MÙA GIÁNG SINH
LẠI TRỞ VỀ
Lật bật lại đến ngày Giáng
Sinh và Tết Dương Lịch.
Ở đây Âu Châu cũng như nước
Đức nói chung, Tiểu Bang Bayern, thành phố Munich nơi chúng tôi cư ngụ nói
riêng, so với các Tiểu Bang khác thì ở đây mỗi năm có nhiều ngày nghỉ Lễ hơn,
không kể số ngày dành nghỉ hè của các trường học. Về thời gian nghỉ hè giữa các
Tiểu Bang thì không giống nhau, lý do nếu thu xếp cùng một thời gian thì..…
triệu triệu chiếc xe sẽ ứ đọng ngoài xa lộ ( dân Đức nổi tiếng là một trong số
những dân thích đi nghỉ hè ở Âu châu).
Từ đầu năm, nào là Tết Dương
Lịch, Lễ Ba Vua, mùa Hóa Trang, Phục Sinh, Lao Động, Chúa sống lại, Các Thánh,
Đức Mẹ về trời, Quốc Khánh, Tiết Thanh Minh ( 1.11.) rồi lại …Giáng Sinh….v.v..và
..v..v..
Sơ sơ ngần ấy là có đến 8 tới
10 ngày nghỉ Lễ cộng thêm 25 tới 30 ngày ( tùy từng hãng) cho nhân viên nghỉ
phép thường niên, vậy mà nhất nhất ngày Lễ nào dân bản xứ cũng ăn, cũng uống
tưng bừng, chưa nói đến cứ vào chiều thứ sáu mỗi tuần lại Hurra! …Hai ngày cuối
tuần ..lại nghỉ!
Mùa Giáng Sinh cũng không
ngoại lệ chút nào mà còn là Lễ lớn trong năm, bắt đầu từ 20 tháng 12 trở đi kéo
dài cho đến qua tết Dương Lịch ở đây còn ăn, còn uống, còn yến tiệc nhiều hơn
nữa.
Nào là hãng xưởng sau một năm
dài làm việc… phải liên hoan với nhân viên, nào là bạn bè lấy cớ hết năm …Tây
cũng đãi nhau, nào là những gia đình con cái lớn đã ra riêng và đi làm, xa hay
gần cũng mặc, mấy ngày này cũng ăn …mừng cả nhà đoàn tụ.
Ngoài ra, một cây thông chưng
trong nhà với đầy ắp quà cáp, hoa đèn dây kim tuyến muôn màu, không biết nơi các
bạn ở: Mỹ - Úc – Canada..v..v.. có gì
đặc biệt trong ngày Giáng Sinh? Nếu có thể, xin các bạn vui lòng kể cho chúng
tôi được biết.
Xứ Đức ở đây nói riêng, đến mùa Giáng Sinh hầu
hết nhà nào cũng ghé tiệm để mua về.. nhiều thì một thùng độ 5 ký, còn ít cũng
gọi là 2 ký tròm trèm bánh Nürnberger Lebkuchen nổi tiếng sản xuất ở thành phố
Nürnberg, đương nhiên bánh này chỉ bán trong mùa Giáng sinh đến cuối năm là
chấm dứt. Bánh rất ngon bởi làm bằng nào
là bơ, đường, trứng, mật ong, quế, hồi, mứt chanh, cam, hạt dẻ , tất cả được xay
mịn và sau cùng bên ngoài phủ kín hoặc dừa hoặc Chocolat đắng hay dịu, trắng
hay nâu. Cắn vào một miếng….cảm thấy bánh mềm, ngọt dịu tan thơm trong miệng
ngay!
Thành phố này cũng được đa số
người trên thế giới biết đến nếu các bạn đã từng xem phim “ Vụ án Nürnberg “.
Phim đã dàn dựng lại cảnh tòa án Quốc Tế xử tội Hitler, những chứng nhân cũng
là nạn nhân đã may mắn sống sót và tài tử người Đức lừng danh Maximillian
Schell trong vai người Luật sư biện hộ đã diễn xuất thật xuất thần, phần thưởng
ông mang về lúc đó là một giải Oscar.
Trở lại mùa Giáng Sinh, ngoài
loại bánh kể trên hầu như mọi nhà đều biết và tự làm những chiếc bánh nho nhỏ
gọi là Plätzchen, gồm nhiều thứ và nhiều loại, nhiều tên: loại bánh bơ, loại
phết mứt dâu, loại chuyên mùi quế, loại chỉ toàn là dừa, loại hạt dẻ với Chocolat
phủ đầy, loại chỉ toàn Mazipan..v..v..và v..v...
Lý do chính mà ai cũng làm
được là các loại bánh này dễ làm, chỉ phải mất rất nhiều thời gian và công sức.
Những chiếc bánh bé tí vừa bằng một hay hai ngón tay mà phải nhồi bột, ép
khuôn, nướng xong đem ra còn phết mứt hay phủ Chocolat hoặc đường màu…, hoàn
thành xong một hai ký là đã qua nửa ngày. Vào tiệm bánh mua thử một ký loại
ngon số 1 thì phải trả từ 30€ đến 40€ ( tương đương khoảng 50US Mỹ ..!).
Còn loại thường ( rất tệ) thì
cũng đã 15€ một ký, ăn vào chỉ mùi …đường, bột và mỡ trừu.
Bởi mắc như vậy mà suốt hai
tuần dài ăn một hai ký thì thật.. “ đau răng! ”, chưa kể lại còn làm quà cho
bạn bè, hàng xóm, gia đình …cho nên những vật dụng cần thiết để hoàn thành các
thứ bánh này khi vào siêu thị bạn sẽ thấy ai cũng chở ..thùng Carton chứ không
đựng vài ba túi Nylon lẻ tẻ.
Bánh trái được làm xong thông
thường trước ngày 6 tháng 12, ngày này được gọi là ngày Ông Già Noel đi khắp
nơi phát quà. Ông xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẹp: từ trường học, tư gia, hãng
xưởng, tiệm buôn, quán xá. Có ông mặc đúng điệu với râu nón, áo đỏ, ủng đen,
đeo trên lưng đầy những bánh trái hay
quà gói sẳn, cũng có ông Noel …nghèo do sinh viên hay học sinh đi làm
kiếm thêm chút tiền đi học nên bộ vó.. ở trên thì đúng điệu nhưng ..dưới thì
mặc quần Jean! Có ông thay vì đôi ủng đen thì mang .. đại đôi giày Bata, có ông
còn bị đám nhỏ nhìn ra lại là…Ba của mình hóa trang! Có ông còn bị nhận diện vì
hóa trang không kỹ nên thay vì gọi là ông già Noel thì nhân viên trong hãng gọi
ngay là Peter hay Maier rất vui. Vài năm gần đây còn có những “ hình nộm ” các ông
già Noel leo balcon, leo tường, lưng cũng đầy ắp quà. Người ta cười và cho rằng
đây là mấy ông già Noel thăm những người ở trên cao mà nhà không có thang máy…
Món thứ nữa trong mùa Giáng
Sinh cũng không thể thiếu sót khi dọn lên bàn là loại bánh Stollen, tôi không
rõ xuất xứ từ nước nào nhưng đặc biệt từ nước Áo sản xuất là được xem như là…
thượng hảo hạng. Bánh cũng làm bằng bột, bơ, đường, đặc biệt là cho vào đó ít
rượu Rhum trộn lẫn mứt cam, chanh, nho khô, mật ong quấn lại thon dài như Buche
Noel bên Pháp rồi mang nướng vàng, chờ
nguội rắc đường bột phủ trắng xóa. Khi ăn cắt lát mỏng, để bên cạnh một ly
càphê Espresso hay Cappuccino sản xuất chính gốc từ Ý tà lồ …là ngon hết biết
luôn.
Chưa hết! Cứ bước vào nhà ai
lúc này hay đang rảo bộ ngoài phố xem ngắm không khí của mấy ngày này thì mùi
rượu vang nóng Glühwein bay thơm ngào ngạt. Loại rượu “ chát đỏ ” này chỉ uống nóng, khi nấu cho thêm vào cam
tươi và quế, dĩ nhiên cũng chỉ uống trong mùa Giáng Sinh mà thôi.
Thế nhưng…Lebkuchen,
Plätzchen, Stollen hay Glühwein chỉ là những món ăn, uống …chơi dành khi khách
khứa tới thăm, bạn bè tạt ngang tặng quà nhâm nhi đôi ba phút hoặc giờ càphê
bánh ngọt như dân Ăng Lê vào lúc xế uống trà, nếu bạn ghé nhà ai trong “ mùa
Giáng sinh ” thì cũng thấy dọn mời như nhau ( giống bên nhà dọn mứt món vào ba
ngày Tết).
Bây giờ mời bạn thưởng thức
những món.. ăn thiệt.
Cũng từ Giáng Sinh trở đi, dân
Đức ăn mừng hết ngỗng quay, ngan quay, gà tây đút lò, những ( chị !) vịt mập ú
ù cũng quay tuốt luốt ( bởi ngày thường
họ đã ăn biết bao là bò, heo...quay). Các
( chị ) ngỗng, ngan, gà tây hay
vịt mua về làm lại thật sạch, lấy bộ đồ lòng ra nếu là đông lạnh, còn tươi thì
lá gan bự chảng kia sẽ được xay mịn cho vào gia vị với mỡ heo, ít rượu nấu rồi
mang đi hấp làm món Paté Gan ăn với bánh mì. Còn “ phần thịt ” thì lại được nhét
đầy một bụng nào là táo tươi, vỏ quít, nho khô, quế, hồi, củ hành nho nhỏ như
hành hương bên nhà.. Nêm nếm gia vị xong đâu vào đấy thì may kín lại, cuối cùng
mang mật ong ra phết đều ngoài lớp da óng ả kia xong là đưa vào lò nướng….
Khách được mời đến dự hay bữa
ăn gia đình đoàn tụ thường còn có món trứng cá nổi tiếng của xứ Nga ( Kaviar)
bỏ lên trên những khoanh cá Lachs quấn tròn như một nụ hoa hồng và trải chút ít
thìa là kèm trong tay là ly Champagne đang sủi tăm xem như khai vị, nhâm nhi
tán gẫu cho đến dọn lên món nóng, đây là món Knödel, món này có hai loại khác
nhau: một là dùng bánh mì đã cũ cắt mỏng nhồi chung với trứng và sữa tươi cho
tí hành lá tiêu muối, vò viên to bằng nắm tay mang đi luộc, hai là khoai tây đã
chín xay mịn cũng nhồi với sữa, bột mì, vò viên và đặc biệt là cho vào giữa
những viên khoai này một ít ba chỉ chiên vàng ngậy. Sau khi luộc chín xong thì rắc tí hành lá
cho đẹp, kèm theo đó là một dĩa bắp sú màu tím đã làm chua sẵn trong lọ hay
trong hộp, mang ra nấu nóng với tí quế bột, cộng thêm trên bàn có sẵn chén sốt
nóng hổi, mọi người chỉ chờ câu nói chúc ăn ngon là cho sốt vào dĩa….thưởng thức:
đó là món ngỗng quay ăn với Knödel và bắp sú tím chua. Phải nói là ..tuyệt!
Chưa kể còn có món Fondue kéo dài thời
gian đấu hót và nhất là những anh tôm hùm to, nướng xong ăn chung với salát,
bánh mì phết bơ muối với hành lá cũng được nướng dòn tan!
Có một lần gặp nhau chung
trong bữa tiệc, một bạn đồng hương đã hỏi tôi: rồi cơm của mình bao giờ mới dọn
lên? Câu hỏi thật khó trả lời vì cơm của mình sẽ không hạp và không đúng điệu
trong những món ăn tây phương!
Ăn, ăn và .. ăn uống mãi từ
Giáng Sinh đến hết Tết Dương Lịch…
Ê hề, ngày nào cũng ăn cũng
uống, cũng cụng Champagne hay Bier ( quảng cáo luôn Bier ở xứ Bayern này có tới
6 hay 7 hãng lớn, hãng nào cũng nổi tiếng và có từ 800 đến 900 năm nay, nối
tiếp nhau từ đời ông cố đến ông nội đến ông cha rồi sang đời con đời cháu đời
chắt…..Đến đây mà không uống thử những loại Bier ở đây cũng là một thiếu sót
lớn lao. Chưa kể mỗi năm còn có một lễ hội ( uống ) Bier lớn nhất thế giới,
Oktoberfest: lễ tháng Mười, bắt đầu từ tuần lễ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, các
hãng Bier mang ra một loại ngon, mạnh và rất đặc biệt đựng trong những cái ly
một lít đã thu hút nhiều người trong vòng hơn hai tuần lễ hội! Năm nào thống kê
cũng cho biết trên dưới 6 triệu du khách khắp nơi và dân bản xứ ghé thăm.
Rồi qua năm mới, soi mình lại
trong gương….hết hồn! Hối hả chạy ra phố tìm mua vài bộ quần áo mới ..nhích hơn
bộ cũ vài ba phân …rộng, chép miệng thở than …năm cũ đã ăn quá sức là nhiều!
Nhưng.. trở lại chuyện Giáng
Sinh, nói gì thì nói cái ăn cái uống chỉ là chuyện bên lề. Cái mà nhà nhà hăm
hở mua, vác về, lớn bé đều muốn ghé mắt nhìn xem người gói đã có nhớ ghi tên
mình lên chưa? Cái mà được đặt để ngay trong phòng khách hay một nơi ai nấy đều
nhìn thấy. Chưa nói thì các bạn đã biết ngay là cây Giáng Sinh rồi phải không?
Tôi ở Đàlạt, xứ thông đầy dẫy
nên mỗi mùa Giáng Sinh về là thật nhiều kỷ niệm. Khi sang ở nơi này mới thấy
thêm là ở đó không khác với xứ tây phương này bao nhiêu.
Mùa Giáng Sinh đến, không khí
thật lạnh, nhiệt độ xuống khoảng 1 độ dương, mặt nước trên hồ Xuân Hương có khi
đóng một lớp băng nhẹ mỏng, mờ mờ, ảo ảo thật là đẹp, người người khăn áo, găng
tay, giày ấm đầy đủ vậy mà khi ra đường vẫn phải xuýt xoa, thú vị nhất cho
những ai ghiền thuốc lá thì gật gù sau khi rít vào một hơi dài …tấm tắc khen
không nơi nào hút thuốc ngon và thấm như nơi đây!
Lại đi xa quá rồi, quay trở
lại cây Giáng Sinh ở Đàlạt. Chúng tôi cũng chuẩn bị hai tuần trước đó một cây
thông nhỏ, quà cũng gói xong bày đầy bên gốc, gia đình công giáo còn có máng cỏ và Chúa Hài Đồng, đầy trên
cành là những dây kim tuyến, trái pha lê màu sắc rực rỡ, người có đạo hay không
cũng đi nhà thờ đến khuya trở về mới
thưởng thức gà quay, bánh mì, salat. Tôi còn nhớ lúc đó chỉ thưởng thức rượu
dâu ngọt và nhẹ, chưa có năm nào say mèm như ở đây.
Giáng Sinh ở Đàlạt chỉ khác
nơi này là không hề thấy cảnh tuyết rơi phủ đầy trắng xóa lối đi, người người
quần áo mùa đông thật ấm tràn ra đường, nhưng đến khuya tan lễ là quay về đoàn
tụ với gia đình chứ không ồn ào như chúng tôi xưa kia.
Tôi vẫn nằm mơ nhiều lần được
về Đàlạt rong chơi khắp nơi trong mùa Giáng Sinh, thấy mình lên sân Cù, xuống
hồ Than Thở, đến Thác Cam Ly…cứ lên núi xuống đèo mà không hề mỏi mệt. Đâu đâu
cũng thấy hàng thông đứng rũ trơ mình ngóng gió. Tôi nhìn thấy những người
thân, bạn bè quen thuộc thấp thoáng dưới tàng cây, mặt áp mặt, tay trong tay,
hàng thông kia mãi mãi và muôn đời là chứng nhân trung thành dễ thương cho
những cặp tình nhân đã và đang yêu nhau.
Nhìn đây,những trái thông già tí
tách rơi rụng, phủ đầy bên gốc, ta cứ tìm cứ nhặt mang về những trái gai nở đầy
như những ánh sao phết lên một lớp sơn không màu bóng bẩy, bây giờ bạn cứ treo
lên những thân nhánh nhỏ của cành thông, trải đầy dưới gốc, hình ảnh tuyệt đẹp
này cứ làm cho ta muốn ngắm mãi không thôi.
Cây thông cũng có nhiều bài
hát mà bài quen thuộc ai cũng ngâm nga :
Mời các bạn với dân Đức cùng
hát bài O Tannenbaum…
O
Tannenbaum, O Tannenbaum
Wie
treu sind deine Blätter!
……………………………
với dân Mỹ hay Ăng lê: O Christmas tree
O Christmas tree, O Christmas
tree
How loyal are your leaves!
……………………..
Hay
anh Phú Lang Sa: Mon beau sapin
Mon
beau sapin. Roi des forêts
Que j ´aime ta verdure!
…………………………
Xem ra ai ai cũng hát được và
hát thông thuộc bài hát này khi mùa Giáng Sinh trở về.
Tiếng thông reo vi vút , tiếng
nhạc tự nhiên của không gian vô hình quyện lại , âm thanh của làn gió nhẹ hay
có khi như một.. cơn bão đang tới: lúc nào âm thanh này cũng xao xuyến hồn tôi!
Thông, bạn hiểu mình hơn ai cả khi đi lang thang một mình trong rừng vắng. Gốc
“ bạn già ” cũng là nơi nghỉ ngơi khi ta
muốn tạm dừng chân. Thông reo vui rộn ràng khi người bạn đồng hành bên ta là
người mà ta yêu thương nhất trên đời. Thông cũng là niềm vui khi đám trẻ con
xúm xít nô đùa cười giỡn chạy nhảy tới lui…
Ôi! Hàng thông thân yêu, trãi
qua một thời gian dài có hơn một phần tư thế kỷ sống tha hương, tôi vẫn hình
dung mồn một cuộc sống thời thơ ấu, từ lúc sinh ra rồi lớn lên ở thành phố đó.
Lắm lúc tôi có cảm giác như là hàng thông già này càng lúc càng bám chặc trong
bộ não của tôi!
Hình như thoáng phớt nhẹ như
một bóng dáng đẹp vụt tới vụt đi.
Hình như cứ song song bên tôi
trong mọi cử chỉ và hành động thường ngày.
Hình như cứ theo sau lưng tôi
như một cái bóng … bóng đổ dài xuống mặt đường .. đổ dài.. đổ dài…và tan dần
khi nắng quái biến mất bên kia đồi núi.
Ôi! Thành phố thân thương của
tôi.
Ôi! Hàng thông muôn đời của
tôi.
Lòng cứ muốn níu kéo lại những
gì đã đi qua, nhưng tiếc là …đã đi qua lâu lắm rồi. Không có hề gì, người ta
vẫn nói là sống với kỷ niệm cũng là một niềm vui.
…………………………
Bánh trái ê hề, những chai
rượu vang đỏ, trắng đã nằm sẵn ở đây, chờ người cầm đến ..khui ra..cụng ly và
chúc tụng.
Con ngỗng đã được quay chín
vàng, óng ả, thơm phức lan tỏa khắp phòng ăn, còn có hương vị của quế, vỏ quít
và hoa hồi.
Nhạc Giáng Sinh thánh thót đâu
đây, nhìn ra ngoài cửa sổ bông tuyết đã bắt đầu rơi nhè nhẹ, từng đụn tuyết
trắng như ánh sao đã bám nhanh vào khung kính trong veo. Còn tôi? Hình như mắt
mình lại ươn ướt?
Đêm Giáng Sinh nơi xứ người,
cây thông đã được phủ kín nào là hàng nến đỏ, ánh sáng lan tỏa rộng hết cả một
góc phòng, ấm áp và thân tình làm sao. …
Mời bạn cùng nâng ly với tôi,
hãy lắng nghe tiếng trò chuyện rôm rả của những người thân trong gia đình, các
con của tôi đang tươi cười kể lại suốt một năm …chuyện đường xa.
Đời sống ở đây quả là êm ấm,
đầy đủ và nhiều hơn cái mình đã nghĩ và mơ ước. Tôi đã cầu xin mỗi lần trong
đêm Giáng Sinh ..cầu cho tất cả con người sống trên thế gian này không còn lo
âu, đói khổ và một mơ ước nhỏ nhoi sau cùng là ngày nào đó tôi sẽ về đứng cạnh
hàng thông xưa ( mặc kệ lúc đó tôi thật già và cây thông cũng đã cằn cỗi! ) để
nghe hàng thông lại tỉ tê, giận hờn, kể lể những ngày dài tôi đã bỏ ra đi.
Minh Trang
Munich - Germany
Viết để nhớ những mùa Giáng Sinh đã đi
qua.