Virus corona: Hàng loạt báo VN rút bài viết Thủ tướng Phúc khen cô giáo làm thơ
BBC News Tiếng Việt
Ngày 20/2, báo chí Việt Nam đăng thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ trong phong trào chống Covid-19 của cô giáo Chu Ngọc Thanh. Nhưng chỉ sau vài tiếng, các bài viết trên đều đồng loạt bị gỡ bỏ.
Bài thơ của "Đất nước ở trong tim" của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (Gia Lai) được mạng xã hội, các trang tin chia sẻ rộng rãi. Nội dung bài thơ khen ngợi công tác phòng chống dịch Covid-19 của đảng, nhà nước và cá nhân thủ tướng Việt Nam:
"Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại"
....
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!"
Sau đó, bài thơ được đăng trên báo Thanh Niên.
Ngày 20/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nước này ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cảm ơn đến cô giáo Chu Ngọc Thanh.
Tuy nhiên, các bài viết về việc khen thưởng trên trên báo chí trong nước sau đó bị rút.
Bị tố là "đạo thơ"
Có ý kiến cho rằng, bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh vần điệu có phần giống bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh?" của cô giáo Trần Thị Lam (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) sáng tác năm 2016 và đây chỉ là một bài vè nối chữ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận định: "Bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh lẫn cô Trần Thị Lam về cách thức là một, chỉ dừng lại ở cấp độ ghép lại những câu có vần điệu. Tôi không gọi đó là thơ mà chỉ là dạng thức của thơ".
"Nên khen bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không em" của cô Trần Thị Lam, giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh trong bối cảnh xảy ra thảm họa môi trường Formosa 2016. Bài thơ của cô Lam đã góp phần truyền bá, lan rộng thông điệp về sự việc xã hội trong quần chúng. Còn bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh chỉ là sự tiếp nối, không có sự sáng tạo" - nhà thơ chia sẻ.
Nhưng báo Vietnamnet khi đó đưa tin cho biết, cô Trần Thị Lam sau đó còn đã bị an ninh văn hóa khuyên không nên phát tán bài thơ, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.
Nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ, nói với BBC News Tiếng Việt: "Bài thơ của cô Thanh mới đây thuộc thể loại tụng ca, ca ngợi chế độ nên được ngợi khen; còn bài thơ cô Lam là phê phán tình hình đất nước nên bị phê bình là đúng thôi".
Bị tố là "viết sai sự thật"
Thời gian gần đây, báo chí trong nước đưa tin hàng loạt người dùng Facebook bị phạt tiền vì tung tin giả về dịch Covid-19.
Những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng hay Cát Phượng cũng chịu phạt về hành vi lan truyền tin tức giả. Trong bối cảnh đó, bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh có những chi tiết sai nhưng lại được khen tặng, theo các ý kiến trên mạng xã hội.
Ví dụ ông Dương Quốc Chính, một Facebooker viết cho rằng đoạn văn đi kèm bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh có nhiều chi tiết "bịa ra", như việc các nước từ chối đón du thuyền MS Westerdam còn chính phủ Việt Nam lại cho cập cảng - tàu này chưa hề qua Việt Nam.
Bên cạnh đó, với đoạn văn mà cô Thanh ghi: "Trong lúc nhân dân các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ biểu tình, không cho người dân của nước họ từ vùng dịch trở về thì Chính phủ ta lại tuyên bố một câu đơn giản "sẵn sàng đón bà con về nước", ông Quốc Chính phân tích rằng, đây cũng là chi tiết sai sự thật.
Nhà thơ Hồng Minh thì bình luận với BBC News Tiếng Việt: "Bài thơ được thủ tướng khen tặng có hiệu ứng mạnh, thực hiện sứ mệnh quảng bá của thơ ca là điều tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề thông tin sai sự thật:
"Với con tàu đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ."
Theo nhà thơ, chi tiết này sai nghiêm trọng: "Thực tế Thủ tướng Hun Sen của Campuchia là người đón du thuyền MS Westerdam chứ không phải Việt Nam. Vì vậy, quyết định khen tặng bài thơ này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng không chính xác, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia".
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Hồng Minh cho hay: "Ở Việt Nam có những tư duy bị lỗi nhưng trở thành hệ thống. Soi chiếu việc các nghệ sĩ như Ngô Thanh Vân bị phạt vì đưa tin sai sự thật là đúng, thì bài thơ của cô giáo Thanh cũng nên có sự xử lý thích hợp".
'Lỗi là ở thủ tướng'?
Theo nhà báo Ngọc Vinh, nguyên Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, làm thơ có sai sót là điều bình thường: "Điều bất thường là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đem bài thơ sai đi khen. Lỗi nằm Thủ tướng Chính phủ, không phải của người làm thơ".
"Tôi thấy việc khen tặng của Thủ tướng cho một bài thơ là mất bình tĩnh, thiếu suy xét và thiếu tỉnh táo. Việc khen tặng nên để cơ quan chức năng, cô giáo làm thơ hay thì để Bộ GD&ĐT khen. Thủ tướng nên tập trung vào việc điều hành đất nước hơn là chú tâm việc nhỏ nhặt" - ông Ngọc Vinh phân tích thêm.
Còn nhà thơ Hồng Minh thì bình luận rằng: "Đến lúc cần coi lại những quyết định khen tặng long trọng, để việc khen tặng tầm chính phủ, quốc gia có giá trị hơn, chứ không dễ dãi như vậy". Theo ông, việc các báo rút bài viết là điều tích cực, thể hiện việc đánh giá lại một tác phẩm chưa đúng tầm, đúng mức.
Bên cạnh đó, nhà báo Ngọc Vinh nói rằng, động thái rút bài thể hiện báo chí Việt Nam vẫn là công cụ:
"Các báo thấy công văn thủ tướng khen là đăng mà không thẩm định bài thơ của cô giáo Chu Ngọc Thanh có yếu tố đạo thơ hay không. Theo tôi biết, các báo tự đăng chứ không phải theo chỉ đạo. Vì thế, khi thấy bị hớ, bị dư luận phê bình và có sự chỉ đạo từ cấp trên thì đồng loạt rút bài"- ông Vinh nói.
Ông Ngọc Vinh cũng cho rằng, các báo đã thiếu sòng phẳng với độc giả trong việc rút bài: "Nếu rạch ròi và có văn hóa, báo chí cần rõ ràng với độc giả trước khi rút bài, như một kiểu đính chính" - ông nói với BBC News Tiếng Việt.