04.10.2017

Chiến thắng và ăn năn ! - Việt Hòa

„Chúng ta đã được gì, mất gì ? Người Việt Nam đã chết nhiều nhất trong cuộc chiến tranh này, đất nước bị phá hủy, lòng người chia rẽ và thù hận. Đất nước bị tụt hậu bi đát thê thảm trên mọi lĩnh vực và đã hình thành nên một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo rải đều khắp thế giới sau những cuộc vượt biên bằng đường biển tang thương nhất trong lịch sử nhân loại.“

Chiến thắng và ăn năn !

Việt Hòa

Có một điều khá thú vị mà tôi đã khám phá ra trong những lần may mắn được gặp gỡ, trao đổi với những người bạn có tấm lòng với đất nước đó là chúng tôi đều có chung một chủ đề : Chủ đề về cuộc chiến 1945-1975 với nguyên nhân, diễn biến và thắng lợi, về việc Việt Nam Cộng Hòa có thật sự thua không ?
Việt Nam Cộng Hòa còn là chỗ dựa tinh thần cho những người khao khát dân chủ


Trước hết tôi hiểu vì sao lại có điểm chung kỳ lạ ấy. Hầu hết những người bạn mà tôi gặp gỡ đều thấy sự bất tài nhưng lại thủ đoạn và gian ác của chính quyền cộng sản, tất cả đều chán nản và khao khát đến cháy bỏng về một nền dân chủ thật sự.

Một người bạn đã đùa với tôi rằng : "Tôi sẽ uống bất cứ thứ gì nếu phải băng qua sa mạc trong tình trạng hết nước". Có lẽ những người bạn của tôi đang có tâm lý như vậy, trong cơn tuyệt vọng, họ sẽ uống bất cứ thứ gì có thành phần là nước, họ sẽ tìm đến bất cứ một chế độ dân chủ nào dù chỉ là dân chủ một phần, hoặc chưa trọn vẹn. Việt Nam Cộng Hòa là một "hoài niệm" như vậy, cho tới giờ thì chế độ đó đã hiển hiện như là một chế độ tốt nhất mà Việt Nam từng có. Việt Nam Cộng Hòa để lại nhiều tình cảm và thương nhớ cho rất nhiều người nhất là khi bản thân những người đó đang sống trong một chế độ tồi tệ dù luôn được hô hào là ưu việt và tốt đẹp nhất trên các phương tiện truyền thông.

Việt Nam Cộng Hòa còn là chỗ dựa tinh thần cho những người khao khát dân chủ, không ai muốn nghĩ về lý do nó sụp đổ và họ cần một ai đó bào chữa cho thất bại ấy để tâm trí và con tim có thể được xoa dịu. Bạn bè tôi, có người vẫn không hài lòng khi tôi nói rằng "tất cả chúng ta đều thua" và họ quyết làm rõ về vấn đề ta-địch, thắng-thua một cách rạch ròi. Rất buồn vì thứ tư duy đó đã cố hữu và bền chặt trong tâm thức mỗi người. Các bạn ấy muốn tôi có một lời giải thích sâu sắc và cặn kẽ vì họ nghĩ rằng một người chịu khó đọc nhiều như tôi sẽ không thể nói y như bộ máy tuyên truyền đã ra rả suốt mấy chục năm nay.

Tâm lý hy vọng, chờ đợi ấy thật dễ hiểu vì còn một nguyên nhân nữa : một biến cố trọng đại và có ảnh hưởng như vậy đối với lịch sử nhưng chưa bao giờ đươc phân tích đến nơi đến chốn và thỏa đáng, vấn đề chỉ càng trầm trọng hơn khi những lãnh đạo cộng sản luôn kiêu ngạo, tự đắc rằng đã "đánh cho Mỹ cút- Ngụy nhào", "giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước"...

Thật sự người cộng sản chưa bao giờ suy nghĩ về thắng thua nếu quan sát bàn cờ chiến lược thế giới. Vì nếu chịu khó suy nghĩ thì họ đã không "thống nhất" đất nước bằng mọi giá và không "đánh Pháp, đánh Mỹ" đến cùng. Ngày 8/5/1945 là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử loài người, ngày mà chiến tranh thế giới thứ II khép lại nhưng cũng là ngày mở ra một giai đoạn với nhiều biến cố phức tạp, mở ra cuộc thư hùng mới giữa hai khối ý thức hệ : Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa.

Sau chiến tranh Anh, Pháp đã thắng dù có nhiều tổn thất, tuy nhiên hai quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề giải quyết các thuộc địa sau sự ra đời của Liên Hiệp Quốc với sự tôn vinh những giá trị về quyền tự do, tự quyết của mỗi dân tộc và sau khi những chính quyền thuộc địa cũ đã không còn nữa. Mâu thuẫn đã diễn ra : trong khi người Anh trao trả độc lập cho bất cứ dân tộc nào muốn độc lập thì người Pháp lại muốn đỡ đầu cho những chính quyền cũ ở các nước thuộc địa. Pháp lại càng có lý do làm điều đó khi Việt Minh (tiền thân đảng cộng sản) tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình. Có lẽ người Pháp chẳng bao giờ chấp nhận việc để cho một tổ chức khủng bố theo kiểu Nga cướp chính quyền, họ đã can thiệp và sai lầm bắt đầu từ đó.

Hình ảnh người Pháp xâm lược với chế độ thực dân vẫn ám ảnh và chưa thể xóa nhòa trong tâm trí người Việt đã cung cấp cho Việt Minh một lý do chính đáng để tuyên truyền "Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa", "chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả, không có gì quí hơn độc lập tự do"... Chính quyền thực dân Pháp thật sự đã kết thúc ở Việt Nam sau khi thất bại trước quân phiệt Nhật nhưng vì thiếu viễn kiến và bị Việt Minh hạ nhục khi từ chối tham gia vào khối "Liên Hiệp Pháp" nên Pháp đã trở lại Việt Nam và kéo dài cuộc chiến thêm 9 năm và kết thúc bởi trận Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết và người Mỹ nhảy vào can thiệp với ý đồ chặn đứng sự bành trướng của phong trào cộng sản tại Châu Á.

Nam Dương từ sau thế chiến II chuyển dần vào quỹ đạo cộng sản. Đảng cộng sản Nam Dương, với gần một triệu đảng viên, là đảng cộng sản mạnh thứ nhì tại Châu Á và kiểm soát chính quyền Sukarno. Nam Dương là nước đông dân thứ ba tại Châu Á với một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Nếu Nam Dương lọt vào quỹ đạo cộng sản thì toàn bộ giao thông giữa Châu Âu và Trung Đông với Châu Á bị phong tỏa và Châu Á hoàn toàn bị khống chế. Nam Dương quan trọng gấp nhiều lần Việt Nam, chưa nói riêng miền Nam Việt Nam. Tại đây Hoa Kỳ đã hoàn toàn thắng lợi. Sự biểu lộ quyết tâm và sức mạnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã đem lại tin tưởng cho quân đội Nam Dương chưa hoàn toàn bị đảng cộng sản kiểm soát, quân đội Nam Dương trở thành một đe dọa cho đảng cộng sản Nam Dương, buộc đảng này phải ra tay trước, tổ chức đảo chánh, để rồi thất bại và bị tàn sát trong vòng hai tuần lễ năm 1965. Không phải là một sự tình cờ mà chỉ một năm sau khi Hoa Kỳ đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, tình hình Nam Dương thay đổi hẳn. Sau khi đã lật ngược được thế cờ tại Nam Dương, mục tiêu chiến lược chính của Hoa Kỳ tại Châu Á đã đạt được, Việt Nam không còn quan trọng nữa.

Nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục can thiệp tại Việt Nam sau đó, bỏ ra hàng tỷ đô la mỗi năm vì hai lý do : một là họ tin có thể thắng luôn tại Việt Nam, hai là họ cũng cần củng cố thêm các chế độ đồng minh tại Châu Á. Khối lượng đô la mà Hoa Kỳ đổ vào Việt Nam đã là một sức bật kinh tế quan trọng cho Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn và Thái Lan. Khi Hoa Kỳ quyết định rút lui khỏi Việt Nam năm 1973, các nước này đều đã vững mạnh. Nhật đã thành một đại cường, Đài Loan và Đại Hàn những nước kỹ nghệ hóa, Thái Lan đã cất cánh.

Cuộc chiến Việt Nam cũng đã làm kiệt quệ Liên Xô và khối cộng sản. Người Mỹ đã phí tổn rất nhiều tại Việt Nam, nhưng họ quá mạnh, nền kinh tế của họ chỉ giảm sút đà tăng trưởng. Liên Xô và khối cộng sản chi phí ít hơn nhưng đã chi phí quá sức và bị kiệt quệ.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 cũng đã rất độc hại cho khối cộng sản, do tình trạng suy kiệt và tuyệt vọng trong một cuộc cạnh tranh hòa bình, họ phải chọn lựa chiến lược liều lĩnh ''thừa thắng xông lên'' (tương tự như Hitler quyết định tấn công Liên Xô năm 1942) và làm mất đi một cơ hội duy nhất để vươn lên, đó là cuộc khủng hoảng dầu hỏa trong suốt thập niên 1970. Giá dầu từ 6 USD năm 1970 tăng lên đến 35 USD một ba-rin năm 1980, các nước tư bản đều khốn đốn vì dầu lửa trong khi Liên Xô, mà nguồn lợi chủ yếu là xuất khẩu dầu, bỗng dưng thấy thu nhập của mình tăng gấp bốn, năm lần. Liên Xô đã sử dụng ưu thế giai đoạn này và khí thế của chiến thắng Việt Nam để ào ạt tiến công khắp nơi. Các lực lượng cộng sản chiếm chính quyền tại Campuchia, Lào, Afghanistan, Ethiopia, Angola, Nicaragua và nhiều nước Châu Phi khác. Liên Xô cũng tài trợ cho nhiều cuộc chiến tranh giải phóng tốn kém khác tại khắp nơi. Để làm hậu thuẫn cho các cuộc tiến công này, họ phung phí đại bộ phận tài nguyên vào việc chế tạo vô số vũ khí : bom nguyên tử, tàu ngầm, chiến xa. Nhưng cuộc tiến công này đã không đánh gục được khối tư bản, và khi cuộc khủng hoảng dầu lửa chấm dứt, Liên Xô hoàn toàn tuyệt vọng. Gorbachev không phải là người chủ trương giải thể Liên Xô và khối cộng sản, nhưng khi lên nắm quyền tại Liên Xô năm 1985, ông không còn chọn lựa nào khác.

Cho tới nay, nhiều người vẫn mừng rằng cuộc thư hùng giữa hai khối tư bản và cộng sản đã không đưa đến thế chiến. Sự thực thì đã có thế chiến, nhưng là một thế chiến giới hạn ở một số địa phương, trong đó mặt trận Việt Nam là chính. Tình hình không thể khác, nghĩa là không thể có chiến tranh trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô, vì một mặt Liên Xô biết rõ sức mạnh hơn hẳn của võ khí hạt nhân Mỹ và mặt khác Hoa Kỳ thấy không cần thế chiến cũng sẽ thắng được Liên Xô. Nhưng phải nói đã có chiến tranh giữa hai khối tại Việt Nam và cuộc chiến đã kết thúc một cách kỳ cục : khối cộng sản đã toàn thắng trong hiệp đầu nhưng bị chấn thương tới mức không còn đủ sức tiếp tục các hiệp sau, và cuối cùng đành bỏ cuộc.

Trong cuộc chiến Việt Nam, người Mỹ không phải chỉ đã đạt được mục tiêu chiến lược mà họ còn thắng lợi cả về mặt tâm lý. Trong những năm can thiệp vào Việt Nam, họ đã chứng tỏ được bản chất dân chủ tự do thực sự của họ và đã chinh phục được cảm tình người Việt (dù hơi muộn màng). Hiện nay tại Việt Nam không còn ai thù ghét Mỹ, trái lại mọi người đều mong mỏi một sự hợp tác tích cực hơn với Hoa Kỳ. Nếu có được một cái nhìn bao quát và sáng suốt hơn, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã phải thấy rằng chiến thắng của họ chỉ là một nước cờ trong một ván cờ, chẳng có gì để tự cao tự đại và tự hào.

Từ 1967-1972 khi người Mỹ còn bảo trợ miền Nam thì cộng sản đã không làm gì được miềm Nam dù hy sinh rất lớn như cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu thân 1968 hay Mùa hè đỏ lửa 1972. Số phận miền Nam chỉ kết thúc khi người Mỹ đã chiến thắng ở Nam Dương và muốn chia rẽ hai quốc gia cộng sản lớn nhất là Nga và Trung cộng bằng cách bỏ Việt Nam để bắt tay với Trung cộng.

Trong trò chơi này, Mỹ-Trung đều là kẻ thắng cuộc, chỉ có Việt Nam là thất bại. Có lẽ khi những khúc mắc lịch sử được làm sáng tỏ, những người "quan tâm" đề tài này có thể được "an ủi" vì lý do thất bại là chấp nhận được (do sự sắp đặt của một cường quốc) và có thể "hài lòng" khi sự hy sinh của miền Nam góp phần làm nên một cú đấm thép khiến khối cộng sản ngã gục hoàn toàn trên thế giới. Khi tâm lý thua cuộc đã được xoa dịu, thì chúng ta nên dành một khoảng tĩnh lặng để suy nghĩ về đất nước.

Chúng ta đã được gì, mất gì ? Người Việt Nam đã chết nhiều nhất trong cuộc chiến tranh này, đất nước bị phá hủy, lòng người chia rẽ và thù hận. Đất nước bị tụt hậu bi đát thê thảm trên mọi lĩnh vực và đã hình thành nên một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo rải đều khắp thế giới sau những cuộc vượt biên bằng đường biển tang thương nhất trong lịch sử nhân loại (Vietnamese boat people).

Chúng ta đã bị lợi dụng trở thành những quân cờ để rồi chuốc lấy mọi khổ đau và bất hạnh. Đất nước gục ngã vì chúng ta kém cỏi trong tư tưởng và vì sự vắng mặt của trí thức trong thời khắc lâm nguy của dân tộc. Chúng ta đã chẳng có một tư tưởng, một dự án chính trị và một đội ngũ chính trị thực thụ nào để dẫn dắt con tàu quốc gia vượt qua những chặng đường sóng gió nhất. Con thuyền không có thuyền trưởng và đội ngũ đó đã bị ngoại bang kéo lê mọi phía và rồi cuối cùng đất nước rơi vào tay một băng đảng khủng bố mà mục tiêu của nó là xóa bỏ quốc gia, đảo lộn các giá trị tốt đẹp của con người, đất nước bị coi như là một thứ cướp được, là chiến lợi phẩm để chiếm lấy rồi chia sẻ cho các thủ lĩnh của nó. Người dân bị coi là kẻ thù nếu có hành động và lời nói đe dọa sự hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc của chúng. Không ai nhìn ra được điều đó vào thời điểm đó và có thể nhìn ra nhưng cũng không làm gì được vì cô độc. Tất cả đều quay cuồng vào cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt".


Không ! Lịch sử sẽ không thể lặp lại. Chúng ta sẽ không tranh luận thêm về cuộc chiến này nữa mà coi đó là một bài học truyền đời. Chúng ta cần đứng dậy để cùng nhau xây dựng và tìm kiếm một tư tưởng chính trị đứng đắn, cùng nhau xây dựng một đội ngũ chính trị thực sự để cùng nhau thay đổi chế độ độc tài nhằm phục hồi lại mọi giá trị tốt đẹp của con người và dân tộc Việt Nam. Chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước và Việt Nam sẽ cất cánh…

Vừa đi vừa suy tư trên con đường quanh hồ Hoàn Kiếm tôi nhìn về phía xa xa rồi ngẫm nghĩ và hy vọng, rồi một ngày nào đó, khi đất nước được hưởng một nền dân chủ thái bình, khi quá khứ và những nỗi oan ức được giải quyết sòng phẳng và hợp lý chúng ta sẽ có cơ hội đi dọc những con đường đầy hoa thơm ngát để ăn năn và hồi tưởng lại về chặng đường lịch sử khổ đau mà dân tộc ta đã trải qua…

Việt Hòa
(02/10/2017)