„Yêu thương và chia sẻ, luôn là món quà lớn nhất mà con người qua
đó có thể vun tạo nhân tính của mình, để gìn giữ phẩm hạnh giữa thời bỉ cực.“
Tình thương sẽ tạo nên hiệu ứng đoàn kết
Tuấn
Khanh
Năm 2011, nghệ sĩ Ngải Vị Vị bị chính quyền Trung cộng tuyên phạt số tiền 12 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2 triệu Mỹ kim. Đó là một trong những đòn phép mới mẻ, mà chính quyền Trung cộng đắc ý, nghĩ rằng sẽ tạo được không khí khủng bố đối với những người bất đồng chính kiến.
Năm 2011, nghệ sĩ Ngải Vị Vị bị chính quyền Trung cộng tuyên phạt số tiền 12 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 2 triệu Mỹ kim. Đó là một trong những đòn phép mới mẻ, mà chính quyền Trung cộng đắc ý, nghĩ rằng sẽ tạo được không khí khủng bố đối với những người bất đồng chính kiến.
Thế nhưng âm mưu của nhà cầm quyền đã thất bại. Bất ngờ, những người dân ủng hộ quan điểm của nghệ sĩ Ngải Vị Vị đã cùng nhau góp tiền giúp cho con người tài năng và tự do đó đóng phạt. Tiền được gửi qua bưu điện, qua tài khoản, thậm chí có những người đi qua nhà ông, ném tiền vào nhà rồi chạy đi.
Câu chuyện này là ví dụ về phần thất bại không thể lường trước của các chính sách trấn áp và sách nhiễu người bất đồng chính kiến, từ chính quyền độc tài. Sau sự kiện của ông Ngải Vị Vị, có thêm nhiều người bị chính quyền cộng sản Trung Hoa tìm cớ phạt, cũng được dân chúng giúp góp tiền như vậy. Hiệu ứng từ việc đoàn kết này, biến các trò sách nhiễu và chế tài của nhà cầm quyền thành cơ hội để nhân rộng người cùng tư tưởng và khiến sự răn đe trở thành trò hề.
Trong sự kiện blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị tuyên án 10 năm tù, đã xuất hiện hàng loạt các dự án gọi nhau đóng góp ngân sách nuôi nấng cho 2 đứa trẻ phải xa mẹ. Dù không diễn ra trên bề mặt xã hội, nhưng từ các email, các tin nhắn… các chương trình kêu gọi đóng góp cho các con của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xuất hiện liên tục. Chỉ riêng bản thân mình, tôi đã nhận được ít nhất là 3 lời mời từ các nhóm khác nhau trong 2 ngày.
Những lời mời gọi như vậy thật cảm động. Nó cho thấy một mặt khác của tòa án, của luật lệ, là con người và lẽ phải, là sự thật.
Nhưng sự cảm động và chia sẻ, cũng cần một cái nhìn rộng hơn, để không biến thành một phong trào của chủ nghĩa thần tượng / sùng bái cá nhân riêng lẻ.
Trong trường hợp cần phải nghĩ đến, xin mọi người đừng quên chị Trần Thị Nga, cũng với 2 con nhỏ đang hiu hắt chờ mẹ. Chị Trần Thị Hồng, vợ mục sư Nguyễn Công Chính – dù đang ở ngoài nhưng vô cùng vất vả để nuôi dưỡng con cái và chờ chồng ra tù. Và gần đây, có cả trường hợp vợ của giáo sư Phạm Minh Hoàng đột nhiên phải một mình gồng gánh cả gia đình sau khi chồng bị trục xuất. Vẫn còn nhiều nữa những trường hợp như vậy, nếu như liệt kê và tìm hiểu, sẽ nhìn thấy hầu hết đều là những phụ nữ gặp khó khăn vì phải đối diện với chính trị, với lý tưởng, với tranh đấu cho mình và cho người chung quanh.
Có lẽ, lúc này, điều cần thiết là thành lập một Quỹ trợ giúp những người phụ nữ như Mẹ Nấm – mà cô đang là một hình ảnh gợi ý, một cơ hội tập hợp, nhắc mọi người có lòng, muốn chia sẻ rằng có rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam như vậy đang tồn tại quanh chúng ta. Họ đã đứng lên thay chúng ta, nói thay chúng ta, và chịu khốn khó thay cho chúng ta.
Yêu thương và chia sẻ, luôn là món quà lớn nhất mà con người qua đó có thể vun tạo nhân tính của mình, để gìn giữ phẩm hạnh giữa thời bỉ cực.
Và nếu đó là món quà không chỉ bộc phát cho một con người, trong một tình cảnh nhất định bùng phát từ truyền thông – mà là ý thức và tình người phát đi đến mọi nơi – thì đó chính là hạnh phúc cho người mà cho cả chúng ta. Mong thay.
Tuấn Khanh