23.05.2023

9 điểm đồng thuận trong thông cáo của G7, làm rõ lập trường đối với Trung Quốc -Theo Epoch Times

 9 điểm đồng thuận trong thông cáo của G7, làm rõ lập trường đối với Trung Quốc

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy nước (G7) đã ra “Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh G7”. Về cách các quốc gia giao thiệp với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ), G7 đã gửi một thông điệp thống nhất từ ​​9 khía cạnh, bao gồm chống lại sự ép buộc kinh tế, giảm thiểu rủi ro kinh tế đối với Trung Quốc, vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông. Cùng ngày Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết phản đối mạnh mẽ tuyên bố chung này.

Trong thông cáo chung, G7 cũng đồng thanh yêu cầu Bắc Kinh hối thúc Nga rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện. Các nhà lãnh đạo G7 cũng lưu ý rằng mặc dù các quốc gia thành viên hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, nhưng thái độ chung đối với Trung Quốc đã củng cố quan hệ giữa các quốc gia thành viên. Thông cáo tuyên bố rằng G7 cần “loại bỏ rủi ro” đối với ĐCSTQ, nhưng không tách rời.
Giao thiệp với ĐCSTQ như thế nào, G7 đạt được thống nhất trong 9 phương diện:
1. Phản bác tuyên truyền của ĐCSTQ
Trong thông cáo, G7 đã cố gắng phản bác lại tuyên truyền của ĐCSTQ rằng G7 đang cố gắng ngăn cản sự phát triển của Trung Quốc. G7 cho biết: “Cách tiếp cận chính sách của chúng tôi không phải vì để gây hại cho Trung Quốc, cũng không phải để cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc”.
G7 kêu gọi Trung Quốc làm việc theo quy tắc quốc tế. Thông cáo viết: “Một Trung Quốc hành động phù hợp với các quy tắc quốc tế và liên tục phát triển sẽ phù hợp với lợi cho toàn cầu”.
Hãng tin AP cho rằng câu này ám chỉ rằng Bắc Kinh đang phá hoại “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thông cáo cũng nhấn mạnh sự đồng thuận rằng các nỗ lực của G7 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất, đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận ổn định các khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác có ý nghĩa chiến lược, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tách khỏi Trung Quốc.
G7 nói: “Chúng tôi nhận ra rằng (để đạt được) khả năng phục hồi kinh tế đòi hỏi phải loại bỏ rủi ro và đa dạng hóa (chuỗi cung ứng). Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp một cách cá nhân và tập thể, để đầu tư vào sức sống kinh tế của chính mình, để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức (đối với ĐCSTQ) trong các chuỗi cung ứng quan trọng.”
2. Đáp lại cạnh tranh không lành mạnh của ĐCSTQ
G7 sẽ nỗ lực ứng phó với các chính sách và hành vi phi thị trường của ĐCSTQ làm méo mó nền kinh tế toàn cầu.
Thông cáo cho biết: “Chúng tôi sẽ chống lại hành vi ác ý, chẳng hạn như chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc vi phạm dữ liệu. Chúng tôi sẽ xây dựng khả năng chống lại sự ép buộc kinh tế. Chúng tôi cũng nhận ra trong tình huống không hạn chế quá mức thương mại và đầu tư, cần thiết phải bảo vệ một số công nghệ tiên tiến mà có thể bị dùng để đe dọa đến an ninh quốc gia của chúng tôi.”
3. Phản đối ĐCSTQ thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông
G7 vẫn “quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, phản đối mạnh mẽ bất kỳ “nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc”. Thông cáo cũng tuyên bố rằng các yêu sách hàng hải mở rộng của ĐCSTQ ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, “chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực”.
4. Đảm bảo hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan
Về vấn đề Đài Loan, G7 tái khẳng định rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Lập trường cơ bản của các thành viên G7 về vấn đề Đài Loan không thay đổi, bao gồm cả “chính sách một Trung Quốc” đã nêu.
G7 kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề xuyên eo biển.
5. G7 quan ngại về nhân quyền ở Trung Quốc
G7 cũng đưa ra tiếng nói nhất quán về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Thông cáo chung cho biết, G7 sẽ tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả ở Tây Tạng và Tân Cương. Tại đó, lao động cưỡng bức là mối quan tâm chính của G7.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc (ĐCSTQ) tôn trọng các cam kết của mình trong Tuyên bố chung Trung – Anh và Luật cơ bản của Hồng Kông, thể hiện các quyền, tự do và mức độ tự trị cao của Hồng Kông,” thông cáo viết.
6. Thúc giục ĐCSTQ hành động phù hợp với các công ước quốc tế
G7 kêu gọi Trung Quốc hành động phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao và Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự, “không thực hiện các hành vi nhằm phá hoại sự an toàn và an ninh của các cộng đồng của chúng tôi, sự toàn vẹn của các thể chế dân chủ, và sự thịnh vượng kinh tế của chúng tôi.”
7. Kêu gọi ĐCSTQ gây áp lực buộc Nga ngừng cuộc xâm lược
Thông cáo kêu gọi Trung Quốc hối thúc Nga ngừng hành động xâm lược quân sự và “rút quân ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện khỏi Ukraine”.
“Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc ủng hộ một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm cả thông qua đối thoại trực tiếp với Ukraine,” thông cáo viết.
8. Không loại trừ hợp tác, nhưng các nước sẽ bảo vệ lợi ích của mình
G7 không loại trừ sự hợp tác với ĐCSTQ trong các lĩnh vực có lợi ích chung. Thông cáo cho biết, họ sẵn sàng thiết lập mối quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” với Trung Quốc, G7 nhận thức được “tầm quan trọng của việc tiếp xúc một cách thẳng thắn thành khẩn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của G7 với Trung Quốc”. Nhưng G7 sẽ hành động từ góc độ lợi ích quốc gia của chính mình.
9. Bảo vệ khí hậu và tài nguyên thiên nhiên
Thông cáo kêu gọi ĐCSTQ hợp tác với G7 trong các lĩnh vực như giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, trong khuôn khổ các thỏa thuận Paris và Côn Minh-Montreal, bao gồm giải quyết tính bền vững của nợ và nhu cầu tài chính của các quốc gia dễ bị tổn thương, sức khỏe toàn cầu và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 ban đầu được cho là sẽ phát hành vào ngày 21/5, tức ngày cuối cùng của hội nghị, nhưng không rõ vì lý do gì, thông cáo đã được phát hành sớm hơn một ngày.
Trong khi đó, liên quan đến các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, đa vũ trụ (metaverse) và điện toán lượng tử, các nhà lãnh đạo cho biết: “Việc quản trị nền kinh tế kỹ thuật số cần tiếp tục được cập nhật theo các giá trị dân chủ chung của chúng ta.”
Thông cáo G7 nhấn mạnh sự đoàn kết
ĐCSTQ gần đây đã tăng cường tương tác ngoại giao với châu Âu, cố gắng gây bất hòa giữa Mỹ và châu Âu, điều này đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các nước phương Tây và các nhà quan sát quốc tế. Các nhà lãnh đạo G7 đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại đó. Câu đầu tiên của thông cáo G7 nhấn mạnh sự đoàn kết chưa từng có giữa các quốc gia thành viên.
Thông cáo nói: “Chúng tôi đoàn kết nhất trí hơn bao giờ hết, quyết tâm nghênh đón những thách thức toàn cầu trong thời điểm hiện tại và định hướng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Công việc của chúng tôi bắt nguồn từ sự tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các quan hệ đối tác quốc tế.”
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, nói với tờ Nikkei rằng thông cáo chung “đề cập và giải quyết các vấn đề mà G7 chưa từng có trước đây.”
Nikkei cho biết, hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima có thể được ghi nhớ với chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thái độ chung của G7 đối với Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trước đó vào thứ Bảy (ngày 20/5), cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên: “Thông cáo chung sẽ chỉ ra rằng mặc dù mỗi quốc gia có mối quan hệ và cách tiếp cận riêng với Trung Quốc, nhưng xét về hàng loạt yếu tố chung, chúng tôi đoàn kết nhất trí và giữ vững nhất trí.”
Ông Sullivan cho biết, kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, sau hai năm rưỡi đàm phán giữa các quốc gia thành viên, “xu hướng chung” của các chính sách của G7 đã mang lại kết quả như trên.
Ông cũng nói rằng “đó không phải vấn đề biếm họa về chính sách một chiều. Đó là một chính sách phức tạp đa chiều cho một mối quan hệ phức tạp với một quốc gia thực sự quan trọng.”
Nikkei cho biết, mặc dù còn tồn tại những tình huống phức tạp, nhưng thông cáo dường như chỉ ra rằng G7 đang nỗ lực để hình thành một cách tiếp cận thống nhất đối với Trung Quốc.
Thông cáo chung của G7 đã làm dấy lên sự bất mãn của ĐCSTQ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/5 cho biết, Trung Quốc cực lực phản đối tuyên bố chung do G7 đưa ra ở Hiroshima và đã gửi công hàm nghiêm khắc tới Nhật Bản, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho biết, G7 đã phớt lờ những lo ngại của Trung Quốc, công kích Trung Quốc và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bao gồm cả vấn đề Đài Loan.

Theo Epoch Times