07.01.2023

Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ thảo luận ủng hộ liên minh an ninh trong bối cảnh các mối lo ngại với Trung Quốc- Aldgra Fredly- Thanh Nhã biên dịch

 Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ thảo luận ủng hộ liên minh an ninh trong bối cảnh các mối lo ngại với Trung Quốc

Aldgra Fredly- Thanh Nhã biên dịch

Hôm 06/01, chính phủ Nhật Bản cho biết Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của họ về việc tăng cường liên minh an ninh giữa hai nước trước các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada và Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi sẽ gặp những người đồng cấp Hoa Kỳ, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken, tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 11/01.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (06/01) rằng họ sẽ thảo luận về những thách thức an ninh dựa trên các tài liệu chiến lược quốc gia tương ứng và định hướng hợp tác quốc phòng của họ để đạt được một “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”

Hôm 05/01, Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài Chuẩn Tướng Pat Ryder nói với các phóng viên rằng cuộc thảo luận này sẽ tập trung vào việc hiện đại hóa liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản nhằm “giải quyết các thách thức của thế kỷ 21 ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên toàn thế giới.”

Ông Ryder nói: “Trọng điểm sẽ là việc xem xét các vấn đề mà chúng tôi có thể hợp tác chặt chẽ, như mọi khi, với việc Nhật Bản sẽ hiện đại hóa liên minh khi cân nhắc đến tình hình an ninh khu vực vì điều này có liên quan đến Trung Quốc, đồng thời điều này cũng liên quan đến việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác khác trong khu vực.”

Ông nói thêm: “Trọng tâm của chúng tôi là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng như Nhật Bản để bảo đảm rằng các quốc gia có thể đi lại trong những vùng biển này, bay trên những không phận này, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

Những cuộc đàm phán an ninh cấp bộ trưởng này sẽ được tổ chức trước một cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 13/01.

Hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm các chương trình hỏa tiễn đạn đạo bất hợp pháp của Bắc Hàn, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, và tình hình căng thẳng mà Trung Quốc gây ra cho Đài Loan.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm 03/01 rằng, “Những nhà lãnh đạo này sẽ tán dương sức mạnh chưa từng có của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản đồng thời sẽ định hướng cho mối quan hệ đối tác của họ trong năm tới.”

Chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản

Nhật Bản tìm cách đạt được năng lực phản công khi nước này đối phó với các thách thức đối với an ninh khu vực từ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga. Hồi tháng trước, chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn ba tài liệu quốc phòng quan trọng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia, trong đó đề cập đến chính phủ Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” của Nhật Bản.

Hành động này được nhiều người xem là khác biệt so với Hiến Pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, vốn không thừa nhận chiến tranh hoặc việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng ông Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ duy trì chính sách chỉ tập trung vào phòng thủ của nước này, trong đó nêu rõ rằng lực lượng phòng thủ chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp bị tấn công.

Nhật Bản cũng tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của nước này lên 6.8 ngàn tỷ yên (khoảng 51 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023, tăng 26.3% so với 5.4 ngàn tỷ yên (khoảng 40.6 tỷ USD) hồi năm ngoái.

Ngân sách quốc phòng này bao gồm các khoản chi tiêu cho việc cải tiến và chế tạo hàng loạt hỏa tiễn dẫn đường đất đối hạm của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, một loại vũ khí được cho là một yếu tố then chốt trong năng lực phản công của Nhật Bản.

Để tài trợ việc chi tiêu của quân đội Nhật Bản, chính phủ đã sắp xếp thi hành tăng thuế doanh nghiệp, thuế thuốc lá, và thuế thu nhập nhưng chưa quyết định khi nào thì biện pháp này sẽ có hiệu lực.

Mối đe dọa từ ĐCSTQ

Nhật Bản lo ngại về điểm yếu của mình trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự của họ gần Đài Loan và Biển Hoa Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Đài Loan.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, đến Hồng Kông vào ngày 07/07/2017. (Ảnh: Keith Tsuji/Getty Images)
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, đến Hồng Kông vào ngày 07/07/2017. (Ảnh: Keith Tsuji/Getty Images)

Hôm 02/01, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong hai tuần qua, họ đã cho các chiến đấu cơ cất cánh, điều động phi cơ và chiến hạm nhằm theo dõi hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của ĐCSTQ và năm chiến hạm vốn đang tiến hành các cuộc diễn tập hải quân và các hoạt động bay ở Thái Bình Dương.

Nhật Bản đã giám sát những hoạt động nói trên sau khi hôm 16/12/2022, nhóm hải quân Trung Quốc, bao gồm các tàu khu trục hỏa tiễn, đã đi xuyên qua vùng biển giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyakojima để từ biển Hoa Đông tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Trước khi quay trở lại theo lộ trình như cũ hôm 01/01, hàng không mẫu hạm Trung Quốc đã thực hiện hơn 300 lần cất cánh và hạ cánh cho các phi cơ cánh cố định và trực thăng. Nhật Bản đã không báo cáo bất kỳ sự xâm nhập nào vào lãnh hải hoặc không phận của họ.

Nhật Bản cũng cho hay họ đã phát hiện các chuyến bay của một phi cơ không người lái WZ-7 Trung Quốc gần Miyakojima vào hôm Chủ Nhật (01/01) và một lần nữa hôm thứ Hai (02/01), đây là lần đầu tiên họ đã phát hiện ra phi cơ không người lái tầm cao trong khu vực này.