08.07.2017

Việt - Mỹ họp về việc nhận lại công dân Việt Nam bị trục xuất

Việt - Mỹ họp về việc nhận lại công dân Việt Nam bị trục xuất
Biểu tượng của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) tại trụ sở ICE ở Washington DC.  AFP photo

Hoa Kỳ và Việt Nam có buổi họp đầu tiên ở Hà Nội vào ngày 5 tháng 7 liên quan đến vấn đề nhận trở lại công dân Việt Nam, một trong những cam kết đã đưa ra trong bản tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 31 tháng 5, 2017.

Thông cáo báo chí của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội đưa ra vào ngày 7 tháng 7.


Buổi họp do nhóm làm việc song phương chủ trì. Đây là nhóm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thiết lập vào ngày 31 tháng 5, 2017.

Theo thông cáo này, Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Bộ ngoại giao và văn phòng chính phủ. Đại diện Hoa Kỳ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ ngoại giao.

Trong Bản tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đã nhận được lệnh phải rời khỏi Hoa Kỳ lần cuối lấy cơ sở là Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ về nhận trở lại công dân năm 2008.

RFA


Mỹ và Việt Nam bàn việc nhận lại người Việt bị trục xuất

Khoa Lại 
Nghi can Bình Thái Lục, bị tố cáo giết năm người ở San Francisco, nằm trong diện bị trục xuất về Việt Nam. (Hình minh họa: AP Photo/San Francisco Police Department)

Chính phủ hai nước Mỹ và Việt Nam hôm Thứ Tư, 5 Tháng Bảy, có cuộc họp đầu tiên bàn về những vấn đề liên quan đến việc nhận lại công dân Việt Nam có lệnh trục xuất khỏi Hoa Kỳ, trong chương trình tăng cường đối tác toàn diện giữa hai nước, thông cáo của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết.
Tòa đại sứ cho biết, cuộc họp này được thực hiện theo tinh thần nhóm làm việc song phương do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Donald Trump thiết lập, sau khi hai người gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc, Washington, DC hôm 31 Tháng Năm.

Theo trang web của tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hôm 22 Tháng Giêng, 2008, ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, và bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, có ký một thỏa thuận nhận những người Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất.

Theo thỏa thuận này, những người bị trục xuất bao gồm công dân Việt Nam và không phải là công dân Hoa Kỳ, hoặc bất cứ nước nào khác; trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không được quốc gia thứ ba nhận; vi phạm luật pháp Hoa Kỳ và bị cơ quan thẩm quyền ra lệnh trục xuất; và hoàn tất án tù vì vi phạm tội hình sự.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam chỉ nhận những người qua Mỹ sau ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày mà Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cũng theo tòa đại sứ Việt Nam, việc nhận những người Việt Nam bị Hoa Kỳ trục xuất phải được thực hiện trên căn bản trật tự và an toàn, phù hợp với luật pháp Mỹ, luật quốc tế, và những điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm tính nhân đạo, đoàn tụ gia đình, và những trường hợp đặc biệt của từng cá nhân người bị trục xuất, với tinh thần tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.

Khi được hỏi về chuyện này, Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu ở Irvine, cho biết: “Đối với những ai đã có lệnh trục xuất và hiện đang được thả lỏng, thì không thể thay đổi kết quả này. Tuy nhiên, họ vẫn có thể yêu cầu tòa mở lại hồ sơ. Trong 180 ngày kể từ ngày ra lệnh trục xuất, người khiếu nại sẽ dễ dàng xin tòa mở lại hồ sơ hơn, vì sau thời hạn ba tháng thì người này phải cần có lý do chính đáng mới được tòa xem xét lại hồ sơ.”

Về chi phí cho người bị trục xuất trở lại Việt Nam, luật sư cho biết: “Hoa Kỳ sẽ mua vé máy bay, tuy nhiên, khi những người này đáp xuống phi trường ở Việt Nam thì họ thuộc trách nhiệm của chính quyền Việt Nam. Mỹ không có khoản trợ cấp nào khác ngoài tiền vé máy bay.”

Nhân dịp này, Luật Sư Darren cũng giải thích thêm một số điều liên quan đến trục xuất.

Đối với những ai bị trục xuất thì phải ra tòa, nhưng nếu sau khi xin mà tòa không tha thì họ bị lệnh trục xuất. Dù là tội nặng hay nhẹ, nếu tội của người này nằm trong danh sách tội được lệnh trục xuất, họ phải hoàn thành mức án tù trước rồi mới bị trục xuất,” ông Darren nói. “Một số tội nằm trong diện này gồm ăn cắp vặt, ẩu đả vợ chồng, nạn nhân bị thiệt trên $10,000, những tội gây hại đến nhân phẩm, và nhiều tội khác.”

Ông cũng khuyên rằng: “Khi bị truy tố, đừng nên thấy tội nhẹ mà nhận vì vấn đề này rất nguy hiểm. Chúng ta chớ nên nhận tội bừa bãi.”

Khi được hỏi liệu những người bị trục xuất có quay lại Mỹ được không, ông cho biết: “Tùy theo từng trường hợp và nguyên nhân họ bị trục xuất mới có thể đưa ra quyết định chính xác. Tuy nhiên, theo thường lệ thì người bị trục xuất không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong 10 năm.”

Ông cũng nói thêm, những ai phạm tội nặng (aggravated felony) sẽ không bao giờ được nhập cảnh trở lại vào Mỹ.

Phóng viên nhật báo Người Việt có liên lạc với tòa tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston, Texas, để hỏi thêm chi tiết, nhưng một nhân viên tên Thọ Trần, không nêu chức vụ, cho biết ông không đủ thẩm quyền để trả lời và văn phòng chỉ trả lời khi có văn bản gởi đến.

Người Việt