Chính phủ Trump điều cả ba nhóm Hải quân hàng không mẫu hạm hùng mạnh
nhất về biển Đông và châu Á cùng một lúc để làm gì?
Nguyễn Trọng Dân
Trong lúc truyền thông của Hoa Kỳ ầm ĩ tường trình về
bao nhiêu khuyết tật của chính phủ Trump, từ việc có hay không có chuyện dan
díu với Nga, việc thiếu sót trong đề nghị sửa đổi bảo hiểm y tế, việc đề nghị cắt
giảm ngân sách và việc sa thải giám đốc FBI, vân vân, thì chính phủ này lại âm
thầm chuyển cả ba nhóm Hải quân Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) về châu Á Thái Bình
Dương chỉ trong vòng bốn tháng nay. Tin tức vừa loan báo là nhóm hải quân HKMH USS Nimitz đang tiến gần đến vùng
biển Hàn Cộng (*) cùng bắt tay với hai nhóm HKMH khác đã hiện diện trong vùng
vào năm nay, đó là nhóm Hải quân HKMH
USS Carl Vinson và nhóm Hải quân HKMH
USS Ronald Reagan.
HKMH USS Nimitz được coi là lớn nhất thế giới với
chiều dài trên 300 m và có thể chứa đến trên 80 chiến đấu cơ hiện đại tối tân đủ
các loại, mà trong đó, bao gồm lên đến khoảng 36 chiếc phi cơ oanh kích hiện đại
F/A-18 Hornet mang trên mình hàng loạt các loại hỏa tiễn công phá cực mạnh.
HKMH được hộ tống bởi gần sáu đại chiến hạm với đầy đủ hỏa tiển có sức công phá
xa gần và nhiều chiến hạm hạng trung và nhỏ khác.
Như vậy, nếu nhóm Hải quân HKMH USS Carl Vinson và
nhóm Hải quân HKMH USS Ronald Reagan đều có sức mạnh không hải tương đương gần
giống như nhóm Hải quân HKMH USS Nimitz thì cả ba nhóm
Hải quân này cộng lại cũng có tổng cộng gần trên 200 phi cơ oanh kích hiện đại,
18 đại chiến hạm tối tân nhất thế giới và cả mấy chục chiến hạm trung và nhỏ
khác. Tại vùng biển nhỏ hẹp của giữa Hàn Cộng và Nhật, nếu cả ba lực lượng
Hải quân HKMH này mà tụ lại cùng lúc thì mặt biển nơi này phủ kín tàu chiến của
Mỹ.
Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn lấy cớ là Hàn Cộng thử vũ khí hỏa
tiễn nên cần phải điều thêm lực lượng không hải để bảo vệ Nam Hàn và Nhật cũng
như để tạo áp lực răn đe buộc Cộng Sản Bắc Hàn phải ngoan ngoãn từ bỏ ý đồ hiếu
chiến của mình. Nhưng trên thực tế, sau vụ nhóm Hải quân HKMH USS Carl Vinson
đã bị giới truyền thông phanh phui là đã tiến đến vùng biển Đông giữa Úc và Phi
vào trung tuần tháng Tư vừa rồi tập trận thay vì chèo lên hướng bắc để đi về hướng
Nhật Bản Nam Hàn như tuyên bố, giới chiến lược gia bắt
đầu nghi ngờ chính phủ Trump đang dương đông kích tây, tức là ngoài mặt thì bảo
là đưa quân răn đe Cộng sản Bắc Hàn mà thực tế, đang ồ ạt hiện diện lực lượng
Không- Hải của mình chật kín cả biển Đông.
Sự hiện diện quá đông đảo lực lượng Không Hải của
Hoa Kỳ hiện nay, nếu nhìn cho kỹ, làm Cộng Sản Bắc Hàn lo sợ thì ít mà làm Bắc
Kinh bực bội thì nhiều hơn vì không thể tư tung tự tác vươn ra sức mạnh hải
quân của mình trong vùng như thời Obama được nữa. Từ lâu, Bắc Kinh muốn thấy sự
hiện diện sức mạnh không hải của Hoa Kỳ tại biển Đông nói riêng và tại châu Á
nói chung càng ít chừng nào, càng tốt cho Bắc Kinh chừng nấy. Nay chính phủ
Trump chẳng nói chẳng rằng, tập trung cả ba nhóm hải quân HKMH đông như kiến
như thế lai vãng trải dài từ bở biển của Úc và Phi lên đến bờ biển phía bắc của
Nhật- Hàn thì rõ ràng, tham vọng có được vị thế sức mạnh không hải độc tôn
trong vùng của Bắc Kinh bị cản trở.
Vào đầu năm nay, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối dữ dội
Hoa Thịnh Đốn cho lắp ráp các dàn hỏa tiễn THAAD tại Nam Hàn. Hoa Kỳ bảo lắp
ráp các dàn THAAD này là để giúp Nam Hàn có khả năng tiêu diệt các hỏa tiễn bắn
ra bởi Cộng Sản Bắc Hàn, đang ngày một hiếu chiến, thử nghiệm hỏa tiễn liên tục.
Nếu thế thì tại sao Bắc Kinh lại phản đối dữ dội. Lý do là các dàn hỏa tiễn này
có hệ thống dò sóng radar rất mạnh, lan rộng cả vào phạm vi vùng trời của Trung
Cộng khiến sức mạnh hỏa tiễn của Bắc Kinh cũng bị vô hiệu hóa như thường. Nếu
thật sự là Bắc Kinh nhạy cảm về sự hiện diện của vũ khí Hoa Kỳ ráp đặt trong
vùng như vậy, thì sự chuyển quân ồ ạt chưa từng có của Hoa Kỳ như hiện nay, với
cả ba nhóm Hải quân HKMH hiện diện, che kín mặt biển vùng châu Á từ nam chí bắc,
từ Phi - Úc đến Nhật- Hàn, làm gì mà Bắc Kinh không nhìn thấy áp lực và sự hiện
diện của ba nhóm Hải quân HKMH này không có khả năng răn đe sự ngang ngược của
Hải quân Trung Cộng trong vùng?
Tổng thống Phi Duterte đã phải than vãn là Bắc Kinh
nạt thẳng mặt nếu Phi đào dầu tại vùng biển Hoàng Nham thì sẽ có chiến tranh giữa
hai nước, bất chấp những cam kết dàn hòa trước đó mà Bắc Kinh đã hứa với Phi
khi Obama đứng ra dàn xếp, cũng như bất chấp cả phán quyết của tòa án quốc tế về
biển đảo ở Hague định khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Cộng tại vùng này
là vô pháp không có cơ sở. Nay Hải quân của Trump hiện diện kín cả mặt biển,
không biết nếu Phi ra đào dầu trong phạm vi lãnh hải của mình mà Hoa Kỳ vốn
công nhận bấy lâu vào trước cả thời đệ nhị thế chiến thì liệu Bắc Kinh có dám nổ
súng như đã hăm dọa hay không?
Nhìn cảnh tổng thống Phi mang thân phận lãnh đạo một
nước nhỏ phải chật vật chịu cả nhục để cố tìm cách để cứu nguy lãnh hải cho quốc
gia mình khiến giới chiến lược gia ngày nay không ngừng cám ơn tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa năm xưa đã ra lệnh khai hỏa công khai tại Hoàng
Sa vào tháng Giêng năm 1974. Trận đánh này là một sử tích khiến vĩnh viễn Trung
Cộng không cách gì hợp pháp có chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Mà nếu đúng là
như vậy, thì làm sao Trung Cộng có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền ở những
quần đảo xa hơn tận phía nam thuộc Trường Sa để rồi dọa nạt nước Phi hiền lành
như thế?
Năm xưa, khi Việt Nam Cộng Hòa phải đối đầu trực tiếp
về quân sự với cả hai chế độ Cộng sản cùng lúc, một là Cộng sản Bắc Việt trên bộ
và hai là Trung Cộng trên biển, Hải quân của Hoa Kỳ đã nghe lời của cố vấn an
ninh quốc gia Kissinger kéo ra xa quan sát không can thiệp để đồng minh Việt
Nam Cộng Hòa phải tự sức đánh, sức tới đâu thì đành phải đánh tới đó. Do biết
mình sắp sửa có thể bị cắt quân viện nên Việt Nam Cộng Hòa đã phải ngừng kế hoạch
phản công để phòng khi Cộng Sản Bắc Việt xé hiệp định hoà bình tại Paris mà tấn
công mình. Ngay năm sau đó, Cộng Sản Bắc Việt xé hiệp định Paris và tấn công thủ
tiêu chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Từ đó trở đi, không còn lá chắn Việt Nam Cộng Hòa
trên biển nữa, Hải quân Trung Cộng cứ ngày một hoành hành ở biển Đông và nay,
Hoa Kỳ đã đến lúc phải nhìn lại hậu của việc quả lắng nghe theo lời khuyên ngu
xuẫn của Kissinger năm xưa. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ là cựu tướng James Mattis
thừa rõ sai lầm của Hoa Kỳ ở quá khứ và đương nhiên, nếu Hoa Kỳ thật sự muốn nước
Phi vĩnh viễn hoàn toàn thoát khỏi sự đe dọa của Trung Cộng trên biển thì hồ sơ
chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa cần phải mở ra lại để khiến Hải quân
Trung Cộng không thể hoạt động sâu xuống phương nam của biển Đông được nữa.
Người Mỹ rất có can đảm ở chiến trường nhưng liệu có
can đảm thừa nhận lỗi lầm là đã phản bội đông minh Việt Nam Cộng Hòa hay không?
Ngày nay, tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á, kể cả Nhật đang nhìn về Hoa Thịnh Đốn
trong anh mắt lo âu do tìm câu trả lời "yes" or "no" cho một
câu hỏi duy nhất: " Liệu Hoa Kỳ có
phản bội lại đất nước chúng tôi như đã phản bội lại đồng minh Việt Nam Cộng Hòa
trước đó hay không? "- "Yes" hay "No"?
Có lẽ, lấy cớ trấn áp Cộng Sản Bắc Hàn,
ba nhóm Hải quân HKMH lần này tập trung hiện diện đông như kiến tại vùng biển
Đông nói riêng và vùng biển châu Á nói chung cũng chỉ là cố trấn an mối nghi ngờ
bất an về chữ "tín" của Hoa Kỳ trong suy tư của lãnh đạo các nước
trong vùng vốn đã ăn sâu mọc rễ bấy lâu sau vụ bội ước Việt
Nam Cộng Hòa. Một sự bất an mà Hoa Kỳ chỉ có thể xóa hoàn toàn khi chính phủ
Hoa Kỳ thừa nhận chính thức là Hoa Kỳ đã phản bội đồng minh Việt Nam Cộng Hòa
và công nhận sự tồn tại của quốc gia này là hợp pháp hợp hiến dựa trên công
pháp quốc tế.
(*) US moving 3rd aircraft carrier-led
strike group towards North Korea in unprecedented show of force
Nguyễn Trọng Dân