04.10.2017

HỌC ĐỂ LÀM QUAN - Hoàng Dũng

HỌC ĐỂ LÀM QUAN

Hoàng Dũng
  
Ngày 23/12 tới đây là Hội thảo Cao Xuân Hạo. Bỗng dưng nhớ một chuyện được nghe thầy kể đã lâu.

Một hôm có người bạn làm quan to, từ Hà Nội vào Sài Gòn, ở T78 (nhà khách của Trung ương Đảng, đường Lý Chính Thắng), mời thầy Hạo đến chơi. Vui chuyện, thầy Hạo có tỏ ra tức giận vì trí thức bị khinh bỉ, thậm chí bị “trốc tận rễ”. Khách cả cười: “Chuyện đó có nhưng đã là quá khứ. Nay Đảng ta, Nhà nước ta thay đổi rồi, rất muốn trong dụng trí thức. Nhưng vấn đề là: Giáo sư tiến sĩ vô thiên lủng, mà bằng cấp đàng hoàng, chứ không phải giả, biết thằng nào trí thức mà trọng dụng?”. Thầy Hạo ngớ người, không nói được câu nào.

Nói cho đúng, số lượng giáo sư, tiến sĩ ở ta tuy nhiều nhưng còn xa so với nhu cầu. Ở đại học - cao đẳng, tỷ lệ sinh viên / giảng viên theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 20 nhưng theo một khảo sát năm 2010 thì chưa tới 1% số trường đáp ứng được quy định này. Trong khi đó, có trường tỷ lệ lên đến con số khủng khiếp: 70 sinh viên / giảng viên! Trong khi đó, mới có 25% dân số ở độ tuổi 18-22 vào đại học, cao đẳng, so với Hàn Quốc 97%, Úc 86%, Trung cộng 30%, Mã Lai 37%), theo WB, 2013. 

Tháng trước, một bài báo cho biết trong số gần 11.000 giáo sư, phó giáo sư, chỉ có khoảng 4.440 giáo sư, phó giáo sư đang làm công tác giảng dạy (chiếm hơn 40%). Số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy cũng chiếm chưa đến 50% (gần 24.000 tiến sĩ thì có 16.514 đang làm công tác giảng dạy). Và có tới 50% GS, TS tập trung ở khu vực quản lý nhà nước, không tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Cho nên, vấn đề không phải là chúng ta có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ, mà là nền giáo dục Việt Nam đào tạo nhân lực bậc cao để làm gì. Những con số chua chát trên cho thấy việc đào tạo tiến sĩ và phong học hàm ở xứ thiên đường ta lệch hẳn vào hướng để làm quan. Một xã hội mà “trí thức” nhăm nhăm con đường quan chức, thì đi về đâu? Dễ hiểu là bất chấp chúng ta có những nhà khoa học xuất sắc, nền giáo dục Việt Nam vẫn thua xa thế giới và mỗi năm dân Việt bỏ đến 3 tỷ đô là để du học, tức là để chạy trốn giáo dục trong nước.

Nói đâu xa, cụ Tổng ta, một người gần như suốt đời theo đuổi con đường chính trị, mà cũng Giáo sư Tiến sĩ như ai! 

3 Tháng 10 2017