01.11.2017

Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?

Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?



Hội Cờ Đỏ
Hội Cờ Đỏ tụ tập ngày 29/10 tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Bản quyền hình ảnhFACEBOOK VU HAI TRANImage ca
Một cuộc tụ tập rầm rộ với hàng trăm người mang theo hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng đã diễn ra vào chiều tối Chủ Nhật 29/10 tại xã Sơn Hải, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Những người tham dự mặc áo đỏ, trán thắt băng đỏ tuần hành trên đường, rồi kéo tới khu vực đã dựng rạp quy mô lớn, có chăng băng-rôn, biểu ngữ, bên trong có kê sẵn bàn ghế, có đồ ăn thức uống.

Họ mang theo loa phóng thanh và phát các bản nhạc 'đỏ' khá ồn ào.
Giữa tiếng ồn ào huyên náo, một người đàn ông cầm loa phát biểu và gọi một số giáo sỹ địa phương là "quạ đen".
"Từ tháng 4/2016, bọn cha cố quạ đen Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục đã lừa bịp giáo dân, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước," người này nói trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đám đông. "Chúng xuyên tạc nỗ lực khắc phục hậu quả môi trường của Đảng và Nhà nước."
Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Phú yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An từng có các hoạt động phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung.
Linh mục Đặng Hữu Nam
Linh mục Đặng Hữu Nam là một trong các tu sỹ hướng dẫn người dân biểu tình phản đối Formosa gây thảm họa môi trường
Ngư dân của hai xứ này, với sự dẫn dắt của các linh mục địa phương, đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần xuống đường biểu tình chống Formosa.
Sự kiện mà những người này gọi là "ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc" chiều tối hôm Chủ Nhật diễn ra tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Được biết họ kéo đến từ Hà Nội và một số vùng lân cận.
Linh mục Đặng Hữu Nam từ Quỳnh Lưu hôm 30/10 nói với BBC rằng dù không xảy ra bạo lực, nhưng đám đông tụ tập cách nhà thờ Văn Thai chỉ 30m và "có nhiều hành động khiêu khích" khiến người dân trong giáo xứ "rất hoang mang".

Tổ chức tự phát?

Chủ tịch UBND xã Sơn Hải hôm 30/10 cho BBC biết đây là một "tổ chức tự phát" và không xác nhận việc nhóm người tự xưng là Hội Cờ đỏ có được cấp phép để "ra mắt" trên địa bàn xã hay không.
Tuy nhiên, "họ có xin phép," ông Trần Văn Hùng nói.
Hội Cờ Đỏ
Hội Cờ Đỏ diễu hành trên địa bàn xã Sơn Hải ngày 29/10Image captio
Các linh mục bị những người này lớn tiếng chỉ trích thì cho rằng đây là một tổ chức được chính quyền thừa nhận và hậu thuẫn.
Trước đó, UBND xã Sơn Hải hôm 25/10 đã thông báo cho đại diện ban điều hành giáo họ Văn Thai về việc sẽ có hoạt động của Hội Cờ Đỏ ở địa phương.
"Nếu hội này không phải do chính quyền thành lập thì tại sao chính quyền lại phải đi thông báo với chúng tôi?" linh mục Đặng Hữu Nam nói.
"Hơn nữa mấy cuộc tập kết trước đây [của họ] đều tiến hành trong trụ sở của chính quyền."
"Không có tổ chức nào không được sự đồng ý của chính quyền lại vào trong trụ sở của chính quyền để làm việc," linh mục Đặng Hữu Nam nói thêm.

Tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác?

Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cùng ngày bình luận với BBC rằng nếu quả thực nhóm tự xưng là Hội Cờ Đỏ này được chính quyền địa phương cấp phép thì đây là một tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác.
"Tổ chức này nói tôi không chống chính quyền nên được cấp phép, thậm chí không cần xin phép thì sau này các tổ chức khác cũng nói tôi không chống chính quyền, thậm chí còn giúp cho chính quyền làm tốt hơn, thì tổ chức của tôi cũng có thể ra đời," Luật sư Hải nói. "Chẳng hạn như trước đây [đã từng] có tổ chức chống tham nhũng của mấy cụ, trong đó có cụ Hoàng Minh Chính, sau đó bị giải tán."
Luật sư Hải cho rằng nếu tổ chức này được chấp nhận thì giới chức cũng phải công nhận các tổ chức có khuynh hướng khác hoặc tương tự để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
"Không phải tổ chức này thì tạo điều kiện trong khi tổ chức kia thì tìm cách cấm cản, thậm chí bắt bớ," Luật sư Hải nói.
Tuy nhiên, đánh giá về những gì diễn ra, Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng không thể so sánh hoạt động của Hội Cờ Đỏ và hoạt động của các nhà dân chủ trước đây từng bị giải tán hoặc bắt bớ trong các "vụ tụ tập đông người".
"Nếu Hội Cờ Đỏ xin phép và được phép của chính quyền thì điều đó chứng tỏ chính quyền muốn hợp thức hóa hoạt động của hội này," ông nói.
Ông Quang A cho rằng đây là lời cảnh báo nguy hiểm cho xã hội vì chứng tỏ giới chức đang nuôi dưỡng những tổ chức bạo lực.
"Ban đầu là bạo lực "ngôn từ", nhưng nếu được dung túng, nó có thể dẫn đến bạo lực bằng vũ khí."
Ngày Chủ Nhật 29/10 là ngày diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý ở Nghệ An.
Lễ ra mắt của Hội Cờ Đỏ còn có một số thành viên từ Hà Nội và nhiều nơi khác kéo về.
Cùng ngày, Nghệ An cũng đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc tại Quân khu 4.