03.07.2017

Tổng thống Đức nêu vụ Mẹ Nấm?

Tổng thống Đức nêu vụ Mẹ Nấm?

Tổng thống Đức (phải) trao giải thưởng về nhân quyền cho đại diện của luật sư Nguyễn Văn Đài hồi tháng Tư năm nay.

Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Đức vào cuối tuần này, và nhiều khả năng, vấn đề nhân quyền qua vụ kết án blogger Mẹ Nấm sẽ nổi lên trong cuộc đối thoại.


Thông tin trên trang web của nguyên thủ Đức cho biết rằng ông Frank-Walter Steinmeier sẽ trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 6/7, khi người đứng đầu chính phủ Việt Nam tới thăm.

Đức là một trong số các quốc gia đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích việc Hà Nội mới kết án 10 năm tù đối với bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm.

Hôm 30/6, bà Bärbel Kofler, đại diện về nhân quyền của chính phủ Đức, cho biết rằng bà “bàng hoàng” trước án tù mà bà nói có “động cơ chính trị” và “đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết”.

“Mức án nặng còn cho thấy sự bất hợp lý và thiếu cân nhắc đối với quyền căn bản về tự do biểu đạt và tự do báo chí được Hiến pháp Việt Nam đảm bảo”, bà Kofler nói trong một thông cáo.

Viên chức về nhân quyền của Đức nói tiếp: “Bản án khiến tôi đau buồn khi nghĩ đến số phận của chị Quỳnh và hai con vị thành niên của chị ấy. Điều đáng buồn nữa là chính phủ Việt Nam không tận dụng tiềm năng của các công dân tận tâm cho việc thúc đẩy sự phát triển đất nước. Tôi hy vọng rằng tòa sẽ tuyên vô tội ở phiên xét xử phúc thẩm”.

Bà Quỳnh trong phiên xử ngày 29/6.

​Vấp phải chỉ trích từ các nước và nhiều tổ chức, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng nói rằng bà Quỳnh đã được xử “đúng theo các quy định pháp luật Việt Nam”.

Đức là một trong số các quốc gia phương Tây đã mạnh mẽ thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hồi tháng Tư vừa qua từng gặp người đại diện cho luật sư Nguyễn Văn Đài tới nhận giải thưởng về nhân quyền mà nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù này được Liên đoàn Thẩm phán Đức trao tặng. Vợ ông Đài, bà Vũ Minh Khánh, hồi cuối năm 2016 cũng đã tới Đức vận động cho tự do của chồng bà.

Chính vì các lý do trên, mà một số nhà quan sát nhận định với VOA Việt Ngữ rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam, nhất là vụ blogger Mẹ Nấm, có thể sẽ nổi lên trong chuyến công du Đức của Thủ tướng Việt Nam.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phúc tới thăm Đức và Hà Lan từ ngày 5 tới 11/7 để “củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Đức, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và đối tác chiến lược về nông Nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Hà Lan”.

Tin cho hay, tại Đức, nhà lãnh đạo này “dự kiến có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hội kiến Tổng thống Đức, gặp lãnh đạo quốc hội và một số bộ, ngành, các doanh nghiệp lớn của Đức; tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức”.
Tính tới ngày 2/7, trang web của chính phủ Đức chưa thấy xác nhận cuộc gặp giữa bà Merkel và ông Phúc.


VOA