Xem Xét Thành Lập Uỷ Ban Chuyên Trách Giải Quyết Tranh Chấp Biển Đông
Donald R.
Rothwell (The Straits Times 28/06/2017)
Biên dịch:
Bùi Ngọc Hà
Hiệu đính:
Nguyễn Huy Hoàng
Uỷ ban này có thể được thành lập theo một khung công ước do các nước
đàm phán, đòi hỏi sự chấp thuận của mỗi quốc gia.
Ảnh:
Bản đồ Biển Đông. Nguồn: John Bretschneider/Navy Times.
Sau phán quyết của
Toà trọng tài nhất trí ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp giữa Phi Luật Tân
và Trung cộng, tình hình có vẻ không mấy biến chuyển ở Biển Đông. Trung cộng
không rút khỏi các đảo và đá đang tranh chấp mà tiếp tục các hoạt động xây dựng
đảo, làm gia tăng hơn nữa lo ngại về việc quân sự hoá các đảo. Tháng trước, tàu
USS Dewey đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải ở khu vực lân cận Đá Vành
Khăn khiến Trung cộng phản ứng dữ dội.
Nhưng ngoài điều
đó ra, chính quyền Donald Trump vẫn chưa đưa ra bất cứ chiến lược rõ ràng nào
nhằm trung gian cho một giải pháp cho hàng loạt các tranh chấp lãnh thổ và lãnh
hải của khu vực.
Tương tự, dù hội
nghị thượng đỉnh G7 ở Italy mới đây đã tái khẳng định cam kết của mình với một
“trật tự pháp lý hàng hải ” dựa trên các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc
về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vẫn
không có đề xuất cụ thể nào được đưa ra về một hướng đi cho khu vực.
Với việc không
có sáng kiến ngoại giao mới nào được đưa ra, giải pháp cho các tranh chấp lãnh
thổ và lãnh hải trên Biển Đông vì thế có vẻ như đã lâm vào thế bế tắc.
Tuy nhiên, có một
số chỉ dấu cho thấy Trung cộng và Phi Luật Tân có thể sẽ cởi mở với đường lối
ngoại giao sáng tạo nhằm giải quyết thế bế tắc này. Ví dụ, trong Sách Trắng phản
hồi phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, Trung cộng đã nhấn mạnh tiềm năng đạt
được tiến bộ cho các bên tranh chấp trên Biển Đông qua việc “thiết lập và cải
tiến các quy tắc và cơ chế quản lý tranh chấp,” trong đó có việc “gác khác biệt,
cùng khai thác.”
Việc Trung cộng
nhượng bộ xem xét khai thác chung trong khu vực có thể mở đường cho cuộc đàm
phán “trung lập về chủ quyền” để giải quyết các nguồn hải sản và dầu khí có giá
trị của khu vực.
Một số lựa chọn
trong số này có thể bao gồm khai thác chung, vốn đã được Mã Lai, Thái Lan, và
Việt Nam áp dụng tại Vịnh Thái Lan, hay sử dụng tòa trọng tài giải quyết các
tranh chấp còn tồn tại.
Bế tắc
kéo dài kể từ sau phán quyết của Toà Trọng tài hồi tháng 7 năm 2016 cho thấy
đây là thời cơ chín muồi cho các giải pháp ngoại giao sáng tạo. Một ủy ban
chuyên trách Biển Đông có thể là câu trả lời hay không?
Một uỷ ban gồm
15 thành viên với nhiệm vụ tạo điều kiện cho việc điều đình, hoà giải, và cuối
cùng là phân xử tranh chấp sẽ tạo ra một cơ chế bên thứ ba cả chính thức lẫn
phi chính thức có khả năng giải quyết tranh chấp ở cả cấp độ song phương lẫn
khu vực. Theo mô hình này, mỗi bên trong sáu bên tranh chấp ở Biển Đông
(Brunei, Trung cộng, Nam Dương, Mã lai, Phi Luật Tân, và Việt Nam) sẽ chỉ định
một thành viên uỷ ban, chín thành viên còn lại được chỉ định từ bên ngoài khu vực.
Phạm
vi của uỷ ban có thể mở rộng đến các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, bao gồm
các đảo, đá, và các thực thể nhỏ trên biển khác như ám tiêu và bãi cát. Nhiệm vụ
của uỷ ban cũng có thể mở rộng đến cả việc xác định các quyền và các ranh giới
trên biển phù hợp với UNCLOS, ngoại trừ thềm lục địa ngoài 200 hải lý được giải
quyết thông qua một quy trình riêng của Liên Hợp Quốc.
Thành viên của uỷ
ban sẽ là các nhà ngoại giao và các luật gia có kinh nghiệm trong tranh chấp
lãnh thổ và lãnh hải, cùng sự trợ giúp của một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật thường
trực gồm các nhà địa lý, sử gia, các nhà thuỷ văn, và các nhà khoa học biển.
Uỷ ban này có thể
được thành lập theo một khung hiệp ước được các nước đàm phán, trong đó có sự đồng
thuận của mỗi quốc gia. Một ban thư ký cũng cần được thành lập, ưu tiên đặt
trong khu vực, với ngân sách hoạt động do tất cả các bên tham gia đóng góp.
Một uỷ ban như vậy
sẽ hoàn toàn phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên Hợp Quốc khuyến khích các
giải pháp khu vực cho tranh chấp và sẽ đóng góp thêm vào phạm vi rộng lớn các
phương tiện và phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa bình sẵn có. Chúng
bao gồm Toà án Công lý Quốc tế (ICJ), Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The
Hague, và Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hamburg.
Những toà quốc tế này dù đều có khả năng giải quyết
tất cả hoặc một số tranh chấp trên Biển Đông, nhưng họ vẫn chưa trực tiếp làm
việc nhiều với các nước là một bên trong tranh chấp. Ví dụ, Brunei, Trung cộng,
Phi Luật Tân, và Việt Nam chưa từng trình diện trong một vụ kiện tranh chấp nào
trước Toà án Công lý Quốc tế hay Toà án Quốc tế về Luật Biển.
Khác với những cơ quan trên, một uỷ ban về Biển Đông
sẽ không đặt ở trong lòng châu Âu mà ở châu Á. Thành viên của uỷ ban chủ yếu đến
từ các nước trong khu vực. Do Singapore không có yêu sách tranh chấp trên Biển
Đông nên nước này có thể là một vị trí trung lập để đặt uỷ ban.
Hiện nay chưa có sáng kiến mới nào được thúc đẩy để
giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông ngoài mong muốn từ lâu của ASEAN là được
thấy một Bộ quy tắc Ứng xử trên biển được ký kết.
Mặc dù các nước ASEAN kỳ vọng bộ quy tắc này sẽ được
ký kết vào giữa năm nay nhưng nếu không tạo ra được những trách nhiệm ràng buộc
về mặt pháp lý thì tác động của nó còn nhiều nghi vấn. Dù sao đi nữa, nó cũng không
giải quyết được các tranh chấp lãnh thổ cơ bản.
Ngược lại, một Uỷ ban về Biển Đông sẽ cho phép có
các giải pháp pháp lý sáng tạo thông qua việc điều đình và hoà giải linh hoạt,
với giải pháp phân xử có tính ràng buộc pháp lý sẽ là phương án cuối cùng. Đây
có thể là một giải pháp pháp lý khu vực cho một vấn đề của khu vực.
Donald R. Rothwell là giáo sư luật quốc
tế tại Trường Luật, Đại học Quốc gia Australia.
Bùi Ngọc Hà và Nguyễn Huy Hoàng là cộng
tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Bản gốc tiếng Anh: http://www.straitstimes.com/opinion/consider-dedicated-south-china-sea-commission-to-settle-disputes
(Đại Sự Ký Biển Đông)