01.09.2017

Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ

„…số trường hợp công dân Mỹ gốc Việt có thể khai thác luật này để kiện chính quyền Việt Nam có thể lên đến 20 nghìn. Trong đó có những người bị tịch thu các tài sản mà họ để lại ở miền Bắc khi di cư vào Nam năm 1954, và những người bị tịch thu tài sản sau tháng 4 1975. Ngoài ra, một số cộng đồng tôn giáo cũng có thể đứng đơn kiện…“

Đòi bồi thường tài sản bị cưỡng đoạt: Khai thác luật Hoa Kỳ
Nghìn trường hợp ở Hoa Kỳ mạnh hơn hồ sơ “Trịnh Vĩnh Bình”

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Trong những ngày qua, dư luận người Việt ở trong và ngoài nước theo dõi sát việc hội đồng trọng tài được triệu tập ở Paris, Pháp để xét đơn khiếu nại của Ông Trịnh Vĩnh Bình, đòi chính quyền Việt Nam bồi thường 1.25 tỉ Mỹ kim. Bất luận kết cục ra sao, vụ này chứng minh rằng khi bị lôi ra sân chơi quốc tế, chế độ cộng sản ở Việt Nam không thể tuỳ tiện như trên sân nhà. Ông Bình đã dùng tư cách công dân Hoà Lan để lôi chính quyền Việt Nam vào thủ tục trọng tài.


Ở Hoa Kỳ hiện có nhiều nghìn, thậm chí nhiều chục nghìn, hồ sơ với căn cứ pháp lý mạnh hơn trường hợp của Ông Bình. Trong 4 năm qua chúng tôi đã nghiên cứu khoảng 100 hồ sơ như vậy và tháng 6 vừa rồi triển khai chương trình công dân Mỹ gốc Việt đòi tài sản. Chương trình này gồm 3 mũi nhọn chính để khai thác luật và hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Chương trình này áp dụng cho các tài sản của công dân Hoa Kỳ đã bị cưỡng đoạt bất hợp pháp bởi chính quyền Việt Nam từ năm 1954 cho đến nay.

Mũi nhọn thứ nhất là kiện chính quyền Việt Nam ra toà án liên bang và tiểu bang Hoa Kỳ.

Thông thường, một công dân ở quốc gia này không thể kiện một chính quyền của quốc khác. Tuy nhiên, luật Hoa Kỳ có một biệt lệ. Luật Foreign Sovereign Immunity Act (FSIA), ban hành năm 1976, cho phép công dân Hoa Kỳ kiện chính quyền ngoại quốc trong trường hợp bị tước đoạt tài sản không bồi thường, và người đứng đơn kiện không nhất thiết phải có quốc tịch Hoa Kỳ vào thời điểm tài sản bị tước đoạt.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, số trường hợp công dân Mỹ gốc Việt có thể khai thác luật này để kiện chính quyền Việt Nam có thể lên đến 20 nghìn. Trong đó có những người bị tịch thu các tài sản mà họ để lại ở miền Bắc khi di cư vào Nam năm 1954, và những người bị tịch thu tài sản sau tháng 4 1975. Ngoài ra, một số cộng đồng tôn giáo cũng có thể đứng đơn kiện – chúng tôi sẽ giải thích điểm nay trong một bài khác.

Thay vì dùng lý để giải thích, tôi sẽ minh hoạ Luật FSIA qua vụ kiện Altmann v. Republic of Austria, xảy ra cách đây không lâu.

Tranh "Nụ Hôn" nổi tiếng của danh hoạ Gustav Klimt, mà chính phủ Áo phải trả lại cho nguyên đơn

Bà Maria Altmann sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Áo vào đầu thế kỷ trước. Chú của Bà là một chủ ngân hàng giàu có. Năm 1938, chính quyền Đức Quốc Xã ở Áo tịch thu 6 bức tranh mà người chú đặt hàng với danh hoạ Gustav Klimt. Ít lâu sau, vợ chồng người chú chạy thoát sang Thuỵ Sĩ. Bà Maria cùng với vị hôn phu chạy thoát đến được Hoa Kỳ. Khi Đức thua trận đệ nhị thế chiến và phải rút quân, họ giao các bức tranh này lại cho chính quyền Áo. Vì vợ chồng người chú không con cái, khi họ chết đi Bà Maria đương nhiên thừa hưởng gia tài, trong đó có các bức tranh của Klimt.

Năm 1999 Bà Maria, lúc ấy 83 tuổi, được một nhà báo người Áo và một luật sư trẻ người Mỹ gợi ý kiện chính quyền Áo để đòi các bức tranh Klimt. Họ tận tình giúp Bà làm đơn kiện ra toà Liên Bang ở California. Luật sư đại diện chính quyền Áo yêu cầu toà huỷ vụ kiện, lập luận rằng hành vi tịch thu xảy ra trước khi Luật FSIA ra đời. Năm 2004, Tối Cao Pháp Viện bác bỏ lập luận này, phán xét rằng Luật FSIA có tính hồi tố vô thời hạn, rồi giao cho toà dưới tiến hành xử kiện.

Biết chắc sẽ thua, chính quyền Áo đề nghị giải quyết theo thể thức trọng tài để giảm thiệt hại. Bà Maria cũng đồng ý vì e không còn sống bao lâu để đeo đuổi vụ kiện có thể kéo dài hàng chục năm.

Năm 2006, Hội Đồng Trọng Tài độc lập được triệu tập tại thủ đô Áo. Họ phán quyết rằng chính quyền Áo phải trả các bức tranh Klimt cho Bà Maria, trị giá tổng cộng lúc ấy là 325 triệu Mỹ kim. Bà bán chúng cho một bảo tàng viện ở New York và tặng phần lớn tài sản kếch xù có được vào cuối đời cho các tổ chức từ thiện. 5 năm sau chiến thắng lịch sử này, Bà Maria qua đời ở tuổi 95. Vụ kiện của Bà Maria được Hollywood đóng thành phim (Woman in Gold, xem: https://youtu.be/h_VMwJDz4HU), chưa kể nhiều bộ phim tài liệu như Stealing Klimt và The Rape of Europa.)

Các điểm có thể rút tỉa từ vụ kiện theo Luật FSIA này gồm có:

(1) Bà Maria không là công dân Mỹ khi các bức tranh Klimt bị Đức Quốc Xã tước đoạt;

(2) lúc ấy Bà Maria cũng không là sở hữu chủ của các bức tranh này mà mãi sau này mới được thừa kế chúng;

(3) việc tước đoạt xảy ra gần 40 năm trước khi Luật FSIA được ban hành;

(4) chính quyền Áo không là thủ phạm tước đoạt mà tiếp nhận các bức tranh này từ chính quyền Đức.

Đây là những điểm mạnh của Luật FSIA; chúng mở rộng cánh cửa tư pháp cho rất nhiều hồ sơ đòi bồi thường của người Mỹ gốc Việt, vượt xa phạm vi của thủ tục trọng tài trong trường hợp của Ông Trịnh Vĩnh Bình.
BPSOS đã ký hợp đồng với một nhóm luật sư chuyên về tranh chấp tài sản quốc tế để thảo đơn kiện chính quyền Việt Nam. Trong số nguyên đơn có một số là cựu giáo dân của Giáo Xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng; cách đây 7 năm, chính quyền Đà Nẵng đã dùng bạo lực để cưỡng đoạt tài sản của họ. Chúng tôi nhắc đến các hồ sơ Cồn Dầu ở đây vì cũng những hồ sơ này sẽ được dùng làm ví dụ khi trình bày các mũi nhọn khác. Điểm này cho thấy là, để tăng triển vọng thành công, một hồ sơ có thể được dùng trong cả 2 hoặc 3 mũi nhọn cùng lúc.

Bên cạnh những điểm mạnh đã nêu, con đường kiện ra toà có một số điểm bất lợi: (1) một vụ kiện có thể kéo dài cả chục năm; (2) tốn kém nhiều; (3) dù thắng kiện thì việc truy thu tiền bồi thường sẽ không đơn giản nếu chính quyền bị thua kiện không hợp tác.

Trong bài sau, chúng tôi sẽ trình bày một số cách để gia giảm những hạn chế này. Chúng tôi cũng sẽ trình bày một vụ kiện thành công nhắm vào 2 công ty quốc doanh của Việt Nam cách đây gần 20 năm mà BPSOS đã dự phần.

31.8.2017