Mỹ muốn kèm điều kiện về tự do tôn giáo khi viện trợ nước ngoài
Đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương trong lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nhà Trắng
Các trợ lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang soạn thảo kế hoạch nhằm ràng buộc viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước với cách họ đối xử với các nhóm tôn giáo thiểu số, tờ Politico dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng cho biết hôm 12/11.
Kế hoạch này dự kiến sẽ bao gồm viện trợ nhân đạo của Mỹ và cũng có thể sẽ được mở rộng để gồm cả viện trợ quân sự. Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, nó có thể có tác động lớn đến viện trợ của Mỹ cho nhiều quốc gia, từ Iraq đến Việt Nam.
Việc chính quyền Mỹ chỉ xem xét kế hoạch này thôi cũng cho thấy Nhà Trắng ưu tiên tự do tôn giáo đến mức nào, một trọng tâm mà những người chỉ trích cho rằng thật sự là nhằm huy động nhóm Cơ Đốc Phúc âm vốn là lực lượng ủng hộ chủ chốt của ông Trump, tờ Politico nhận định.
Nhưng các chuyên gia về viện trợ của Mỹ cảnh báo rằng chọn quốc gia để trừng phạt có thể là một công việc rất khó khăn, không chỉ vì một số nước vốn là đối tác hoặc đồng minh của Mỹ có thành tích tự do tôn giáo tồi tệ.
‘Vẫn đang được soạn thảo’
Hai quan chức Nhà Trắng đã xác nhận với Politico những điểm cơ bản của bản kế hoạch này. Họ nhấn mạnh rằng ý tưởng vẫn đang trong giai đoạn đầu và sắc lệnh hành pháp vẫn đang được soạn thảo. Điều này có nghĩa là câu hỏi về liệu nó có bao gồm viện trợ quân sự hay không vẫn chưa được trả lời. Một quan chức cho rằng áp đặt chế tài cũng đang được cân nhắc như một phương pháp trừng phạt. Vị quan chức còn lại cho biết ý tưởng này một phần dựa trên các điều luật hiện có của Hoa Kỳ nhằm hạn chế viện trợ cho các quốc gia có thành tích tồi tệ trong phúc trình hàng năm của Mỹ về nạn buôn người.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9, Tổng thống Trump đã tỏ dấu hiệu rằng chính quyền của ông sẽ tiếp tục ưu tiên vấn đề tự do tôn giáo.
“Thật khó tin, nhưng 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia nơi tự do tôn giáo đang gặp nguy hiểm trầm trọng hoặc thậm chí hoàn toàn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật,” ông Trump nói. “Người Mỹ sẽ không bao giờ mệt mỏi trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo.”
Trong số các nước bị USCIRF, tức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đánh giá là đàn áp tôn giáo nặng nề nhất, có từ đồng minh như Ả rập Xê-út cho đến kẻ thù của Mỹ như Iran.
Các đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng Chính sách Nội địa, Bộ Ngoại giao và văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence đã tổ chức các cuộc họp lặng lẽ để thảo luận về sắc lệnh hành pháp này nhưng ông Trump vẫn chưa nhìn thấy nó, Politico dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết.
Vai trò của ông Pence có thể là một điểm gây tranh cãi. Ông là tín đồ Kitô giáo cực kỳ bảo thủ và là đầu mối liên lạc chính với thành phần ủng hộ Trump thuộc phái Phúc âm. Và trong khi thông điệp của ông Pence nhìn chung được truyền đạt là sự cần thiết về tự do tôn giáo cho tất cả mọi người - chẳng hạn như ông đã chỉ trích sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người Uighur theo Hồi giáo – những người chỉ trích nói rằng ông Pence tập trung nhiều nhất đến các tín đồ Kitô. Ông Pence cũng đang phải đối mặt sự săm soi về vai trò của ông trong việc chuyển viện trợ cho các nhóm Cơ đốc giáo ở nước ngoài.
Khi được yêu cầu bình luận về thông tin này, thư ký báo chí của ông Pence, Katie Waldman, nói: “Phó Tổng thống luôn tự hào ủng hộ tự do tôn giáo cả trong nước và ngoài nước.”
Một nhà lãnh đạo phái Phúc âm gần gũi với Trump nói với điều kiện giấu tên đã ca ngợi ý tưởng này là điều cần thiết trong thời gian dài.
Sẽ không hiệu quả?
Jeremy Konyndyk, một cựu quan chức viện trợ cao cấp trong chính quyền Obama, được Politico dẫn lời cho rằng tùy thuộc vào mức độ khắt khe mà chính quyền Trump diễn giải khái niệm ‘tự do tôn giáo’, kế hoạch này có thể động đến những lo ngại an ninh quốc gia về bảo vệ một số đồng minh. Chẳng hạn như Ai Cập và Ấn Độ đều có vấn đề về tự do tôn giáo nhưng cả hai đều nhận viện trợ của Mỹ.
Ai Cập, nơi cộng đồng Thiên chúa giáo thiểu số đã phàn nàn về sự phân biệt đối xử của người Hồi giáo chiếm đa số, nhận được xấp xỉ 1,4 tỷ đô la Mỹ tiền viện trợ mỗi năm vì mục đích an ninh. Còn Ấn Độ, nơi căng thẳng giữa người Hồi giáo và người theo Ấn giáo đang gia tăng, đã nhận được hàng chục triệu đô la tiền viện trợ của Mỹ trong những năm gần đây, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy.
Ngoài ra, ‘cũng không có nhiều bằng chứng hoặc kinh nghiệm cho thấy rằng việc đặt điều kiện cho viện trợ thực sự vô cùng hiệu quả trong việc đạt được mục tiêu của nó,’ ông Konyndyk nói thêm. Ông nói rằng ngay cả luật chống buôn người cũng có thành công rất hạn chế trong việc đẩy lùi tệ nạn này.
Một vấn đề nữa là các chính phủ không phải là thực thể duy nhất đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, ông Konyndyk nói thêm. Thường thì xung đột tôn giáo là vấn đề xã hội hoặc văn hóa mà chính phủ có kiểm soát rất hạn chế.
“Một cộng đồng sẽ không ngừng bức hại một cộng đồng khác bởi vì những chỗ khác của đất nước sẽ bị cắt giảm viện trợ,” ông phân tích.
Một khả năng rất có thể xảy ra là bất kỳ sắc lệnh hành pháp nào về việc này cũng sẽ bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống miễn trừ cho quốc gia nào đó với lý do phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Chính quyền Trump nhìn chung không thích việc viện trợ nước ngoài. Ông Trump đã nhiều lần đề nghị cắt giảm đáng kể viện trợ nhưng đã bị Quốc hội chặn lại.
‘Phù hợp nguyện vọng’
Trao đổi với VOA, Đạo hữu Lương Xuân Dương, tín đồ đạo Cao Đài từng là nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam hiện đang sống ở Mỹ, nói ông hoan nghênh động thái này của chính quyền ông Trump.
Ông nói điều này nếu thực sự xảy ra thì nó sẽ ‘phù hợp với nguyện vọng mà tôi đã đề đạt với Tổng thống Trump trong cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc hôm 17/7’.
Trong cuộc gặp này, ông Dương đã nói với ông Trump rằng “Xin Ngài Tổng thống giúp đỡ cho Việt Nam có tự do tôn giáo và nhờ Ngài đưa Việt Nam vào danh sách CPC (quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo) và ông Trump trả lời rằng ‘Tôi hiểu’.”
Ông Dương nói ông không lo ngại những đối tượng được hưởng viện trợ nhân đạo ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách này bởi vì, theo lời ông, viện trợ nước ngoài được chính phủ Việt Nam ‘sử dụng không cho thuần túy mục đích nhân đạo’.
“Tôi ở Việt Nam từng chứng kiến họ chia chác tiền viện trợ cho những người nào phục vụ lợi ích của họ. Họ biến viện trợ nhân đạo đó thành phương tiện củng cố bộ máy quyền lực của họ,” ông Dương nói. Nhà hoạt động vì quyền tự do tôn giáo này cho rằng chính phủ Việt Nam không ngại chuyện mất số tiền viện trợ bằng việc ‘sợ bị mất hình ảnh trong công luận quốc tế’.
“Các quốc gia khác nhìn vào và nói rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, là một quốc gia tệ hại – họ sẽ cân nhắc khi muốn viện trợ cho Việt Nam,” ông giải thích.
Ông đưa ra dẫn chứng về các biện pháp chế tài của Mỹ đã làm cho Hà Nội chùn bước là trong giai đoạn 2004-2005, khi Việt Nam còn trong danh sách CPC, họ ‘rất nhân nhượng với các hoạt động tôn giáo của chúng tôi’.
“Qua năm 2006 khi họ được đưa ra khỏi CPC thì họ lại đàn áp khốc liệt hơn, tinh vi hơn,” ông nói.
Về cáo buộc ‘chống phá nhà nước’ mà chính quyền Việt Nam thường dành cho các nhóm tôn giáo độc lập cổ súy cho tự do tôn giáo, ông Dương nói “Khái niệm xâm phạm an ninh quốc gia là một khái niệm rất mơ hồ.”
“Nhà cầm quyền Việt Nam lập ra các tổ chức tôn giáo quốc doanh để phục vụ lợi ích chính trị của Đảng Cộng sản. Nếu các nhà tu hành chân chính không theo thì bị gán ghép là chống lại nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia,” ông nói.
“Bản thân tôi chưa từng hoạt động cho bất kỳ tổ chức hay đảng phái chính trị nào cả. Tôi chỉ yêu cầu nhà nước tôn trọng quyền tự do hành đạo của nhánh Cao Đài năm 1926,” ông nói thêm và cho biết ông bị bỏ tù 30 tháng vì hoạt động của mình.