04.10.2017

Cập nhật diễn tiến vận động chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu

Cập nhật diễn tiến vận động chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu

BPSOS

Tính đến nay, BPSOS đã chuyển 8 danh sách gồm khoảng 180 quan chức nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam đến Hành Pháp Hoa Kỳ để đề nghị trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn Cầu. Trong số này 7 danh sách đã được chính thức nộp cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố vào tháng 6 năm nay, khi thủ tục nhận hồ sơ vừa được mở ra, và danh sách thứ 8 được nộp ngày 8 tháng 9, cũng là ngày đóng lại việc nhận hồ sơ cho năm 2017. Trong đó có 6 hồ sơ về đàn áp nhân quyền, 1 hồ sơ về tham nhũng lớn, và 1 hồ sơ bao gồm cả đàn áp nhân quyền lẫn tham nhũng lớn. Toàn bộ 8 hồ sơ này được lưu trữ tại: http://dvov.org/luat-magnitsky-toan-cau/


Trong số 180 nhân vật được nêu tên, chúng tôi tập trung vào 40 giới chức chính quyền mà biện pháp trừng phạt có thể có tác dụng thực tế. Ngoài ra có một nhân vật không là giới chức chính quyền. Danh sách của 41 nhân vật này được liệt kê ở cuối bài.

Mở đầu cuộc vận động chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, ngày 29 tháng 6, các phái đoàn người Mỹ gốc Việt đến từ nhiều tiểu bang và thành phố đã chuyển một số danh sách này trực tiếp đến các văn phòng dân biểu và thượng nghị sĩ.  Đây là cuộc tổng vận động Quốc Hội lần 7 do BPSOS phối hợp hàng năm.

Song song với nỗ lực nhắm riêng vào Việt Nam, BPSOS còn tham gia liên minh gồm 23 tổ chức nhân quyền ở Hoa Kỳ cho một cuộc vận động chung. Để phục vụ cho công cuộc vận động chung, liên minh này tuyển lựa 15 nhân vật tiêu biểu cho 15 quốc gia. Đại diện của liên minh đã nhiều lần họp với Hành Pháp Trump. Đồng thời, Thượng Nghị Sĩ Ben Cardin (Dân Chủ, Maryland) và John McCain (Cộng Hoà, Arizona) cũng chuyển cho Toà Bạch Ốc danh sách 15 nhân vật đề nghị trừng phạt, trong đó 12 nhân vật trùng với danh sách của 23 tổ chức kể trên.

Công an TP Đà Nẵng tấn công Giáo Xứ Cồn Dầu, ngày 4 tháng 5, 2010 (ảnh HHGDCD)


Ngày 8 tháng 9 vừa qua, Tổng Thống Donald Trump ký văn thư chỉ định và uỷ quyền cho Bộ Trưởng Ngân Khố thực thi điều khoản đóng băng tài sản và Bộ Trưởng Ngoại Giao thực thi điều khoản không cấp visa theo Luật Magnitsky Toàn Cầu. Với sự chỉ định ấy, 2 bộ này bắt đầu cứu xét các hồ sơ đã nhận được để kịp phúc trình với Quốc Hội không trễ hơn ngày 10 tháng 12 năm nay về thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu. Xem: https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2017/09/08/presidential-memorandum-secretary-state-and-secretary-treasury

Thông tin từ Hành Pháp Trump cho biết, các hồ sơ nộp sau ngày 8 tháng 9 sẽ được cứu xét trong đợt phúc trình năm 2018. Bắt đầu tháng 1, 2018 các hồ sơ nhận đến đâu sẽ được cứu xét đến đấy thay vì dồn lại thành một nhóm hồ sơ để cứu xét một lượt như trong năm 2017.

Trong tháng 10 này, BPSOS sẽ phối hợp các phái đoàn từng tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam hàng năm để đồng loạt vận động dân biểu và thượng nghị sĩ của mình đôn đốc Hành Pháp Trump ưu tiên quan tâm đến số 41 nhân vật trong 8 danh sách mà BPSOS đã nộp. Ngày 24 và 25 tháng 10, BPSOS sẽ thực hiện một cuộc vận động thu gọn và tập trung tại Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với sự tham gia của Mục Sư Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng – đây là hồ sơ đầu mà BPSOS trong danh sách đề nghị chế tài của BPSOS.

Cũng vào thời điểm này, liên minh gồm 23 tổ chức kể trên dự kiến sẽ tổ chức buổi họp báo để tạo thêm áp lực dư luận giòng chính lên Hành Phápp, nhất là trước chuyến đi Á Châu của Tổng Thống Trump để tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC ở Việt Nam và rồi Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN ở Phi Luật Tân vào nửa đầu tháng 11.

Một tiến triển khích lệ là chiều hôm qua Hạ Viện Canada đã thông qua Luật Sergei Magnitsky (tên chính thức là Luật Công Lý cho Nạn Nhân của các Giới Chức Ngoại Quốc Tham Nhũng), với những biện pháp trừng phạt tương tự như Luật Magnitsky Toàn Cầu của Hoa Kỳ. Dự luật Sergei Magnistky sẽ được chuyển sang Thượng Viện Canada để biểu quyết lần cuối. Đầu năm nay Tổ chức Thanh Niên Canada Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam đã khởi xướng cuộc vận động trong cộng đồng người Việt ở Canada cho dự luật này. Cuối tháng 9 vừa qua, BPSOS đã chuyển danh sách các quan chức Việt Nam cho tổ chức này và một số tổ chức của cộng đồng Đông Âu và Bắc Âu ở Canada để sử dụng cho cuộc vận động.

BPSOS cũng đã chuyển 8 danh sách riêng của BPSOS và danh sách chung của liên minh 23 tổ chức cho chính phủ Estonia để kêu gọi áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh. Lệnh cấm nhập cảnh của Estonia có hiệu lực trên 26 quốc gia Âu Châu trong khối Shenghen.

Trên đây là một số diễn tiến về vận động Luật Magnitsky  ở Hoa Kỳ, Canada và Âu Châu năm 2017. BPSOS  đã bắt đầu tiến trình soạn thêm danh sách đề nghị trừng phạt để vận động trong năm 2018. Chúng tôi mong đón nhận thông tin từ các nguồn ở trong và ngoài Việt Nam. Xin gửi thông tin về: bpsos@bspos.org

Cũng trong năm 2018, BPSOS sẽ vận động áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf. Theo đó, không chỉ các giới chức chính quyền đàn áp tôn giáo bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ mà cả vợ, chồng, con của họ cũng bị cấm nhập cảnh và nếu đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất. Trong số 8 hồ sơ mà BPSOS dùng để lập danh sách đề nghị trừng phạt, hết 6 hồ sơ liên quan đến đàn áp tôn giáo.

Các danh sách đề nghị chế tài:

1)      Hồ sơ Ms. Nguyễn Công Chính và Bà Trần Thị Hồng:
1.    Đại Tá Vũ Văn Lâu, Giám Đốc Công An Tỉnh Gia Lai
2.    Đại Tá Nguyễn Văn Long, Giám Đốc Công An TP Pleiku
3.    Trung Tá Nguyễn Đình Oánh, Công An trại giam T20, Tỉnh Gia Lai
4.    Thiếu Tá Hoàng Đức Giang, Công An nhà tù An Phước, Bình Dương


2)      Hồ sơ Nguyễn Bắc Truyển:
1.    Thiếu Tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám Đốc Công An Tỉnh Đồng Tháp
2.    Đại Tá Nguyễn Thanh Long, nguyên Trưởng Công An Huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp
3.    Thượng Tá Lê Hoàng Dũng, Phó Công An Huyện Lấp Vò, Tỉnh Đồng Tháp


3)      Hồ sơ Tin Lành Tây Nguyên:
1.    Đại Tướng Trần Đại Quang, nguyên Bộ Trưởng Công An, nguyên Chủ Tịch Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên của Đảng Cộng Sản Việt Nam
2.    Thượng Tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Công An, Chủ Tịch Ban Chỉ Đạo Tây Nguyên của Đảng Cộng Sản Việt Nam
3.    Đại Tá Nguyễn Công Văn, Giám Đốc Công An Tỉnh Kontum
4.    Đại Tá Vũ Tiến Điền, Phó Giám Đốc Công An Tỉnh Kontum
5.    Thiếu Tướng Trân Kỳ Rơi, Giám Đốc Công An Tỉnh Đắk Lắk
6.    Thiếu Tướng Võ Văn Đủ, Giám Đốc Công An Tỉnh Đắk Nông
7.    Ông Lê Diễn, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Nông
8.    Đại Tá Lương Ngọc Lếp, Phó Giám Đốc Công An Tỉnh Đắk Nông


4)      Hồ sơ Giáo Xứ Cồn Dầu:
1.    Huỳnh Đức Thơ, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân, nguyên Giám Đốc Sở Kế Hoạch và Đầu Tư TP Đà Nẵng
2.    Đại Tá Trần Mưu, Phó Giám Đốc Công An TP Đà Nẵng
3.    Đại Tá Lê Văn Tam, Giám Đốc Công An TP Đà Nẵng
4.    Đại Tá Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Công An Huyện Cẩm Lệ
5.    Ông Lê Quang Nam, Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Đà Nẵng
6.    Ông Võ Văn Thương, nguyên Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
7.    Ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân TP Đà Nẵng
8.    Ông Nguyễn Điều, nguyên Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường TP Đà Nẵng
9.    Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí Thư và Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Hoà Xuân
10.                      Ông Lê Viết Lam, Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Mặt Trời (Sun Group)


5)      Hồ sơ Mà Văn Pá:
1.    Đại Tá Hầu Văn Lý, Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Hà Giang
2.    Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám Đốc Sở Công An Tỉnh Hà Giang


6)      Hồ sơ Blogger Tạ Phong Tần:
1.    Đại Tá Lê Hồng Hà, Phó Giám Đốc Công An TPHCM
2.    Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám Đốc Viện Kiểm Sát TPHCM
3.    Thượng tá Nguyễn Thị Can - Nguyên Phó Giám Thị Trại Giam số 5, Bộ Công An Tỉnh Thanh Hoá
4.    Thượng tá Nguyễn Thị Hương - Phó Giám Thị Trại Giam số 5, Bộ Công An Tỉnh Thanh Hoá


7)      Hồ sơ PGHH Nguyễn Hữu Tấn:
1.    Đại Tá Phạm Văn Ngân, Phó Giám Đốc Công An, Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Tỉnh Vĩnh Long
2.    Ông Trần Văn Rón, Bí Thư Tỉnh Vĩnh Long
3.    Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Vĩnh Long
4.    Ông Trương Văn Sáu, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Vĩnh Long
5.    Đại Tá Lê Văn Hoàng, Phó Thủ Trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Tỉnh Vĩnh Long
6.    Đại Tá Phạm Văn Sum, Giám Thị Trại Tạm Giam Sở Công An Tỉnh Vĩnh Long


8)      Hồ sơ Trịnh Xuân Thanh:
1.    Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam
2.    Ông Trần Quốc Vượng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam
3.    Thượng Tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Công An
4.    Ông Trương Minh Tuấn, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông
5.    Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại Sứ Việt Nam ở Đức


03.10.2017


Đọc thêm:

Hạ Viện Canada thông qua Luật Sergei Magnitsky

Thông cáo báo chí

Dự Luật S-226 – Justice for Victims of Corrupt Foreign Officials Act (Công Lý cho Nạn Nhân của các Viên Chức Tham Nhũng Ngoại Quốc) đã được Hạ Viện chấp thuận.
Ngay khi Hạ Viện tái nhóm họp sau kỳ nghỉ hè, và nhận đuợc tin từ văn phòng Dân Biểu James Bezan cho biết Dự Luật S-226 sẽ đuợc thảo luận và biểu quyết lần cuối vào ngày thứ hai 2-10-2017, CYHRV đã phát động ngay đợt 2 của chiến dịch vận động cho Dự Luật này.
Với sự cộng tác của Cộng Đồng Người Việt Vùng Greater Vancouver, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Ottawa, Hội Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt Nam Vùng Montréal, và các thân hào nhân sĩ tại Toronto, Montréal, Vancouver, và Ottawa, chỉ trong vòng 1 tuần lễ, tất cả 335 Dân Biểu đã nhận đuợc thư/điện thoại từ các hội đoàn, các cử tri của họ, và CYHRV cùng yêu cầu họ hỗ trợ Dự Luật S-226.
Chiều nay, ngày 2-10-2017, phiên họp về Dự Luật S-226 đã kết thúc lúc 6 giờ:30 với lời tuyên bố của Chủ Tịch Hạ Viện Geoff Reagan, cho biết Dự Luật S-226 đã đuợc đa số phiếu của Hạ Viện chấp thuận. Tỉ số phiếu bầu chính xác sẽ đuợc công bố vào ngày 4 tháng 10, 2017.
Dự luật S-226, do Thượng Nghị Sĩ Raynell Andreychuk bảo trợ, đã được Thượng Viện thông qua ngày 11-4-2017, được Dân Biểu James Bezan trình bầy tại Hạ Viện ngày 13-4- 2017, và được Ủy Ban Thường Trực Hạ Viện về Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế thông qua ngày 22-6-2017 với một số tu chính. Do đó, Dự Luật sẽ đuợc chuyển trở về Thuợng Viện để thông qua những tu chính này truớc khi đuợc ban hành.
CYHRV xin cảm tạ các hôi đoàn và các thân hào nhân sĩ hằng quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã cùng làm việc với CYHRV cũng như giúp phổ biến tin tức trong nỗ lực giúp Canada thiết lập một công cụ hữu hiệu đóng góp vào cuộc tranh đấu chung cho nhân quyền và chống tham nhũng trên toàn thế giới.



02.10.2017