Theo báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền vào
ngày thứ Hai vừa qua, các blogger và nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục bị đánh
đập và đe dọa. Tổ chức này cũng kêu gọi chính quyền Cộng sản phải chấm dứt ngay
các hành động này và giải trình trách nhiệm.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền đã mô tả 36 vụ việc
trong đó có những người mặc thường phục đã đánh những nhà hoạt động và blogger
trong khoảng thời gian từ tháng Một năm 2015 đến tháng Tư năm 2017, và để lại
những vết thương rất nghiêm trọng.
Mặc dù có những cải cách về kinh tế cũng như cởi mở
hơn trong các vấn đề xã hội, nhưng đảng Cộng sản vẫn thắt chặt kiểm soát truyền
thông và không nhân nhượng những ý kiến chỉ trích.
Với sự kiểm soát thông tin chặt chẽ của chính phủ, một
số nhà bất đồng đã sử dụng blog để nói lên tiếng nói của họ. Bên cạnh đó, mạng
xã hội Facebook cũng được sử dụng rất phổ biến.
Rất nhiều nạn nhân báo cáo lại rằng tại thời điểm họ
bị đánh, có sự xuất hiện của công an tại đó nhưng họ không hề can thiệp. Ở Việt
Nam, công an thường xuyên đẩy các nhà hoạt động lên xe thùng hoặc xe buýt để
ngăn cản họ không được biểu tình trên đường phố.
Ông Brad
Adams, giám đốc của tổ chức Quan sát
Nhân quyền khu vực châu Á, cho biết “Chính phủ Việt Nam cần phải hiểu là việc làm lơ trước những
hành vi bạo lực này sẽ dẫn đến tình trạng vô pháp luật và bất ổn thay vì ổn định
trật tự xã hội mà nó đang cố gắng đạt được.”
Tính đến tháng Một vừa qua đã có ít nhất
112 blogger và nhà hoạt động đang phải ngồi tù; con số này đã giảm từ 130 người
hồi cuối năm 2015.
Tổ chức này cho biết, số lượng tù nhân chính trị giảm
xuống đi kèm với các vụ đánh đập tăng lên trong thời gian Việt Nam đàm phán hiệp
định thương mại với Hoa Kỳ.
Trong một bản tuyên bố, tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam là điểm then
chốt trong các vụ đàm phán. Có thể chính phủ Việt Nam đã giảm các vụ bắt bớ và
xét xử án chính trị xuống nhưng họ lại tìm cách khác để đàn áp những nhà bất đồng
chính kiến.”
Việt Nam phủ nhận bản báo
cáo.
Tổ chức này cho biết, 35 trong số 36 vụ được đề cập
đến trong báo cáo của họ không hề tìm ra thủ phạm hay có ai bị truy tố dù các nạn
nhân đều khai báo với công an là họ bị đánh đập.
Phía Việt Nam đã phủ nhận bản báo cáo này đồng thời
khẳng định đã hành động theo các công ước công tế về quyền con người.
Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại
giao, gửi đến Reuters như sau “Bản báo cáo này dựa trên những thông tin sai lệch
và thiếu tính khách quan về tình hình tại Việt Nam.”
Bản báo cáo được thực hiện sau cuộc gặp gỡ giữa tổng
thống Donald Trump và thủ thướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là cuộc hội đàm giữa Nhà
Trắng và một lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên kể từ khi tổng thống Trump nắm quyền
hồi tháng Một.
Qua một bản tuyên bố chung bao gồm một phần ngắn về
“tầm quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền,” chuyến thăm của ông
Nguyễn Xuân Phúc đã bị chi phối bởi mối quan hệ kinh tế đang có nhiều cải thiện,
với việc ký kết các thỏa thuận kinh tế trị giá hàng tỉ USD.
Tổng thống Trump và các trợ lý của ông gần như đã bỏ
qua vấn đề nhân quyền trong các thỏa thuận với các chính phủ độc tài, bao gồm cả
Ả Rập Saudi, một đồng minh của Hoa Kỳ mà ông Trump đã đến thăm tháng trước, nơi
mà đảng phái chính trị và biểu tình bị cấm tiệt.
Chính quyền của tổng thống Trump đã thẳng thắn bày tỏ
rằng chính sách “Nước Mỹ trước nhất” sẽ ưu tiên những lợi ích về kinh tế và an
ninh.
Athena chuyển ngữ
Dịch giả gửi đến Dân Luận