19.07.2017

VIẾT VỀ GS NGÔ BẢO CHÂU - Phạm Minh Hoàng

„Không riêng gì GS Châu, có lẽ nhiều trí thức trong, ngoài nước cũng đang chia sẻ ý nghĩ của ông về cái gọi là " con đường mà Đảng, Bác Hồ cùng nhân dân đã chọn".  Chỉ có điều trong hoàn cảnh hiện tại, chưa có nhiều người can đảm công khai hóa tư tưởng của mình. Nhưng đây có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.“

VIẾT VỀ GS NGÔ BẢO CHÂU

Phạm Minh Hoàng

Ngày 19/8/2010, tôi nghe tin giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải Fields khi đang bị giam trong trại B34. Phải nói rằng trong tâm trạng buồn rầu và lo âu, tôi cũng thấy mừng khi một người VN được vinh danh tại một giải thưởng giá trị như giải Fields, mà tôi vẫn nghĩ rằng nó còn khó hơn được nhận giải Nobel.


17 tháng sau tôi đưọc trả tự do và có dịp gặp gỡ ngay tại Sàigòn với những giáo sư toán tên tuổi của Pháp đã tranh đấu cho tôi khi còn trong tù như GS Waldschmidt, GS Cartier. Sau khi kể cho họ về những gì đã xảy ra. Thầy Waldschmidt nói:

- Này cậu, một trong những nhân vật trong Hội Toán học VN có khuyên chúng tớ đừng can thiệp cho cậu, vì cậu là khủng bố.

Tôi mỉm cười thích thú:
- Thế cậu có nghĩ tớ là khủng bố không?

Michel cũng mỉm cười:
- Sự hiện diện của chúng tớ ở đây là câu trả lời rõ ràng nhất rồi phải không?

Cả ba anh em chúng tôi cười vang. Bất ngờ thầy Cartier hỏi một câu mà không thể không lúng túng:

- Tao thấy các thầy toán người Pháp và nhiều nước khác quan tâm đến mày nhiều hơn là các đồng nghiệp VN của mày thì phải?

* * *

Sở dĩ tôi nhắc lại chuyện này và mở đầu bằng GS Châu bởi vì những ngày gần đây có nhiều tin tức trên mạng loan truyền những bài phê phán ông ta bằng những lời lẽ vô cùng nặng nề mà tôi xin không nhắc lại ở đây. Cá nhân tôi bị xếp vào loại "phản động" vì những bài viết, những chọn lựa của tôi từ 42 năm nay, nhưng những phát biểu của GS Châu thì khác. Ông chỉ lên tiếng qua những sự kiện như vụ tượng đài, vụ bênh vực cho các tù nhân như Phương Uyên, Mẹ Nấm; việc kiểm soát thơ, vụ bô-xít... Nói tóm lại, những phát biểu của GS Châu đều là những điều mà ai cũng có thể nói được.

Trong những câu nói về GS Châu, tôi ghi nhận hai câu này:

Câu thứ nhất :"Bởi lúc này, NBC đang làm “cu li” tại Chicago của nước Mỹ để kiếm tiền, để tìm tòi danh vọng hơn là vì cống hiến tài năng cho đât nước đã đẻ ra Châu. Thử hỏi cái tài của một nhà khoa học lớn đã làm được gì cho đất nước? Xin được trả lời đó là con số“0” tròn trĩnh" (hết trích).

Tôi nghĩ, Toán là một môn học đã có từ thời cổ đại, từ khi con người biết đếm qua những cục gạch, hòn sỏi và cho dù nó hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, toán vẫn là những gì trừu tượng chứ không cảm nhận được như các môn lý, hóa, sinh. Và khoa học càng tiến bộ, thì toán học cũng tiến bộ và đóng góp cho xã hội theo cái trừu tượng vốn là bản năng cố hữu của nó. Trong các phát minh đi gần gũi với con người ngày nay như xe hơi, điện thoại thông minh, máy tính...đều có bóng dáng của toán học. Và đôi khi những phát minh của ngày hôm nay chỉ có thể thấy được nhiều thập niên về sau. Thế nên câu "Thử hỏi cái tài của một nhà khoa học lớn đã làm được gì cho đất nước?" thực sự nông cạn và nói GS Châu "đang làm cu li" thực sự ngu xuẩn.

Câu thú hai :"Ngô Bảo Châu đã tìm cho riêng mình một con đường khác, đi ngược lại con đường mà Đảng, Bác Hồ cùng nhân dân đã chọn hơn 70 năm qua, có nghĩa và được hiểu rằng NBC không còn đồng hành cùng dân tộc và nhân dân..." (hết trích).

Trái với câu thứ nhất, câu này đúng. Không riêng gì GS Châu, có lẽ nhiều trí thức trong, ngoài nước cũng đang chia sẻ ý nghĩ của ông về cái gọi là "con đường mà Đảng, Bác Hồ cùng nhân dân đã chọn". Chỉ có điều trong hoàn cảnh hiện tại, chưa có nhiều người can đảm công khai hóa tư tưởng của mình. Nhưng đây có lẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, có một việc mà tôi hơi ngạc nhiên chút xíu, đó là không thấy một hiệp hội khoa học nào, và đặc biệt Hội Toán học và Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán nơi GS Châu đang là giám đốc lên tiếng. Chẳng lý nào các cơ quan này cũng đang xếp GS Châu vào hàng ngũ những người "lầm đường lạc lối" như mình?

Sau khi ra tù cách đây 5 năm, tôi có dịp trao đổi với GS Châu về một đề tài toán học và ông có cho tôi vài lời khuyên hữu ích. Ngày hôm nay, nếu có dịp tái ngộ, chắc chúng tôi sẽ bàn về nhiều chủ đề khác.

Điều ấy làm tôi rất vui.

Phạm Minh Hoàng
Paris, 13/7/2017