Nhật Bản: Cuộc mưu sinh vất vả
của du học sinh Việt Nam
Kiều Phong
Cánh cửa du học và lao động
Nhật Bản đang chưa bao giờ khép lại đối với du học sinh Việt Nam, nhưng nó cũng
không còn rộng như những thập kỷ trước nữa. Công cuộc mưu sinh của các bạn trẻ
Việt Nam ngày càng khó khăn, ở một nơi đất khách mà quy luật cạnh tranh đầy khắc
nghiệt.
Chính phủ Nhật Bản quy định du học sinh như du học
sinh Việt Nam chỉ được làm thêm 28 giờ mỗi tuần. Trên danh nghĩa là 28 giờ,
nhưng thực tế bị cắt lên cắt xuống, đa phần chỉ còn được làm thêm 21 giờ mỗi tuần.
Mức lương làm thêm tại Nhật là khá cao, so với giá trị đồng tiền Việt Nam, mỗi
giờ làm thêm tính ra tiền Việt trên dưới 200 000 đồng. Với mức lương như vậy,
hoàn toàn đủ để sống nhưng là sống ở mức tối thiểu tại Nhật. Số tiền làm thêm
mà du học sinh Việt Nam trung bình kiếm được ở Nhật chỉ đủ để trả sinh hoạt
phí, bao gồm tiền ăn uống, tiền đi đường và tiền nhà trọ. Riêng tiền học phí,
gia đình ở Việt Nam vẫn phải gửi sang Nhật. Đây là nói đến những du học sinh đi
học nghiêm túc, không tính những bạn chuyên trốn học ra ngoài lao động.
Ở Việt Nam phòng trọ sinh viên đã chật, sang Nhật
còn chật hơn. Chỉ với 4 mét vuông, làm sao để sống được trong một không gian
như thế, nếu không gọn gàng và ít đồ đạc. Mức chi tiêu eo hẹp, khoảng 6 triệu đồng
tiền Việt mỗi tháng. Vật giá ở Nhật rất mắc, rau cải cũng rất mắc. Người ta nói
rằng ở Nhật ăn chay mắc hơn ăn mặn. Giá thịt gà, thịt bò công nghiệp rẻ hơn,
giá rau cải mắc hơn. Đối với những du học sinh Việt vốn không ăn được thịt gà
hay thịt bò công nghiệp thì khi qua đó, thời gian đầu là rất khó khăn.
Khi đi làm thêm, du học sinh Việt Nam gặp trở ngại
nhiều. Dường như các bạn chỉ được tạo điều kiện để làm tiếp viên hoặc bưng bê
trong các nhà hàng, siêu thị. Khách Nhật rất khó, du học sinh Việt nào nghe
không rõ thì hỏi lại khách là ăn món gì. Hỏi lần một, lần hai còn trả lời, hỏi
sang lần thứ ba thì khách đứng dậy bỏ đi, ông chủ nhà hàng thấy vậy, trả lương
hết tháng và đuổi khéo không cho làm nữa. Những bạn nhanh nhạy, thạo tiếng thì
còn đỡ, những bạn ú a ú ớ vài ba câu tiếng Nhật rất khó hòa nhập. Làm trong nhà
hàng, siêu thị ở Nhật, lỗ tai phải thính, phán đoán nhanh, khách gọi nghe một
cái là phải biết cái gì.
Kể cả khi đã thạo tiếng cũng chưa chắc ăn. Ở Nhật Bản
cũng có đủ loại người, có những khách vào quán ăn nhưng không trả tiền, lặng lẽ
đi ra. Mỗi lần bị quỵt như vậy, chủ nhà hàng trừ tiền trong chỗ lương của cậu
tiếp viên du học sinh người Việt. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười như thế có
thật, cũng đành phải chịu, chẳng biết kêu ai.
Giờ làm việc của du học sinh Việt đã được đất nước
tư bản Nhật Bổn tính sẵn, gọi đi lúc nào là phải đến lúc đó, không được phân
bua. Không hiểu là vô tình hay hữu ý, họ xếp cho du học sinh Việt làm vào những
giờ khuya. Chẳng hạn, một du học sinh Việt kể rằng em này phải làm từ mười giờ
khuya đến nửa đêm, sang đến sáng. Hành trình đi tàu điện đến chỗ làm khoảng ba
mươi phút. Cũng có một ông bố người Việt, rạng sáng thức dậy lúc hai giờ, thấy
đèn facebook của đứa con ở Nhật còn sáng thì hỏi đi đâu giờ này, đứa con trả lời
là đi làm. Bên đó sớm hơn Việt Nam hai giờ, ở Việt hai giờ sáng thì ở Nhật đã
là bốn giờ sáng, du học sinh Việt đi làm đã phải dậy đón tàu đi làm rồi. Giờ đó
là giờ sinh lý con người yêu cầu phải nghỉ ngơi. Nhưng tuổi thanh xuân của người
Việt đang bị vắt kiệt ở Nhật Bản như vậy.
Đó là chưa kể đến quy luật cạnh tranh khốc liệt ở Nhật,
bây giờ lao động bán thời gian là du học sinh Việt Nam còn phải cạnh tranh với
robot nữa. Nhật Bản là một vương quốc sản xuất robot, trình độ chế tạo robot ở
nước này rất cao, thừa sức cung ứng cho các nhà hàng. Robot được lập trình ngôn
ngữ sẵn, khách gọi món bằng tiếng nước nào thì robot trả lời lại bằng tiếng nước
ấy, nhanh và chuẩn, trong khi du học sinh Việt Nam hạng vừa biết tiếng Nhật Bản.
Robot có hai con mắt đằng trước, hai con mắt đằng sau, nên khách vào ăn trong
quán không gian lận hay bỏ về được. Với những lợi thế như vậy, các chủ nhà hàng
và chủ siêu thị ở Nhật đang không mấy mặn mà với tiếp viên trẻ người Việt. Tình
thế đã khó khăn, nay ngày càng khó khăn thêm.
Việt
Nam Thời Báo