Một phần ba hàng xóm người Duy Ngô Nhĩ mất tích
Thuc Tri Pham
Beg không bao giờ quay lại trại cải tạo nữa. Tháng 2/2018, bà đi dạy ở trường tiểu học cũ, nhưng đến ngày 16/04/2018, Beg cùng với 11 đồng nghiệp Duy Ngô Nhĩ khác bị buộc ký giấy về hưu tuy chưa đến tuổi quy định.
Thất nghiệp, sức khỏe yếu, bà làm đơn xin lại passport (ở Tân Cương, công an tịch thu mọi hộ chiếu) để đi thăm con gái lấy chồng tại châu Âu, nhưng bị cấm xuất cảnh vào phút chót. Hai hôm sau đám cưới, bà bị công an thẩm vấn suốt năm ngày. Họ nói con gái bà tham gia những cuộc biểu tình, Beg cãi lại thì công an cho xem Facebook của cô, cho thấy cô con gái đã xem một video bị cấm. Họ đòi con gái bà phải khai báo các thông tin cá nhân. Bị sách nhiễu, cô đành gởi các tài liệu mà họ đòi hỏi.
Trong số 600 cư dân người Duy Ngô Nhĩ tại khu nhà của Qelbinur Sidik Beg, có đến 190 người biến mất trong vòng hai năm. Tại tầng một rồi tầng hai, những người nhập cư Trung Quốc dọn đến ở các căn hộ bỏ trống.
Năm 2019, nhờ các mối quan hệ, bà được phép rời Trung Quốc để đi chữa bệnh, nhưng phải đến trình diện 23 cơ quan khác nhau, ở mỗi nơi đều phải làm cam kết sẽ trở về sau một tháng (tuy có visa ba tháng), nếu không lương hưu sẽ bị cắt. Chồng bà cũng có visa sang châu Âu, nhưng bị buộc ở lại cho đến khi bà quay về.
Đến châu Âu vào tháng 10/2019, chính quyền Trung Quốc không ngớt quấy nhiễu, bà khai là vẫn còn phải nằm viện. Rồi đại dịch lan đến, Qelbinur Sidik Beg không thể trở về Tân Cương. Rốt cuộc bà quyết định xin tị nạn, và đấu tranh cho dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc và kể cả chồng bà vẫn chưa biết điều này.