„Người ta nhân danh nhiều thứ để khởi động chiến tranh, cuối cùng số
đông là tử sĩ là những người dùng thân xác lót đường cho tham vọng của một số
nhỏ.“
Hồn tử sĩ
Huy
Phương
Một
góc nghĩa trang liệt sĩ ở Cổ Loa, ngoại ô Hà Nội. (Hình
biểu tượng: Linh Pham/Getty Images)
“Xưa nay
chinh chiến mấy ai về?
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”
(Vương Hàn)
Trong thời chiến
tranh, trên những bản tin chiến sự mỗi ngày, chúng ta vẫn thường biết đến những
con số người lính tử trận, bên này hoặc bên kia: “Địch để lại 32 xác chết, ta hy sinh 17 người!” Những con số cuối
cùng vẫn chỉ là những con số khô khan, lạnh lùng, nhưng đằng sau 49 con người nằm
xuống kia, của cả hai bên, là cả một thảm cảnh đau xót cho từng gia đình một.
Có người không thấy xác con, chỉ biết cái chết của người thân qua một cái giấy
báo tử, và nhiều hơn, là một bằng tuyên dương tử sĩ đỏ loét màu máu. Ở một nơi
khác, khi đưa xác người lính trở về được hậu cứ, cả khu gia binh nhuộm màu chết
chóc, sợ hãi với những vành khăn tang quấn vội và những tiếng khóc kể kể bi ai.
Cũng vì vậy có
những chế độ không bao giờ người chết được trở về nhà, người ta đắn đo vì chuyện
một người chết từ mặt trận đưa về sẽ gây ra một tâm lý bất lợi trong quần
chúng. Ngay cả những thương binh cũng không bao giờ được gặp mặt thân nhân.
Trong những trận chiến ác liệt, người thương binh, vì không có phương tiện di
chuyển về tuyến sau, đành nằm lại chiến trường. Hoặc nếu được điều trị, họ sẽ
được đưa đến một vùng xa xôi, cách biệt không gây ra một ảnh hưởng nào trong quần
chúng.
Điều gì xẩy ra
sau một trận đánh? Có những cấp chỉ huy được tuyên dương công trạng, có những
người lính được thăng cấp, và tối nay, trong hầm chỉ huy hay tại tư dinh, có những
chai rượu được khui ra để uống mừng chiến thắng! Một “tướng công thành là vạn cốt khô,” chiến tranh để lại những khu mộ địa,
dù đó là nghĩa trang tươm tất hay một vùng rừng núi điêu tàn vì bom đạn, mà thể
xác người lính không còn tìm lại được, đã chôn vùi trong đất cát, cỏ cây.
Người ta chủ
trương “cứu cánh biện minh cho phương tiện,”
nên dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn để thôn tính miền Nam, người ta vẫn làm!”
Nhà báo Nick
Turse trên New York Times viết: “Với người
Mỹ, mạng sống ở Việt Nam từng quá đỗi rẻ mạt,” và Tướng Westmoreland, cựu
tham mưu trưởng Lục Luân Mỹ, cho rằng Tướng Võ Nguyên Giáp đã “không tiếc tính mạng binh lính để đổi lấy
chiến thắng.”
Không phải chỉ
có ông Giáp coi thường sinh mạng của con người mà đao phủ thủ Lê Duẫn còn độc hại
hơn. Theo hồi ký của Tướng Giáp, trong trận chiến mùa Hè năm 1972, sau khi đã bị
tổn thất nặng nề sau trận chiến Mậu Thân, tưởng chừng phải bốn năm nữa, Bắc Việt
mới phục hồi được, nên trong trận chiến tại Cổ Thành Quảng Trị, Bắc Việt vẫn
dùng chiến tranh du kích, đánh tiêu hao cho VNCH suy tổn lực lượng, rồi đánh một
trận giải phóng dứt điểm. Nhưng “anh Ba” Lê Duẫn muốn nướng quân nhiều hơn để sớm
đạt thắng lợi, trước mặt Tướng Giáp, y đập bàn quát: -“Thế là suy giảm ý chí chiến đấu! Phải cho địch biết thế nào là quả đấm
chủ lực của QĐNDVN anh hùng. Vì vậy tôi yêu cầu cứ đánh ‘vỗ mặt’ Cổ Thành Quảng
Trị cho tôi. Sống chết, đúng sai, tôi chịu trách nhiệm!”
Từ đó suốt chiến
dịch 60 ngày đêm, cứ khoảng trời chập choạng tối, một đại đội quân Bắc Việt
(quân số từ 80 đến 200) bơi qua sông Thạch Hãn để đánh “vỗ mặt” cổ thành, thì tối
hôm đó, chỉ còn 10, 15 người trở về. Lần nhiều nhất là 35, cả lành lẫn thương
tích, lần ít nhất là 5 hoặc 7 người. Trung bình mỗi ngày Bắc quân mất một đại đội,
60 ngày đêm tấn công vào cổ thành, Bắc quân chết gần 10,000 người. (theo Những Sự Thật Cần
Phải Biết – Đặng Chí Hùng.)
Sử dụng những đại
đơn vị chính qui chưa đủ, Lê Duẫn chủ trương để giành thắng lợi, xua gần 10,000
bộ đội gồm sinh viên và cả giảng viên trẻ từ 30 trường đại học và cao đẳng của
Hà Nội, mang áo trận vào Nam để quyết thắng. Với Lê Duẫn, nếu Trung cộng nhiệt
tâm giúp đỡ thì miền Bắc đỡ hy sinh 2-3 triệu người, có nghĩa là đàn anh không
giúp đỡ thì Bắc Việt cũng sẽ dùng sinh mạng con người để nhuộm đỏ miền Nam, giữ
vững tinh thần quốc tế vô sản.
Để thắng trận, nếu
người lính miền Nam chết một, thì Bắc quân chết bốn, theo thống kê của “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước
1954-1975” (NXB Chính Trị Quốc Gia.)
Ở miền Bắc không
có tình trạng trốn tránh quân dịch như ở miền Nam, không đăng ký nghĩa vụ quân
sự là chết đói, là phải đi và phải chết. Nhiệm vụ của đảng viên Cộng Sản quốc tế
của Hồ Chí Minh đã hoàn thành, nhưng “đống
xương vô định đã cao bằng đầu!”
Bà Nguyễn Thị Thứ (1904 – 2010), quê Điện Bàn, Quảng
Nam, là người được CSVN tặng danh hiệu “Bà
Mẹ Việt Nam Anh Hùng,” vì bà đã vét hết sinh mạng của gia đình gồm có chồng,
chín người con trai, một con rể và hai cháu ngoại dâng hiến cho sự nghiệp “giải phóng miền Nam của đảng.”
Đây là cái mà đảng gọi là tình nghĩa nhân văn, hy
sinh cho một cuộc chiến tranh không phải của nhân dân Việt Nam mà là của một
nhóm người cộng sản chủ chiến để thôn tính lãnh thổ, cướp chính quyền, chia quyền
lực cho băng đảng.
Người ta nhân danh nhiều thứ để khởi động
chiến tranh, cuối cùng số đông là tử sĩ là những người dùng thân xác lót đường
cho tham vọng của một số nhỏ.
Sau chiến tranh, đã có những bà “mẹ già lên núi tìm xương con về…” và vì
sao “hoà bình, sao mắt mẹ chưa vui?”
(nhạc Trịnh Công Sơn)
Tạp
ghi Huy Phương