07.08.2017

Những câu hỏi xoay quanh vụ Trịnh Xuân Thanh - Thập Toàn

Những câu hỏi xoay quanh vụ Trịnh Xuân Thanh

Thập Toàn
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trịnh Xuân Thanh là doanh nhân, thông tin trên báo chí Đức đã đề cập đến thông tin rằng Trịnh Xuân Thanh là doanh nhân, mua nhà và cho thuê tại Đức từ trước đó. Nếu chỉ một vài căn hộ cho thuê thì báo chí Đức sẽ không thể gọi Trịnh Xuân Thanh là doanh nhân được. Vậy một công chức làm việc trong hệ thống chính quyền VN, mức lương thế nào để có tiền đầu tư bất động sản thành doanh nhân trên đất Đức?


Có kẻ sẽ cho rằng Trịnh Xuân Thanh tự kinh doanh như buôn bán chứng khoán. Thử hỏi xem dân thường có mấy ai buôn bán chứng khoán mà giầu có để đầu tư bất động sản bên Đức được. Cơ chế nào để chỉ quan chức cộng sản mới kinh doanh có lời? Hay tất cả những hình thức kinh doanh của từng cá nhân quan chức cộng sản chỉ là những cái bình phong làm nhiệm vụ rửa tiền do ăn cắp của dân thông qua hệ thống kinh tế thị trường định hướng XHCN mà đảng CSVN nhào nặn ra?

Bằng cách nào mà Trịnh Xuân Thanh chuyển được một lượng tiền lớn như thế để đầu tư bất động sản bên Đức? Hay do chính những văn phòng đại diện đối tác kinh doanh của các tập đoàn nhà nước VN mở ra ở Đức làm nhiệm vụ luân chuyển dòng tiền ăn cắp của dân để rửa trên đất Đức? Cũng như vụ việc đương kim Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khiếu nại hành lý mất 50,000 USD trong chuyến công du nước ngoài. Khi bị chất vấn nguồn tiền, thì ông trả lời là tiền công?

Trịnh Xuân Thanh đã thuê phòng tại khách sạn ở với người tình, người cùng bị bắt cóc, hay Trịnh Xuân Thanh thường xuyên phải lẩn tránh bằng cách di chuyển chỗ ngủ bằng cách thuê khách sạn. Không nhiều tiền thì cũng không thể thuê những khách sạn sang trọng như Sheraton ở Berlin.

Thông tin báo chí Đức cũng cho biết, vợ cùng hai con gái của Trịnh Xuân Thanh đã được chấp nhận lưu trú tại Đức. Trên trang Wikipedia thì đưa tin Trịnh Xuân Thanh có một người con trai là Trịnh Hùng Cường sinh năm 1992. Tuy nhiên, trên trang blog Người Buôn Gió, có nói Trịnh Xuân Thanh có nhận hai bé gái từ trại mồ côi làm con nuôi. Câu hỏi được đặt ra là, hai bé gái mà Trịnh Xuân Thanh cùng vợ nhận làm con nuôi đó từ khi nào? Và tại sao không có trong tiểu sử của Trịnh Xuân Thanh? Liệu có phải hai bé gái này đã được vợ chồng Trịnh Xuân Thanh nhận nuôi cấp tốc cho mục đích tỵ nạn? Vì thông thường, chính sách tỵ nạn của các nước đều ưu tiên những người có con nhỏ và trẻ em. Nếu quả thực Trịnh Xuân Thanh và vợ có mưu đồ này, thì rõ ràng Trịnh Xuân Thanh và vợ đã vi phạm công ước quốc tế về quyền trẻ em, và vi phạm luật tỵ nạn của Đức.

Một số nhà bình luận cho rằng, có một góc khuất trong quan hệ ngoại giao hoặc chính phủ Đức trợ giúp VN để VN bắt Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Có thể trong ngoại giao, một bên đề xuất một việc gì đó, bên thứ 2 không đồng ý, nhưng cũng lặng im để bên thứ nhất tiến hành. Tuy nhiên, một chính quyền hiến định như Đức, họ sẽ không chấp nhận việc hỗ trợ và làm ngơ để CSVN xâm nhập vào lãnh thổ của họ để bắt cóc bất cứ công dân nào. Chính vì thế, Chính phủ Đức đã có những đáp trả cứng rắn với CSVN bằng cách trục xuất Trần Đức Thoa. Phản ứng của Chính phủ Đức cho thấy trách nhiệm của họ về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trước người dân Đức. Trong khi đó, rất nhiều người VN cho rằng phản ứng của Đức là bảo vệ Trịnh Xuân Thanh.

Tuy nhiên, theo như bà Petra Isabel Schlagenhauf LS người Đức của Trịnh Xuân Thanh, thì bà đã cảm thấy rất khó khăn khi muốn đẩy mạnh sự vào cuộc của giới chức khi bà thông báo việc mất tích của Trịnh Xuân Thanh. Và thậm chí có cơ quan an ninh của Đức còn trả lời bà ấy rằng có thể Trịnh Xuân Thanh dính líu đến các băng xã hội đen (Phải chăng cộng đồng người Việt ở Đức, còn tồn tại nhiều băng nhóm xã hội đen?) Việc “chậm trễ” vào cuộc của các cơ quan an ninh của Đức, không phải là họ yếu kém, bởi chỉ cần một kẻ ồn ào ở ga tàu, thì ngay lập tức chỉ khoảng 5-10 phút sau sẽ có ít nhất 2 cảnh sát ập đến áp giải hoặc theo dõi, trong trường hợp người gây rối đó xong rồi lên tàu, thì cảnh sát cũng lên tàu đi cùng. Nhất là trong tình cảnh hiện nay, Đức thắt chặt an ninh theo hướng đề phòng khủng bố.

Trịnh Xuân Thanh cái tên đã bị ít nhất tòa án của Berlin chấm 1 chấm vào đó, là có thông tin lệnh tìm kiếm từ VN và bị gạt hồ sơ xin lưu trú cùng vợ và hai con gái. Chả lẽ an ninh Đức lại không biết nhân vật Trịnh Xuân Thanh khi bà LS của Trịnh Xuân Thanh gọi báo tin Trịnh Xuân Thanh mất tích? Điều này cho thấy, Trịnh Xuân Thanh không phải là nhân vật được Berlin ban hành quyền bảo hộ. Trịnh Xuân Thanh đã 1 lần bị chấm đen trong tòa án khi xin lưu trú cùng vợ con. Vì thế Trịnh Xuân Thanh cùng nhóm mafia CS Đông Đức đã quay ra hướng phản công giả hiệu cộng sản để khoác lên cái áo bất dồng chính kiến và đẩy hồ sơ sang văn phòng tỵ nạn chính trị.

Cũng như việc vào cuộc rất chậm (sau cả tuần báo chí Đức không hề đưa tin) chỉ đến khi trang thoibao.de của ông Lê Trung Khoa đưa tin “bắt cóc”, lúc đó truyền thông và các cơ quan của Đức mới vào cuộc. Việc truyền thông Đức không phản ứng mạnh về vụ Trịnh Xuân Thanh, chỉ một lần duy nhất ngày 2 tháng 8 bản tin thời sự của đài truyền hình Đức đưa tin, và cũng không thuộc dạng tin chính trên trang nhất. Cũng như việc các kênh truyền hình Đức không tổ chức các talk show để các chính trị gia, luật gia tranh luận. Điều này cho thấy truyền thông Đức cũng không mặn mà với một tên ăn cắp như Trịnh Xuân Thanh. Có lẽ đó là sự khác biệt của những cái đầu làm truyền thông ở Đức và những người làm báo dưới thời của Lại Văn Sâm và Trần Bình Minh ở VN.

Chính vì thế, bà luật sư của Trịnh Xuân Thanh ra thông cáo báo chí cũng nhằm đẩy mạnh vụ việc trên mặt trận truyền thông, có lợi cho Trịnh Xuân Thanh. Những thông tin từ bà LS của Trịnh Xuân Thanh chủ yếu cung cấp, Trịnh Xuân Thanh là nạn nhân đấu đá phe phái của CS Hà Nội, chứ Trịnh Xuân Thanh không phải là tên ăn cắp. Những thông tin bà LS của Trịnh Xuân Thanh cung cấp, đó là cuộc đấu đá phe phái giữa chính quyền cấp tiến của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho mục đích phát triển VN theo hướng tư bản và và phe cộng sản bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng. Cuộc chiến của bà LS này trên con đường bảo vệ Trịnh Xuân Thanh sẽ còn tiếp diễn.

Với khoản tiền doanh nhân bất động sản, vợ Trịnh Xuân Thanh cũng như đám cận thần có lẽ cũng còn nhiều tiền thuê luật sư để theo đuổi vụ này. Nhưng quan trọng hơn, cộng sản Hà Nội đã bắt đầu bị không chỉ người dân trong nước, mà còn bị nhóm CSVN thời Đông Đức dồn vào thế đấu đá nội bộ và phe phái, thay vì chống tham nhũng. Qua đây cũng cho thấy những nhà dân chủ cuội đang cố tình tô vẽ cho một người hùng Nguyễn Tấn Dũng là phe cấp tiến dưa Việt Nam theo con đường dân chủ. Chỉ đắng ngắt rằng, hai nhiệm kỳ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy VN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung cộng. Dân chủ chưa lớn, hay dân chủ cuội cả hai đều đang pha loãng những giá trị cao đẹp cũng như hất đi mọi công sức của những người như Mẹ Nấm, Nguyễn Văn Đài…

Tại sao Bộ Công an của chính quyền Hà Nội hùng hổ cho đăng thông tin báo chí trong nước là Trịnh Xuân Thanh đã bị lệnh truy nã đỏ quốc tế, nhưng cho đến nay tên của Trịnh Xuân Thanh vẫn không có trong danh sách truy nã quốc tế? Việc này rất logic cho việc, quan chức phụ trách án Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Công an, điển hình là Nguyễn Quý Vương, đã cố tình lừa rối nhân dân, và đánh lừa cả Nguyễn Phú Trọng. Đúng như nhận định của Trịnh Xuân Thanh khi bàn bạc với Người Buôn Gió “anh Vương nói thế là để lấy cớ báo cáo với Trọng”. Phải chăng vì thế mà vụ việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin là do Tổng cục 2 thực hiện, chứ không phải do Bộ Công an? Điều này càng lý giải vì sao ông Tô Lâm, đương bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn trả lời báo chí, rằng ông không có thông tin việc bắt và di lý Trịnh Xuân Thanh về VN.

Phải chăng Bộ Công an, dưới ảnh hưởng của Trần Đại Quang, đã hỗ trợ hoặc cố tình làm ngơ để Trịnh Xuân Thanh chạy trốn? Điều này chắc chắn là có, bởi sau một loạt bài “Trịnh Xuân Thanh con dê tế thần” trên trang Blog Người Buôn Gió, blogger này có những bài viết chỉ ra mối quan hệ “qui hồi” của Trần Đại Quang về phe Nguyễn Tấn Dũng. Trường hợp này là kịch bản tái lập lại kịch bản chạy trốn của Dương Chí Dũng.

Phải chăng cuộc chiến giữa phe Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang + Nguyễn Tấn Dũng thông qua chiến dịch cố bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh đã đẩy phe Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng vào thế phải phản công, bằng cách bên Bộ Công an đột biến, cho bắt hàng loạt các nhà dân chủ và cáo buộc ở những điều luật nặng nề, cũng như các bản án nặng nề với Mẹ Nấm và Thúy Nga?

Thập Toàn, CHLB Đức
7.8.2017
© Copyright Tiếng Dân