xuất bản, và “Tuyển Truyện Sáng Tạo,” cả ba cuốn này gồm khoảng 30 truyện mà thôi.

Người viết bài này chỉ đưa ra gợi ý, mà như đã nói, chỉ một người không thể làm nổiTuyển Tập Những Truyện Ngắn Việt Nam Hay Nhất.” Sự lựa chọn cũng cần một phối hợp các quan điểm, không thể là một quan điểm duy nhất.

Dưới đây là những quan điểm khác nhau của một số tác giả khi bàn về truyện ngắn. Xin dùng để gợi ý:

-Nhà văn Mặc Đỗ:

“Hồi mới tập viết văn tôi được khuyên nên bắt đầu tập viết truyện ngắn vì truyện ngắn đòi hỏi công phu gạn lọc rất lợi cho sự tập tành.

“Sau nay đã tập tành nhiều tôi nhận thấy lời khuyên đó đúng, giống như những người con khi đã trở thành cha mẹ hiểu tâm trạng của cha mẹ mình khi ngày xưa mắng con ‘rát cổ bỏng họng.’

“Bây giờ tôi nghĩ thêm rằng khởi sự tập viết truyện ngắn, tới khi viết nhiều, quen với thể truyện dài, thường quay về tập tành lại với truyện ngắn có cái thú ghê lắm. Truyện ngắn viết theo lối bây giờ lại càng khó hơn nữa, khó vì thoạt nhìn tưởng rằng dễ.

“Nói chung về chuyện viết, lúc nào tôi cũng nghĩ rằng kỹ thuật là vấn đề quan trọng. Không có tư tưởng hay không muốn gởi gấm một tư tưởng gì tất nhiên không có sự cần thiết phải viết…”

-Nhà văn Sơn Nam:

“Độc giả ít khi nào chịu theo dõi một truyện ngắn mà năm mười hàng đầu không có gì hấp dẫn. Truyện ngắn muốn có tác dụng phải chứa đựng một triết lý, triết lý to hay triết lý vụn. Có chút ít triết lý, độc giả mới nhớ tới truyện ngắn. Nhưng không khéo lại trở thành cái bịnh triết lý ba xu.

Nhập đề truyện ngắn đã khó, kết luận lại càng khó hơn, vì tác giả chỉ kết thúc truyện ngắn với đôi ba hàng chữ, hoặc không có hàng chữ nào cả.”

-Nhà văn Mai Thảo:

“Truyện dài là ý thức của sáng tác. Truyện ngắn là tình cảm của sáng tác… Không đúng hẳn. Nhưng gần như thế. Bằng trường hợp riêng của mình suy nghĩ ra, tôi tìm thấy tại sao truyện ngắn là thể thịnh hành nhất sáng tác chúng ta hiện nay… Trong truyện ngắn người viết không cần thiết phải biểu hiện nhận thức toàn vẹn và cuối cùng của mình trước toàn thể. Cho nên có những đối tượng sáng tác chỉ tới được truyện ngắn, không đủ cho truyện dài. Điều tôi muốn nói: truyện ngắn là một thể hiện không điều kiện. Anh muốn viết gì được tất.”

-Nhà văn Võ Phiến:

“Có người nói chuyện (Võ Phiến dùng ‘ch’) ngắn khuôn khổ chật hẹp, khó xoay trở, lại dễ lộ những tì vết nhỏ nhặt, thành ra người viết phải mất nhiều công phu ý tứ. Nhưng mỗi loại có những đòi hỏi riêng về kỹ thuật, đã sử dụng nó thì hãy chịu khó thỏa mãn, hơi đâu than van. Điều đáng phàn nàn là cho dù toàn hảo đi nữa, một truyện ngắn cũng có vẻ xinh xắn, nhỏ nhắn, có vẻ ‘tác phẩm mỹ thuật’ quá; nó để lộ bàn tay trau chuốt, và nhất là thường để lộ cái dụng ý của người sáng tác. Trong khi ấy thì cuộc sống lại mênh mông, lại hỗn tạp, không sắp đặt, cuộc sống lại không hề có dụng ý.”


Người Việt