19.07.2017

TỪ LƯU HIỂU BA NHÌN VỀ TRÍ THỨC DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN - Ngô Quốc Sĩ

„Những ngôi sao Solzhenitzyn, Sakharow, Lưu Hiểu Ba, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài.. sẽ mãi mãi ngọn hải đăng  soi đường dân chủ thế giới..“

TỪ LƯU HIỂU BA NHÌN VỀ TRÍ THỨC DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN  

Ngô Quốc Sĩ
Công sản được mệnh danh là chế độ chuyên chính vô sản, đại biểu của giai cấp lao động, nên  luôn luôn đối nghịch với trí thức. Thậm chí, cộng sản còn coi trí thức thua cả cục phân, nên tìm mọi cách tiêu diệt trí thức. Sự kiện nhà đấu tranh nhân quyền Lưu Hiểu Ba bị Trung cộng bỏ tù và kềt liễu đời mình trong ngục tối vì bệnh ung thư là một thể hiện cụ thể cuộc đối đầu giữa trí thức và cộng sản.

         Thực vậy, không phải chỉ có Trung cộng ngược đãi trí thức, mà  cộng sản nói chung, từ xưa tới nay vẫn luôn luôn áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt trí thức.


Tại Liên Sô, hẳn người ta còn nhớ Solzhenitzyn và Sakharow đã phải khốn đốn thế nào dưới thời Sô Viết. Solzhenitzyn là một nhà trí thức sáng chói, đã bị bắt về tội “phỉ báng lãnh tụ" và bị đưa đi trại tù lao động khổ sai hơn 7 năm và lưu đày trong vùng băng tuyết Tây Bá lợi Á gần 4 năm. Ngày đầu tại trại tù lao động khổ sai, ông nói: "Không một ai có thể ngăn chận con đường đi của tôi, con đường tiến về sự thật; tôi sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng sự thật."  Năm 1970, ông được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel văn chương với tác phẩm "Một ngày trong đời của Ivan Denisovich" với lời tuyên dương  như sau: “ Vì sức mạnh đạo đức mà ông đã theo đuổi trong truyền thống sâu sắc cao quý của văn chương Nga”. Ông đã không đi nhận giải thưởng vì biết chắc khi đã ra đi là ông sẽ không được trở về. Ông chỉ nhận giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1974, sau khi ông bị trục xuất ra khỏi Liên Xô.

 Còn nhà khoa học Andrei Sakharov đã đóng vai chủ chốt trong việc phát triển bom khinh khí hạng nặng của Liên Xô, nhưng từ năm 1960 ông tích cực chống việc phổ biến vũ khí hạt nhân, vì nhận thấy các nghiên cứu của mình bị sử dụng cho mục đích chính trị, Tháng 1 năm 1980 ông bị chính quyền bắt giữ sau khi công khai chỉ trích hành động can thiệp vào Afghanistan năm 1979, và bị đưa đi “nghỉ mát” tại thành phố tuyết lạnh Gorky. Năm 1975, Sakharov được đề cử nhận giải Nobel Hoà bình, nhưng ông không được rời Liên Xô để lãnh giải.

Tại Trung cộng, chính sách tru diệt trí thức đã được Mao Trạch Đông phát động trong “cuộc cách mạng văn hóa”, nhằm đốt hết sách vở thánh hiền và giết sạch nho gia, còn tàn ác hơn bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Hôm nay,  Lưu Hiểu Ba, một nhà trí thức Trung cộng, chính là nạn nhân tiêu biểu của chủ trương bất nhân đó. Từ năm 1989 đến nay, ông đã bị kết án tù và lao động khổ sai bốn lần vì các hoạt động chính trị hòa bình của mình, bắt đầu với việc tham gia cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Ngày 23 tháng 6 năm 2009, ông bị bắt với tội danh  "xúi giục chống phá nhà nước." và bị kết án 11 năm tù và hai năm bị tước quyền chính trị. Ông được ủy ban giải Nobel hòa bình trao giải vì "cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung cộng". Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng giải thưởng dành cho Lưu Hiểu Ba là "sự công nhận rằng thế giới ngày càng đồng thuận trong việc cải thiện quyền con người”. Nay Lưu Hiểu ba đã ra  đi, nhưng tinh thần Lưu Hiểu Ba sẽ còn mãi..

Nhìn về Việt nam, người trí thức cũng bị trù giập đúng theo mô thức của đàn anh Trung cộng. Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm trước đây đã tóm hết tất cả trí thức vào rọ, rồi đeo vào cổ từng người cái dây thòng lọng oan nghiệt, không thể cựa quậy để sống ra người. Trần Dần bị “chém trộm sau lưng”. Phùng Quán bị “cầm dao dọa giết”. Hoàng Cầm bị bọn “người máy khổng lồ, đầy gân thiếu trái tim” hành hạ đủ điều.. Đó là chưa nói tới Hữu Loan phải “lên rừng đốn củi” Nguyễn Mạnh Tường chỉ sống nhờ con gà mái mỗi ngày cho một qủa trứng, và đã phải than thở. “Tôi đã là kẻ lữ hành trong chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng đẵng ! Chìm trong vùng cát của sa mạc tuyệt vọng làm cạn khô dòng nước mắt, tôi đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn với quả tim rướm máu bởi nỗi buồn chua cay và vị đắng của mật !”  Tiêu biểu nhất là triết gia Trần Đức Thảo, một thời được Hồ Chí Minh cưng chiều, rồi cũng bị thất sủng, chỉ vì dám lên tiếng cổ võ dân chủ, phải đi chăn bò đề sống qua ngày mà ngậm hờn nuốt cay.. “Tôi nói thẳng với họ rằng họ không nên diệt tôi. Vì rằng tôi không tiếc hận gì cái mạng sống của tôi, vì tôi đã thề sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng của tôi khi cần. Nhưng khi tôi chết đi thì sẽ không còn có ai dám đứng ra phân tích những hành động và chính sách sai lầm ấy một cách khách quan, nhất là về mặt lý luận triết học,  nghĩa là về những hậu quả tai hại lâu dài để lại cho cả dân tộc trong lịch sử.”

Đó là chuyện  năm xưa! Nhưng đáng buồn thay, chuyện năm nay còn tệ hại và bi đát hơn! Một số nhà trí thức còn được tạm yên thân, tuy có một số phát biểu cổ võ tự do dân chủ, nhưng chưa dám tham gia hoạt động đấu tranh tích cực, như nhà văn Trần Mạnh Hảo, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo Sư Nguyễn Quang A,  Giáo Sư Tương Lai. 

Nhưng những nhà trí thức dám dấn thân, có những hành động đấu tranh cụ thể, thì đã bị cộng sản trừng trị thẳng tay, như BS Phạm Hồng Sơn, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Quốc Quân, BS Nguyễn Đan Quế, LM Nguyễn Văn Lý..

Tóm lại, trí thức và cộng sản không thể đội trời chung. Hẳn nhiên cộng sản luôn luôn tìm cách tiêu diệt trí thức, nhưng chân lý hiển nhiên là trí thức không thể bị tiêu diệt, mà mãi mãi là đuốc sáng tự do dân chủ. Những ngôi sao Solzhenitsin, Sakharow, Lưu Hiểu Ba, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài.. sẽ mãi mãi ngọn hải đăng  soi đường dân chủ thế giới..

Ngô Quốc Sĩ