04.07.2017

Quá trình đấu tranh của trí thức và giới trẻ Việt Nam

„…những tiếng nói của tuổi trẻ sẽ tiếp nối thế hệ đàn anh, khi tuổi trẻ bước qua nỗi sợ hãi để nói lên khát vọng tự do.“

Quá trình đấu tranh của trí thức và giới trẻ Việt Nam

Chu Chỉ Nam & Vũ Văn Lâm
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước, khi đất nước lâm nguy bởi giặc ngoại xâm hay triều đình thối nát, tức thời lực lượng trí thức cùng giới trẻ Việt Nam can đảm nhận lãnh trách nhiệm tranh đấu để bảo vệ xứ sở, truất phế những kẻ bất tài bán nước.


Từ ngày Cộng sản Việt Nam lên nắm chính quyền, năm 1945 tại miền bắc và năm 1975 trên toàn đất nước, chưa lúc nào đất nước suy đồi như ngày hôm nay. Trong thì đàn áp người dân, ngoài thì cấu kết với ngoại bang bán lần biển đảo - đất liền, toa rập với những hãng xưởng ngoại quốc đầu độc môi trường, giết hại lần mòn nhân dân cả nước.

Chúng tôi xin lược qua những cuộc đấu tranh điển hình của tiền nhân và giới trẻ hiện nay.

1. Các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của nước ta dưới sự lãnh đạo của các bậc tiền nhân (kẻ sĩ)

Từ ngàn xưa, lịch sử Việt Nam đã chứng minh: khi đất nước lâm nguy, thành phần trí thức và giới trẻ Việt Nam luôn đứng lên lãnh đạo quần chúng, cứu nguy dân tộc:

Hai bà Trưng dòng dõi con cháu Lạc tướng, hậu duệ quan văn, quan võ thời vua Hùng khởi nghĩa chống quân Đông Hán vào năm 40-43 sau công nguyên.

Ngô Quyền là người có học, cha ông làm chức châu mục Phong châu. Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam.

Đến thời nhà Lý giai tầng trí thức ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Trường Quốc Tử Giám đầu tiên được thành lập, đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Những áng thơ văn nổi tiếng của thiền sư Mãn Giác. Bài thơ hùng hồn, bất khuất, xác định chủ quyền Quốc gia, chống quân Tống của Lý thường Kiệt được lưu truyền cho đến ngày nay:

Sông núi nước Nam thì vua nước Nam cai quản.
Rõ ràng đã được phân chia tại sách Trời.
Cớ sao bọn giặc ngỗ ngược đến đây xâm phạm.
Rồi đây chúng bay sẽ thấy và nhận được sự thất bại hoàn toàn.

Dưới thời nhà Trần, đất nước chúng ta có một vị vua và đồng thời cũng là một bậc thiền sư nổi tiếng, vua Trần nhân Tông lập ra Thiền Trúc Lâm. Đức thánh Trần hưng Đạo đã vang danh với Hịch Tướng Sĩ, chỉ huy quân đội Đại Việt ba lần đẩy lùi quân Nguyên – Mông trong thế kỷ 13 (1258-1288).

Khi quân Minh xâm lăng Việt Nam, Nguyễn Trãi là vị anh hùng rất trẻ tuổi, năm 20 tuổi đã đỗ Thái học sinh, năm 27 tuổi viết xong sách lược Bình Ngô để giúp vua Lê Lợi đánh bại quân Minh giành lại độc lập cho nước nhà.

Vào thế kỷ thứ 19 đất nước ta lại bị thực dân Pháp đô hộ. Giới trẻ Việt Nam lại phải đứng lên kháng Pháp.

Hình ảnh trẻ trung, can trường của vua Duy Tân vẫn ghi mãi trong tâm khảm của dân Việt. Vào năm 1915 nhà vua mới 15 tuổi, vua ra Cửa Tùng nghỉ mát. Một hôm nhà vua hỏi quan thị vệ: Tay bẩn thì lấy nước để rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa? Quan thị vệ không biết trả lời sao. Vua Duy Tân liền nói: Nước bẩn thì lấy máu mà rửa.

Trong những thập niên 1930 – 1940 giới thanh niên trí thức Việt Nam vẫn luôn can đảm đứng lên chống Pháp. Nguyễn Thái Học rời nhà đi đấu tranh lúc 23 tuổi, Nguyễn thị Giang lúc 20 tuổi. Mặc dầu hấp thụ nền văn hóa Pháp, giới trí thức trẻ Việt Nam như Trương Tử Anh, Lý Đông A, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Khái Hưng v.v… đã đấu tranh chống Pháp rất mạnh mẽ.

2. Cộng sản Việt Nam hủy hoại giai tầng trí thức và trù dập, giết hại những người có học

Năm 1911 Hồ chí Minh vừa học xong lớp nhất, kết thúc chương trình tiểu học, ông xin xuống tàu Latouche Treville làm công và sang Pháp. Năm 1923 ông Hồ học hai năm ở trường Đông Phương của Nga sô, trường này không có trình độ văn hóa của đại học; các học viên chỉ được dạy để trở thành đảng viên, mật vụ, trung thành với cộng sản quốc tế Nga sô.

Vì ít học, lại được Nga sô, Trung cộng dạy dỗ cho sự thù hằn giai cấp, ghen ghét giới có học. Do đó khi nắm được chính quyền, ông Hồ đã phá nát giai tầng trí thức của đất nước. Các nhà trí thức như Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh, Lý Đông A, Khái Hưng, Tạ Thu thâu, Nguyễn An Ninh đều lần lượt bị đảng Cộng sản giết hại.

Sau khi chiếm được miền Bắc 1954, Hồ chí Minh đã triệt hạ giai tầng trí thức qua vụ án Nhân dân Giai Phẩm. Tương tự tại miền Nam sau 1975, cộng sản Việt Nam lại một lần nữa bỏ tù thành phần văn nghệ sĩ, thiêu hủy sách báo miền Nam với chiêu bài diệt văn hóa “Đồi trụy”.

3. Thành phần giới trẻ, trí thức đấu tranh hiện nay ở Việt Nam


Sau khi đánh phá tan nát các tổ chức dân sự, thành phần trí thức, Cộng sản Việt Nam vội thành lập các tổ chức để phục vụ cho đảng như hội nhà báo, hội nhà văn, hội phụ nữ v.v… Hiện nay chính quyền Hà Nội đàn áp rất khắc nghiệt những tiếng nói đòi tự do - dân chủ, các tổ chức tranh đấu cho quyền sống của người dân, hay tiếng nói chống âm mưu bành trướng, thủ đoạn đầu độc nhân dân của Tàu Cộng.

Năm 2007 Luật sư Nguyễn Văn Đài bị tuyên bố 4 năm tù, sau khi mãn tù Luật sư Đài lại bị bắt giam lại vào tháng 3/2015, vì đòi hỏi quyền Tự do Ngôn luận.

Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - chỉ muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp, đòi hỏi nhà nước Cộng sản Việt Nam phải làm sáng tỏ âm mưu thải chất độc của Formosa mà bị cộng sản xử 10 năm tù.

“Tôi mong muốn xây dựng một xã hội và đất nước tốt đẹp. Một quốc gia chỉ tự cường khi nó luôn gắn liền với nền tảng một xã hội mà người dân có tự do và hạnh phúc. Tôi mong rằng mọi người sẽ lên tiếng và đấu tranh, vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình để xây dựng một đất nước tươi đẹp hơn”. (Lời của Mẹ Nấm).

Mặc dù cộng sản đàn áp rất dã man các nhà đấu tranh cho Tự do - Dân chủ, các hội đoàn tranh đấu cho Nhân quyền, nhưng thế giới và đồng bào trong nước vẫn ủng hộ mạnh mẽ những người tranh đấu, những tù nhân lương tâm.

Luật sư Đài đã nhận được nhiều giải thưởng từ các tổ chức nhân quyền quốc tế. Ngày 5 tháng 4 năm 2017 Tổng thống Đức đã trao giải Nhân quyền cho luật sư Đài. Trước và sau phiên tòa xử Mẹ Nấm, rất nhiều những tiếng nói trong cũng như ngoài nước lên tiếng ủng hộ, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần hy sinh, can đảm của bà. Bà Tuyết Lan (mẹ của Blogger Mẹ Nấm), tuy tuổi già, chịu nhiều đe dọa khủng bố từ chính quyền vẫn khẳng khái tuyên bố “Mẹ luôn đồng hành với con đi hết cuộc đời này”.

“Quỳnh là ai và đã làm gì để người ta phải căm thù chị như vậy?
Chị là một nhà hoạt động nhân quyền. Chị yêu đất nước, con người Việt Nam. Vì yêu mãnh liệt, nên chị mong muốn Việt Nam thay đổi, trở nên tự do và dân chủ, để người dân được sống hạnh phúc, những đứa con của chị được lớn lên trong niềm vui hồn nhiên của những đứa trẻ bình thường ở một đất nước bình thường. Chị mong muốn thiên nhiên, môi trường ở xứ sở này mãi xanh, biển mãi dồi dào cá, không khí mãi trong lành, và Nha Trang của chị sẽ mãi là một thành phố du lịch xinh đẹp bên bờ đại dương.” (Blogger Đoan Trang).

“Tôi thấy bàng hoàng trước việc nhà hoạt động, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án 10 năm tù giam. Bản án vì động cơ chính trị rõ ràng này đã đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết. Mức án nặng còn cho thấy sự bất hợp lý và thiếu cân nhắc đối với quyền căn bản về tự do biểu đạt và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo.” (Tuyên bố của Đặc ủy nhân quyền bộ ngoại giao Đức).

Bà Nauert, đại diện bộ ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam “thả Mẹ Nấm và tất cả những tù nhân lương tâm khác ngay lập tức và cho phép các cá nhân Việt Nam quyền tự do biểu đạt và hội họp mà không sợ bị trả đũa”.

Bắt chước theo Tàu Cộng, Cộng sản Việt nam luôn tìm cách cấm đoán tiếng nói của giới trẻ và thành phần có học. Nhưng những tiếng nói vì Quê hương Đất nước, vì Tự do - Dân chủ sẽ không bao giờ bị dập tắt.

Trong nhà tù, trong một bài thơ gửi mẹ, anh Trần Huỳnh Duy Thức khẳng định, không bao giờ lùi bước, quyết tiếp tục đấu tranh.

“Đường đã mở con quyết bước không chờn
Cho ngày mai Việt Nam mình xán lạn
Dâng lên mẹ nứt căng tràn cuộc sống.”
(Thơ gửi mẹ của Trần Huỳnh Duy Thức).

Và chị Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước tòa án cộng sản ngày 29 tháng 6 năm 2017, chị cũng khẳng định với mẹ: Chị sẽ tiếp tục con đường đấu tranh, mà chị đã theo đuổi.

“Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nhưng dù được làm lại con vẫn làm như vậy.” (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh).

Một biểu hiện rõ rệt nhất, những tiếng nói của tuổi trẻ sẽ tiếp nối thế hệ đàn anh, khi tuổi trẻ bước qua nỗi sợ hãi để nói lên khát vọng tự do. Và khi toàn dân hiểu rằng vì sự sống còn của chính mình phải tự đứng lên để chấm dứt một chế độ hèn với giặc (Tàu Cộng), ác với dân.

  © Diễn Đàn Người Dân ViệtNam