14.12.2017

Bắt Đinh La Thăng: TBT Trọng phá vỡ tâm lý ‘sợ bị hồi tố’? - VOA

Bắt Đinh La Thăng: TBT Trọng phá vỡ tâm lý ‘sợ bị hồi tố’?

Ông Thăng thời còn quyền lực.

Vụ Tổng bí thư Trọng quyết định cho bắt Đinh La Thăng vào tháng 12/2017 không chỉ là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị độc đảng ở Việt Nam, mà còn bất thần thiết lập một giới hạn mới và xa hơn hẳn về tâm lý học xung đột: hoặc trong tâm thế đã trở nên liều lĩnh và dẫn đến hành động phiêu lưu chính trị, hoặc cảm thấy đủ tự tin, ông Trọng đã tự cho phép mình vượt qua ranh giới tâm lý lo sợ “bị hồi tố” - một khía cạnh tâm lý rất đặc trưng và cũng là đặc thù riêng có nhưng không bao giờ được công bố của giới quan chức Việt Nam.

Ủy viên bộ chính trị không thể bị ‘xộ khám’?
Trước tháng 12/2017, những cuộc “khảo sát bỏ túi” đối với giới phân tích chính trị, quan chức đương nhiệm lẫn hưu trí và người dân vẫn cho thấy xác suất Bộ Chính trị dám bắt Đinh La Thăng hoặc 50/50, hoặc chỉ vào khoảng 20 - 30%, trong khi luồng nhận định về “Thăng thoát” chiếm khá nhiều. Cơ sở chủ yếu của kịch bản “Thăng thoát” là chính thể Việt Nam chưa có tiền lệ về khởi tố và bắt giam đối với một cựu ủy viên bộ chính trị. Cũng bởi khác hẳn với vụ Bộ Chính trị đảng tuyên án tử hình vắng mặt đối với cựu ủy viên bộ chính trị Hoàng Văn Hoan vào năm 1979 - khi ông Hoan và gia đình đào thoát sang Trung Quốc ngay trước khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung, Đinh La Thăng lại được xem là trường hợp quan chức bộ chính trị dính líu sâu vào nạn tham nhũng.
Cũng vào thời gian trước tháng 12/2017, từ vùng tối của chính trường và từ một số địa chỉ mù mờ trên mạng xã hội đã xuất hiện một luồng đánh giá cho rằng nếu Tổng bí thư Trọng cho công an khởi tố và bắt giam Đinh La Thăng như một hành động hồi tố quá khứ quan chức, ông Trọng sẽ tạo tiền lệ truy xét và hồi tố đối với các ủy viên bộ chính trị và với chính ông cùng những người thuộc “phe” của ông, để một khi ông Trọng “nghỉ” thì chính ông có thể sẽ bị lớp quan chức đời sau tiến hành hồi tố và có thể cho “xộ khám” bởi những tì vết nào đó tồn tại trong đời tổng bí thư của ông Trọng.
“Xộ khám” lại là một từ đặc thù Việt Nam học được phổ biến khá rộng trong hậu trường chính trị và đời sống xã hội kể từ năm 2012 - khi bắt đầu nổ ra cuộc chiến “Trọng - Dũng” tại Hội nghị trung ương 6 cùng những hiện tượng từ trang mạng nặc danh Quan Làm Báo đến trang Chân Dung Quyền Lực - cho đến nay.
Từ “xộ khám” đặc biệt đã được sử dụng trên mạng xã hội vào khoảng thời gian “toàn đảng, toàn dân, toàn quân tiến đến đại hội 12” vào những tháng cuối cùng của năm 2015 và đầu năm 2016, vào lúc các hội nghị trung ương mang số 13 và 14 bừng bừng khí thế tranh đoạt giữa hai phe phái trong lúc quần hùng ngơ ngác nháo nhác. Khi đó, một số trang mạng xã hội nặc danh đã đưa ra lời răn đe “không chỉ Nguyễn Tấn Dũng mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng và bất cứ quan chức nào cũng có thể bị xộ khám”. Thậm chí những trang mạng này còn không cần úp mở khi đe dọa một kịch bản “đảo chính” nào đó…
Cuộc tháo chạy tán loạn
Chưa bao giờ giới quan chức tham nhũng và nhóm thân hữu trục lợi chính sách lại bị phủ trùm tâm lý lo sợ bị “xộ khám” như những năm gần đây. Mối nguy hiểm “xộ khám” còn có thể tăng gấp đôi bởi bản chất cuộc chiến “chống tham nhũng” không chỉ thuần túy được hiểu theo ý nghĩa đẹp đẽ của từ này, mà còn mang tính xung đột quyền lực phe phái ngày càng nặng nề, ngày càng tiến đến điểm tới hạn “có ta không có mi”.
Chỉ nửa năm sau đại hội 12 và sau khi Nguyễn Tấn Dũng “không còn nữa”, đã bắt đầu lộ ra cuộc chiến mới của những nhóm quyền lực - lợi ích mới với những nhóm quyền lực - lợi ích cũ nhằm tranh giành và thôn tính “lãnh địa làm ăn”. Vào thời gian đó, “sân sau” đã lần đầu tiên được phổ cập trên mặt báo chí nhà nước như một từ ngữ lột tả cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của từ điển tham nhũng phong phú đến kinh ngạc của Việt Nam. Giới đại gia và quan chức ngân hàng đã trở thành tiêu điểm của chiến dịch bắt bớ. Chưa bao giờ ngân hàng rung chuyển trong hết cơn động đất này đến cơn động đất khác như những năm gần đây.
Từ giữa năm 2016, cùng với chủ trương “chống tham nhũng” cùng chủ thuyết “việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Trọng, cuộc tháo chạy tán loạn của giới quan chức kim tiền dần bắt đầu, để sang năm 2017 đã có những dấu hiệu chạy loạn cao độ, mà cao điểm là hình thức “ra đi tìm đường cứu nước” của những quan chức ngành dầu khí như Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy…
Nhiều quan chức khác thuộc “cánh Nguyễn Tấn Dũng” và cả ông Dũng cũng bị cho rằng sẽ không thể “hạ cánh an toàn”.
Một khi Đinh La Thăng cũng không thoát, bất cứ ủy viên bộ chính trị nào cũng có thể bị “xộ khám” trong tương lai. Chính Tổng bí thư Trọng đã tạo ra tiền lệ ấy.
“Chống tham nhũng giai đoạn 2”
“Chống tham nhũng” được khởi phát từ cá nhân Tổng bí thư Trọng và rõ ràng số phận còn/mất của nó tùy thuộc phần lớn vào cá nhân ông Trọng.
Sau gần hai năm chấp nhiệm chức vụ tổng bí thư nhiệm kỳ 2, và gần 6 năm từ khi ông Trọng ngồi ghế này, cuộc chiến “chống tham nhũng” của ông lại như chỉ mới bắt đầu. Thành tích “chống tham nhũng” của ông Trọng là quá khiêm tốn, quá nhỏ bé và mặc dù ông đã không ít lần dẫn Ủy ban kiểm tra trung ương đảng sang Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình và “học tập kinh nghiệm” của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Vương Kỳ Sơn, có vẻ như Trung Quốc vẫn chê Việt Nam mãi mà vẫn chưa làm được vụ Bạc Hy Lai nào.
Năm 2017. Ngay sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại hô khẩu hiệu “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy”. Ngay sau đó, ông đã được một số văn nhân xưng tụng thành “Sỹ phu Bắc Hà”, “Minh quân”. Và cả “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”. Trước Nguyễn Phú Trọng, chưa có một tổng bí thư nào được tụng ca ngút trời như thế.
Nhưng từ sau phát ngôn xuất thần trên, người ta lại chỉ nhìn thấy một tổng bí thư xuôi xị với “ai đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rửa” và “mở đường cho người ta tiến” - tức khẩu khí “chống tham nhũng” của ông Trọng đã xuống dốc đến mức nhiều người đã cười nhạo “Minh quân”.
Gần đây, nghe nói ông Trọng đã phải nhận một số phê phán và chỉ trích từ giới cách mạng lão thành về “chống tham nhũng nửa vời”. Có thể ông Trọng - người tự xem mình là nhà mác xít – leninnít - đã cảm thấy cay đắng về dư luận ấy.
Có thể sau chuỗi ngày tháng lưỡng lự và bị đè nặng bởi tâm lý lo sợ “bị hồi tố”, ông Trọng đã đi đến một quyết định sinh tử: phải hành động.
Bởi nếu không hành động ngay và hành động sắt đá, đảng của ông Trọng hoàn toàn có nguy cơ tan vỡ bởi “nội loạn”.
Không còn cách nào khác, ông Trọng phải chấp nhận “đập chuột mẻ bình” và tạo ra tiền lệ “ủy viên bộ chính trị cũng bị tống giam”.
Vậy là so với Tập Cận Bình, “độ trễ chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng thụt lùi 4 - 5 năm, dù ông Trọng còn trở thành tổng bí thư từ trước cả họ Tập.
Năm 2012, khi Tập Cận Bình khởi động chiến dịch vừa chống tham nhũng vừa thanh trừng phe phái trong đảng, Ủy viên bộ chính trị, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, “đúng quy trình”, bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân. 5 năm sau đến lượt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng ở Việt Nam.
Nếu không xảy đến một phép màu nào, Đinh La Thăng Việt Nam sẽ biến thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
8 tháng Mười Hai năm 2017 là “ngày của Đinh La Thăng”, và cũng có thể là ngày khởi động chiến dịch được xem là “chống tham nhũng giai đoạn 2” của Tổng bí thư Trọng, nhưng được ông Trọng mô tả bằng hành động quyết liệt sắt đá chứ không phải hô hào nói suông nữa.
Quyết định bắt Đinh La Thăng được Bộ Công an thi hành còn có thể được xem là một thắng lợi lớn của Tổng bí thư Trọng trong Đảng ủy công an trung ương và khiến nâng cấp quyền lực cho ông kể từ ngày ông tham gia tổ chức này vào tháng 10/2016. Với bất kỳ nhân vật đầu não nào, khi và chỉ khi chỉ huy được công an thì mới có thể nói đến chuyện “chống tham nhũng”, “tập quyền” hay hơn thế nữa.