Dân oan Dương Nội khởi kiện
nhà nước Việt Nam: Không thể và có thể
Trịnh Bá Phương và dân oan
Dương Nội mong muốn khởi kiện nhà nước Việt Nam Facebook Trịnh Bá Phương
Ngay sau khi Tòa án Hình sự
quốc tế (ICC) ngày 15 tháng 9 vừa qua tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang
các vụ việc liên quan tới những tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài
nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu đất đai của người dân trái pháp luật,
người dân Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội đã bày tỏ ý định kiện nhà nước Việt
Nam ra toà ICC.
Ý định này có khả năng thực
hiện hay không?
Niềm tin từ
vụ Trịnh Vĩnh Bình
Một tháng trước đây, vụ kiện
thế kỷ của doanh nhân Hà Lan gốc Việt, ông Trịnh Vĩnh Bình, kiện nhà nước Việt
Nam ra Toà Trọng tài Quốc tế ở Paris với lý do chính phủ Việt Nam đã không thực
hiện các cam kết mà hai bên đã thỏa thuận ngoài tòa năm 2006 trong vụ kiện lần
đầu, đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Chưa thể biết hình ảnh ông
doanh nhân tươi cười đưa cao hai tay làm biểu tượng Victory (chiến thắng) khi
bước ra khỏi toà có phải là ẩn ý cho sự thắng kiện hay không, nhưng có thể thấy
trên một số trang mạng xã hội của người Việt Nam sau đó, đã xuất hiện những bàn
cãi về khả năng kiện nhà nước Việt Nam liên quan đến đàn áp nhân quyền, tự do
tôn giáo.
Những người dân phản đối
cưỡng chế đất Facebook Trịnh Bá Phương
Đặc biệt đến ngày 15 tháng 9,
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi thụ lý sang các vụ việc
liên quan tới những vấn đề khác, trong đó có “trưng thu đất đai của người
dân trái pháp luật”, thì người đầu tiên đề xuất ý định này chính là những người
dân Dương Nội, đại diện là ông Trịnh Bá Phương, con trai của dân oan, tù nhân
lương tâm Cấn Thị Thêu.
“Sau vụ án của Trịnh Vĩnh
Bình, thì tôi được biết luật pháp quốc tế qui định bao gồm các cấp, quận, huyện
và tỉnh thành mà sai phạm thì người đứng đầu chính phủ phải chịu trách nhiệm.
Cho nên việc ra quyết định cưỡng chế và đàn áp do nhà cầm quyền Hà Nội đã gây
ra cho người dân Dương Nội thì chính phủ Việt Nam phải chịu trách nhiệm.”
Từ Dương Nội, Trịnh Bá Phương
cho biết thật sự anh và người dân Dương Nội đã có ý định khởi kiện nhà nước Việt
Nam từ cuối năm 2015, sau nhiều lần chịu sự đàn áp cưỡng chế đất bất hợp pháp từ
chính phủ Việt Nam.
“Trong tất cả các lần tiếp
xúc với các đại sứ quán, bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Pháp, cũng như các quốc gia dân
chủ, các tổ chức nhân quyền quốc tế trong đó có cả Cao uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc
sang gặp tôi 20 tháng 10 2015. Trong những lần tiếp xúc đó tôi đều mong muốn
nguyện vọng các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền hỗ trợ tôi và người
dân Dương Nội trong việc khởi kiện nhà nước Cộng sản ra Toà Quốc tế.”
Điều này được anh Trịnh Bá
Phương thay mặt cho người dân Dương Nội bày tỏ với nhà hoạt động nhân quyền
Grace Bùi, mong muốn có sự hỗ trợ pháp lý của văn phòng luật sư ICC để tiến
hành thực hiện việc khởi kiện.
Khi RFA đề cập đến niềm tin của
người dân Dương Nội về vụ khởi kiện bắt nguồn từ vụ án thế kỷ Trịnh Vĩnh Bình,
bà Grace Bùi cho biết đó là hai sự việc hoàn toàn khác nhau.
“Ông Trịnh Vĩnh Bình nên
nhớ ông ấy không phải người Việt Nam.
Đó là một điều mình phải
suy nghĩ. Và hai vụ kiện hoàn toàn khác nhau.”
Không thể kiện
ra Toà ICC
Tuy nhiên, mong muốn của người
dân Dương Nội cũng đã được bà chuyển lời giúp đến với văn phòng luật sư quốc tế,
thuộc Tòa Án Công Lý Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc ICJ.
“Sau cuộc nói chuyện đó
thì tôi tìm được một luật sư, là ông Richard J. Rogers, một năm trước đã tiến
hành vụ khởi kiện chính phủ Cambodia ra Toà ICC, vì Cambodia cũng có dân oan.
Tôi biết Việt Nam không phải
là một thành viên của ICC do đó không thể kiện được họ. Ông ấy có nói rằng
không thể kiện theo kiểu Cambodia được.
Tôi có hỏi ông ấy rằng có
cách nào để người Dương Nội kiện được không? Ông ấy gửi cho tôi 1 văn bản rất
dài, trong đó nói là có thể kiện được nhưng không đi thẳng qua Toà Quốc tế, phải
đi vòng vòng và tốn rất nhiều tiền.
Đặc biệt ông ấy nhấn mạnh “Tốn rất nhiều chi phí” (Costs a lot of
money).
Và ông ấy sẽ không làm free (miễn phí)”
Số tiền cần phải có nếu thực hiện vụ khởi kiện được ước tính khoảng
$70,000 đến $80,000 US.
Câu hỏi liên quan đến vấn đề pháp lý dành cho Luật sư Trịnh Hữu Long,
người sáng lập trang Luật Khoa Báo Chí, và ông cho biết khởi kiện nhà nước Việt
Nam ra Toà Quốc tế ICC là “một sự hiểu nhầm của người dân” và khả năng thực thi
hoàn toàn không có.
“ Để Toà Hình sự Quốc tế có thể thụ lý 1 vụ án từ Việt Nam thì Việt Nam
phải là 1 nước thừa nhận thẩm quyền xét xử của Toà Hình sự Quốc tế.
Việc thừa nhận thẩm quyền xét xử là Việt Nam phải tham gia Công ước Rome
về việc thành lập Toà án Hình sự Quốc tế.”
Giải thích rõ thêm, Luật sư Trịnh Hữu Long cho biết Công ước Rome là 1
công ước quốc tế. Những quốc gia phê chuẩn Công ước Rome là những quốc gia thừa
nhận thẩm quyền xét xử của ICC và công dân của quốc gia đó mới có thể kiện
chính phủ của họ ra toà ICC.
Do đó, ông khẳng định một lần nữa:
“Việt Nam hoàn toàn không phải là thành viên của Công ước Rome nên không
có cách nào để công dân Việt Nam có thể kiện chính phủ Việt Nam ra Toà Hình sự
Quốc tế được.”
Đó cũng là nhận xét của bà Grace Bùi.
“Đối với tôi, cơ hội không cao. Nói thật như vậy.”
Cách khác
Kể lại những lần tiếp xúc với Luật sư Richard J. Rogers về khả năng khởi
kiện của người dân Dương Nội, bà Grace Bùi cho biết ông Richard không nói là
“không thể”.
Câu trả lời của ông là “Có thể làm được mà có thể không”
Trong email phản hồi luật sư Richard gửi cho bà Grace, ông có nói đến vấn
đề này
“Trường hợp khởi kiện của Vietnam phức tạp hơn rất nhiều vì chính phủ Việt
Nam không tham gia ký kết ICC. Nhưng vẫn có những con đường pháp lý khác có thể
thực hiện.
Trước đây chính tôi cũng đã tiếp xúc với dân oan Việt Nam và đề nghị
giúp đỡ. Tuy nhiên tôi không phải là tổ chức NGO và chính vì thế tôi làm việc
phải có chi phí tranh tụng.
Và họ đã không có khả năng kêu gọi quỹ hỗ trợ.”
(For Vietnam it's more complicated as it has not signed up to the ICC.
But there are other legal avenues that can be explored.
I was in touch previously with Vietnamese dissidents and offered to
help. However I am not an NGO and therefore require funds. They were not
able to raise the funds)
Theo Luật sư Trịnh Hữu Long, chỉ có một cách duy nhất dành dân oan Việt
Nam có thể kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Quốc tế:
“Ví dụ như có một nhà đầu tư nước ngoài nào đó đến đầu tư ở Việt Nam,
trong quá trình đầu tư có tiến hành cưỡng chế đất.
Nhà đầu tư đó lại là nhà đầu
tư của một nước đã phê chuẩn công ước Rome rồi, thì công dân Việt Nam có thể kiện
nhà nước Việt Nam ra toà quốc tế được.
Nhưng ngay cả khi kiện
cũng chưa chắc là toà án thụ lý vì toà quốc tế chỉ thụ lý những vụ đặc biệt
nghiêm trọng.”
Không bỏ cuộc
Khi được hỏi về tất cả những
khó khăn trong việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra Toà Hình sự Quốc tế ICC,
anh Trịnh Bá Phương, một lần nữa, đại diện cho người dân Dương Nội khẳng định sẽ
không bỏ cuộc.
“Dân làng tôi sẽ kiện ra một
toà án khác, không hẳn là toà La Haye ở Hà Lan. Thông điệp lớn nhất muốn truyền
tải với truyền thông là tôi là người dân Dương Nội luôn luôn sẵn sàng ký tên để
kiện nhà nước Việt Nam ra Toà Quốc tế.”
Anh Trịnh Bá Phương tin rằng
cánh cửa để đưa Việt Nam ra toà quốc tế, không hẳn La Haye hoàn toàn mở rộng,
vì “chúng tôi có sự đồng hành của các tổ chức quốc tế và sự hỗ trợ vô cùng lớn
của cộng đồng hải ngoại và người Việt khắp năm châu luôn hướng về người dân
Dương Nội.”
Cát Linh (RFA)